Cuộc cách mạng của Sợ Hãi

Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, 
giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó, 
mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội. 

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Chúng ta là nạn nhân của tội ác đó. Là kết quả của nhiều năm tháng, nhiều thế hệ nối tiếp bị cai trị bởi chế độ độc tài toàn trị. 

Đúng! Chúng ta là những con người sợ hãi. Nhưng cũng chính chúng ta, không ai khác, phải vác nỗi sợ hãi của chính mình và của cả dân tộc lên vai mà đi làm cuộc Cách Mạng của Sợ Hãi này.

*

Nhìn lại mấy mươi năm, lột da, rướm máu chính mình để thấy bóng ma sợ hãi chế ngự cả một dân tộc như thế nào. Để không trách nhau là hèn. Để đừng mắng nhau là nhát. Để biết sẽ khó mà có một cuộc cách mạng dân chủ nếu sự sợ hãi vẫn tiếp tục là bóng ma lởn vởn trên đầu. Để biết tại sao mọi lời kêu gọi chỉ có được vài trăm người hưởng ứng, không đủ để tạo thành cơn sóng đổi đời. Để biết mọi kế hoạch đều bất khả thi nếu bước chân con người vẫn rụt rè và chôn cứng trong bốn bức tường hãi sợ.

Gần nửa thế kỷ với căn bệnh trầm kha này, liều thuốc nào có thể chữa trị được cho chúng ta? Đã đến lúc chúng ta phải tập trung ngậm ngãi tìm trầm, đi tìm, đi kiếm để sớm chấm dứt tình trạng đứng bên này bờ ảo vọng bằng đôi chân run mà cứ ước mơ đội đá vá trời, để những lời kêu gọi tha thiết nhất không chỉ dội lại như những tiếng vọng từ vực sâu...

Từ Điện Biên Phủ đến Sài Gòn 

Khi mùi thuốc súng không còn phảng phất trong không gian lòng chảo Mường Thanh, khi những tiếng hò vang chào đón đoàn quân chiến thắng trở về thủ đô đã chìm lắng, khi những người nông dân tải gạo ra chiến trường đã về lại "xứ Đoài mây trắng lắm..., trở lại đồng Bương Cấn, về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng..." (1) thì những người lãnh đạo đảng Cộng sản đối diện với một thử thách mới, gay go gấp ngàn lần cuộc chiến Điện Biên: giữ quyền và điều hành, xây dựng, phát triển đất nước.

Những câu thơ "Trên đất nước, như huân chương trên ngực / Dân tộc ta, dân tộc anh hùng! / Điện Biên vời vợi nghìn trùng / Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta..." (2) không là những câu thần chú làm nên cơm áo. 

Những "Chiến sỹ anh hùng / Đầu nung lửa sắt / Năm mươi sáu ngày đêm / Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt / Máu trộn bùn non / Gan không núng / Chí không mòn!" (2) không thừa trí tuệ để tự mình thảo nên một phương án thích nghi cho chính sách phát triển quốc gia. 

Thiên tài quân sự của thời chiến không đương nhiên là lãnh đạo tài ba trong thời bình. Winston Churchill, Charles de Gaulle, Harry S. Truman - những người hùng ca khúc khải hoàng vào thời khắc sau cùng của Thế chiến thứ 2, trong thời bình chỉ để lại dấu ấn của những nhà lãnh đạo tầm thường. Vai trò của họ được lịch sử ghi nhận, nhưng thời của họ đã qua, nhường chỗ lại cho những người lãnh đạo tương lai, thích hợp cho bối cảnh và nhu cầu phát triển đất nước thời bình. 

Tại Việt Nam, tham vọng cầm quyền vô thời hạn đã được thể hiện sau cuộc cướp chính quyền bằng những khẩu hiệu màu đỏ với những cụm từ "đời đời", "muôn năm", được bổ sung thêm bằng những "quang vinh", "vĩ đại". Tham vọng đó, nếu đặt trong nhu cầu xây dựng lại đất nước sau một thế kỷ mất độc lập, đã không thể đạt được bằng khả năng và trí tuệ của những người chỉ quen cầm súng, khoét núi, ngủ hầm, đào địa đạo và đầu óc chỉ được bồi dưỡng bằng giáo điều cộng sản. Đảng cộng sản Việt Nam phải bằng mọi cách để duy trì vai trò lãnh đạo lâu dài sau khi tiếng súng đã im hơi và tiếng óc ách từ bao tử đói của người dân đang trỗi dậy

Từ đó, một cuộc chiến mới được dựng lên và trở thành sứ mạng của toàn đảng, được áp đặt lên toàn dân miền Bắc: Đấu tranh giai cấp. Kẻ thù không còn là những tên thực dân da trắng mà là những con người da vàng máu đỏ trong làng trong xóm. Phương án đã có sẵn, đã được tiến hành bởi những đồng chí đồng mộng đồng sàng từ phía "bên kia biên giới cũng là quê hương" (3). Những tên Hồng Vệ Binh một thời từng là thảo khấu trên con đường Vạn lý Trường chinh khi bị truy đuổi bởi Tưởng Giới Thạch được mời sang làm cố vấn. Ảnh Mao chủ tịch và Hồ chủ tịch được song hành treo lên "Bác Hồ ta đó cũng là Bác Mao" (4). 

Cải cách Ruộng đất bắt đầu... 

Cuộc "kắt mạng" long trời lỡ đất "Giết, giết nữa đi bàn tay không phút nghỉ / Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong / Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng / Thờ Mao chủ tịch, thờ Xì ta Lin bất diệt." (5) được lệnh xuất quân. 

Cho đảng bền lâu... 

Chiến dịch vĩ đại để cấy những con vi trùng SỢ HÃI vào tim não của mấy mươi triệu người dân được khởi xướng. 

Cho đảng muôn năm... 

Vũ khí là những cái loa và miếng vải đen bịt mắt. 

Chiến sĩ diệt thù và kẻ thù đều mang cùng một màu da, một dòng máu, cùng chia sẻ với nhau một nơi chôn nhau cắt rốn: nhân dân. 

Những thành phần có khả năng đe dọa đến vai trò lãnh đạo của đảng qua đó bị loại trừ. 

Khả năng lãnh đạo đất nước của đảng vinh quang không đo đạt bằng mức độ tăng trưởng mà bằng thành tích bao nhiêu "kẻ thù" bị tiêu diệt. 

Con số người bị tiêu diệt trong cuộc cách mạng "long trời lỡ đất" không ai biết đích xác nhưng chắc chắn một điều: gần như toàn bộ lòng can đảm của một nửa phần đất nước từ dòng sông Bến Hải trở lên, mới ngày nào làm nên chiến thắng Điện Biên lẫy lừng, đã bị giết chết nội trong vòng 3 năm

Từ đó, Đảng cộng sản xây dựng và củng cố guồng máy cai trị bằng những con vi trùng sợ hãi mỗi ngày một ăn sâu vào từng tế bào của người dân miền Bắc. Lởn vởn trên những cái đầu bấy giờ chỉ biết cúi xuống là những bóng ma... 

Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ... (6) 

Hai mươi năm sau. Sài Gòn được "giải phóng". Nhà văn nữ Dương Thu Hương ngồi khóc bên lề đường khi nhận ra rằng "nền văn minh đã thua chế độ man rợ" (7). Những người cộng sản một lần nữa phải đối diện với bài toán của 20 năm trước: bất tài nhưng phải nắm lấy độc quyền cai trị. Thời kỳ toàn trị do đó được mở ra và cuộc "kắt mạng" long trời lỡ đất ngày xưa được thay thế bằng những chiến dịch "Học tập cải tạo" không biết ngày về, chính sách đổi tiền, chiến dịch X1, X2 “Cải tạo kinh tế tư bản chủ nghĩa” mà vẫn được quen gọi là “Đánh tư sản mại bản”, xua dân đi kinh tế mới để lấy nhà và tài sản của dân. Chỉ vài năm sau, từ một trung tâm công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, toàn bộ nền sản xuất của Sài Gòn bị tê liệt. Người dân Sài Gòn 300 năm trước đó chưa bao giờ thiếu gạo, sau khi giải phóng xong thì cái dạ dày của người dân thành phố được giải phóng khỏi gạo. (8) 

Gần 1 triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi, một cuộc di tản vĩ đại nhất trong lịch sử hơn 4000 năm của một dân tộc có truyền thống bám lấy quê cha đất tổ. Những thành phần ưu tú nhất của xã hội miền Nam phải đành đoạn lìa bỏ quê hương. 

Miền Nam, 20 năm sau đã cùng với đồng bào miền Bắc cúi đầu trong nỗi sợ hãi triền miên. 

Sợ hãi - căn bệnh ung thư và di truyền 

Gần 60 năm ở miền Bắc và 40 năm ở miền Nam, bầy vi trùng sợ hãi đã đục khoét vào từng phế phủ của dân tộc Việt Nam. Sợ đảng, sợ cán bộ, sợ lẫn nhau và sợ ngay cả ý tưởng độc lập của chính mình. Nỗi sợ bám theo năm tháng làm cho người ta phải tự đánh mất chính mình để có thể yên thân sống. 

Những người cha, người mẹ cũng đã truyền lại cho những đứa con của mình những con vi trùng độc hại ấy. Truyền lại bằng chính thái độ sống của họ mà con cái chứng kiến từ lúc lọt lòng cho đến trưởng thành. Truyền lại bằng những lời "dạy bảo" tóm gọn trong triết lý sống tiêu biểu của thời đại búa liềm "khôn sống, dại chết". Hậu quả là những thế hệ thứ hai, thứ ba sau Cải cách Ruộng đất, sau Cải tạo Tư sản Mại bản đã coi đó là lẽ thường tình, một lẽ sống không có lẽ khác. 

Ngoài đảng thì thế. Ở trong đảng, đồng chí sợ nhau. Con người nhìn nhau trong ánh mắt xoi mói. Phê và tự phê trở thành "văn hóa" đảng. Người ta sợ ngay cả khi không có gì xấu xa để tự khai và để chứng minh sự thành khẩn. Kẻ thù thực dân, đế quốc đã cút; cường hào ác bá địa chủ đã được đảng tuyên bố "đào tận gốc, trốc tận rễ" thì đã có ngay một kẻ thù mới: thế lực thù địch và tự diễn biến. Kẻ thù này vô hình nhưng hiện hữu khắp nơi và bất cứ lúc nào. Theo chiếc đũa trừ ma huyền diệu của đảng, mọi tư tưởng, mọi hành động của mỗi người - hợp lòng dân nhưng không theo ý đảng - đều do bóng ma kẻ thù này kích động, xúi dục, giựt giây. 

Dân sợ đảng, đảng viên sợ đồng chí, cả nước đội lên đầu bảng hiệu "Đảng là cuộc sống của tôi" với sự sợ hãi triền miên. 

Và cứ thế, hơn nửa thế kỷ trôi theo mưa sa trên màu cờ đỏ, đảng đã thành công trong sứ mạng biến đại khối nhân dân thành những con người ngoan ngoãn nhất, biết cúi đầu, câm miệng trước dối trá, bất công và tội ác. Khi bộ não đã bị đảng chiếm đoạt, tư tưởng bị dẫn dắt, con người đã trở thành nạn nhân dễ dàng nhất cho những tiểu xảo tuyên truyền, chính sách nhồi sọ, bưng bít thông tin. Sợ hãi, tê liệt, nhiều người đã trở thành mù quáng với những giả-dối-tưởng-là-sự-thật. Stalin, Lenin, Mao, Castro, Kim, Hồ... tất cả trở thành những ông thánh trong cái thế giới mà “sự thật” nằm trong tay đảng, trong tay những kẻ có toàn quyền sở hữu những cái loa cũng như cái giẻ vô hình bịt miệng nhân dân. Trong thế giới ấy, ngày xưa, và bây giờ vẫn còn, những đám khóc vĩ đại với những giọt nước mắt mù khi lãnh chúa qua đời nhưng sự nghiệp vẫn đời đời sống mãi từ những cái loa và khẩu hiệu. 

Trong cái thế giới tê liệt vì sợ ấy, người dân như những con cừu non được dàn lãnh đạo cáo nhào nặn tâm hồn để lớn lên trở thành con (bị) lừa và sau đó là một con (đi) lừa những chú cừu trẻ thơ khác. Cuối cùng cừu, lừa, cáo chung chạ và thành một loài mới: loài sản. Trong không gian độc trị của loài sản ấy, lằn ranh phân định giữa nạn nhân và kẻ thủ ác cũng dần dà bị xóa mờ. Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ góp phần vào quyết định chọn lựa ngôi sao vàng nằm trên lá cờ màu máu do đảng bắt chước từ các đồng chí "bên kia biên giới là nhà" nhưng đã đứng nghiêm trang và sẵn sàng hy sinh trước mảnh vải đã trở thành biểu tượng quốc gia. Đối với nhiều người, những gì có được ngày hôm nay là nhờ ơn bác và đảng chứ không phải bằng mồ hôi và trí tuệ của mấy chục triệu người. Lãnh tụ của đảng đã trở thành cha già muôn vàn kính yêu của cả dân tộc và là thước đo, chuẩn mực đạo đức trên mọi ngôn từ và diễn văn. 

Cũng có những người không đui mù, cũng chẳng ngu dại, nhưng nỗi sợ hãi thâm căn cố đế, cộng với tính tinh ranh của loài sóc khi phải sống đời với cáo, đã biến hoá tinh thông thành những mợ két hát theo thuần thục nhất, những chú khỉ đu dây lão luyện nhất. Họ mau mắn tung hô thủ lãnh của đảng khi các đồng chí thả cho vài cọng cỏ rơm và thiếu điều quên ngay chính đồng chí này là người bao năm nay vừa ăn cắp, ăn cướp vừa đốt rụi cánh đồng cỏ xanh mướt đáng lý là của họ. 

Cũng có khi, chúng ta như những con cừu - thành lừa - thành sản một ngày nào đó soi gương và nhận ra mình vốn dĩ là một con cừu bị lừa. Những đêm khuya trằn trọc đau đớn có đến, lương tâm tưởng đã ngủ quên có choàng thức giữa canh thâu. Thế nhưng khi con gà cất tiếng gáy, tiếng loa đầu ngõ vang lên thì chúng ta lại lồm cồm ngồi dậy và sống y lại cuộc sống đong đầy nỗi sợ của ngày hôm qua. Nhìn ra ngoài khung cửa, chúng ta sợ những chiếc áo vàng thấp thoáng và tiếng leng keng hình số 8. Nhìn vào gương, chúng ta sợ làm thất vọng, sợ làm rách thêm cái lương tâm vốn đã bị đảng xé rách toang theo năm tháng cuộc đời. 

Trong cuộc đời với lương tâm rách bươn vì sợ hãi đó, xuất hiện một thái độ sống mới: thờ ơ - hay mackeno, theo danh từ thời thượng đã quá mùa. Thái độ sống đó, chủ động có ý thức hay nằm trong tiềm thức của mỗi người, đều là hệ quả của sự sợ hãi đã truyền kiếp hay vốn đã thành bẩm sinh. Thờ ơ với tất cả, không quan tâm với mọi sự, con người tự chích cho mình mũi thuốc vô cảm để không còn cảm giác gì nữa đối với những điều tồi tệ chung quanh. Khi sự quan tâm bị đóng nút chai thì ý tưởng phản kháng sẽ không thể tiết phát. Và như vậy không còn gì để sợ hãi, không làm gì để phải sợ hãi. Đó là giai đoạn sau cùng của căn bệnh ung thư mãn tính - sống không còn cảm giác. 

Và đó là điều mà đảng cộng sản muốn; ý muốn của những người không có khả năng điều hành đất nước nhưng muốn độc quyền lãnh đạo muôn năm. Vai trò lãnh đạo đó đã được xây dựng bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ, của cả đảng viên lẫn không đảng viên để phát tán căn bệnh ung thư thời đại búa liềm: Sợ. Vai trò đó tồn tại đến ngày hôm nay, không tùy thuộc vào khả năng phát triển đất nước mà nhờ vào gần 90 triệu người dân đã và đang được "thuần"


Nhìn lại mấy mươi năm, lột da, rướm máu chính mình để thấy bóng ma sợ hãi nó chế ngự cả một dân tộc như thế nào. Để không trách nhau là hèn. Để đừng mắng nhau là nhát. 

Để biết sẽ khó mà có một cuộc cách mạng dân chủ nếu sự sợ hãi vẫn tiếp tục là bóng ma lởn vởn trên đầu. 

Để biết tại sao mọi lời kêu gọi chỉ có được vài trăm hoặc vài ngàn người hưởng ứng, không đủ để tạo thành cơn sóng đổi đời. 

Để biết mọi kế hoạch đều bất khả thi nếu bước chân con người vẫn rụt rè và chôn cứng trong bốn bức tường hãi sợ. 

Gần nửa thế kỷ với căn bệnh trầm kha này, liều thuốc nào có thể chữa trị được cho chúng ta? Đã đến lúc chúng ta phải tập trung ngậm ngãi tìm trầm, đi tìm, đi kiếm để sớm chấm dứt tình trạng đứng bên này bờ ảo vọng bằng đôi chân run mà cứ ước mơ đội đá vá trời, để những lời kêu gọi tha thiết nhất không chỉ dội lại như những tiếng vọng từ vực sâu. 

***

Những viên gạch nền tảng

Cây đại thụ cũng phải lớn lên từ một hạt mầm yếu đuối.

Hình ảnh sau cùng của một cuộc cách mạng là hàng trăm ngàn người, cả triệu người trên một quãng trường. Warsaw, Moscow, Prague, Manila, Belgrade, Tunis, Cairo... Chỉ thấy hình ảnh của những người can đảm. Không tìm ra được những khuôn mặt sợ hãi. Ôi! những dân tộc anh hùng và can đảm. Ôi! Dân tộc ta, sao mà hèn nhát! 

Có thật như vậy không?

Sợ hãi không phải chỉ riêng ai 

Những ngày trước tháng Hai năm 2011, trước thời khắc hàng trăm ngàn người đứng thẳng tại quảng trường Tahrir, đối diện với chiến xa và những họng súng lạnh lùng của bạo quyền Mubarak, người dân Ai Cập cũng đã sống trong nỗi sợ hãi triền miên. 

Mật vụ của Mubarak không chỉ bắt người dân lên xe bus, đem về đồn công an và một ngày sau thả ra. Chúng tra tấn, dùng nhục hình, đôi khi bắt luôn cả vợ, hoặc chị, em, hay con gái và luân phiên hãm hiếp họ ngày đêm ngay trước mặt những người chống lại vua không ngai Mubarak. 

Mật vụ của Mubarak không chỉ tra tấn người dân trong đồn kín; chúng tra tấn El-Sharkawi, một sinh viên kêu gọi dân chủ, ngay trên đường phố như là một hình ảnh bình thường, phổ thông, cố tình đập vào mắt người dân để quần chúng phải sợ hãi cúi đầu. El-Sharkawi không phải là trường hợp duy nhất của những năm dài bóng đêm Mubarak bao phủ. 


Mật vụ của Mubarak không chỉ đem xe bus để chở tù mà còn dùng để cày nát lên thân xác người dân trên đường phố Cairo. 

Trước mùa xuân 2011, độc tài Mubarak nắm trong tay guồng máy quân đội sẵn sàng bắn xả vào dân chúng và một nền công an trị tàn ác hàng đầu thế giới. Con cháu của những Pharaoh thật sự sống trong sự sợ hãi đến tê liệt trong một thời gian dài trước Mùa Xuân Ai Cập. 

Những người hoạt động trẻ tuổi từ Miến Điện, Tibet, Trung Quốc, Ai Cập, Zimbabwe, Việt Nam... khi gặp nhau ở một thành phố nhỏ như Chiang Rai -Thái Lan hoặc tại thành phố xinh đẹp với những đại lộ rợp mát bóng cây cam như Seville - Spain đã than thở với nhau về nỗi sợ hãi đến hèn nhát của đa phần người dân của họ. Cuối cùng tất cả nhìn nhau và nhận ra rằng đó không phải là vấn nạn của riêng đất nước nào trong nhóm họ. 

Vào năm 2011, những sinh viên phản kháng Miến Điện gặp gỡ những thành viên lãnh đạo Phong trào Optor, những người đã thành công trong việc hạ bệ độc tài Slobodan Milošević tại Serbia và sau đó hỗ trợ cho nhiều cuộc cách mạng thành công khác trên thế giới, gần đây nhất là Ai Cập. Khi được hỏi "các bạn muốn học hỏi những điều gì?", K2, một lãnh đạo cốt cán của giới trẻ Miến Điện, người đã dự phần tổ chức và tham gia vào Cách mạng Màu vàng cam (Saffron Revolution) trả lời: "Chúng tôi muốn học cách huy động quần chúng và vượt qua sợ hãi." 

Làm thế nào để người dân vượt qua sự sợ hãi vốn đã mọc rễ sâu qua nhiều năm dưới chế độ độc tài?. Câu hỏi riêng của mỗi người, mỗi đất nước nhưng lại rất chung cho những người cùng chia sẻ một lý tưởng - gỡ bỏ ách độc tài trên quê hương họ. 

Đó cũng là bài toán cốt lõi mà Mohamed Adel (ảnh trái), một blogger lúc 20 tuổi và là thành viên của Phong trào 6 Tháng 4 (6th April Movement) mang theo khi anh cùng với một nhóm bạn đến thủ đô Belgrade - Serbia vào mùa hè năm 2009. Ở đó, những chàng thanh niên làm nên cuộc Cách mạng Mùa Xuân Ai Cập đã gặp những linh hồn của cuộc Cách mạng Tháng 10, 2000 của Serbia - Phong trào Otpor. 

Điểm khởi đầu của một con đường 

Hãy tưởng tượng bạn là Mohamed Adel của 6 tháng 4, hãy tưởng tượng bạn là Srdja Popovic, một trong những thủ lãnh của Otpor và đây là bài toán họ phải giải quyết: 



Bạn sẽ làm gì để có được đám đông ấy, một đám đông bỏ lại sau lưng nỗi sợ hãi dường như đã ăn sâu vào tim não bởi chính sách cai trị độc tài trải qua nhiều năm tháng, nhiều thế hệ để bước ra khỏi nhà làm nên cuộc cách mạng? 

Tuyên bố thành lập một tổ chức hoành tráng với đầy đủ đại diện sáng giá nhất của những thành phần khác nhau trong xã hội? Đưa ra một lời kêu gọi hùng hồn và hay nhất trong lịch sử loài người? Nếu chỉ đơn giản như thế thì lịch sử đã không phải mỏi mòn mong đợi để có một cuộc đổi đời. Bởi vì những câu hỏi mấu chốt vẫn chưa thể trả lời được: 

* Làm thế nào để biết rằng MỘT NGƯỜI - dù đó chỉ là một sinh viên, một blogger đã từng viết bài phê phán sai trái của nhà cầm quyền, hay một nhà thơ đã viết lên nỗi nhục của con người bị bịt miệng, hoặc là một thành viên của cộng đồng mạng đã viết cả trăm phản hồi, phụ họa kêu gọi mọi người đáp ứng lời kêu gọi... sẽ xuống đường hay ở nhà? 

* Cách gì để biết rằng đây sẽ không chỉ là một loại "xuống đường trên mạng", hiện hữu khi máy còn được "logged-on", biến mất khi "logged-off" và đường phố vẫn vắng tênh? 

* Làm sao để thay vì là chiếc xe bít bùng của công an chở nhóm biểu tình về đồn thì là hàng trăm chiếc xe chở hàng ngàn người đến trước quãng trường Ba Đình như đã xảy ra trước tòa nhà quốc hội tại Belgrade? 

* Và với những người dân thầm lặng khác, những người không cần ai rao giảng về một giấc mơ công bằng vì cuộc đời họ chính là phiên bản của những bất công? Họ có hưởng ứng đơn thuần chỉ bằng một lời kêu gọi? 

* Và sau đó sự việc tiếp nối sẽ như thế nào trong tiến trình dài hạn? Và thật sự có một "tiến trình" để có sự "tiếp nối" hay không? 

* ...

Không trả lời được thì tất cả chỉ là một "chiến-dịch-không-có-kế-hoạch" và yếu tố thành công / thất bại là sự may rủi. 

Đích đến của một cuộc đổi đời không thể dựa vào yếu tố cầu may. 

Và không thể nào quên vẫn còn đó một guồng máy bạo lực khổng lồ, những đe dọa có thật to như tảng núi đè nặng lên vai mỗi con người khi đôi chân muốn bước ra khỏi nhà: 


Sự can đảm dấn thân sẽ không có được; ngược lại - không chừng nỗi sợ hãi lại càng gia tăng bởi những động thái thuần hy vọng như ném viên đá qua bên kia tường mà không biết trúng vào đâu. Cùng lúc, guồng máy bạo lực kia lại biết rất rõ họ sẽ làm gì.

Hơn ai hết, Mohamed Adel của Phong trào 6 Tháng 4 hiểu rõ chuyện này khi anh và các bạn hỗ trợ cho cuộc đình công của nhà máy dệt quốc doanh tại thành phố El-Mahalla el-Kubra. Anh và các bạn đã làm nên phép lạ trên thế giới mạng - trong vòng một thời gian cực ngắn đã huy động được hơn 70.000 người theo (follower) trên Facebook của nhóm. Nhưng cuộc đình công đã thất bại với nhiều thiệt hại bao gồm cả nhân sự. Những cuộc biểu tình dự phóng xảy ra khắp nơi đã tắt ngúm mau chóng.

Họ đã nhận thức được những điều gì sau đó?:

- Con số người tham dự hưởng ứng trong thế giới thật khác hẳn với những gì "thấy" được trước đó trên thế giới ảo. 

- Những con người trên thế giới ảo biết rất rõ những gì mình muốn nhưng mơ hồ và khác nhau về những điều mình phải làm.

- Những người đứng ra kêu gọi không biết gì nhiều về chiến lược, chiến thuật, phương pháp và chiêu thức.

- Xuống đường trên mạng khác hẳn với xuống đường trên đường phố!

- Mạng xã hội là một công cụ thần kỳ để gầy dựng mạng lưới (network) để chuyển tải thông điệp và nối kết. Thần kỳ nhưng không là phép lạ. Cần nhưng không đủ. 

Và vì thế Mohamed Adel đã lên đường sang Serbia để học hỏi kinh nghiệm làm cách mạng đường phố trong thời đại tin học. 

Và vì thế, những người sinh viên trẻ tuổi như Mohamed Adel của Phong trào 6 Tháng 4, như Slobodan Djinovic, Srdja Popovic (ảnh trái) của Otpor vào thập niên trước, từ ban đầu đã ngồi xuống, bỏ lại sau lưng những thói quen truyền thống, tư duy đóng khung, từ bỏ cách làm việc theo lối "mì ăn liền". Bắt đầu như một trang giấy trắng, họ đã từng bước nhỏ, bằng tinh thần khoa học và kiến thức lập kế hoạch hiện đại, tiến hành những công việc cụ thể nhất để giải đáp bài toán căn bản nhất: 

1. Làm thế nào để thay đổi tư duy của số đông đang tin rằng tập đoàn cai trị phải ra đi, nhưng lại nghĩ đó là chuyện không thể thực hiện được hoặc quá nguy hiểm. Từ đó: 

2. Làm thế nào để thuyết phục những người có lòng, quan tâm hiểu rằng không phải cứ như là một phép lạ, như là một-sự-xảy-ra-tức-thì khi thấy ở một quốc gia nào đó, hàng trăm ngàn người xuống đường - mà thật sự đó là kết quả của những chuẩn bị, xây dựng, phát triển qua nhiều năm tháng. Sau cùng: 

3. Làm thế nào để những con người thụ động, hoài nghi, yếm thế, sợ hãi, tản mác trở thành những người cùng-nhau-tranh-đấu trên đường phố. 

Những "làm thế nào" đó, những "công án" nền tảng này đã được giải toán bằng những chiến lược, chiến thuật, chiêu thức, phương thức (grand strategy, strategy, tactics, methods) theo một tiến trình có kế hoạch, khoa học (strategic planning, methodology) để từng bước xây dựng và phát triển sức mạnh quần chúng nhằm: làm cho "ta" mạnh, làm cho "địch" yếu

Những "làm thế nào" đó không được giải trình bằng những diễn văn, tuyên ngôn và lời kêu gọi. 

Đích đến của một cuộc cách mạng quần chúng 

Mục tiêu sau cùng của cách mạng dân chủ là xóa bỏ độc tài. Tuy nhiên, đó là mục tiêu nhắm tới (đường dài). Ở mỗi kế hoạch mục tiêu trước mắt (ngắn hạn) là có thêm người tham gia; mỗi chuyển động xã hội, mỗi biến sự chính trị là thời cơ, là cơ hội để đưa ra những kế hoạch hành động nhằm có thêm người tham gia. Thời điểm chín mùi để đạt được mục tiêu sau cùng chỉ xảy ra khi lực lượng quần chúng có đủ lực để tạo nên tình trạng đột biến, bùng nổ. Lá cờ Dân chủ và khẩu hiệu Tự do đa phần được giương lên vào thời khắc sau cùng. 

Sẽ không có một cuộc cách mạng tức thì. Sẽ khó để trải qua một đêm dài trong giấc ngủ SỢ HÃI mở mắt ra bỗng thành người CAN ĐẢM. Cuộc cách mạng của sợ hãi là một tiến trình có kế hoạch và nhiều chông gai. Một con đường luôn có điểm khởi hành và điểm đến và giữa chúng là một khoảng cách dài. 

Kinh nghiệm của Otpor: ít ai thoát ra khỏi sự sợ hãi của mình CHỈ VÌ sau khi đọc một bài bình luận, một tuyên ngôn, một lời kêu gọi! 

Đón đầu đi tắt, ăn xỗi ở thì không thể thay đổi được vận mạng của một đất nước với 90 triệu người. 

Làm thế nào để người dân vượt qua sự sợ hãi để có thể nắm lấy lại danh dự, và vận mạng đời sống của CHÍNH MÌNH trong cái chung là danh dự và vận mạng của TỔ QUỐC? 

Làm thế nào? và điểm khởi đầu... 

Cafe Greenet - nơi khởi đầu của Otpor (ảnh Vũ Đông Hà)

Bước đầu tiên mà Slobodan Djinovic, Srdja Popovic đã làm là tìm những người đồng hành, dấn thân, có thể tin tưởng nhau và gắn bó nhau để trở thành những hạt nhân của Phong trào Otpor

Bước thứ hai họ cùng nhau bỏ hết thì giờ để học hỏi những phương thức đấu tranh - từ của Mohandas Gandhi sang Martin Luther King đến Gene Sharp..., phối hợp với phương thức "Lượng giá Chiến lược" của Bob Harvey và mô hình lập kế hoạch hiện đại của các công ty. Họ không chỉ "đọc". Họ đã gặp Gene Sharp, Bob Harvey, đã ăn, đã ngũ với những kinh nghiệm thành công lẫn thất bại với nhiều xương máu của người đi trước. Cùng lúc, họ thẳng thắn đối chiếu những thất bại quá khứ

Từ đó, bước thứ ba, họ đã tiến hành LẠI công cuộc đấu tranh bằng con số 10 người, khởi đi vào mùa thu năm 1998 tại quán cà phê Greenet, thủ đô Belgrade. 

2 năm sau, từ con số 10 người ấy, Otpor có 70.000 thành viên trên khắp mọi vùng đất nước Serbia. 

11 năm sau, Mohamed Adel và vài người bạn của anh trong 6 Tháng 4 theo bước Otpor. Chỉ 2 năm sau đó, thế giới có một cụm từ mới làm phấn khởi lòng người: Mùa xuân Ai Cập


***
Sức mạnh của đám đông

Đám đông. Ở nơi đó và trong một khoảnh khắc kỳ diệu, một người có thể cảm nhận rằng có điều gì đó ý nghĩa hơn, to lớn hơn cá nhân đơn lẽ của mình. Mỗi tiếng hô rõ ràng dạn dĩ hơn, vang lớn hơn. Mỗi cánh tay vung lên rõ ràng mạnh mẽ hơn. Mỗi bước chân đi tới rõ ràng dứt khoát hơn. Con người có lúc cảm thấy mình dường như được chấp cánh. Nỗi sợ hãi hôm qua nhường bước cho lòng can đảm. Sức mạnh quần chúng. Cá thể đã chan hòa, đã TRỞ THÀNH đám đông. People Power. Hàng ngàn con người nhỏ bé, yếu đuối kết hợp lại đã trở thành một sức mạnh vô biên, đẩy lùi sợ hãi.

Nhưng làm thế nào để có 1 người vẫn còn nhiều sợ hãi + 1 + 1 + 1... để có được hàng trăm ngàn người cộng hưởng xua tan bóng mây sợ hãi trong lòng mỗi người và có khoảnh khắc kỳ diệu ấy?

Câu chuyện hành trình muối của Mohandas Gandhi 

Đạo luật "Thuế muối" của thực dân Anh ngăn cấm người dân Ấn Độ quyền sản xuất và buôn bán muối. Đó là độc quyền của người Anh. Vi phạm đạo luật này bị khép vào tội hình sự.

Mọi người dân đều cần muối. Đạo luật này ảnh hưởng đến đời sống sát sườn của TẤT CẢ nhân dân Ấn. "Bên cạnh nước và không khí, muối có lẽ là thứ con người cần nhất" - Mohandas Gandhi đã nhận xét như thế và đó là nền tảng để xác định đối tượng vận động cho chiến dịch "Satyagraha March" tạm dịch là "Hành trình Sức mạnh Sự thật"

Ngày 2 tháng 3 năm 1930 Gandhi gửi thư đến cho quan toàn quyền Anh tại Ấn, Edward Frederick Lindley Wood, công khai tuyên bố bắt đầu vào ngày 11 tháng 3 ông sẽ bất tuân đạo luật thuế muối; nơi ông thể hiện hành động bất tuân này là một làng biển mang tên Dandi, bên bờ Ấn Độ dương, cách nơi ông đang ở 386 cây số; hành động ông sẽ làm là vốc một nhúm muối - biểu tượng phản kháng của ông. 

Ngày 12 tháng 3, sau khi gia hạn cho toàn quyền Anh thêm một ngày, Gandhi cùng với 78 thành viên bắt đầu hành trình dài 386 cây số từ Sabarmati đến nơi ông sẽ thể hiện hành động bất tuân luật. Toàn quyền Anh xem chuyện muối này là chuyện nhỏ, đòi độc lập mới là chuyện lớn. Cảnh sát Anh bình thản đón chờ để bắt Gandhi tại bãi biển Ấn Độ dương. 

Đoàn người của Gandhi với y phục trắng cổ truyền, dừng lại ở những ngôi làng, thị trấn trên đường đi. Ở mỗi nơi ông Gandhi diễn thuyết, tấn công đạo luật muối là vô nhân đạo và đây là cuộc chiến đấu của những người cùng khổ. Dân chúng tiếp tế rau cải và nhiều người gia nhập hành trình muối của ông. 

Hành trình 386 cây số của Gandhi đã được người dân Ấn của nhiều thành phố chứng kiến, ủng hộ. Những buổi mít tinh đông đảo xảy ra ở nơi ông dừng chân. Truyền thông thế giới hướng về "người đàn ông gầy gò nhỏ bé" đang được một đoàn người dài 3 cây số nhập dòng từ mỗi làng xã và mỗi ngày một tăng. 

Tay không, chân đất họ tiến về bờ biển Ấn Độ Dương. 

Ngày 5 tháng 4, 1930 Mohandas Gandhi và đoàn người lúc này từ 79 thành viên ban đầu đã vượt quá con số 50.000 đến bãi biển làng Dandi sau 23 ngày dài. 6:30 sáng, ngày 6 tháng 4, Gandhi vốc một nắm muối và công khai cùng với người dân Ấn thể hiện hành động bất tuân đạo luật của thực dân Anh. Biểu tượng lịch sử này đã dấy lên phong trào bất tuân phục với hàng triệu người dân Ấn chống lại những đạo luật muối. 

Lúc ấy, Toàn quyền Anh chỉ biết nhìn và bất lực. 

Đã quá muộn. Tại bãi biển Dandi không phải chỉ có mình ông Gandhi và vài người tùy tùng mà hơn 50.000 người Ấn không biết sợ hãi là gì. Đã quá muộn, cả nước Ấn, dân chúng Anh và thế giới đang chăm chú theo dõi và chấn động bởi những gì đang xảy ra tại bãi Dandi, với người đàn ông nhỏ bé ỏ bờ biển Ấn Độ Dương. 

Tất cả đều nằm ngoài dự đoán của toàn quyền thực dân Anh. 

Tất cả đều nằm trong sự tính toán chiến lược của Mohandas Gandhi. 

Vũ khí duy nhất ông có khi ông ngồi trong ngôi nhà nhỏ ở làng Sabarmati là bộ óc chiến lược và sự khéo léo. Trên sân khấu chính trị, Mohandas Gandhi đã trình chiếu cho dân Ấn và thế giới thấy được sức mạnh khủng khiếp của quần chúng khi nó được chuẩn bị, tính toán bởi một chiến lược gia đại tài. 


Mohandas Gandhi có lẽ sẽ khó thành công trong môi trường và bối cảnh VN ngày hôm nay nếu áp dụng 100% phương cách của hành trình muối. Trước cửa nhà ông sẽ có một đội ngũ công an của thực dân đỏ canh gác ngày đêm. Sẽ khó mà có được hành trình 23 ngày dài để từ 1 người trở thành một sư đoàn nhân dân nơi bờ biển cát. 

Gần 70 năm sau, Mohandas Gandhi có lẽ cũng phải biến hóa chiến lược của ông nếu ông sống tại Serbia. Nhưng đã có 10 sinh viên đại học Serbia, rút tỉa những bài học tinh túy của ông để trong vòng 2 năm sau ngày khởi động, phong trào quần chúng của họ đã phát triển đến hơn 70.000 thành viên. 

Tranh đấu đòi hỏi sự sáng tạo. Và chúng ta có thể học hỏi được từ nhà chiến lược vĩ đại này?

Trong kế hoạch hành trình muối của Gandhi có những điểm nền tảng:

Công khai thách đố bộ máy cai trị (đối phương) bằng một đòi hỏi dân sinh, vừa phải đối với kẻ cai trị, nhưng ảnh hưởng đến đời sống của đa phần dân chúng (chúng ta) và tạo sự quan tâm của truyền thông (dư luận thế giới) bằng một "kịch bản" một người nhỏ bé phản kháng lại cả một guồng máy cai trị khổng lồ. Trong toàn bộ kế hoạch ông đều có những chuẩn bị kỹ lưỡng nhắm vào 3 đối tượng ở trên: gia tăng sự tham gia của người dân, tạo thế khó xử cho bộ máy cai trị và tạo sự quan tâm hay đồng tình từ dư luận

Mohandas Gandhi không/chưa đề cập đến mục tiêu sau cùng là độc lập dân tộc trong chiến dịch này. Thông điệp của ông ngắn gọn: Muối là nhu cầu sống của dân Ấn và người dân Ấn phải được quyền tự mình sản xuất và buôn bán muối. 

Monhandas Gandhi không/chưa kêu gọi quần chúng Ấn đứng lên chống lại chính phủ thực dân. Ông chỉ kêu gọi CÙNG NHAU bất tuân MỘT đạo luật bất công đang ảnh hưởng đến đời sống của từng người dân Ấn. Ông hiểu được tâm lý còn sợ hãi của dân ông.

Hiểu rõ đối tượng vận động, vận động để làm chuyện gì, mức độ phản kháng của người dân và phản ứng của đối phương lẫn dư luận... tất cả đều được tính toán để người dân vượt qua sợ hãi và tham gia.

Về mặt chiến lược: Monhandas Gandhi đã tạo ấn tượng cho toàn quyền Anh là "trận chiến đối đầu" với ông và 78 thành viên của ông sẽ xảy ra tại bờ biển Ấn Độ dương. Trên thực tế, Gandhi đã bắt đầu trận chiến ngay từ lúc ông ra khỏi nhà. "Mặt trận" thật sự của ông là những thị trấn, làng xã đi qua để ông ra quân phát triển thành hàng ngàn người trước khi đến "mặt trận miền biển". Trong suốt 23 ngày người dân "ra quân không thấy bóng quân thù". Họ bớt đi sự sợ hãi và nhập dòng. Sự sợ hãi giảm xuống theo tỉ lệ nghịch với con số gia tăng của đám đông. Đó là bí quyết của ông để từ đạo quân 78 người tăng lên 50.000 người.

Về mặt huy động quần chúng: Lời kêu gọi của Mohandas Gandhi chính là đôi bàn chân của ông. Người dân Ấn bước theo vết chân của ông trên hành trình dài 386 cây số và khát vọng của đích đến không phải là khát vọng của riêng ông, không phải là những điều to lớn, vô hình mà là nhu cầu hàng ngày, sát sườn, thấy được và sự bất công rõ rệt thể hiện bằng một nhúm muối nhỏ bé. 

Hành trình Satyagraha đi qua 4 khu vực dân cư và 48 ngôi làng. Ở mỗi nơi, Gandhi gửi thành viên đến trước để nghiên cứu tình hình. Ở mỗi nơi, kế hoạch tuyển mộ người đã có sẵn, những hoạt động tại chỗ đều đã lên kế hoạch, và những chương trình khai thác truyền thông cũng đã được chuẩn bị. 

Tại làng Aslali đầu tiên ông dừng bước, ông nói chuyện với 4.000 người, vận động sự gia nhập của dân làng, và những quan chức người Ấn tuyên bố chấm dứt hợp tác với nhà nước thực dân. Làng Aslali là bàn đạp quan trọng tạo trớn cho những chặng kế tới. Đó là chiến thuật của ông để từ đạo quân 78 người cuối cùng tăng lên 50.000 người. 

Về mặt xây dựng biểu tượng: Trên hành trình muối này, người ta thấy một đoàn người màu trắng dài 3 cây số. Đó không phải là một ngẫu nhiên là một tính toán chiến lược của một người đã sống cách đây gần thế kỷ. Sức mạnh của quần chúng thể hiện ở sự đồng nhất, hình ảnh đồng đội của một đạo quân nhân dân. Mỗi cá nhân có cảm giác mạnh mẽ là một phần tử của đám đông hợp nhất. Khi đó, nỗi sợ hãi riêng tư của mỗi người đã được sự cộng hưởng của đoàn quân biến thành lòng can đảm. Và hình ảnh đạo quân đồng nhất màu trắng của y phục cổ truyền Ấn đó cũng tạo nên sự sợ hãi từ phía cầm quyền. Ngày 6 tháng 4 - ngày đánh dấu bất tuân phục - cũng được chọn lựa vì ý nghĩa của nó. Đó là ngày đầu tiên của "Tuần lễ Quốc gia". 

Về mặt khai thác truyền thông: Nhiều tuần trước khi bắt đầu hành trình, Gandhi liên tục gửi thông tin đến truyền thông Ấn và thế giới. Với nhiều kịch tính trong ngôn ngữ, ông tạo nên sự hồi hộp theo dõi những gì sẽ xảy ra. Biểu tượng đoàn người màu trắng đã trở thành những tấm ảnh lạ và đẹp được các báo cho lên trang nhất và truyền thông thế giới đã trở thành những con mắt "cú vọ" vô tình tiếp tay ông theo dõi "những người Ăng Lê có truyền thống quý phái - gentlemen" sẽ phản ứng ra sao. Toàn bộ hành trình muối đã được Mohandas Gandhi chu đáo dàn dựng như một vở kịch vĩ đại buộc truyền thông Ấn Độ, Âu châu và Hoa Kỳ phải chạy theo để đưa tin. Mọi hành xử, trấn áp của tập đoàn thực dân Anh đối với ông và quần chúng sẽ được cả thế giới biết đến. 

Về mặt thực lực cốt lõi: Gandhi khởi hành với 78 thành viên. Họ là những "ashram" thân cận nhất của ông. Đây là thông điệp quan trọng và là nhu cầu căn bản cho việc tiến hành một kế hoạch, hoặc xây dựng một phong trào: Muốn có một đám đông hàng ngàn người thì người lãnh đạo phải có khả năng thuyết phục vài chục người để hình thành nên một tập hợp nòng cốt. 78 thành viên này lịch sử không nhắc nhiều đến tên tuổi nhưng chính là con tim và linh hồn của hành trình muối mà trong đó Mohandas Gandhi là bộ óc thần kỳ. Không có họ và chỉ có mỗi Gandhi, lịch sử nước Ấn chưa chắc đã có được hành trình muối để ghi lại.

Thế đánh và mục tiêu: 

Mục tiêu của Mohandas Gandhi khi bốc một nắm muối thể hiện hành động bất tuân điều luật vô lý của thực dân Anh? Thực dân Anh ban đầu nghĩ đó là mục tiêu thách đố của ông. Người dân Ấn ban đầu cũng tưởng đó là mục tiêu của ông và nó đáp ứng với khát vọng đời sống của họ. Nhưng không, đó chỉ là chiêu thức cho một mục tiêu ngắn hạn hơn là mục tiêu tối hậu. Bằng kế hoạch tinh vi, khéo léo, đầy trí tuệ, Gandhi và những thành viên của ông đã từng bước mở cho người dân Ấn một mục tiêu cao hơn: Danh dự của người dân Ấn. Hành trình muối của ông đã đánh thức cả dân tộc Ấn. Và đó là mục tiêu CHIẾN LƯỢC (dài hạn) của ông. Với CHIẾN THUẬT (ngắn hạn) của ông, trong vòng 23 ngày và 386 cây số miệng nói chân đi, thành viên của ông đã từ con số 78 nâng lên con số 50.000 tại bãi biển Dandi. Và đó là tập hợp những con người hành động, nhân tố nền tảng của công cuộc vận động toàn dân giành lại độc lập cho Ấn Độ. 

*

(Slobodan Djinovic - Phong trào Otpor - ảnh Vũ Đông Hà)

Theo thói quen, chúng ta thường chú trọng nhiều vào ước muốn thể hiện qua cái gọi là mục tiêu. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn của một tiến trình tranh đấu lâu dài, ước muốn không tự nó làm nên thành quả. Như Slobodan Djinovic, một thành viên sáng lập Phong trào Otpor chia sẻ với tôi khi gặp nhau ở Belgrade: "Hãy tập trung vào khả năng và đừng tập trung vào ước muốn". 

Xây dựng khả năng, gia tăng thành viên, mở rộng network, đào tạo kiến thức... là mục tiêu thật sự cho từng chiến dịch ngắn hạn trong giai đoạn đầu. Mỗi tiến trình của công việc luôn luôn đặt câu hỏi: Việc này sẽ giúp có thêm bao nhiêu người? Kết quả của kế hoạch có tạo NỀN TẢNG để mở rộng sự tham gia hay chúng ta lại bắt đầu lại từ đầu mỗi lần trong tương lai?... 

"Đôi khi công việc là phương tiện để tìm kiếm sự tham gia": Kế hoạch này có những CÔNG VIỆC để nó là cơ hội cho một số bạn tham gia, lãnh trách nhiệm? 

"Đôi khi công việc là cơ hội để gia tăng kiến thức": Mỗi thành viên học hỏi được gì sau khi làm những việc này? 

"One at a time revolution - and it's a revolution of number" - "Hãy làm cách mạng với từng người một và đó là cuộc cách mạng của con số người", Slobodan Djinovic, người lãnh đạo phong trào Otpor thành công, sau đó sang Georgia hỗ trợ phong trào Kmatra! với Cách mạng Nhung, và cuộc Cách mạng Cam tại Ukraine, đã chia sẻ với tôi bí quyết thành công của anh như vậy.

Mọi việc làm dù mục tiêu cao cả đến đâu, dù có gây được khó khăn cho bộ máy độc tài, nhưng sau đó vẫn chừng đó một nhúm người là một kế hoạch thất bại. Một việc làm dù được dư luận ca ngợi đến đâu (hào hùng, can đảm, nhiệt tình, yêu nước...) nhưng sau đó gây thêm sự sợ hãi trong quần chúng cũng không nên xem là một thành công. Làm thế nào để người dân vượt qua sợ hãi để tham gia mới là mục tiêu, mới là thành công, mới là chiến thắng. 

Bài học của Gandhi, giúp được gì cho chúng ta khi đối chiếu với những gì đã được thực hiện tại Việt Nam? Câu hỏi này dành chung cho những người đặt trọng tâm, thì giờ, công sức vào việc chuẩn bị, lập kế hoạch, xây dựng thực lực và không rành viết tuyên ngôn.

***

Kẻ gieo rắc sợ hãi cũng biết sợ hãi

Ngày 4 tháng 6 năm 1989, quảng trường Thiên An Môn nhuộm máu. Quân đội và xe tăng được lệnh của lãnh đạo đảng CSTQ xả súng vào quần chúng. Trong suốt gần 7 tuần lễ trước đó, bắt đầu từ 15 tháng 4, nửa triệu người dân Trung Hoa, phần lớn là sinh viên, đã vượt qua sợ hãi để làm người tự do đúng nghĩa tại quảng trường có hình chân dung vĩ đại của Mao. Cả ngàn thanh niên thiếu nữ đã chết. Họ đã thắng nỗi sợ hãi nhưng bị dẹp tan trong máu và nước mắt vì một điều đơn giản: họ đã đẩy một guồng máy cai trị tàn ác vào vị trí đường cùng khi thiểu số lãnh đạo và tập đoàn thừa hành của guồng máy ấy chưa biết sợ; vẫn còn những cái đầu điên cuồng tuân lệnh và những ngón tay chưa biết run bấm vào cò súng. 

Cuộc cách mạng của sợ hãi không chỉ là một cuộc cách mạng một chiều: làm người dân hết sợ. Nó còn cần được thực hiện theo một tiến trình khôn ngoan, có lượng giá để từng bước: làm cho độc tài bắt đầu biết lo; chùn bước chùng tay; hãi sợ; và cuối cùng là đầu hàng. 

Cách mạng chỉ nên được đẩy đến giai đoạn dứt điểm để thành công khi "cán cân sợ hãi" bắt đầu nghiêng về phía độc tài. Nếu không sẽ có nhiều xác suất dẫn đến một cuộc tắm máu vì vũ khí đang nằm trong tay kẻ thống trị. Ngay cả khi buộc phải có "sự thương lượng" với tập đoàn độc tài, cán cân sức mạnh giữa quần chúng và guồng máy lúc đó phải được tương đối cân bằng thì những đòi hỏi chính đáng và lâu dài của nhân dân mới có thể được đáp ứng. Nếu không thì "sự thương lượng" sẽ mở cho độc tài một giải pháp thoát hiểm và công cuộc đấu tranh bị rơi vào một trò chơi chính trị. 


Câu chuyện của một cô gái xuất khẩu lao động một cán bộ công an phường

HL là một sinh viên ở một tỉnh miền Tây. Trong khi bạn bè rủ nhau trở thành cô dâu Đài Loan thì HL làm đơn xin đi lao động hợp tác. Cán bộ phường là một gã côn đồ, hống hách, xem dân như cỏ rác. HL cũng không thoát khỏi hoàn cảnh đó, vừa sợ hãi, vừa căm giận, vừa phải nhịn nhục khi đến xin chữ ký. "Cuối cùng em nghiệm ra rằng em là nô lệ cho sự sợ hãi của chính em và từ đó danh dự, nhân phẩm của em đã trở thành nô lệ cho chúng nó " - HL tâm sự. 

3 năm sau, HL về nước. Những cảm nhận ở nước ngoài làm HL có một nhận thức mới về chính mình. Ngày lên phường để khai báo, cũng tên cán bộ phường đó, cũng thái độ hống hách, coi thường người dân. "Em đã đứng thẳng dậy, nhìn thẳng vào mắt nó và rất nghiêm trang nhưng rất dữ, "quạt" nó cả 10 phút không ngừng nghĩ. Anh biết gì không? Mặt mày nó tái mét, khi em dừng nói nó bối rối dữ lắm, không biết phản ứng ra sao. Cuối cùng nó lí nhí xin lỗi và bỏ tuốt vào bên trong. Từ đó đến nay, thái độ của nó đối với em khác hẳn. Em ngộ ra một điều là qua nhiều năm, tụi em vì thời thế đã tự tạo cho mình khả năng tự vệ khi bị làm khó làm dễ; ngược lại có kẻ quen tấn công người khác thì không có khả năng phản ứng khi bị tấn công vì chưa có kinh nghiệm bao giờ. Tụi nó chỉ biết núp bóng bộ đồng phục ở trên người và cái bóng của hệ thống..."

Cơ chế không biết sợ, chỉ có cá nhân - chuyện kể của Srdja Popovic 

Srdja Popovic (ảnh Vũ Đông Hà)

Ngồi tại quán cà phê Greenet, Srdja bây giờ không còn là một sinh viên 25 tuổi, vô danh, theo học ngành sinh vật học ngày nào của đại học Belgrade. Bây giờ Srdja Popovic - chàng cách mạng bụi đời và đang chuẩn bị lên xe hoa - đã vang danh khắp thế giới sau cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập. Cũng tại quán Greenet này, vào tháng 10 năm 1998, 10 sinh viên mang tên Srdja Popovic, Slobodan Djinovic, Slobodan Homen, Dejan Randjic, Ivan Marovic, Ivan Andric, Nenad Konstantinovic, Vukasin Petrovic, Jovan Ratkovic, Andreja Stamenković đã thành lập nhóm phản kháng - Otpor. Vài năm sau thế giới biết đến nó dưới tên gọi Phong trào Otpor

"Tụi tao 10 thằng không chọn con đường tấn công vào cả hệ thống của Slobodan Milosevic". Srdja kể lại với tôi theo đúng phong cách thường có với bạn bè. 

"Đừng phải tốn sức vạch trần tội ác của cả hệ thống, công việc đó để dành cho các bình luận gia và những nhà viết sử. Trong sách lược đối đầu, đem cả hệ thống ra để tấn công vừa bất khả vừa làm gia tăng hình ảnh trứng chọi đá, hoặc củng cố thêm cho tâm lý bạc nhược của đám đông đang chán ghét chế độ nhưng vẫn tin rằng thật là không tưởng và nguy hiểm để làm một điều gì đó...''. 

"Công việc của tụi tao là với chừng này đứa làm sao có thể "đục" được tụi nó. Làm sao có thể từ 10 đứa, rủ thêm 10 đứa nữa bớt sợ và nhập cuộc. Làm sao từ 20 đứa mà KHÔNG CẦN RỦ RÊ có thêm 20 đứa khác sẵn sàng bắt chước làm theo. Và do đó, tụi tao nắm đầu một số thằng và đứa chủ chốt là Slobodan Milosevic ra mà đục". 

Câu chuyện có vẻ bình thường và giọng kể bạt mạng. Nhưng đó là bước khởi đầu cho một chiến lược lâu dài của Otpor

Những "đứa" nhập cuộc sau đó là Branko Ilic, Pedja Lecic, Milja Jovanovic, Sinisa Sikman, Vlada Pavlov từ thành phố Novi Sad, Stanko Lazentic, Milan Gagic, Jelena Urosevic và Zoran Matovic từ Kragujevac và Srdjan Milivojevic từ Krusevac. 

Những "đứa" không cần rủ rê mà sẵn sàng bắt chước làm theo trên các ngõ ngách, hẽm tối của Serbia đã tăng lên 70.000 thành viên ở khắp các đại học, thành phố khác nhau chỉ 2 năm sau ngày Otpor thành lập. Trong số này là những sinh viên xinh đẹp, tuổi mới đôi mươi, nhưng 10 năm sau đã trở thành những người huấn luyện cho các thành viên lãnh đạo của Phong trào 6 tháng 4 thành công trong cuộc cách mạng tại quãng trường Chiến Thắng ở Cairo. 

Chiến dịch lớn đầu tiên được tung ra mang tên gọi: “Nó thối nát. Nó sẽ đổ”. 

- Slobodan Milošević bị đem ra chế diễu như một tên hề. 

- Slobodan Milošević bị tạo ấn tượng như một tên độc tài ngu dốt. 

- Slobodan Milošević bị vẽ ra như một tên chính khách gian trá và ích kỷ... 

Hãy biến nó thành một trò bỡn cợt đối với tên trùm sò. 

"PR" nó để trở thành những trò chơi tinh nghịch phù hợp với cá tính của giới trẻ. 

Nghĩ và chọn ra những phương thức dễ dàng, không nguy hiểm, không tốn kém thì giờ công sức và ai làm cũng được

Tạo nó thành một phong trào sinh viên thách nhau, thi đua, bắt chước làm theo, sáng tạo phương thức mới, biến nó thành một đám cháy rừng lây lan trên đường phố. 

Nghĩ ra những công việc đem đến những nụ cười khoái chí cho chúng tanhững đêm dài mất ngủ của kẻ bị tấn công

Chuẩn bị 1 tuần, thực hiện trong vòng 5 phút - Hit and run - chơi nhanh chạy lẹ và nhớ luôn luôn công bố chiến thắng dù rất nhỏ. Người ta chỉ thích đi theo những ai thành công bằng hành động chứ không đi theo những lời kêu gọi suông và kết quả không thể cân đo đong đếm được. 

Quan trọng và luôn luôn là nền tảng: thành công của mỗi việc làm là có thêm người; đó mới là mục tiêu cốt lõi; đó mới là kết quả cần đạt được; nỗ lực sẽ bị phí phạm nếu vẫn chừng đó người tham gia và không thêm ai bước ra khỏi vòng sợ hãi bằng hành động... 

Kết quả là sinh viên Belgrage khoái chí đêm đêm tham gia trò chơi tấn công và góp phần biến gã độc tài thành một tên hề ngu dốt, gian trá và ích kỷ. Nhiều người trước đó chẳng quan tâm hay hiểu nhiều về chính trị; họ chỉ biết và biết rõ một điều dựa vào thật tế đời sống: “Nó thối nát. Nó sẽ đổ”. Và từ đó họ đồng ý với thái độ của Otpor “ГOTOB JE! – Hắn đã hết thời”. Và họ tham gia cũng vì đây là một trò chơi hợp với bản tính tuổi trẻ nổi loạn và tinh nghịch của họ. 

Và cứ như thế, từ một nhóm thành viên nhỏ nhưng với định hướng mục tiêu rõ ràng, hiểu được khả năng giới hạn ban đầu của chính mình và bộ máy to lớn của chế độ, nắm bắt tâm lý quần chúng mà đối tượng chính là sinh viên, Otpor đã tạo nên một "phong trào". Nhiều thanh niên sinh viên, không những tại thủ đô Belgrade mà ở những thành phố khác, chưa từng đọc một tuyên ngôn của Otpor (vì Otpor không có tuyên ngôn và không hoạt động bằng tuyên ngôn) đã đêm đêm khắp hang cùng ngõ hẻm thả tờ rơi, viết lên tường một câu đơn giản “ГOTOB JE! – Hắn đã hết thời”. Cạnh hàng chữ là biểu tượng nắm đấm của Otpor. 

"Không có nhiều sinh viên hứng thú đọc chứ đừng nói đến việc chuyền nhau một bài viết dài dòng lên án guồng máy Milosevic. Nhưng với một tranh biếm họa về "thằng hề" Slobodan Milosovic thì đứa nào cũng khoái thách thức nhau đêm đêm đi dán khắp nơi." Srdja Popovic nheo mắt cười kể lại. 

Ngay từ lúc khởi hành, những thành viên của Otpor đã không bước vào cuộc tranh luận "không thể có thắng thua, đúng hay sai" là có nên tiếp tục lên án và tấn công cả một tập đoàn khát máu như thế hệ đàn anh đã và đang làm, hay chỉ tập trung tấn công vào tên đầu não. Otpor không tốn thì giờ tranh cãi có nên tấn công vào một guồng máy, một bức tường khổng lồ hay nhắm vào một mắc xích, một viên gạch trọng yếu. Quyết định của họ dựa vào yêu cầu thực tế: chọn lựa nào nằm trong khả năng đang có và làm người dân bớt sợ và có thể tham gia để dẫn đến việc làm sụp đổ cả hệ thống. Công việc được chọn phải làm cho "đám sinh viên khoái, thấy 'cool, chính trị là 'sexy' và nhào theo bắt chước". Đó là chiến thuật của họ trong chiến lược đánh sập guồng máy độc tài. 

"Bước đầu để có xác suất thành công cao, để các bạn trẻ còn đang ngại ngùng, sợ hãi, hãy lôi những tên đã và đang là trò hề của quần chúng, đang có những hành động, chính sách làm người dân khinh bỉ, tốt hơn nữa là đang bị phe nhóm khác trong nội bộ tấn công và nó là đứa cùng bầy đàn với tên đầu sỏ của chiến dịch tấn công từng đứa..." Srdia Popovic góp ý khi được nghe kể về chuyện của Việt Nam. 

Nỗi sợ hãi của kẻ bị tách riêng để tấn công 

Không riêng gì đảng CSVN, những cá nhân cầm quyền và thuộc hạ của các nước độc tài khác đều núp bóng cơ chế để vừa trốn tránh trách nhiệm vừa mang cảm giác an toàn. Những tấn công vào cơ chế không làm cho cá nhân trong tập đoàn cai trị lo sợ nhiều mà đôi khi lại gia tăng cảm giác an toàn của họ khi chúng ta vô tình kết họ vào một khối. 

Viễn ảnh về ngày tàn của chế độ không phải không có trong đầu của một bộ trưởng hay bí thư tỉnh ủy hoặc một tên công an côn đồ. Hình ảnh của Muammar Gaddafi bị lôi ra khỏi ống cống và bị giết không phải không ẩn hiện trong đầu của họ. Nhưng trong viễn ảnh nhiều ác mộng đó, họ tự nhủ rằng, cùng lắm thì cả một thể chế sụp đổ, một vài "đồng chí" cao cấp nhất sẽ bị đem ra xử còn "ta" sẽ hạ cánh an toàn. Từ đó, họ "yên tâm" tiếp tục thủ ác trong khung cảnh toàn cơ chế, hệ thống bị tấn công.

Không ai có thể phản biện được với khuynh hướng lên án toàn bộ, không để sót kẻ gây ra tội ác vì đó là phán xét hợp lý và mang tính công bằng, phù hợp với chuẫn mực của công lý. Tuy nhiên, trong tiến trình tranh đấu, đôi khi cảm xúc, công bằng và công lý đành phải nhường chỗ cho nhu cầu thực tiễn của mục tiêu xóa bỏ độc tài: hiệu quả đạt được. Sẽ không mang lại nhiều hiệu quả mong đợi khi tấn công cả hệ thống tham nhũng, cả tập đoàn công an còn đảng còn mình là ác ôn, trong khi mỗi cá nhân trong tập thể xấu xa đó không có cảm giác cá nhân mình đang bị tấn công. Đối với những kẻ gieo ác, khi một tên sợ hãi sẽ dẫn đến tâm lý sợ hãi của đồng bọn. Bệnh sợ hãi là bệnh hay lây cho dù chúng là những kẻ nắm quyền. Ngược lại, khi lực chúng ta còn mỏng và còn yếu, tập trung tấn công vào một điểm vẫn mang lại nhiều kết quả hơn là tấn công cả một tảng núi. 

Khi bắt đầu bằng những kế hoạch, việc nhắm vào một cá nhân sẽ có khả năng làm nhiều người tham gia hơn. Nó sẽ tạo ảnh hưởng đến cá nhân kẻ thủ ác. Nỗi sợ hãi sẽ lây lan, ảnh hưởng và làm suy yếu guồng máy. Khi gió bắt đầu xoay chiều, chính những người phục vụ trong guồng máy sẽ xé rào và chạy về phía nhân dân - đó là trường hợp của một số đại sứ, bộ trưởng của chế độ Gaddafi trong thời điểm quyết định của cuộc cách mạng tại Lybia.

Đánh vào những tên cai ngục, nhà tù sẽ đổ.

***

Đám đông và những trò chơi tinh nghịch

Biểu tượng của Phong trào phản kháng Thay đổi Dân chủ của Zimbabwe là bàn tay mở. Trong một chiến dịch phát huy biểu tượng này mà mục đích là để tạo cơ hội cho nhiều người tham gia, nhất là giới trẻ, phong trào đã đẩy mạnh một công việc đơn giản: nhúng bàn tay vào sơn và đóng dấu bàn tay lên mông những con bò khắp nơi trên đất nước họ. (Ở Zimbabwe, trên phố, mọi ngả đường, đâu đâu cũng thấy bò).

Chiến dịch này dựa trên khái niệm huy động đám đông bằng những trò chơi tinh nghịch: 

1. Ai làm cũng được: Chỉ với một ít sơn, một bàn tay sẵn sàng chịu dơ và đôi chân chạy lẹ, những con bò khắp xứ sở Zimbabwe bắt đầu mang biểu tượng của phong trào trên... mông. 

2. "Ta" tốn công ít "họ" tốn công nhiều: chỉ cần một khoảnh khắc là mông chú bò bị đóng dấu. Ngược lại phía cầm quyền Zimbabwe đã phải tốn rất nhiều nhân lực, thì giờ công sức để đi lùa những con bò và... chùi mông cho chúng. Khi hình ảnh những công an rượt bò chùi mông được loan truyền, khi những tiếng cười vang của sinh viên rộn rã kể nhau nghe về hình ảnh ấy thì chiến dịch này đã đạt được mục tiêu của nó: càng nhiều người tham gia vào trò chơi tinh nghịch khoái trá này; trong đó nhiều người không có một khái niệm sâu xa về chính trị. Đối với họ, đây chỉ là những trò đùa. Nhưng khi có những lệnh cấm đoán hay trấn áp xảy ra, họ lại là những người chống đối mạnh mẽ nhất bằng hành động phản kháng: tiếp tay phổ biến "thương hiệu" của Phong trào. 

3. "Hit and run" - Làm nhanh chạy lẹ: vừa mang tính hài hước vừa là nền tảng của thái độ không đối đầu, gia tăng an toàn, giảm sợ hãi. Tinh túy của nó là tạo ra tâm lý đây là một trò chơi - ai đập nhiều mông bò hơn ai. 

4. "Hề hóa" hình ảnh "dễ sợ" của guồng máy bạo lực: bằng hình ảnh an ninh, công an lụp xụp đuổi bò, chùi mông. Nói theo Srdja Popovic của Phong trào Otpor - "Hài hước và châm biếm có thể tạo ra thông điệp tích cực, hấp dẫn lượng khán giả lớn nhất có thể, làm cho các đối thủ trông ngu ngốc và lố bịch. Quan trọng nhất, nó phá tan sợ hãi và khích lệ xã hội vốn mệt mỏi, thất vọng, và thờ ơ". 

5. Xây dựng "thương hiệu" của phong trào: Trong một thời gian ngắn, từ những cái mông bò, Phong trào phản kháng Thay đổi Dân chủ của Zimbabwe hiện hữu khắp nơi qua biểu tượng bàn tay. Biểu tượng lan tràn từ mông những chú bò sang ngõ hẻm, đường phố, qua đến cử chỉ đưa bàn tay lên chào nhau. Ở Serbia,"hài hước và châm biếm" cũng đã trở thành thương hiệu của Otpor (giống như "Just do it." của công ty giày Nike), nhằm phá tan tâm lý sợ hãi, mệt mỏi và thờ ơ của giới trẻ xứ này trong chiến dịch hạ bệ nhà độc tài Milošević. 

Ai là thành viên? 

Ai cũng có thể là thành viên!

Ai cũng có thể không là thành viên! 

Một phong trào quần chúng thành hình nhưng không có danh sách thành viên, được điều động bởi những "lãnh đạo tập thể". 

Những trò chơi, sau một thời gian ngắn đã không còn có thể biết đích xác ai là những người khởi xướng, bắt nguồn từ đâu, chỉ hiện hữu những người hưởng ứng, bắt chước. 

Dưới con mắt của công an, ở đâu cũng hiện hữu phong trào. Ngay cả một chú bò hiền từ nhai cỏ! 

Đó là kết quả của một trò chơi tinh nghịch. Chiến lược (grand strategy) là gầy dựng SỐ ĐÔNG nhân sự cho phong trào. Chiến thuật (strategy) là tạo sự tham gia xây dựng biểu tượng. Phương thức (tactics) là trò chơi tinh nghịch. Công việc (task) là... đập mông bò. Đối tượng thu hút (target audiences/participant) là giới trẻ. 

Chia sẻ của S.T - một trong những người huấn luyện cho các thành viên cốt cán của Phong trào 6 Tháng 4 (April 6) tại Ai Cập: 

(Ảnh Vũ Đông Hà) 

"Trò chơi tinh nghịch này cũng thể hiện sự khác biệt và tính hiệu quả to lớn giữa đấu tranh bạo động và bất bạo động. Trung Đông là cái nôi của những khuynh hướng bạo động. Nhưng bạn thử nghĩ và so sánh giữa việc kêu gọi một bạn trẻ đi tấn công và hay giết 1 tên an ninh ác ôn với trò chơi in biểu tượng của phong trào? Nghĩ đến số lượng hưởng ứng tham gia của quần chúng. So sánh phản ứng của đám cảnh sát uể oải khi nhận lệnh phải đi gom bò để chùi mông, làm trò cười cho thiên hạ với phản ứng của mật vụ, công an khi nhận lệnh săn tìm thủ phạm đã giết đồng bọn của chúng. Ở Ai Cập, chúng không cần tìm ra thủ phạm đúng. Chúng chụp lên đầu nhiều người hoạt động dân chủ là thủ phạm và sau đó thì tra tấn, hãm hiếp, giết tù đã xảy ra trong sự điên cuồng... 

Điều gì sẽ xảy ra đối với phong trào sau đó? 

Điều gì sẽ tác động lên tâm lý của đám đông đang muốn thoát ra sự sợ hãi? 

Và hãy nghĩ đến những kẻ đang làm luật đối với hai tình huống: họ sẽ làm luật cấm đóng dấu mông bò (!) hay họ ra nghị luật đặt bất cứ những gì liên quan đến phong trào ra ngoài vòng pháp luật với luận điệu tuyên truyền "chúng là khủng bố, hành động của chúng đã tự chứng minh điều đó..."? 

Trong chiến dịch “Nó thối nát. Nó sẽ đổ” tấn công vào Slobodan Milošević, thành viên Otpor đã sử dụng một cái thùng bên ngoài có hình Slobodab Milošević, kéo đến một nơi không có cảnh sát và lập trò chơi: ai bỏ một đồng tiền vào thùng thì được dùng một cây gậy đánh vào thùng. Vài phút sau, đám đông càng ngày càng đông. Mỗi cú đánh vào thùng là tiếng cười vang của tuổi trẻ. Lúc này những "kẻ chủ mưu" đã không còn đó. Họ đã âm thầm rút êm - Hit and Run - Làm nhanh chạy lẹ. Chỉ còn lại đám đông vô tư, vui nhộn và vài người "bàng quan" nào đó với máy ảnh trên tay. 

Công an nhào đến. Đám đông vừa cười vừa bỏ chạy tứ tán. Nơi chốn diễn ra trò chơi đã được nghiên cứu trước. Đó là khu vực nhiều quán cà phê đông đúc gần chung cư đại học, rất nhiều sinh viên và nhiều ngõ ngách có thể "biến nhanh" vào các phòng ốc nội trú. 

Cái thùng có hình lãnh tụ Milošević được công an “bắt đem về đồn”. Hình ảnh đó đã được những người "bàng quan" ngồi uống cà phê chụp và xuất hiện khắp các mặt báo đối lập ngày hôm sau. Người dân và sinh viên đại học Belgrade được một trận cười hả hê và rủ nhau lập lại trò chơi, tự nhận mình là "đám Otpor". 

Khu phố tại Belgrade, nơi trò chơi tinh nghịch được thực hiện. 
Căn phòng ở tầng 2 nhìn xuống đường chính là "tổng hành dinh" của Otpor - 
"núp" ngay trước mũi của mật vụ và an ninh trong những ngày đầu. 
Ảnh Vũ Đông Hà

Trò chơi tinh nghịch “Cái thùng Slobodan Milošević” là một phần của chiến dịch “Nó thối nát. Nó sẽ đổ” trong chiến lược “Hạ bệ nhà độc tài”. Mục tiêu là gia tăng sự tham gia của giới trẻ, sinh viên. Trò chơi tinh nghịch này cũng “hề hóa” hình ảnh của lãnh tụ Slobodan Milošević, không còn là một nhà độc tài dễ sợ và làm giảm đi tâm lý sợ hãi của người dân đối với Milošević.

Milošević phải làm gì? Chẳng lẽ nhà "lãnh đạo vĩ đại" ra "nghị định" cấm dân chúng làm thùng tiền có hình của lãnh tụ? Cấm người dân gõ gậy vào thùng? Dĩ nhiên, sau một thời gian ngắn, Milošević ra lệnh cảnh sát "hốt" hết đám sinh viên tinh nghịch, bắt giam luôn những "thùng tiền lẻ Milosevic" mà không cần nghị định. 

Điều này nằm trong dự trù kế hoạch và những ý định đã có trước của các lãnh đạo phong trào: 

Thay vì tìm mọi cách để tránh bị bắt giam, Otpor tìm cách "khiêu khích" để có những sự bắt giam hàng loạt với những tội danh rất nhỏ. Việc này tạo nên hình ảnh kệch cởm và ngu dốt của những kẻ cầm quyền. Dự đoán trước nhà cầm quyền sẽ không ban ra nghị luật cấm trò chơi này, biết trước an ninh, cảnh sát không thể cầm tù quá vài ngày những người bị bắt, Otpor lên kế hoạch sẵn từ ban đầu để gửi một nhóm đông người đến trước đồn công an đòi thả tù - nếu không hãy bắt luôn tất cả chúng tôi; chờ đón những người bạn được thả ra và hoan hô họ. Điều mà Otpor cho là thành công nhất là sau đó, nhiều người đã tự động đến tham gia. Nỗi sợ hãi đã không còn chế ngự họ khi đã có một nhóm người tiên phong.

S.J - Ảnh Vũ Đông Hà

Vào năm 1999 S.J  chỉ là một sinh viên ở Novi Sad, theo dõi những gì xảy ra ở Belgrade, đã tự đeo biểu tượng Nắm Đấm để bắt chướctham gia trò chơi tinh nghịch, kể lại dưới góc nhìn của một sinh viên bước vào phong trào: 

"Otpor chỉ có 2 loại thành viên và không bao giờ điền đơn gia nhập. "Đơn" của mình là biểu tượng nắm đấm mang trên áo và cùng với bạn bè tự xem mình là thành viên của Otpor, là những người gặp nhau đưa nắm tay lên chào, là những người đêm đêm đi dán khẩu hiệu “ГOTOB JE! – Hắn đã hết thời” và tham gia vào những trò chơi tinh nghịch. Loại thành viên thứ hai là... rock star - siêu sao - dành cho những người bị bắt.Và bạn bè mình đã tìm mọi cách để trở thành... siêu sao, trong đó có mình. Mọi người cùng nhau đi từ trạng thái của một nạn nhân bước qua tâm lý muốn trở thành người hùng..." 

"Tất cả phải nằm trong một kế hoạch kỹ lưỡng và khó nhất là giai đoạn khởi động và những nhân sự tiên phong để khai mào cho sự hưởng ứng, làm theo, bắt chước. Chuẩn bị sẵn sàng với kế hoạch chi tiết, lượng giá kỹ lưỡng, nhân sự có sẵn, và nhất là khi có một nhân vật đang trở thành "danh hề" của dư luận là tung ra..." Srdja Popovic cười, nheo mắt bổ túc. Và anh kết luận:

"Để có hàng ngàn người tham gia những trò chơi tinh nghịch là Ý MUỐN. Ý muốn đó sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu bước đầu không tập trung vào việc XÂY DỰNG NHÂN LỰC. Sẽ không ai tham gia nếu không có một nhóm người can đảm, chấp nhận những rủi ro "có lượng giá" của những người đi đầu để người khác làm theo. Mọi sáng kiến đều vô nghĩa nếu nó chỉ nằm trên mặt giấy, ấp ủ bởi những nhà thông thái chống gậy và đôi chân không bước được xuống đường."

***

Dilemma Action - Đặt đối phương vào thế Tiến thoái lưỡng nan

Thời gian: Ngày 8 tháng 6, 2005. Địa điểm: Sân bóng đá Azadi, thủ đô Tehran, Iran. Bối cảnh: Trận đấu vòng loại World Cup 2006 giữa Iran và Bahrain. Đạo luật: Cấm phụ nữ Iran tham gia những chương trình tổ chức công cộng (trong đó có bóng đá). 

Trận đấu vòng loại mang lại chiến thắng cho đội nhà Iran với kết quả 1-0. Một chiến thắng khác, lớn hơn, thuộc về những người phụ nữ Iran đấu tranh cho Nữ quyền. Chống lại đạo luật cấm đoán, một nhóm phụ nữ đã giả dạng nam giới và xâm nhập vào tham dự cuộc thi đấu. Khi trận bóng xảy ra, dưới ống kính truyền hình BBC trực tuyến đến nhiều quốc gia, những người phụ nữ này đã xuất hiện giữa 70.000 khán giả tại Azadi và trước hàng triệu người trên thế giới đang theo dõi trực tuyến trận bóng. 

Lực lượng an ninh của nhà cầm quyền đối diện với 2 chọn lựa: (1) bắt những người phụ nữ này trước sự chứng kiến của thế giới và bôi đen uy tín của nhà nước Iran; (2) để yên cho họ ngồi đó và để cả nước chứng kiến hành động bất tuân của những người phụ nữ này đối với một đạo luật của nhà nước. 

Cả hai đều là chọn lựa xấu và mỗi chọn lựa đều phải trả một giá đắt. 

Hành động của những phụ nữ Iran là một thí dụ cho một "Dilemma action" - hành động tạo thế tiến thoái lưỡng nan cho đối phương. 

Khi bà Aung San Suu Kyi dùng biểu tượng nón lá vốn là một thứ mà đa phần người dân Miến Điện sử dụng, bà cũng đã đặt nhóm lãnh đạo quân phiệt Miến vào thế khó xử: (1) để người dân bình thường (và bây giờ cộng thêm những người ủng hộ bà Suu Kyi) tiếp tục đội nón lá như là một hình ảnh, biểu tượng của phong trào đang ngày càng rộng lớn; hay (2) bắt tất cả những người đội nón lá và đi ngược lại truyền thống, làm gia tăng sự căm phẫn của quần chúng. Hành động của bà Aung San Suu Kyi là một "Dilemma action". 

Trong phần trên, việc thành viên phong trào Otpor sử dụng một thùng tiền bên ngoài có hình Slobodan Milošević và lập trò chơi tinh nghịch ai bỏ một đồng tiền vào thùng thì được dùng một cây gậy đánh vào thùng... cũng là một loại "Dilemma action". Milošević đối diện với hai chọn lựa khó khăn: (1) Bắt tất cả đám thanh niên chỉ vì một trò hề nhắm vào ông ta và tạo thêm "hề tính" cho vụ việc; hay (2) cứ để cho sinh viên đem mình ra làm trò hề. Otpor đã phối hợp "những trò chơi tinh nghịch" với "dilema action". Phối hợp này cũng được thực hiện bởi người dân Zimbabwe với chiến dịch "đóng dấu mông bò". 

Khi Mohandas Gandhi bốc một nắm muối nhỏ tại bãi biển Dandi, ông đã đặt thực dân Anh vào thế tiến thoái lưỡng nan: (1) Nếu đàn áp và bắt ông cùng 50.000 người dân Ấn vì hành động "nhỏ bé" này, toàn quyền Anh sẽ mất uy tín ngay cả đối với dân Anh tự hào với truyền thống "gentlemen" đang theo dõi vụ việc. (2) Nếu không bắt ông, toàn quyền Anh không những bị nguy cơ mất độc quyền muối, mất lợi nhuận qua thuế muối mà còn mất tư thế cai trị đang áp đặt lên hàng triệu dân Ấn. "Dilemma action" của Gandhi được xem là một trong những hành động thần kỳ và đến nay, 70 năm sau vẫn được nhiều phong trào đấu tranh quần chúng học hỏi, bắt chước với nhiều sáng tạo để phù hợp với hoàn cảnh tại chỗ. 

"Dilemma action" đặt đối phương vào tình trạng mà bất kỳ phản ứng nào cũng mang lại hệ quả tồi tệ. 

"Dilemma action" đặt đối phương vào thế "thua và thua" (lose-lose) và "thắng và thắng" (win-win) cho phong trào quần chúng. 

"Dilemma action" dựa vào một vấn đề có ý nghĩa với số đông, được quan tâm và có xác suất cao được sự ủng hộ hay đồng cảm bởi quần chúng. Những vấn đề mang tính hiệu quả nhất thường liên hệ đến những cấm đoán hay chính sách đi ngược lại truyền thống hay niềm tin. 

"Dilemma action" có thể là một chiêu thức (trong trường hợp thùng tiền Milošević của phong trào Otpor) hay một chiến lược (trong trường hợp Hành trình Muối của Mohandas Gandhi). 

- Tập trung ủng hộ một lãnh đạo cao cấp nước ngoài mà nhà cầm quyền đang tìm cách có quan hệ tốt, để ca ngợi một chính sách hay đòi hỏi về nhân quyền của nước ấy trong quan hệ ngoại giao, trước ống kính của hàng trăm phóng viên quốc tế là một Dilemma action

- Đông đảo tham dự phiên tòa xử một công an giết người dân vô tội và yêu cầu pháp luật phải công minh và công lý phải được thực thi là một Dilemma action

- Cùng nhau tham gia đám tang của một người tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền và ca ngợi những việc làm cũng như những thông điệp tốt đẹp từ người ấy lúc còn sống là một Dilemma action.

- Ngăn cấm, ép buộc, không cho biểu tình thể hiện lòng yêu nước ngoài đường thì biểu tình tại nhà là một Dilemma action...

Tác dụng của "Dilemma action" đối với vấn đề sợ hãi: 

Lấy trường hợp những người phụ nữ Iran. Bất kỳ những hành động phạm luật nào khác họ sẽ bị bắt ngay. Trong "Dilemma action" của họ tại sân bóng đá Azadi, họ đã lượng giá mức độ xấu xảy ra cho họ chắc chắn sẽ nhẹ hơn. Với sự chứng kiến của cả triệu người trong nước lẫn khắp nơi trên thế giới, mức độ trấn áp của an ninh chắc chắn sẽ không bằng mức độ nếu sự việc xảy ra ở một đường phố Tehran. Nếu hành động của họ là độc tài Iran bối rối thì cũng chính "Dilemma action" của họ làm cho họ bớt sợ hãi. 

Việc làm của những phụ nữ Iran cũng đã gửi một thông điệp - thông điệp bằng hành động - được chứng minh bởi thực tế, đến quần chúng rằng: nếu biết cách, chúng ta có thể phản kháng mà không phải đối diện với những hệ lụy quá đáng. Sau này, nhiều phụ nữ Iran tranh đấu cho nhân quyền đã nói rằng hành động của họ có hiệu lực gấp ngàn lần những bài viết, những lời kêu gọi hãy vượt qua sự sợ hãi. 

Dĩ nhiên sau đó những người phụ nữ này có thể bị "bắt nguội". Nhưng nếu hành động tạo thế tiến thoái lưỡng nan của họ nằm trong một kế hoạch mà trong đó truyền thông thế giới vẫn tiếp tục nhận được những thông tin về tình trạng của họ, những cơ quan quốc tế quan tâm, có những vận động tạo nên sự ủng hộ của cộng đồng phụ nữ Iran, tình trạng an toàn của họ vẫn hơn hẳn những hành động mang tính "tự phát", không có tính toán. 

Dĩ nhiên, không có một hành động phản kháng nào là 100% an toàn, không đối diện với nguy cơ. "Dilemma action" chỉ giúp để giảm thiểu xác xuất và mức độ bị đàn áp và giảm bớt sự sợ hãi của chính những người đã dấn thân, lẫn những người đang còn nhiều sợ hãi, chưa dấn thân

Những giới hạn của "Dilemma action" 

Có những hành động tạo thế tiến thoái lưỡng nan áp dụng tốt cho nơi này mà không áp dụng được ở nơi khác, tùy vào bản chất của bộ máy độc tài, quan hệ quốc tế và nhiều yếu tố khác. 

Nếu bản chất của độc tài tệ hại đến mức không còn xem những truyền thống, giá trị đạo đức ra gì thì những "Dilemma action" dựa vào giá trị truyền thống, đạo đức hay niềm tin chung sẽ không có nhiều hiệu quả trong khía cạnh an toàn cho người thực hiện. Đảng CSVN nằm trong trường hợp này. Tuy nhiên, tình huống "thua" và "thua" vẫn xảy ra cho nhà cầm quyền và cái giá phải trả của họ là bộ mặt xấu xa càng bị phơi bày rõ ràng hơn. 

Nếu nhà cầm quyền không cần biết đến dư luận thế giới, không quan tầm đến uy tín của họ dưới con mắt của cộng đồng chung nhân loại thì những "Dilemma action" tạo khó khăn cho họ dựa vào dư luận thế giới đều vô nghĩa. Điển hình là trường hợp của tập đoàn quân phiệt Miến trong những năm trước đây. 

Nếu "Dilemma action" không được khai dụng bởi truyền thông và dư luận thì đôi khi tự nó sẽ không mang lại tác động đáng kể nào. Thí dụ: Khi công an cưỡng chế nhà thờ, đất đai của giáo hội, một hành động được xem là "Dilemma action" là treo tượng, hình ảnh Thiên Chúa thật nhiều vào những nơi sắp bị cày nát. Những người già, em bé sẽ ôm tượng Đức Mẹ quỳ xuống khắp nơi trên vùng đất sắp bị cưỡng chế. Không gì tệ hơn là hình ảnh công an, côn đồ cày nát những biểu tượng linh thiêng, hay đánh đập, bắt những người già, em bé. Tuy nhiên, "Dilemma action" đó sẽ không tạo khó xử cho kẻ cầm quyền nếu nó chỉ giới hạn ở nơi xảy ra mà khán giả chỉ là nạn nhân và kẻ thủ ác. Nó chỉ có kết quả nếu hình ảnh đó được thâu, chụp lại, có kế hoạch để chuyển tải đến những cơ quan giáo hội toàn cầu, những hệ thống nhà thờ nhiều quyền lực ở Tây Phương kèm theo những vận động, lên án, tạo áp lực. Một video clip cho người Việt Nam xem với nhau không đủ, vì có lúc, nhà cầm quyền không còn quan tâm thái độ của người dân đối với họ. 

Tác động ngược nếu ngộ nhận và áp dụng sai nguyên tắc "Dilemma action" 

Lấy cớ ủng hộ một nhân vật, một chủ trương tạm thời của guồng máy độc tài để đạt được một mục tiêu nào đó và xem đây là một "Dilemma action". Việc làm này dựa trên suy nghĩ là khi chúng ta ủng hộ thì đối phương không thể đàn áp vì như vậy là ngược đời và lố bịch. Trên thực tế: 

Nếu nhà cầm quyền đàn áp: 

a. Người dân có thể chán ghét họ hơn (nhưng sự chán ghét đã hiện hữu, thêm một chút cũng vậy), ngược lại: 

b. Làm cho người dân thêm sợ hãi khi thấy rằng ngay cả ủng hộ còn bị đàn áp huống hồ gì chống; 

c. Phải nhận những phê phán như "ngây thơ, tưởng ủng hộ chúng ai ngờ chúng cũng bắt về đồn". Điều này sẽ làm giảm uy tín của những người chủ xướng; 

Nếu nhà cầm quyền không đàn áp: 

a. Hình ảnh có thể đọng lại trong lòng của những người theo dõi là một nhóm người, đoàn người yên ắng ủng hộ chính phủ độc tài hay đồng hành với một số điều thuộc về giới cai trị. Đó là chưa kể những dư luận sau đó gán ghép về một thương lượng, hợp tác, bắt tay hay "âm mưu" với độc tài. 

b. Nếu muốn, và sẽ xảy ra khi cần, với sự kiểm soát toàn bộ về truyền thông, tập đoàn độc tài có thể lèo lái, "quay tròn" - "spin" sự kiện để tuyên truyền và chứng minh với đại khối nhân dân thầm lặng lẫn cả thế giới rằng ngay cả những người "có những bất đồng với nhà nước" cũng ủng hộ họ. "Dilemma action mà không phải là Dilemma action" này và những người thực hiện trở thành công cụ tuyên truyền đánh bóng chế độ và tạo phân hóa trong hàng ngũ những người ủng hộ phong trào. 

Trong cả hai tình huống, hành động lấy chính sách - biểu tượng - con người hiện tại, hay "thần tượng" quá khứ CỦA chế độ độc tài... đã không dựa vào những giá trị phổ quát, những chuẩn mực đạo đức không thể tranh cãi, những điều tốt đẹp mang tính chân lý mà dân tộc đang muốn hướng đến. Ngược lại, những hành động đó đã dùng thủ phạm hoặc nguyên nhân của tội ác, đại diện của gian dối để làm lá chắn hầu mong có được sự an toàn nào đó. Đây không phải là Dilemma action mà là hành động vô tình chống cây-gậy-dối-trá-và-xảo-quyệt để đi tìm sự thật và lương thiện. 

*

Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội. 

Chúng ta là nạn nhân của tội ác đó. Là kết quả của nhiều năm tháng, nhiều thế hệ nối tiếp bị cai trị bởi chế độ độc tài toàn trị. 

Đúng! Chúng ta là những con người sợ hãi. Nhưng cũng chính chúng ta, không ai khác, phải vác nỗi sợ hãi của chính mình và của cả dân tộc lên vai mà đi làm cuộc Cách Mạng của Sợ Hãi này.


30.07.2016

Thương tặng những người em của tôi, những người đang đứng thẳng giữa cô đơn.



____________________________

Chú thích:

(1) Thơ Tố Hữu - Hoan hô chiến sỹ Điện Biên 
(2) Thơ Quang Dũng - Đôi mắt người Sơn Tây 
(3) Thơ Tố Hữu 
(4) Thơ Chế Lan Viên 
(5) Thơ Tố Hữu 
(6) Thơ Trần Dần - Nhất định thắng 
(7) Tôi khóc ngày 30 tháng Tư 75 vì thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ
- http://www.vietthuc.org
(8) Giáo sư Đặng Phong - Những cơ hội bỏ lỡ và chặng đường phía trước

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.