Đất nước nhìn từ quán nhậu ba O Hà Tĩnh
Sao các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước không về Hà Tĩnh mà nghe dân chửi? - Luật sư Trần Đình Triển
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – Hà Tĩnh có nhân sự đứng đầu Bộ Y Tế, Bộ Kế Hoạch/ Đầu Tư, Bộ Tài Nguyên/ Môi Trường, Ngân Hàng Nhà nước và cả đống Ủy Viên Trung Ương Đảng mà năm nào cũng ngửa tay đi xin gạo, và con dân địa phương thì phải tha phương cầu thực khắp nơi (làm việc như nô lệ ở xứ người) để có tiền gửi về nhà cứu đói thì có hãnh diện chi mà khoe khoang về cái “bọn ăn trên ngồi trốc” và cái “đám ăn không ngồi rồi” này!
*
Cuối cùng, Miến Điện cũng đã mở cửa với thế giới bên ngoài. Họ hơi bị chậm nên thực đơn trong hàng quán ở đất nước này – phần lớn – vẫn chỉ cứ in những dòng chữ Miến (ngoằn nghoèo, bí hiểm) và tuyệt nhiên không hề có hình ảnh gì minh hoạ đi kèm ráo trọi.
Thực khách, bởi thế, thường rất cô đơn (và vô cùng hồi hộp) khi phải đối diện với những lựa chọn khó khăn. Gọi lầm thức ăn là chuyện tự nhiên, và cũng thường xuyên, y như... cơm bữa.
Dĩ thực vi tiên!
Và (chắc) vì vậy nên sân bay Mandalay và Yangon trông đìu hiu thấy rõ, so với sự tấp nập và ồn ào của phi trường Don Mueang hay Suvarnabhumi của Thái.
Thực phẩm của Thái Lan thì khó ai có thể phàn nàn, nhất là người Việt. Gừng, nghệ, sả, riềng, tiêu tỏi, ớt hành, mắm muối... đều là những gia vị thân thuộc đối với khẩu vị của cả hai dân tộc này.
Nhiều tiệm ăn bình dân ở thủ đô Bangkok còn thuê người Việt nữa. Loanh quanh Vọng Các, tôi thử óc quan sát (cùng trực giác) của mình nhiều lần, và rất ít khi bị trật:
- O là dân Hà Tĩnh, đúng không?
- Dạ!
Tiếng “dạ” rụt rè, với nụ cười hiền lành và niềm vui (không dấu) trên nét mặt người đối diện khiến cho kẻ tha hương chợt cảm thấy có cảm giác ấm lòng. Đôi khi, tôi cũng trật nhưng chưa bao giờ xa quá:
- Dạ không, con ở Diễn Châu mà.
Hoặc:
- Cháu người Quảng Bình, chú à.
Hay:
- Không phải mô, quê con ở Huế tề.
Theo Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Lan (Học Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á – The Institute of Southeast Asian Studies) có hơn năm trăm ngàn lao động Việt Nam ở nước ngoài, trong số này khoảng 50 ngàn người đang làm việc tại Thái Lan. Tất nhiên, chưa kể số người “làm chui” được gọi một cách lịch sự là những công nhân không có giấy tờ – undocumented workers.
Tuy là một lực lượng lao động đáng kể và cần thiết cho nước Thái, người Việt đến xứ sở này chưa bao giờ được đón nhận một cách đàng hoàng tử tế. Không những thế “nhiều kẻ còn bị bạc đãi bởi giới chủ nhân với đồng lương bóc lột, đến mức gần như phải làm việc trong môi trường nô lệ, và thường bị bắt bớ bởi giới chức có thẩm quyền” (many workers are underpaid, even to the point of almost slave labour conditions, mistreated by employers and often arrested by authorities) theo như nhận xét (“Vietnamese workers in Thailand: lesser known but valuable labour source”) của Christopher F. Bruton – Executive Director of Dataconsult Ltd – đọc được trên Bangkok Post hôm 21 tháng 7 năm 2016.
Mặt tiền quán Ba O Hà Tĩnh. Ảnh chụp tháng 02/2017
Ở ngoại ô Vọng Các, trong khu Yung Chalearn, có một cái quán (không biết tên gì) mà cả ba cô giúp việc đều là người Hà Tĩnh nên tôi gọi là “Quán Ba O.” Chúng tôi hay đến đây vì gần chỗ trọ, vì giá cả vừa phải, và vì được “cố vấn” về những món nhậu (ngon rẻ) cùng với thái độ thân thiện của những o đồng hương rất hiền ngoan và vô cùng chân chất.
Cứ nhìn thấy Ba O Hà Tĩnh, cùng nụ cười rất tươi tuy hơi bẽn lẽn là tôi lại nhớ đến bốn câu thơ của Hồ Dzếnh:
"Cô gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi"
Quán mở cửa từ 11 giờ sáng đến tận khuya. Nhiều đêm không làm việc được, tà tà ra quán uống vài ly, chúng tôi vẫn thấy “Ba O Hà Tĩnh” đang tất bật với những công việc chả nhẹ nhàng gì: lau dọn, rửa chén, chạy bàn... Hỏi thăm mới biết là dù làm việc đủ bẩy ngày một tuần, mỗi ngày trên 12 tiếng, hàng tháng cả ba chỉ được trả số tiền vô cùng khiêm tốn (200 Mỹ Kim) chỉ bằng nửa số lương tối thiểu – theo qui định hiện thời của Bộ Lao Động Thái.
Điều an ủi là chủ quán cho ở trọ không phải trả tiền nhà, và chuyện ăn uống tại chỗ – tất nhiên – cũng hoàn toàn miễn phí. Nhờ vậy, tiền công của cả ba o đều gửi hết về quê để nuôi mấy đứa em và bố mẹ già. Ở Hà Tĩnh, theo lời của họ: “Biết làm chi cho ra tiền được!”
Hà Tĩnh Không chỉ nổi tiếng về đói nghèo, và “hầu như năm nào chính quyền cũng than thở là phải ‘còng lưng’ xin gạo.” Địa phương này còn được cả thế giới biết đến “về sự cố môi trường biển” và là nơi chôn lấp chất phế thải của công ty Formosa.
Tuy thế, Báo Hà Tĩnh (số ra ngày 24 tháng 10 năm 2016) vẫn hớn hở cho hay:
“Các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới, những nhân sự đứng đầu Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… đều là người Hà Tĩnh.
Người Hà Tĩnh không chỉ vinh quang bởi các Bộ trưởng, tư lệnh ngành mà Hà Tĩnh còn được biết đến là tỉnh có nhiều ủy viên Trung ương nhất trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, với số lượng 16 người.”
Giới tinh hoa của Hà Tĩnh, rõ ràng, hơi đông. Số người dân lưu lạc của tỉnh này cũng thế, cũng đông hơn rất nhiều nơi khác. Dường như có tỉ lệ thuận giữa con số “bộ trưởng, tư lệnh ngành, và ủy viên Trung ương trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng” của Hà Tĩnh với đám con dân của địa phương này đang phải sống đời lưu lạc.
Thảo nào mà dịch giả Phạm Nguyên Trường đã rất cẩn thận với hạn từ “tinh hoa” khi chuyển ngữ:
Nghĩa của từ ELITE: the richest, most powerful, best-educated, or best-trained group in a society cho nên nếu luôn luôn dịch là TINH HOA thì e rằng không đúng. Ví dụ, người nước ngoài khi nói về giới viết lách ở VN có thể sẽ coi Đoàn Hương, Hữu Thỉnh, Hồng Thanh Quang, Tạ Bích Loan... là nhóm elite trong văn giới, hay Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng là nhóm elite trong chính trị..., nhưng nếu mình dịch lại thì mình chỉ viết "thuộc giới ăn trên ngồi trốc" mà thôi.
Dịch thuật như thế e hơi thiếu phần “thanh lịch” nhưng thực khó mà gọi đám người hiện đang cầm quyền ở Việt Nam (nói chung) và mười mấy vị Ủy Viên Trung Ương Đảng của Hà Tĩnh (nói riêng) bằng một hạn từ khác được. Tiểu luận (“Những Cơ Hội & Thách Đố Cho Lao Động Di Dân Việt Nam Tại Thái Lan”) của Linh Mục Antôn Lê Ngọc Đức, SVD, còn cho thấy rằng họ không chỉ là “bọn ăn trên ngồi trốc” mà còn là “đám ăn không ngồi rồi” nữa:
“ ...hầu hết đến từ các tỉnh miền bắc và miền trung, trong đó Hà Tĩnh và Nghệ An chiếm phần đa số. Ngoại trừ một số trường hợp, hầu hết xuất thân từ những gia đình nông thôn...
Tính chất của một số công việc mà các lao động di dân Việt Nam làm tại Thái Lan lệ thuộc phần nào về tuổi tác và giới tính. Những công việc như xây dựng (cọ xang), trông bãi xe (rắp rốt), tẩm quất trong phòng vệ sinh nam (nuad hong nám) chỉ dành cho lao động nam. Các công việc giúp việc nhà (mae ban), chăm sóc người già trẻ con trong gia đình chủ thuê, bán hoa hồng dạo… thường dành cho lao động nữ.
Ngoài ra những công việc như may quần áo (yep pha), bán dạo (kem, trái cây, nước giải khát), mở quầy hàng (áo quần, thức ăn, hoa quả…), bán hàng trong các cửa tiệm bán lẻ… thì cả lao động nam và nữ đều tham gia...
Đối với lao động từ các nước như Lào và Miến Điện được đăng ký hợp pháp, mỗi người được cấp một thẻ bảo hiểm sức khỏe để được điều trị tại bệnh viện chính phủ với những quyền lợi tương đương với công dân Thái. Tuy nhiên đối với công nhân Việt Nam thì mỗi khi lâm bệnh hoặc gặp tai nạn và đi điều trị tại bệnh viện thì phải tự túc hoàn toàn.”
Bên trong quán Ba O. Ảnh chụp tháng 02/2017
Hà Tĩnh có nhân sự đứng đầu Bộ Y Tế, Bộ Kế Hoạch/ Đầu Tư, Bộ Tài Nguyên/ Môi Trường, Ngân Hàng Nhà nước và cả đống Ủy Viên Trung Ương Đảng mà năm nào cũng ngửa tay đi xin gạo, và con dân địa phương thì phải tha phương cầu thực khắp nơi (làm việc như nô lệ ở xứ người) để có tiền gửi về nhà cứu đói thì có hãnh diện chi mà khoe khoang về cái “bọn ăn trên ngồi trốc” và cái “đám ăn không ngồi rồi” này!
Post a Comment