Ký tên vào Tuyên bố yêu cầu trả tự do cho nhà hoạt động Trần Thị Nga
Cali Today News – Gần 850 cá nhân và 31 tổ chức dân sự ở trong và ngoài nước đồng ký tên vào Tuyên bố khẩn cấp về việc bà Trần Thị Nga, một nhà hoạt động nhân quyền nói chung ở Hà Nam vào hôm 21/1/2017 bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (CSVN) bắt giam với cáo buộc Tuyên truyền chống nhà nước CSVN theo Điều 88 Bộ luật hình sự Việt Nam…
…Để lực lượng đấu tranh biểu thị tinh thần đoàn kết
Tuyên bố gồm 3 Mục và Mục III là yêu cầu trả tự do cho bà Trần Thị Nga ngay lập tức và vô điều kiện, chấm dứt mọi hành vi đánh đập, xúc phạm nhân phẩm bà Trần Thị Nga trong thời gian bà bị giam giữ, cũng như sau khi trả tự do cho bà Nga.
Ngay sau bản Tuyên bố được đăng tải lên mạng để thu thập chữ ký thì lập tức nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đặc biệt là những cá nhân, tổ chức quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng là Mục sư Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Chuồng Bò thuộc Giáo hội Mennonite hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, là người ký vào Tuyên bố đã cho Cali Today biết việc ký tên ủng hộ những Tuyên bố hay Thỉnh nguyện thư như thế này là việc làm có ý nghĩa bày tỏ quan điểm của công dân. Mục sư Hùng nói:
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh; Facebook Manh Hung Nguyen)
“Mục đích ký Thỉnh nguyện thư là bày tỏ quan điểm của công dân về một việc gì đó.”
Từ Hải Phòng, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cũng là người ký tên hưởng ứng Tuyên bố cho biết, theo quan sát của cá nhân của ông Nghĩa việc ký tên vào các Tuyên bố và Thỉnh nguyện thư phản đối các hành vi đàn áp tôn giáo, nhân quyền do nhà cầm quyền độc tài cộng sản tiến hành, tương tự như vụ bắt giam và truy tố bà Trần Thị Nga, anh Nguyễn Văn Oai vừa qua mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Ông Nghĩa nói:
“Thứ nhất: Tại thời điểm này do nhà cầm quyền dùng các lý do phi lý để ngăn cấm người dân tham gia các cuộc biểu tình (dù ôn hòa) phản đối các hành vi sai trái, vi hiến của họ thì việc ký các thỉnh nguyện nguyện thư là cách phổ thông mà lực lượng đấu tranh tạm dùng để biểu thị thái độ phản kháng. Thứ hai: Việc ký các thỉnh nguyện thư cũng là để lực lượng đấu tranh biểu thị tinh thần đoàn kết, bảo vệ nạn nhân của sự bắt bớ vô cớ do nhà cầm quyền tiến hành, đồng thời cũng là cơ hội tuyên truyền cho người dân nhìn nhận cụ thể hơn chính sách đàn áp và bắt bớ tùy tiện để bịt miệng những tiếng nói chính nghĩa, vì lẽ phải và tiến bộ. Nó cũng là cơ hội để lực lượng đấu tranh nhìn nhận tầm ảnh hưởng của phong trào ở mức độ nào trong khối quần chúng nhân dân chán ghét, bất bình với chế độ.”
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa (ảnh; Facebook Nghia Nguyenxuan)
Như Cali Today từng đưa tin về truyền hợp bà Trần Thị Nga bị nhà cầm quyền CSVN nói chung và nhà cầm quyền tỉnh Hà Nam nói riêng bắt giam và truy tố vào hôm 21/01/2017 với cáo buộc Tuyên truyền chống nhà nước CSVN. Cũng như bao vụ bắt bớ khác, vụ bắt bớ bà Nga cũng đã dấy lên làn sóng dư luận trong và ngoài nước bày tỏ sự lo ngại về tình hình nhân quyền Việt Nam, sự đàn áp của nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp diễn ở mức độ hết sức nặng nề.
Nói về bà Nga, Mục I của Tuyên bố ghi rằng:
“Chúng tôi nhận thức và nhận định rằng:
a) Trong nhiều năm qua, bà Trần Thị Nga liên tục bị khủng bố dưới các hình thức canh giữ, đeo bám, ngăn cản quyền tự do đi lại, cướp tài sản… Bà từng nhiều lần bị xúc phạm nhân phẩm, bị đánh đập đến tàn phế.
Là một phụ nữ can đảm, nhận thức việc làm của mình là đúng đắn nên bà Nga không hề nao núng, vẫn kiên định tranh đấu cho các quyền cơ bản của con người, vì một Việt Nam tự do, dân chủ, tiến bộ xã hội, văn minh, cường thịnh.
b) Qua tìm hiểu chúng tôi thấy những việc bà Nga làm gồm:
– Tư vấn pháp luật cho những người lao động ở Đài Loan biết để đòi quyền lợi chính đáng của mình;
– Tuyên truyền cho người dân về dân chủ, về quyền con người, các quyền của người dân được quy định tại Hiến pháp Việt Nam và Công ước của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên; bày tỏ cảm thông, đoàn kết, giúp đỡ người dân cùng khổ bị áp bức;
– Bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành động xâm lược, gây hấn của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam;
– Bày tỏ sự phẫn nộ, lên án những hành vi chà đạp lên pháp luật, áp bức dân lành;
– Bà Nga chưa đưa ra một thông tin nào bịa đặt, xuyên tạc.
Những hoạt động này của Bà Trần Thị Nga hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam, thể hiện trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, với xã hội, đúng đạo lý, không phải là tội. Tuy nhiên, việc làm của Bà Nga đã làm khó chịu cho những cá nhân và nhóm lợi ích vì quyền lợi ích kỷ của họ.
c) Việc bắt bà Trần Thị Nga vào những ngày giáp Tết cổ truyền trong khi hoàn cảnh của bà một mình đang phải nuôi 2 con nhỏ là một việc làm phi đạo lý, trái pháp luật.”
Và trong Mục II của Tuyên bố là Chúng tôi, những cá nhân và tổ chức ký tên cảnh báo: Việc bắt bà Trần Thị Nga sẽ gây nên làn sóng phản đối trong nước và quốc tế, làm tồi tệ thêm tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Việc bắt giam Bà Nga không thể làm nhụt chí những người có lương tri, tâm huyết và can đảm. Ngược lại, phong trào đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, phản đối mọi sự khủng bố bạo ngược càng thêm mạnh mẽ.
Cũng như bao Tuyên bố hoặc Thỉnh nguyện thư khác, theo Mục sư Hùng thì việc ký tên vào Tuyên bố yêu cầu trả tự do cho bà Trần Thị Nga tuy rất khó để đủ áp lực buộc nhà cầm quyền CSVN đáp ứng nhưng cũng sẽ đem lại những hiệu quả nhất định. Mục sư Hùng chia sẻ:
“Từ trước tới giờ, khi có những Thỉnh nguyện thư kêu gọi ủng hộ việc gì đó xét thấy có lợi cho nhân dân, cho lợi ích quốc qia dân tộc thì tôi đều tham gia ký tên ủng hộ. Mục đích ký tên là bày tỏ quan điểm của cá nhân và mong muốn quan điểm này được chuyển tải tới mọi người thông qua các phương tiện truyền thông để mọi người cả trong nước và quốc tế biết sự phản ứng của người dân trong nước. Vì vậy, khi quan điểm được chuyển tải trên các phương tiện truyền thông là đạt được hiệu quả mong muốn rồi.”
Và chia sẻ của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
“Từ khi tham gia công cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, tôi đã tham gia kí tên vào rất nhiều thỉnh nguyện thư loại này. Trên cương vị là thành viên trong Ban điều hành khối 8406 tôi cũng nhiều lần đóng góp soạn thảo và vận động nhiệt huyết các chữ ký cho các thỉnh nguyện thư do khối 8406 chủ trương và do các tổ chức Xã Hội Dân Sự khác.”
Theo đó, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói viêc ký tên vào những Tuyên bố hoặc Thỉnh nguyện thư có nội dung tương tự thật khó để lay chuyển nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng nhân quyền hơn, không tái diễn thêm việc bắt bớ những nhà bất đồng chính kiến hoặc nhà hoạt động nhân quyền nhưng vẫn có những hy vọng. Ông Nghĩa nói:
“Hiện tại mức độ hy vọng của tôi khi tham gia ký vào các thỉnh nguyện thư với mục tiêu đánh động lương tri nhà cầm quyền, hy vọng rằng qua các thỉnh nguyện thư như trên nhà cầm quyền chấm dứt đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến không cao. Ta biết rằng, chính quyền cộng sản là chính quyền độc tài sắt máu. Các thỉnh nguyện thư với số lượng chữ ký còn hạn chế như vừa qua khó lay chuyển được chính sách của họ. Nhưng tôi vẫn hy vọng bắt đầu vào một thời điểm nào đó khi dân trí đạt đến mức cao hơn để chúng ta lấy được số lượng chữ ký vừa và đủ thì ít ra nhà cầm quyền cũng bị tác động và lúc đó việc đàn áp, bắt bớ chắc chắn sẽ giảm nhẹ.”
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa khẳng định:
“Cuộc cách mạng dân chủ nhân quyền chúng ta đang làm là cuộc cách mạng ôn hòa nên sử dụng hình thức thỉnh nguyện thư và vận động chữ ký vẫn là một công việc cần thiết phải làm, kiên nhẫn làm trước khi chúng ta tiến hành các hình thức khác cao hơn khi thời điểm này sớm muộn rồi cũng phải đến”
Kết lời với Cali Today, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra hy vọng của bản thân:
“Hy vọng khi những hành vi vi phạm nhân quyền bị phơi bày trước công luận sẽ được các Chính phủ, các tổ chức yêu chuộng tự do, dân chủ, nhân quyền trên thế giới ủng hộ lên án thì sự vi phạm sẽ giảm. Cũng như một kẻ xấu, nếu bị vạch mặt chỉ tên và lên án trước công luận sẽ phải hạn chế hoặc từ bỏ việc làm xấu.”./.
THIÊN HÀ
Nguồn : http://baocalitoday.com/uncategorized/ky-ten-vao-tuyen-bo-yeu-cau-tra-tu-do-cho-nha-hoat-dong-tran-thi-nga.html
Post a Comment