Christian Fuhrer - Muối cho đời

Christian Fuhrer * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Lời người dịch: Mục sư Christian Fuhrer là người đã làm sụp đổ Bức tường Berlin. Những lễ cầu nguyện cho hòa bình do ông tổ chức vào mỗi ngày thứ Hai trong suốt bảy năm tại nhà thờ đã gieo mầm và nuôi dưỡng thành công cuộc cách mạng ôn hòa ở Đức vào năm 1989. Sau đây là bài phỏng vấn ông do nhà báo Mỹ Deborah Potter thực hiện nhân dịp 20 năm ngày Bức tường sụp đổ.

*

Ở Đông Đức, nhà thờ cung cấp không gian tự do duy nhất cho các nhóm-những người muốn thảo luận những vấn đề cấm kỵ như từ chối phục vụ trong quân đội, giáo dục quân sự. Tất cả những gì không thể nào được thảo luận công khai có thể được thảo luận ở trong nhà thờ, và như thế nhà thờ nơi mọi người được tự do là biểu tượng cho không gian vật thể và tinh thần duy nhất ở Đông Đức.

Ở đây tại Nhà thờ Thánh Nikolai ở Leipzig chúng tôi đã cầu nguyện cho hòa bình kể từ 1981 và vào mỗi ngày thứ Hai kể từ 1982. Lễ cầu nguyện cho hòa bình là một sự kiện rất đặc biệt ở Đông Đức. Số lượng người thường đến cầu nguyện cho hòa bình dưới mái nhà thờ ngày càng tăng lên - những người trẻ, những người theo đạo hay không theo đạo, và sau này những người muốn rời Đông Đức cũng tới dự lễ cầu nguyện với chúng tôi và tìm đến nơi đây để được che chở. Nhà thờ, cụ thể Nhà thờ Nikolai, đã trở thành nơi rất đặc biệt, mà chúng tôi có thể diễn tả như thế này: nhà thờ cuối cùng đứng về phía Thiên Chúa, về phía Chúa Giêsu. Nói cách khác, nhà thờ đứng về phía những người bị áp bức chứ không đứng về phía những kẻ áp bức.

Cảm nhận đặc biệt chúng tôi có ở đây là mọi người tiếp nhận lời giảng của Chúa Giêsu, đặc biệt lời giảng trong Bài Giảng Trên Núi. Chúng tôi cảm nhận một cách rất đặc biệt rằng tất cả những lời giảng viết ra ở đây đều đúng. Nếu ai không tin thì không ở lại. Các "đồng chí" không tin nên họ không ở lại. "Không phải nhờ thế lực, cũng chẳng phải nhờ sức mạnh, nhưng nhờ thần khí của ta." Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường." "Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp." Chúng tôi cảm nhận lời giảng của Chúa như thế - nhà thờ là nơi người ta đến để tìm sự che chở và là nơi tạo ra sự thay đổi. Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu, không nhắc đến thiên đường và cứu chuộc, nhưng là thực phẩm hằng ngày trong thực tại tuyệt vọng về chính trị.

Cảm nhận đặc biệt chúng tôi có trong suốt bao nhiêu năm trời cầu nguyện cho hòa bình và rồi trong thời gian ấy số lượng người không theo đạo đến nhà thờ càng ngày càng tăng lên rất nhiều, mà quả thật là tuyệt vời, là họ đã tiếp nhận lời giảng của Chúa Giêsu. Họ lớn lên dưới hai chế độ độc tài liên tiếp. Họ lớn lên với Đức Quốc Xã tuyên truyền về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủng tộc thượng đẳng, sẵn sàng gây chiến tranh, và thay thế Chúa bằng Tạo hóa như Hitler hay thích nói. Họ cũng lớn lên với cộng sản tuyên truyền đấu tranh giai cấp và phỉ báng nhà thờ như nói Chúa Giêsu không bao giờ có thật, tất cả đều phi lý và toàn là những cổ tích, huyền thoại, và bài giảng của chúng tôi về bất bạo động là lý tưởng nguy hiểm; điều quan trọng là chính trị, tiền bạc, quân đội, kinh tế, truyền thông. Còn mọi thứ khác thảy đều vô nghĩa. Người dân lớn lên với tất cả những điều này nên bị tẩy não suốt trong bao nhiêu năm trời. Cho nên việc họ tiếp nhận lời của Chúa Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi, mà họ tổng kết trong ba từ - bất bạo động - và việc họ không những nghĩ và nói về điều này, mà còn thực hành bất bạo động trước sau như một trên đường phố là sự kiện rất đáng kinh ngạc, sự kiện chưa từng có trong lịch sử Đức.

Nếu sự kiện nào từ xưa đến nay đáng gọi là "phép lạ" thì chính là sự kiện này: một cuộc cách mạng thành công, cách mạng diễn ra từ nhà thờ, bất bạo động hoàn toàn từ đầu đến cuối, không một cửa sổ bị vỡ, không một ai bị đánh, không một ai bị sát hại - một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Đức. Một cuộc cách mạng ôn hòa, cách mạng xuất phát từ nhà thờ. Đáng kinh ngạc là Thiên Chúa đã giúp chúng tôi thực hiện thành công cuộc cách mạng này. Sau tất cả những bạo lực nước Đức đã gây ra cho thế giới trong hai cuộc thế chiến trong thế kỷ qua, đặc biệt bạo lực chống lại dân tộc mà từ đấy Chúa Giêsu ra đời, một bạo lực kinh hoàng, bây giờ đến kết quả tuyệt vời này, sự kiện độc đáo, tích cực trong lịch sử Đức. Cho nên chúng tôi rất hạnh phúc là nhà thờ đã có thể đóng trọn vai trò này và góp phần tạo ra cuộc cách mạng ôn hòa này.

Đối với chúng tôi điều quan trọng nhất là sức mạnh của lời cầu nguyện, mà đến hôm nay vẫn còn giá trị. Chúng tôi không cầu nguyện trước đất trời hay trước bức tường, mà trước Thiên Chúa hằng sống. Chúng tôi đã không cầu nguyện cho bức tường sụp đổ. Lời cầu nguyện của chúng tôi bao quát hơn nhiều: chúng tôi cầu nguyện cho hòa bình, công lý, và gìn giữ thế giới của chúng ta. Trong lời cầu nguyện của mình chúng tôi nói về những nhu cầu rất cụ thể, và Thiên Chúa đã ban phúc cho những lời cầu nguyện ấy theo cách không ai có thể tiên đoán được. Chúng tôi tiếp tục đi, từng bước một. Phong trào càng ngày càng lớn mạnh hơn, rồi cuối cùng lời cầu nguyện đã cứu chúng tôi khỏi đắm chìm trong sợ hãi và ban cho chúng tôi sức mạnh để đối mặt với lực lượng trấn áp bên ngoài. Nói cách khác, nhờ kết hợp với sức mạnh chúng tôi nhận được từ đức tin của mình, càng ngày càng có nhiều cuộc biểu tình xuất phát từ nhà thờ và tràn ra ngoài đường phố. Sợ hãi rất mạnh, nhưng đức tin của chúng tôi còn mạnh hơn sợ hãi, và lời cầu nguyện đã cho chúng tôi sức mạnh để hành động. Điều ấy hôm nay vẫn còn đúng.

Điều khích lệ tôi là lời dạy của Chúa Giêsu "Chính anh em là muối cho đời," mà nghĩa là ta phải can dự vào đời; ta không thể ở trong nhà thờ. Ta phải can dự vào thời thế; muối phải được đắp vào vết thương, vào nơi hỗn loạn, vào nơi đau khổ. Đó là nơi ta phải đến. Tư tưởng can dự vào chính trị là tư tưởng Chúa Giêsu đã nói đến trong dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân hậu. Một người nọ bị đánh đập nhừ tử rồi bị bỏ mặc bên đường, bọn đánh ông đã bỏ đi. Bấy giờ có hai người từ trong đền thờ đi ra đến gần ông. Họ nhìn đi nơi khác rồi bỏ đi. Chúa Giêsu dạy hai người này đều có tội, không phải vì họ không làm gì, họ không đánh người ấy, nhưng họ không giúp người ấy. Nếu chúng tôi cứ bỏ mặc xã hội này và không can dự vào, chúng tôi hoàn toàn có tội như hai kẻ kia, như Chúa Giêsu đã dạy trong dụ ngôn đó, tức những kẻ nhìn đi nơi khác và không muốn nghe về cuộc đời bên ngoài. Ta phải can dự vào, vì ta là muối cho đời.

Dietrich Bonhoeffer (1) đã khiến tôi thật sự ấn tượng với quan niệm của ông về cách đưa sứ điệp Thiên Chúa đến những người vô thần, người không theo đạo sao cho dễ hiểu. Tôi lần đầu tiên học được cách nói này từ Chúa Giêsu - ngôn ngữ đơn giản. Chúa Giêsu không nói ngôn ngữ của nhà thờ, mà nói ngôn ngữ của dân chúng. Người nói về hạt cải, người gieo giống, người làm công trong vườn nho, những người ở không đang đứng ngoài chợ chờ có ai mướn. Tất cả những từ ngữ này mọi người đều hiểu, rồi Người đưa lời giảng về tình yêu của Thiên Chúa vào ngôn ngữ rõ ràng này. Bonhoeffer còn nói rằng chúng ta nên dùng ngôn ngữ của Chúa Giêsu sao cho ai ai cũng có thể hiểu cho dù họ không sinh ra trong gia đình có đạo hay trong gia đình đã nhiều đời theo đạo. Quan niệm ấy rất hay.

Ngoài ra, còn có những tấm gương khiến tôi rất cảm phục, những người thật sự áp dụng trực tiếp Bài Giảng Trên Núi. Những tín hữu Thiên Chúa phải lấy làm thẹn rằng người đầu tiên áp dụng thành công là người không theo đạo Thiên Chúa mà là người theo đạo Hindu: Mahatma Gandhi. Theo rất đúng tinh thần của Bài Giảng Trên Núi, Gandhi đã đấu tranh bất bạo động và giải phóng nhân dân ông ra khỏi ách đô hộ của thực dân Anh, nhưng như Chúa Giêsu, ông đã hy sinh đời mình vì sự nghiệp này. Ông bị ám sát vào năm 1948. Tạ ơn Chúa, người thứ hai là tín hữu Thiên Chúa: Martin Luther King. Ông đã chuẩn bị và thực hiện tư tưởng bất bạo động, phản kháng ôn hòa, một cách tuyệt vời. Hoàn cảnh thời ấy rất căng thẳng, và chuyện hôm nay một người Mỹ da đen có thể trở thành tổng thống Mỹ còn đẹp hơn cả giấc mơ của Martin Luther King. Rồi đến lượt chúng tôi áp dụng những lời dạy trong Bài Giảng Trên Núi tại đây ở Leipzig. Nhưng ta không thể quên nhắc đến Nelson Mandela và Giám mục Desmond Tutu. Chúng tôi luôn luôn ấn tượng tốt về họ. Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi đã cùng đồng hành với họ để thực hiện di sản của Chúa Giêsu.

Công an luôn luôn rất hung bạo, đặc biệt vào ngày 7 tháng Mười khi họ đánh đập hàng trăm người. Bằng bạo lực này họ muốn ngăn cản mọi người tập trung tại đây, tại đây bên trong nhà thờ và trên quảng trường. Họ dần dần gia tăng mức độ bạo lực, nhưng chỉ đạt được những điều ngược lại với sự mong đợi của họ. Đặc biệt vào ngày 9 tháng Mười họ tạo ra một tình huống có thể xảy ra mà đáng sợ đến nỗi họ tưởng dân chúng sẽ không dám xuất hiện ở đây (2). Trái lại, càng nhiều người đến. Như tôi nhắc đến ở trên, ở nhà thờ mọi người học để biến sợ hãi thành can đảm, để vượt qua sợ hãi và để hy vọng, và để có sức mạnh. Điều này rất quan trọng, và trong những năm ấy và đặc biệt trong suốt thời gian đáng sợ này, mọi người đã vượt qua sợ hãi.

Họ không mang theo con cái, vì người ta sợ cho sinh mạng của mình. Con cái ở nhà. Họ đến nhà thờ và rồi bắt đầu xuống đường, và vì họ không làm bất kỳ điều gì bạo động, công an không được phép hành động. "Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi thứ, chỉ trừ nến và lời cầu nguyện," (3) chính quyền nói. Nếu nhóm đầu tiên tấn công công an, công an sẽ biết rất rõ họ phải làm gì. Ta thấy trên truyền hình mỗi tối cảnh công an và quân đội phản ứng như thế nào với những người biểu tình. Điều đó đã không xảy ra, cho nên các sĩ quan và tướng gọi Berlin hỏi họ nên làm gì, nhưng họ không nhận được bất kỳ chỉ thị nào. Như thế phong trào mà không gây ra bất kỳ bạo động nào, như người ta đã được học ở nhà thờ, bắt đầu lan rộng, rồi đến lúc điều sau đây đã trở nên rõ ràng ở Đông Đức: đây là khởi đầu cho sự sụp đổ của Đông Đức.

Đông Đức không thể nào tồn tại vì nhân dân đạt được điều họ muốn. Những buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình được tổ chức trên khắp cả nước. Khi dân chúng thấy hình ảnh từ Leipzig vào ngày 9 tháng Mười, họ bắt đầu biểu tình ở khắp mọi nơi khác. Đám đông xuống đường càng ngày càng đông hơn, và rồi Honecker nộp đơn từ chức, và vào ngày 18 tháng Mười Bộ Chính trị từ chức. Vào ngày 9 tháng Mười một, vào ngày rất quan trọng này, bức tường đã sụp đổ từ phía Đông.

Đây là những kinh nghiệm ta không học ở trường đại học, và tôi muốn tổng kết những kinh nghiệm này như sau: nhà thờ Nikolai mở cửa cho tất cả mọi người. Nhà thờ mở cửa cho tất cả dân chúng, bất luận họ theo đạo hay không. Điều kế tiếp là ngai vàng và bàn thờ không thuộc về nhau. Đó là một sai lầm rất lớn nhà thờ đã phạm phải trong suốt thế kỷ qua. Không, đường phố và bàn thờ thuộc về nhau, như Chúa Giêsu không trốn trong đền thờ, mà hòa mình vào đường phố, vào nhà dân và trên quảng trường. Là nhà thờ chúng tôi phải đi vào đường phố và để đường phố đi vào nhà thờ. Nhà thờ phải mở cửa cho tất cả mọi người.

Chúng tôi có thể dạy bất bạo động như một áp dụng trong thực tế Bài Giảng Trên Núi, biến gươm đao thành lưỡi cày như trong kinh Cựu Ước, mở ra cho tất cả mọi người, như đã đề cập ở trên, và chúng tôi là nhân dân. Chúng tôi phải học để đạt được sự tự tin nào đấy, vượt qua sợ hãi, tìm lại tiếng nói của mình ở trong nhà thờ, đối phó với những tình huống xấu bằng sự tự tin này, biết tạo ra thay đổi trong xã hội, bác bỏ bất công, và khước từ hợp tác. Hơn nữa điều quan trọng trong tất cả những điều này là sức mạnh của lời cầu nguyện. Không có lời cầu nguyện chúng tôi sẽ không thay đổi được bất kỳ điều gì, chúng tôi sẽ không vượt qua được sợ hãi, chúng tôi sẽ không có sức mạnh để thay đổi hoàn cảnh và tiếp nhận nghiêm túc lời dạy của Thánh kinh, biết hòa mình vào hiện thực xã hội, tìm thấy lời giảng của Chúa Giêsu và Thánh kinh để áp dụng vào hoàn cảnh hiện nay, không nói những câu dài nhưng tìm những từ đúng cho hoàn cảnh thích hợp, biết cách hành động. Đối với tôi tiêu chuẩn chính cho hành động là: trong hoàn cảnh này Chúa Giêsu sẽ nói gì? Rồi tôi quyết định chúng tôi cần hành động giống như cách Người sẽ hành động.

Vai trò của nhà thờ đã không giảm, ít nhất không phải ở đây tại Nhà thờ Nikolai. Vài trò ấy vẫn tiếp tục. Những cuộc biểu tình rất lớn chống chiến tranh ở Iraq, những buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình có nhiều người tham dự để cứu công ăn việc làm... Vai trò của nhà thờ vẫn tiếp tục, nhưng trong hoàn cảnh xã hội khác. Tuy nhiên, luôn luôn có những đỉnh cao, những thời kỳ độc đáo nào đấy, như ngày 9 tháng Mười chẳng hạn. Đây là cuộc cách mạng ôn hòa mà là quá trình độc đáo. Ta không thể mong chờ sự kiện như thế diễn ra mỗi ngày. Những điều cách mạng nhắm đạt được quả thật đã đạt được, và rồi người ta lùi lại. Điều quan trọng nên nhớ là chúng tôi đã không hành động để thu hút mọi người gia nhập nhà thờ chúng tôi, nhưng vì hành động là cần thiết. Đấy là điều Chúa Giêsu cũng đã làm. Khi Người giúp đỡ, Người không bao giờ hỏi xem người đó có đi đền thờ hay không hay người đó có cầu nguyện hay không. Người chỉ nhận thức rằng người này cần được giúp đỡ, và thế là Người giúp. Đó là chính xác những gì chúng tôi đã làm. Chúng tôi đã không bao giờ nói "nhưng anh chị em phải trả ơn lại", như người ta xử xự trong chính trị và trong cuộc đời. Chúng tôi đã tạo ra cách mạng, và phúc lành cách mạng ấy vẫn tiếp tục tồn tại cho nhân dân. Điều quan trọng nhất là nhà thờ phải luôn luôn mở cửa. Bất kỳ khi nào người ta lại cần đến nhà thờ trong đời thường hay trong những hoàn cảnh rất đặc biệt, họ nên thấy nhà thờ mở cửa. Nhà thờ hiện diện vì con người, như Chúa Giêsu mong muốn. Một nhà thờ mở cửa, mời gọi không mong người ta gia nhập; một nhà thờ mở cửa, mời gọi dâng đời tình yêu vô điều kiện, như Chúa Giêsu dâng hiến đời mình cho tình yêu vô điều kiện ấy, và chúng tôi phải hành động theo tinh thần này.

Nguồn: PBS Religion & Ethics Newsweekly ngày 6 tháng Chín, 2009. Tựa đề của người dịch. Tựa đề tiếng Anh "Rev. Christian Fuhrer Extended Interview". Tất cả chú thích trong bài là của người dịch.


Những đoạn trích dẫn in nghiêng người dịch lấy từ bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Người dịch chân thành cảm ơn sâu sắc các dịch giả của nhóm phiên dịch Thánh kinh.

Chú thích

(1) Dietrich Bonhoeffer (1906-1945) là mục sư tin lành Đức. Ông chống lại chế độ Quốc Xã và bị hành hình vào tháng 9, 1945. Tấm gương dấn thân và hy sinh để chống lại cái ác của ông đã khích lệ các phong trào đấu tranh vì tự do và phẩm giá của con người ở nhiều nơi trên thế giới. Ông từng nói:" Im lặng trước cái ác chính là cái ác. Chúa sẽ không coi chúng ta vô tội. Không nói là nói. Không hành động là hành động."Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị và ảnh hưởng lớn.

(2) Chính quyền tuyên bố đã sẵn sàng bắn "những kẻ phản cách mạng". Họ đã trữ sẵn một lượng máu và huyết thanh rất lớn ở các bệnh viện. Các y bác sĩ phải trực ở các bệnh viện vào tối hôm ấy để điều trị những người biểu tình họ tuyên bố sẽ bị bắn. Xem bài viết "Can đảm làm nên lịch sử" của Trần Quốc Việt trên trang mạng Dân Làm Báo.

(3) Người phát ngôn Quốc hội Đông Đức Horst Sindermann thú nhận: "Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi thứ, chỉ trừ nến và lời cầu nguyện."


No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.