Chuyện buồn của đám con sen & thằng ở

Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - ...Bao giờ thì ở cái nước Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc của chúng ta sẽ có Trung Tâm Hướng Dẫn Luật Pháp (Legal Education Center) và Mạng Lưới Người Nội Trợ (Domestic Worker Network) để bảo vệ quyền lợi của những người giúp việc nhà trong, cũng như ngoài nước - để họ “phải đi xin ăn từng bữa nơi đất khách”? Khi nào thì giới ô sin Việt Nam được quyền đòi hỏi nhận tiền lương tối thiểu, ngày nghỉ cuối tuần, và những ngày nghỉ lễ được về thăm nhà - như đồng nghiệp của họ ở bên Cambodia?... 

*

"Những đứa bé trai và gái bưng thức ăn cho khách vẫn là những đứa bé đã được mô tả trong tiểu thuyết Nam Cao hay Trương Tửu cách đây năm sáu thập niên, còm cõi, nhọc nhằn, cơ cực, chỉ biết cúi đầu vâng dạ và sống quen với lo âu, sợ hãi..." - Bùi Bích Hà.

Qua đến mùa mưa thứ hai ở Cambodia thì tôi đủ tự tín để nghĩ rằng: chỉ cần vài ba trăm đô la là mình có thể sống “ung dung” cả tháng ở cái xứ sở (dễ thương) này. 

Ăn sáng rẻ rề hà. Cà phê pha vợt thêm một cái bánh tiêu hay bánh quẩy chỉ 60 xu, nếu tính theo Mỹ Kim bản vị. Cháo lòng và hủ tíu thì mắc hơn chút xíu, giá cả “dao động” từ 80 xu đến 90 xu thôi. 

Cơm trưa hoặc chiều [canh chua cá (đủ loại) canh khổ qua nhồi thịt, giá xào đậu hũ, sườn ram, cá lóc nướng (cỡ cườm tay), trứng chiên, thịt heo kho tầu, mắm chưng, bò xào khóm...] đồng gía 4.000 riel, tương đương với một dollar. Thêm phần cơm trắng một quarter nữa là xong một bữa. 

Nhớ thử canh chua nấu theo kiểu Khmer nha, mấy cha. Bất cứ loại cá, hay loại rau nào mà lọt vô tay người dân xứ này là họ đều bỏ vô nồi canh chua tuốt luốt. Bởi vậy, thực khách có thể thưởng thức mười bốn tô canh chua liên tiếp trong một tuần, với mùi vị hoàn toàn khác nhau, và tô nào cũng ngon hết biết luôn. 

Chỉ có điều phải phàn nàn là khứa cá thường nhỏ xíu, và mỏng tanh hà, nhứt là cá lóc. Nói là mỏng như tờ giấy thì hơi quá đáng nhưng nói khác đi thì thiệt tình là tôi không biết nói làm sao cho đúng. Nhưng nói tóm lại thì chỉ cần một đồng rưỡi, và đừng bày đặt bia bốc hay rượu chè gì ráo, là sẽ được một bữa ăn bảo đảm là no bụng tuy hơi đạm bạc. 

Muốn cho tươm tất và bảnh bao thì phải ra khỏi những con hẻm nhỏ (“hắt hiu vàng ánh điện câu”) ở ngoại ô Phnom Penh, rồi giả dạng làm du khách, hiên ngang kêu Taxi ra trung tâm thủ đô cho nó ngon lành. 

Trên đại lộ Shihanouk có Ngon Restaurant. Không phải món nào ở đây cũng “ngon” nhưng phần lớn đều ăn được. Thử kêu một ơ cá rô kho tiêu với một tô cơm trắng coi, chắc chắn là sẽ quên đường về luôn - nhứt là khi mình (lại) chưa biết là sẽ về đâu. 

Còn muốn đổi không khí cho nó có vẻ Tây chút xíu thì ghé quán Cái Muỗm (The Spoon Restaurant) nằm trên Tchecoslovaquie Blvd. Thực khách chỗ này, ngó bộ, đều hơi snobbish. Nghe nói phần lớn họ đều là giới chức hành chánh hay quân sự cao cấp của xứ Chùa Tháp. Cả hai loại người này tôi đều rất ghét (vì cái hối lộ hay thói tham nhũng vô độ của họ) nên ghét luôn... cái quán, dù các em tiếp viên nam/nữ đều rất dễ thương và nước mắm (để ăn với cơm gà Hải Nam) ở đây ngon tuyệt. 

Có bữa, tôi và cả đám cộng tác viên - tân cũng như cựu - của RFA (ở Nam Vang) được ông Mặc Lâm mời ăn trưa tại Khmer Surin Restaurant, trên đường 57. Tiệm ăn nhiều tầng, có luôn khách sạn, rất sạch sẽ, rất đẹp đẽ và giá cả - tất nhiên - không nhân nhượng xíu nào ráo trọi. Bù lại là thức ăn không dở, với khung cảnh thiên nhiên và tình tứ. 

Từ trái: Quốc Việt, Danh Hồng, Mặc Lâm. Ảnh: Sơn Trung

Tui uống rất tiết độ, nếu uống một mình. Còn khi được “mời” (nghĩa là uống free) thì khác. Tôi uống tì tì. Đang săm soi tìm rượu, tính kiếm một chai gì đó thiệt mắc cho có cha đứt ruột chơi thì chợt nghe tiếng đám đông lào xào trong quán.

Tôi ngẩng nhìn và thấy hàng trăm thực khách, phần lớn đều là phụ nữ, mặc đồng phục, có in đậm ba chữ ILO (International Labour Organization) đang xếp hàng đi qua trước mặt. 

- Ủa, chuyện gì vậy cà?

Sơn Trung, thổ công của Phom Penh, đáp liền:

- Ồ, bữa nay là ngày hội của “domestic worker” mà anh. Hội của những người giúp việc. Chắc họ họp ở tầng trên bây giờ xuống ăn trưa đó.

- Trời, ô sin mà cũng họp hành ở khách sạn nữa sao? Em nói thiệt không vậy?

- Dạ, thiệt chớ. Đây là Phnom Penh, chớ đâu phải Sài Gòn hay Hà Nội.

Những người giúp việc nhà ở Phnom Penh 
đang dùng cơm trưa tại Khmer Surin Restaurant. Ảnh: Quốc Việt. 

Tôi bán tin bán nghi cho đến khi đọc được bản tin (“Domestic Workers Push for Protections”) của ký giả Pech Sotheary trên The Phnom Penh Post:

“Những Người Giúp Việc Nội Trợ Thúc Đẩy Việc Bảo Vệ Quyền Lợi”

Ngày hôm qua, bốn mươi tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đã kêu gọi Chính phủ Căm Bốt phê chuẩn Hiệp định năm 2011 về NNGVNT của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của NNGVNT Căm Bốt, cả ở bên trong lẫn bên ngoài đất nước.

Bức thư, trong đó nói rõ NNGVNT của Vương quốc hiện nay không được luật pháp bảo vệ, đã được các nhóm đấu tranh cho nhân quyền đồng ký tên, như “Licadho”, “Trung tâm hướng dẫn luật pháp Căm Bốt”, “Mạng lưới NNGVNT Căm Bốt” (CDWN), cùng nhiều nhóm khác.

Theo Hiệp định của ILO, NNGVNT phải được hưởng những điều kiện sống và làm việc xứng đáng, có ngày nghỉ, có quyền thương lượng tập thể và “được bảo vệ chống lại mọi hình thức hành hạ, sách nhiễu và bạo lực.

Phó Giám đốc CDWN, bà Yem Sothy cho biết, 240000 NNGVNT trong nước và nhiều nghìn người ở nước ngoài sẽ được hưởng lợi nhờ sự tham gia của Căm Bốt vào Hiệp định. “Nếu có được sự đồng thuận, những công nhân này sẽ được trả lương đúng mức... và được hưởng những ngày lễ để họ về thăm nhà”, bà nói.

Hai Somaly, 20 tuổi, quê ở Kandal, đã đến Phnom Penh làm người giúp việc, khi cô mới chỉ có mười tuổi. Theo cô, những người giúp việc phải đứng ở một địa vị thấp kém trong xã hội Căm Bốt, và thường bị bóc lột.

“Tôi muốn luật pháp bảo vệ chúng tôi và tôi cũng muốn được hưởng mức lương tối thiểu như những công nhân ngành khác”.

(“Domestic Workers Push for Protections, The Phnom Penh Post, 11 Dec. 2014. Trans. Bùi Xuân Bách”).

Cái thứ con sen và thằng ở (ở) Việt Nam mà cũng ăn nói kiểu đó thì có mà bỏ mẹ, hay ... bỏ mạng. Tất cả có bao giờ dám nói năng gì đâu mà vẫn cứ bị roi vọt đều đều:

- VnExpress: “Sau khi bị tra tấn bằng kìm, chọc que sắt nóng vào vùng kín đến ngất xỉu, một nữ nhân viên nhà hàng đặc sản thú rừng Thanh Loan (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) đã bị vứt ra đường.”

- Tiền Phong: “Nguyễn Thị Bình quê ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) được mẹ đưa ra Hà Nội làm tại quán phở của ông Chu Minh Đức và vợ là Trịnh Hạnh Phương ... từ năm em 10 tuổi.

Suốt hơn 10 năm qua, Bình phải làm việc quần quật suốt từ 3 giờ sáng đến tận đêm khuya. Sau khi làm xong việc trong nhà, em phải ra quán phở xách nước, thu dọn bát đũa, chuyên chở nước dùng, bánh phở, đưa thịt đi thái, quét dọn... nhưng vẫn bị hành hạ, đối xử như một nô lệ.

Theo lời Bình kể, em bị đánh thường xuyên, lúc thì do làm mất lòng chủ, lúc thì do sơ suất để vỡ một cái bát hoặc làm đổ nước ra nhà. Ông, bà chủ dùng dây điện thắt nút quất liên tiếp vào mặt, lưng; dùng kìm kẹp vào mạng sườn; bắt em quỳ ngoài sân giữa đêm khuya, trời lạnh nhiều tiếng đồng hồ...”

Trong khi Nguyễn Thị Bình bị hành hạ ở Việt Nam thì “đồng nghiệp” của cô cũng đồng loạt bị ngược đãi ở xứ người - theo tin tức được phổ biến bởi Ban Điều Hợp VNSN (Những Cuộc Đời Bất Hạnh) vào hôm 15 tháng 5 năm 2015: 

1. Lấy Chồng Nước Ngoài: 1 Phụ Nữ Việt Nam Chết sau một ngày làm dâu

2. Lời cầu cứu của nô lệ xứ người!

3. Tiếng kêu than của công nhân Xuất Khẩu Lao Động 

4. Nạn Buôn Người Ở Việt Nam 2 - Nữ công nhân Việt xuất khẩu qua Malaysia 

5. Nạn Buôn Người Ở Việt Nam 1 - Những Nữ công nhân Việt Ở Jordan Bị Bóc Lột

6. Nạn Buôn Người Ở Việt Nam 3 - Nữ Osin Việt Nam ở Malaysia bị bóc lột

7. Tệ Nạn Buôn Bán Phụ Nữ và Trẻ Em tại Việt Nam

Ngoài ra, trên tạp chí Bốn Phương (phát hành tại Đài Loan) người ta đọc được một lá thư - song ngữ, Việt/Hoa - của linh mục Nguyễn Văn Hùng, kêu gọi giúp đỡ cho một nam công nhân vừa bị tai nạn. Xin chỉ ghi lại nguyên văn (phần tiếng Việt) để rộng đường dư luận: 

“Kính thưa anh chị em công nhân, cô dâu Việt Nam tại Đài Loan! 

Tôi xin quý anh chị em công nhân và cô dâu người Việt hãy rộng tay giúp đỡ cho trường hợp của chị Dương Thị Toàn.” 

“Sau khi người thân của anh Hùng, chồng chị Toàn, liên lạc với Văn Phòng nhờ giúp đỡ, Văn phòng đã cho nhân viên xã hội lên bệnh viện thăm anh Hùng. Nếu anh Hùng không phải trả một số tiền khổng lồ cho môi giới Việt Nam, thì có lẽ anh đã không phải trốn ra ngoài để đi làm kiếm tiền trả nợ mà đã về đoàn tụ với vợ con gia đình. Vì số tiền môi giới quá lớn đã trói chặt anh vào số phận lao động nô lệ, biến anh thành nạn nhân của tệ nạn bóc lôt và buôn bán con người.” 

“Chính phủ Việt Nam vẫn làm ngơ trước những hành vi bóc lột công nhân qua số tiền môi giới phải trả trước khi rời Việt Nam! Bao lâu chính phủ Việt Nam chưa có luật pháp chế tài đối với các trung tâm môi giới hút máu người qua việc thu tiền lệ phí quá cao thì những trường hợp thương tâm như anh Hùng vẫn còn xảy ra hàng ngày.” 

Mười năm sau, “Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục làm ngơ,” cứ y như chưa bao giờ có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra - theo tường thuật của ký giả Anh Tuấn, báo Lao Động, số ra ngày 18 tháng 4 năm 2015: 

“Hơn tháng qua, hai lao động do chi nhánh Cty CP Việt Hà - Hà Tĩnh (VIHATICO, ngõ Anh Sơn, đường Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đưa đi làm việc tại Qatar đang sống vật vờ do không được bố trí việc làm, phải đi xin ăn từng bữa nơi đất khách.” 

Những Người Giúp Việc Nhà biểu dương lực lượng trước Bộ Lao Động, 
ở thủ đô Phnom Penh. Ảnh: Sen David. Nguồn: The Phnom Penh Post

Bao giờ thì ở cái nước Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc của chúng ta sẽ có Trung Tâm Hướng Dẫn Luật Pháp (Legal Education Center) và Mạng Lưới Người Nội Trợ (Domestic Worker Network) để bảo vệ quyền lợi của những người giúp việc nhà trong, cũng như ngoài nước - để họ “phải đi xin ăn từng bữa nơi đất khách”? 

Khi nào thì giới ô sin Việt Nam được quyền đòi hỏi nhận tiền lương tối thiểu, ngày nghỉ cuối tuần, và những ngày nghỉ lễ được về thăm nhà - như đồng nghiệp của họ ở bên Cambodia? 

02.07.2015

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.