Đi tìm lãnh tụ cho phong trào đấu tranh hôm nay
Lê Dủ Chân (Danlambao) - Có rất nhiều ý kiến cho rằng một trong những lý do chính yếu làm cho phong trào đấu tranh chống độc tài đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, công bằng xã hội, cơm no áo ấm tại nước ta chưa đạt được những kết quả như mong muốn là vì phong trào không có hoặc chưa có lãnh tụ.
Theo nhận xét của riêng cá nhân tôi thì ý kiến nêu trên đúng hay không đúng, hợp thời hay không hợp thời còn tùy thuộc vào từng cá nhân hay tập thể chúng ta hôm nay quan niệm như thế nào về "lãnh tụ".
Trong quá khứ, các chế độ quân chủ, độc tài nhất là độc tài cộng sản thường hay thần tượng hóa lãnh tụ của họ như một hình tượng siêu nhân không ai có thể thay thế được để qua đó bảo vệ sự cai trị vĩnh viễn của mình. Từ đó chúng ta mới có những từ như "thiên tử" để chỉ vua chúa ngày xưa, "lãnh tụ vĩ đại, cha già dân tộc" để chỉ lãnh tụ của đảng cộng sản như Mao, Stalin, Hồ hoặc "vua của các ông vua" để chỉ Muammar Gaddafi nhà độc tài xứ Libya... thậm chí họ còn đem những nhân vật này đặt vào bàn thờ tại nhà, tại chùa chiền, am, miếu để thờ cúng như tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất hay các vị tôn sư của các tôn giáo bất kể những nhân vật này có xứng đáng hay không.
Những "lãnh tụ siêu nhân" này, họ là ai? Dạ thưa, họ cũng chỉ là con người như chúng ta, họ cũng có hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si, ham sống sợ chết như chúng ta, họ cũng ăn, ngủ, sinh hoạt sinh lý như chúng ta, họ có thể có tài, có thủ đoạn, có trình độ, có quyết tâm, có máu lạnh, có thời hơn chúng ta nhưng dứt khoát họ không phải là thần thánh, là siêu nhân không thể thay thế mà họ chỉ là con người với đầy đủ đặc tính ưu khuyết của một con người mà ai cũng phải có.
Những ông "con trời" như Lê Long Đỉnh, Lê Chiêu Thống, những ông "vua của những ông vua" như Muammar Gaddafi, những ông "lãnh tụ vĩ đại", "cha già dân tộc" như Stalin, Hồ Chí Minh... sau khi bị lật đổ hay lúc bức màng dối trá được vén lên đã cho chúng ta thấy họ như thế nào!
Qua dòng thời gian, với sự tiến hoá, văn minh của nhân loại những lãnh tụ "siêu nhân dựng ngược" này sẽ bị lộ tẩy và phải nhường chỗ lại cho con người thật với đầy đủ bản chất của nó.
Dân tộc Việt Nam từ khi lập quốc đến nay trên 4000 năm nằm trong chế độ quân chủ và trên 70 năm (1945-2016) bị cai trị bởi chế độ độc tài cộng sản, xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay nói chung, thành phần trí thức nói riêng vẫn còn bị ảnh hưởng khá sâu nặng nền giáo lý "Thế Thiên Hành Đạo" của thời phong kiến và tư tưởng "Tôn Sùng Lãnh Tụ" của cộng sản, do đó có tầm nhìn gò bó và thiếu thực tế về con người và vai trò của một lãnh tụ.
Thật ra phẩm chất và tránh nhiệm của một người được gọi là lãnh tụ không cần phải hội đủ những điều kiện như một ai đó đã khái niệm trong Wikipedia như sau:
* Lãnh tụ thường được xem là những vĩ nhân, theo các định nghĩa kinh điển thì lãnh tụ là những người có các phẩm chất sau:
- Có tri thức khoa học uyên bác, nắm bắt được xu thế vận động của dân tộc, quốc tế, thời đại.
- Có năng lực tập hợp đông đảo quần chúng, thống nhất ý chí và hành động của quần chúng vào nhiệm vụ của dân tộc, quốc tế, thời đại.
- Gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, hy sinh quên mình vì lợi ích của dân tộc, quốc tế và thời đại.
* Nắm vai trò:
- Tổ chức lực lượng để giải quyết những mục tiêu cách mạng đề ra.
- Định hướng chiến lược và hoạch định chương trình hành động cách mạng.
- Nắm bắt xu thế của dân tộc, quốc tế và thời đại.
- Sáng lập các tổ chức chính trị xã hội, là linh hồn của các tổ chức đó.
Nếu chúng ta căn cứ vào những tiêu chuẩn như trên để tìm một lãnh tụ cho mình thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy và như vậy có nghĩa là gì nếu không phải là chúng ta đã đầu hàng đối phương trước cái bẩy của họ giăng ra!
Không, người lãnh tụ của mọi phong trào, mọi tổ chức đấu tranh, không đấu tranh hoặc chưa đấu tranh hôm nay, trong thế kỷ 21 này không phải là thánh nhân, cũng không phải là siêu nhân, họ không toàn diện, không vĩ đại và càng không phải là "cha già dân tộc" của ai cả, họ chỉ là con người bình thường với đầy đủ mặt tốt, mặt xấu của nó.
Điều chúng ta cần ở người lãnh tụ hôm nay là sự dấn thân và có cùng chung lý tưởng, mục đích như chúng ta là giải thể chế độ độ độc tài, độc đảng, xóa bỏ điều 4 hiến pháp hiện nay của nhà nước cọng sản, xây dựng một thể chế thật sự dân chủ để mọi người dân có cơ hội đóng góp công sức của mình trong công cuộc bảo vệ và canh tân đất nước. Ngoài ra mọi sự khác biệt mang tính cách cá nhân thuộc về bản chất và sinh hoạt riêng tư của mỗi người như quan niệm sống, tín ngưỡng, sở thích... chỉ là thứ yếu và có thể điều chỉnh.
Chúng ta không có bổn phận phải xem họ như một lãnh tụ suốt đời, họ cũng không cần chúng ta phải tôn họ lên thành lãnh tụ muôn năm, chúng ta và họ chỉ là những người đồng hành kẻ đi trước, người đi sau, kẻ bên phải, người bên trái, kẻ giỏi về mặt nầy, người có kinh nghiệm về mặt kia tương trợ, giúp đở, hướng dẩn, bổ túc cho nhau để đi cho hết đoạn đường của đất nước rồi sau đó số phận của mỗi người sẽ tùy theo người dân định đoạt.
Lãnh tụ là nhất thời, là giai đoạn, sự nghiệp của quần chúng mới là vạn đại.
Bà Aung San Suu Kyi được phong trào dân chủ ở Miến Điện tôn lên làm lãnh tụ, Joshua Wong, Alex Chow được cách mạng Dù ở Hồng Kông tôn lên làm lãnh tụ, thế thì tại sao tại nước ta những người đã và đang dấn thân trong phong trào đấu tranh hôm nay không thể trở thành lãnh tụ!? Phải chăng những người như các bà Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoan Trang... như các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Viết Dũng, Trần Anh Kim... và còn rất nhiều người nữa, họ thua kém bà Aung San Suu Kyi, ông Joshua Wong, ông Alex Chow hay chúng ta vì một lý do riêng tư nào đó không muốn họ trở thành người lãnh tụ của chúng ta!?
Gần 10 năm nay, cá nhân tôi cũng như hầu hết các bạn đọc DLB không hề biết ai là chủ nhân DLB, ai là những người nằm trong BBT/DLB. Thế nhưng chúng ta vẫn một lòng ủng hộ DLB qua các comments, qua những bài viết cũng như qua sự chấp hành nội quy, quy chế của DLB đưa ra. Mặc dầu không nói ra nhưng tôi tin rằng chúng ta đã chọn DLB là tờ báo chủ đạo của mình (ít nhất là cho đến hôm nay). Sự lựa chọn đó không phải vì người sáng lập ra DLB và BBT/DLB là những người hoàn hảo (không biết họ là ai thì làm sao mà biết họ như thế nào), không phải vì DLB là tờ báo không có những sai lầm khiếm khuyết, không phải vì DLB thỏa mãn được tất cả nhu cầu, sở thích của chúng ta... mà chính là vì DLB có cùng một mục đích tối hậu như chúng ta là xóa độc tài, áp bức, bất công để xây dựng tự do, dân chủ, công bằng xã hội cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Giữ được giá trị của tờ báo cho đến ngày hôm nay không phải là do sự phối hợp nhịp nhàng giữa lãnh đạo tờ báo và chúng ta, những thành viên của nó, hay sao!
Không những chúng ta mà ngay cả đối phương của chúng ta là đảng cộng sản điều biết rằng phong trào đấu tranh hôm nay của người dân Việt Nam tuy xuất hiện dưới nhiều hình thức và có nhiều mục tiêu khác nhau, có người đấu tranh cho công bằng xã hội, công lý được thực thi, có người đấu tranh cho môi trường sinh sống, có người đấu tranh cho quyền con người, quyền công dân, có người đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, có người đấu tranh cho tự do, dân chủ, có người đấu tranh cho chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ... nhưng đó chỉ là những mục tiêu chiến thuật để phục vụ cho mục đích tối hậu là giải thể chế độ độc tài, độc đảng, xóa bỏ điều 4 hiến pháp hiện nay của nhà nước cộng sản, xây dựng một thể chế thật sự dân chủ để mọi người dân có cơ hội đóng góp công sức của mình trong công cuộc bảo vệ và canh tân đất nước, như đã nói ở trên.
Đảng cộng sản biết rõ điều đó, cho nên họ đã thẳng tay đàn áp ngay cả những cuộc xuống đường để bảo vệ cái mảnh đất mà họ đang trị vì. Thế thì tại sao chúng ta không san bằng khác biệt về mục tiêu chiến thuật (đối với tổ chức), hy sinh bản chất đặc thù của riêng mình (đối với cá nhân), hòa đồng, liên kết với mọi người tạo ra một sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục đích tối hậu của mình!?
Phải chăng ở trong nước vì chúng ta có quá nhiều lãnh tụ nên trở thành không có lãnh tụ, có quá nhiều tổ chức nên trở thành không có tổ chức!? như đã thể hiện rõ nét trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt quốc gia tại Hoa Kỳ.
Tóm lại, một khi chúng ta thật sự chấp nhận hy sinh để dấn thân vào con đường đấu tranh đầy gian khổ này với khẩu hiệu TỔ QUỐC TRÊN HẾT, DÂN TỘC TRƯỚC HẾT thì "Lãnh Tụ" không ở đâu xa, có thể là chính chúng ta hay người bạn đồng hành của chúng ta đó.
08.08.2016
Post a Comment