Thực chất và hậu quả của cuộc "bầu cử tự do" với CSVN

       Những người không đủ khả-năng ước-tính và sự tiên-liệu cần-thiết  hoặc không thật-tâm nghĩ đến vận-mệnh của Đất Nước nên tìm những lãnh-vực khác để mưu-sinh bởi sự sai lầm trong sinh-hoạt chính-trị sẽ đưa đến những tai-họa vô cùng cho cả Dân-Tộc và đắc tội với Tổ-Quốc. Người không làm được gì trong cơn quốc-biến chỉ đáng-trách, những kẻ làm phương-hại  đến sự thịnh-suy và hưng-vong của toàn-dân sẽ bị Lịch-sử và Lương-Tri con người lên án. Tương-lai và Sự Sống Còn của Dân-tộc không thể là một canh bài cho những người vụng-về, ngây-thơ và ngủ mơ thử-thách!

          Việc đánh giá đúng những ưu, khuyết-điểm của địch cũng như của ta đòi-hỏi một tinh-thần vô tư, sáng-suốt và một trình-độ nhận-thức đứng-đắn để từ đó, dựa vào những kinh-nghiệm Lịch-sử Đông Tây để phác-họa những kế-hoạch và phương-thức giải-quyết khôn-ngoan và hữu-hiệu nhất trong chương-trình hoạt-động của mình hoặc của tổ-chức. Không làm được những công việc ấy, người ta phải tự hiểu rằng mình không đủ tầm-vóc để đảm-đương những vấn-đề lớn hơn trong lãnh-vực trọng-đại của cả một Quốc-Gia và đương đầu với những khó-khăn, phức-tạp vô-cùng của Đất Nước.-
 Thực chất và hậu quả của cuộc "bầu cử tự do" với CSVN
Thế Huy

Trong mấy năm gần đây, các khuynh-hướng chống Cộng của người Việt tại hải ngoại đề cập khá nhiều tới việc đòi VC tổ-chức một cuộc ‘’Bầu cử tự-do’’ với người QG, đặt dưới sự  ‘’Giám-sát của LHQ’’  như đã xẩy ra tại Căm-Bốt vì họ cho rằng đó là một giải-pháp khả-dĩ có thể giải-quyết vấn-đề Quốc Cộng tại VN. Người ta quên rằng các lực lượng Khmer đỏ, Son-San và Sihanouk khi đó vẫn đủ mạnh để gây những khó-khăn và tổn-thất lớn lao cho chính-phủ Hun-Sen. Ngoài ra, những thế lực bên ngoài, nhất là Trung-Cộng và Tây-Phương yểm-trợ các phe tham-chiến cũng khiến cho khuynh-hướng chống Hun-Sen có vị thế và hậu-thuẫn hơn. Hơn nữa, khi VC bị Quốc-tế buộc phải rút quân khỏi Căm-Bốt thì chính-phủ bù nhìn mất chỗ tựa nên lại càng lúng-túng thêm.

 

        Song song với các sự kiện trên, Hun-Sen không được Quốc-tế công-nhận là đại-diện cho Căm-Bốt trên diễn đàn thế-giới cũng như tại LHQ mà phe Sihanouk vẫn nắm vai trò ấy trên chính trường Quốc-tế. Hun-Sen chỉ là lá bài con đẻ của kẻ xâm-lăng, do VC đặt lên,  thiếu chính danh, bị thế giới tẩy-chay, cô lập nên đành phải chấp nhận nói chuyện với các phe chống đối. Tại VN, những yếu-tố thuận lợi đó không xẩy ra và người QG không có lực-lượng quân-sự có thể gây khó-khăn cho VC. CSVN dù tàn-nhẫn và bất nhân,  nhưng trên bình diện ngoại giao, được công-nhận là đại-diện của VN và được các nước tư-bản đổ tiền vào đầu-tư, buôn-bán. 

 

         Những người đòi CSVN tổ-chức "bầu-cử tự do", có thể, cũng hiểu sự khác biệt nói trên, nhưng vẫn đưa ra yêu sách ấy vì nghĩ rằng không còn cách nào đẩy lui được CS ra khỏi vai trò nắm quyền tại VN.

 



I.   Những ước-tính về tương-lai chế-độ CSVN.



               Sau mấy chục năm sống với CS, dĩ nhiên ai cũng hiểu đó là một chế-độ gò ép, đe-dọa, nghèo đói và bất-nhân. Làm cách nào để chấm dứt nó là một điều, dù mong-mỏi, nhưng mọi người đều biết rằng khó có thể thực-hiện được trong tình-hình và sự chênh-lệch thế-lực hiện nay! Chủ nghĩa CS đã lung lay và những người nắm quyền tại nhiều  nơi trên thế giới đã bị thanh-toán, nhưng CSVN vẫn dai-dẳng, dù có ít nhiều nao-núng. Đa số dân-chúng muốn tìm hiểu để tiên-đoán qua hình-thức nào sự sụp-đổ của chế-độ CSVN sẽ diễn ra? Nhiều giả-thuyết được đề-cập đến, nhưng không ai dám đoan-chắc về các diễn-tiến tương lai.

 

http://www.tinparis.net/icone_select/puce_losanger2.gifA.   Lật đổ CS qua các biến-động:

                   Kinh-nghiệm,xẩy ra tại Roumanie với cái  chết của vợ chồng nhà  lãnh-đạo CS Ceaucescu ngày 25/12/89 đã làm cho Bộ-Chính-Trị CSVN nao-núng, lo-ngại một trường hợp tương-tự sẽ diễn ra tại VN, nên họ đã áp-dụng một chính-sách cởi-mở hơn để giảm-bớt sự công-phẫn của quần-chúng, nhất là tại các thành-phố là nơi họ khó kiểm-soát người dân. Vấn-đề tư-hữu và sinh-hoạt kinh-tế từ mấy năm nay tại VN được nới lỏng, nhưng ngược lại, về chính-trị, người dân lại bị đàn-áp và kiểm-soát kỹ-càng hơn. Chính-sách trên của VC nhằm cô-lập các khuynh-hướng chống đối. Đời sống vật-chất bớt khổ thì dĩ nhiên, người dân có tâm-lý an-phận đợi chờ đời sống mỗi ngày một dễ thở hơn. Thông-thường thì con người chỉ dám liều-lĩnh khi tuyệt-vọng hoặc không còn cách giải quyết nào khác. Với suy-nghĩ ấy, người dân sẽ thụ-động và lơ là với các tổ-chức đấu-tranh khiến những khuynh-hướng chống-đối rơi vào tình-trạng bị lẻ-loi. Gần đây, các bản-án của đại-đức Trí-Siêu, Tuệ-Sĩ, Bác-Sĩ Nguyễn-Đan-Quế, Đoàn-Viết-Hoạt, Nhóm Liên-Đảng và nhiều tổ-chức đấu-tranh khác tại Quốc-nội được đem ra xét-xử và tuyên-án thật nặng-nề để cảnh-cáo và răn-đe quần chúng. Song song với nỗ-lực trên, VC dành dễ-dàng trong việc cho những người bỏ nước ra đi được trở về VN du-lịch để vừa kiếm ngoại-tệ, vừa cô-lập họ với các tổ-chức chống-đối tại hải-ngoại vì sợ bị khó-khăn trong lần về thăm nhà sắp tới. Sự kiện ấy đã khiến cho sinh-hoạt đấu-tranh càng trở nên rời-rạc và suy-yếu hơn trong mấy năm qua. Mới đây, Chính-phủ Mỹ đã xích lại gần và có thể sẽ bãi bỏ cấm-vận, thiết-lập liên-hệ ngoại-giao với VC lại càng khiến việc lật đổ CS bằng một cuộc nổi dậy của dân-chúng trở nên khó-khăn và ít có hy-vọng xẩy đến hơn.

 

               Tâm-lý người Việt sau khi thấy những tổ-chức mà họ trước kia đặt khá nhiều niềm tin như MT/QGTN/GPVN. Liên-Minh Dân-Chủ VN. Mặt Trận Lê-Quốc-Tuý và các Đảng-Đoàn tại hải-ngoại sau một thời gian đầu rộn-ràng rồi cũng xẹp xuống nên không còn hăng say yểm-trợ như trước. Những cá-nhân một thời được vinh-danh, nhưng sau một thời gian bị tù đầy, không được quần-chúng tin-tưởng như xưa nên người dân ít kỳ vọng vào sự thành-công của cuộc đấu-tranh võ-trang lật-đổ CSVN. Sự suy-nghĩ của họ đúng hay sai là vấn-đề chúng ta không phân-tích ở đây, nhưng mọi người phải công-nhận rằng đây là một thực-trạng mà chúng ta không thể chối cãi được. Thái-độ hờ-hững của đám đông khiến nhiều tổ-chức không còn tin vào sự hỗ-trợ của quần-chúng nên đã chuyển-hướng công-tác sang việc đi-đôi với các thế-lực Quốc-Tế để họ đỡ đầu hoặc yểm-trợ cho các hoạt-động của mình. Vì vậy, cuộc đấu-tranh đã  mang một sắc-thái khác đi. Nỗ-lực chính của các tổ-chức này là vận-động bên cạnh những thế lực ngoại-quốc để làm  ‘’lobby’’, thường chỉ xẩy ra trong hậu-trường chính-trị làm một số người có tinh-thần chống Cộng nghĩ rằng họ bị bỏ quên và không còn là đối-tượng để các Đảng đoàn quan-tâm đến. Trong nước, dân-chúng chờ trông vào người Việt tại hải-ngoại, ngược lại, người bên ngoài đợi những biến-động từ quốc-nội. Trong khi đó VC tăng cường kiểm-soát về an-ninh nên người dân chẳng dại gì liều-thân chống đối! Chúng ta lâm vào tình-trạng trông đợi lẫn nhau và hiện nay, ít ai tin vào việc nổi dậy của quần chúng để lật-đổ chế-độ CS tại VN.

 

                  Sau cái gọi là cởi mở, đổi mới và kinh tế thị-trường theo định-hướng XHCN, đời sống dễ thở hơn xưa, nhất là tại các thành phố lớn, người dân có thể mánh-mung kiếm sống nên các nỗ-lực chống đối và bất mãn có phần giảm-sút.  Người ta đã quên rằng không một cường quốc nào ra tay hứng lấy những công việc để cởi trói chúng ta mà chính mình, những người Việt nạn nhân ở trong nước phải đứng lên tự cứu. Không ai làm sẵn cho mình hưởng, không ai cứu ta nếu ta không chủ-động phản-ứng. Tâm lý đợi đèn xanh, đèn đỏ của các thế lực này hay các thế-lực khác là tâm lý ỷ-lại, viễn-mơ. Sẽ không bao giờ có đèn đỏ, đèn xanh nếu chúng ta bó gối trông chờ trong thế thụ-động. Sự yểm-trợ của người Việt hải-ngoại cũng chỉ đóng vai trò phụ-thuộc, chứ không thể là nỗ lực chính nếu người trong nước không đồng loạt đứng lên.

 

http://www.tinparis.net/icone_select/puce_losanger2.gifB.    Hoá-giải CS bằng phương-pháp bất bạo-động:

                   Khi xét rằng một cuộc nổi-dậy của quần-chúng khó có thể xẩy ra, một số tổ-chức chống Cộng nghĩ đến việc pha-loãng chất CS trong guồng máy cai-trị của VC và hy-vọng có thề áp-dụng ‘’kế-hoạch vết dầu loang’’ hầu bành trướng để một ngày đủ mạnh sẽ dứt điểm VC. Từ ý nghĩ trên, các đảng-đoàn đề ra các lập-trường và đòi hỏi đối với CS khác nhau. Qua hiện tượng trên, sự xung-đột giữa các tổ-chức, đảng phái tại hải ngoại bắt đầu. Sự nghi-kỵ lẫn nhau cũng như  mầm-mống chia rẽ bộc-phát rất nhanh. Các cuộc tranh cãi ngày một leo thang và để bảo-vệ đường lối của mình, nhiều tổ-chức đã đả kích nặng nề các khuynh-hướng khác. Kết quả là dân-chúng đã hoang mang lại càng bẽ-bàng và chán nản hơn. Từ nhiều năm nay người ta không còn có thể tin-tưởng được ai hoặc biết ai phải, ai trái, cũng như chẳng rõ ai là tay chân CS, ai là thật sự đấu-tranh.

 

                    Để chữa chứng bệnh nan y đã trở nên quá trầm-trọng hiện nay, chúng ta phải hiểu căn nguyên của nó. Câu hỏi mà nhiều người băn-khoăn là: Tại sao trong một tập thể vốn là kẻ thù hoặc nạn-nhân của VC lại không thể chung sức với nhau để triệt-hạ kẻ thù chung mà lại quay ra đánh phá lẫn nhau?. Tìm được câu trả lời, chúng ta đã đi được nửa đoạn đường đi đến sự đoàn-kết. Vậy câu trả lời là gì? Lý-do tại sao hiện-tượng ấy xẩy ra?

 

                Đào sâu vào sự-kiện này, chúng ta cần phải xác-định và đồng-ý với nhau là không phải bất cứ ai bỏ nước ra đi cũng là người chống Cộng, dù chỉ chống Cộng một cách thụ-động. Trong mười mấy năm qua, VC đã gài hàng ngàn cán-bộ trung-kiên của họ vượt biên  để một mặt làm kinh-tài, một mặt nằm sâu trong hàng ngũ QG để tuyên-truyền, nằm vùng và nắm cả những công-tác mệnh-danh là đấu-tranh nhưng thực-sự là với chủ-tâm phá hoại và gây chia rẽ chúng ta.  Để tìm biết những kẻ đó là ai, không có cách nào khác hơn là chúng ta phải theo dõi, điều-tra, dò xét những kẻ khả nghi. Người đảm-trách công việc ấy phải là người có  khả năng chuyên-môn, vô-tư và không nằm trong bất cứ một tổ-chức, đảng-đoàn hoặc phe phái nào đễ bảo đảm được tính cách không thành-kiến hay thiên-vị bất cứ ai.  Ngoài ra, một thực-tế khó giải-quyết khác là nhiều người hoạt-động chính-trị và đấu-tranh trong hàng ngũ chúng ta vì thiếu khả năng, kém tính-tế hoặc hời hợt, ngây thơ trong nhận-thức nên đã bị những kẻ đầu cơ chính-trị hoặc chính VC khuynh-loát mà chính họ  cũng không hề hay biết nên chủ-quan cho rằng chỉ có mình là đúng. Một số người dùng những vai vế kỹ-sư, bác-sĩ, dược-sĩ của mình để hoạt-động, nhưng thực ra họ không có khả năng gì  về chính-trị. Trong các buổi sinh-hoạt chính-trị, một số thủ-lãnh khi được hỏi đến đã không trả lời được một câu hoặc có người lại thích lên diễn-đàn, nhưng lúc nói thế này mai lại tuyên-bố thế khác. Sự thật đó xẩy ra ở khắp nơi từ ngót hai chục năm qua khiến nhiều người chán chường, ngao ngán. Tóm lại, chúng ta có quá nhiều tổ-chức, nhưng các đoàn-thể đúng nghĩa, có ảnh-hưởng và nhân-sự thì quá hiếm hoi. Các đoàn-thể có đường hướng, lập-trường vững-vàng và được lãnh-đạo bởi những người có khả năng, giầu nhiệt-tâm lại càng ít ỏi hơn. Ai cũng kêu gọi đoàn-kết, nhưng là thứ đoàn-kết để cho tổ-chức mình lãnh-đạo trong khi chính các tổ-chức ấy lập-trường cũng như sinh-hoạt thiếu rõ ràng và bị nhiều người đả kích, nhưng không chịu xét lại hoặc nói chuyện với bất cứ ai. Không đoàn-thể hoặc đảng phái nào đủ khả năng, hậu thuẫn và đường lối có hấp lực để các nhóm khác khâm phục nên việc kết-hợp với  nhau để có một tiếng nói chung đã không thể thực hiện được.

 

Chúng ta đã ít người mà lại vừa chống Cộng, vừa chống chỏi lẫn nhau nên tự thấy rằng không thể đủ sức để quật ngã được một chế-độ hung-tàn cách chúng ta cả nửa vòng quả đất. Từ những bế tắc trên, một số đoàn-thể nghĩ đến việc thách-thức CS chấp nhận một cuộc chạy đua để tìm sự ủng-hộ của người dân trong nước qua cuộc tổng tuyển-cử với sự trọng tài của các cơ-quan quốc-tế vì họ chưa đánh giá đúng mức thực tế về những thủ-đoạn bầu-cử của VC. Hơn nưã trong thâm-tâm họ, đó là hình thức đấu-tranh ít chông gai, nhàn hạ và dễ kiếm ăn.

 

 

II.   Cuộc Bầu-cử Tự-Do với CS dưới sự Giám-Sát của LHQ:

 

         Một số thành phần tự cho mình là khôn ngoan, chống cộng theo đường lối dân-chủ, trí-thức nên chủ-trương tiếp-xúc hoặc hợp-tác với VC  trong một Chính-Phủ Liên-Hiệp hầu pha loãng chất CS trong guồng máy cai-trị nhằm dẫn đến việc dân-chủ hoá VN, khi chính họ đã không lường hết được những mưu-mô của CS. Điều đó đã làm cho một số người nghi-ngờ các phần-tử trên phản-bội hàng ngũ QG khiến cho quần-chúng mất niềm tin vào các tổ-chức đấu-tranh nói chung. Một sự thật không ai có thể chối cãi được là: từ mười tám năm qua, hàng ngũ chúng ta không có một đảng phái, liên-minh hay đoàn thể nào có đủ nhân-lực và khả năng để đối chọi về thế-lực, phương-tiện và đòn phép với CS. Bởi vậy, chủ-trương hợp tác giai đoạn với VC để thừa cơ lật đổ chúng ít được ai hưởng ứng. Kế hoạch trên thường bị đánh giá là ngụy biện để che dấu việc đầu hàng và phản bội hàng ngũ QG. Trên thực-tế, các đảng-đoàn và liên-minh mạnh nhất hiện nay tại hải-ngoại cũng chỉ có chừng một vài trăm thành viên hoạt-động và kể cả cảm-tình viên hoặc gia-đình cũng chỉ đạt tới con số ba bốn trăm người ở rải rác khắp nơi. Với thực-lực ấy, dù kéo cả về VN,  dù tất cả là các vị ‘’giòi giang, mưu-trí’’ cũng không đủ khả năng để xoay chuyển cả một chế-độ khi hợp-tác với VC. Do đó, nếu họ không là kẻ mắc-mưu CS thì cũng là những người kém thực-tế, viễn mơ.

 

            Để thực-hiện kế-hoạch ‘’giải-thể từng bước’’ chế độ  CS, người ta nghĩ đến việc kêu gọi Hà-Nội tổ chức một cuộc ‘’Bầu Cử Tự-Do’’ đưới sự giám-sát của LHQ với hy-vọng là: Dù không thắng CS trong cuộc bầu cử trên thì cũng chiếm được một số ghế trong Quốc Hội để dùng làm bàn đạp hầu có cơ-hội nói lên tiếng nói của mình ngay ở trong nước. Họ lý-luận rằng thà chấp-nhận đấu-tranh từ thế yếu, nhưng ở ngay trong lòng địch còn hơn là chúng ta cứ duy-trì  tình-trạng đứng từ bên ngoài chống đối mà không làm suy-suyển gì được đối phương. Trên phương-diện lý-thuyết, quan-điểm này nghe có vẻ hợp-lý, nhưng câu hỏi được đặt ra là: Luật bầu-cử trong trường hợp ấy, sẽ do ai đặt ra? Luật bầu-cử và các thể-thức tiến hành sẽ hoàn-toàn do CS toàn quyền quyết-định để nắm ưu-thế và khuynh-loát cuộc bỏ phiếu trên?  Ngược lại, nếu CS chấp nhận cho chúng ta góp-ý trong việc soạn thảo cũng như hình thức tiến-hành thì họ sẽ bàn-thảo với ai và thực tế sẽ diễn ra thế nào? Các tổ-chức nào của phe đối-lập sẽ được quyền cử đại-diện trong Ủy-Ban Soạn-Thảo Luật Bầu-Cử với CSVN? Sự lựa chọn đó do ai quyết định và dựa vào những tiêu chuẩn nào? Có người quan-niệm rằng: Dù CSVN giành quyền quyết-định luật và thể-thức bầu-cử để cố ý gian lận, chúng ta vẫn chấp nhận, miễn là trong cuộc bầu-cử ấy, chúng ta chiếm được một số ghế trong Quốc-Hội để có tiếng nói còn hơn là dậm chân trong tình-trạng hiện nay! Một câu hỏi khác được đặt ra là: Với thực-tế mà mọi người đã thấy về khà năng, lập-trường và khí phách của những người lãnh-đạo các đảng đoàn hiện nay, các dân-biểu đối-lập đại-diện phe QG trong ‘’Quốc-Hội Hòa-Hợp Hòa-giải ‘’ sẽ làm được gì? Họ có đủ can-đảm nói lên tiếng nói của mình hay không? Họ sẽ làm gì để vô hiệu hoá hàng trăm áp-lực, để đối-phó với sự đe dọa và mua chuộc thường xuyên của mọi cơ cấu CS vây bủa xung quanh: Nếu vì sức ép của địch quá mạnh khiến họ buông tay thì sự hiện-diện của họ sẽ làm bình phong cho CS để VC bác bỏ tất cả các lời chỉ-trích của chúng ta và của thế-giới tự-do về sự độc-tài và chuyên-chính của chúng. Bởi trên hình-thức, CSVN sẽ biện minh là họ đã chấp nhận đối-lập như bất cứ một chính-phủ tự-do, dân-chủ nào trên thế-giới. Sự-kiện này hầu như chắc-chắn sẽ xẩy ra và chúng ta bị rơi vào thế  ‘’gậy ông đập lưng ông’’  tức là tự minh đòi VC tổ-chức bầu-cử để cũng tự mình chui vào ngay  “cái bẫy bầu-cử kiểu CS”  ấy!

 

 

III. Thực chất của sự ‘’giám-sát của LHQ hoặc Quốc-Tế’’  trong cuộc bầu-cử:

 

        Trong bất cứ một cuộc thương-thảo, đàm-phán hay đòi hỏi nào cũng dựa trên các tương-quan thế-lực của mỗi bên.  Bất cứ ai cũng chỉ nhượng-bộ đối phương khi không thể làm khác hơn được hoặc khi thấy rằng không lùi bước thì sẽ nguy-hiểm ngay đến bản-thân hoặc phe phái mình. Trong tình-thế hiện nay, phải thẳng-thắn nhìn nhận rằng: chúng ta chưa đặt CS vào cái thế bắt buộc phải lùi bước. Với Chính-phủ Clinton, càng ngày Mỹ càng đi gần lại với Hà-Nội và rất có thể Mỹ sẽ bỏ cấm-vận và thiết-lập liên-hệ ngoại-giao với CSVN. Cùng lúc với chiều hướng trên, các nước tư-bản khác trên thế-giới cũng viện-trợ, đầu-tư đáng kể tại VN; đồng thời quỹ tiền-tệ Quốc-Tế đã được đèn xanh của Mỹ cho VC vay tiền để phát-triển và tái-thiết VN. Qua các sự kiện trên, chúng ta thấy rằng  trong những năm từ 89 đến 91 là thời điểm lung-lay nhất. VC đã không nhượng bộ thì với tình-trạng hiện nay, họ chắc chắn sẽ không chấp nhận bất cứ đòi hỏi nào của chúng ta. Nếu trong tương-quan thế-lực ấy, VC đồng-ý một cuộc bầu-cử  gọi là tự-do đặt dưới sự giám-sát của Quốc-tế thì bằng nhận-xét chính-trị, chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao trong một tình-thế không bị bắt buộc như hiện nay, họ lại tự-ý nhượng-bộ chúng ta? Dĩ-nhiên, trong bước lùi ấy phải có những dụng tâm hiểm ác hơn mà một số người trong chúng ta chưa nhìn thấy. Những khuynh-hướng đưa ra đòi hỏi tổ chức bầu cử với CS có sách lược nào để hoá giải được những thủ-đoạn của đối phương hay chỉ lợi-dụng cơ-hội trên để kiếm địa-vị, dù biết rằng mình sẽ chỉ làm con bài cho địch để CSVN khoe-khoang về sự cởi mở và dân-chủ giả-dối của họ.

 

            Cuộc bầu-cử tại Roumanie cuối tháng 5/90 đặt dưới sự kiểm-soát của Quốc-tế cho thấy chỉ là một thứ trò chơi vụng-về và ấu-trĩ bởi các phái-đoàn quan-sát của dân-biểu, nghi-sĩ các nước như Pháp, Mỹ, Anh…mỗi người nhận-xét một cách khác nhau. Người thì cho rằng tương-đối tự-do, kẻ thì kết-luận rằng có những sự-kiện bất thường, kém rõ-ràng đã xẩy ra, nhưng tất cả chỉ nói thế thôi!! Những việc được xem là bất thường và mờ-ám đó không được phanh-phui, cũng không được ai hỏi tới.  Kết  quả của cuộc bỏ phiếu được cả thề-giới hợp-thức hóa để CS chiếm đa-số tuyệt-đối trong Quốc-hội. Nói đúng ra, các phái-đoàn quan-sát kia chẳng lưu-tâm gì đến công việc ấy. Họ dư hiểu rằng họ được đài thọ tiền để đến một nước CS với hàng trăm cạm-bẫy, đe-dọa và được CS mua chuộc để làm một chuyến viễn-du thì dại gì lại đi sục tìm, bơi-móc để có thể vướng họa vào thân. Nước VN nhỏ bé nằm ở nửa bên kia địa-cầu có dính líu gì đến bản-thân họ mà họ phải quan-tâm. Trong cuộc chiến-tranh lạnh giữa hai khối tư-bản và CS  vừa qua, hàng chục hoặc hàng trăm viên-chức cao-cấp của khối tự-do đã làm gián-điệp, bán cả những bí-mật quốc-phòng cho đối phương thì chúng ta đừng nghĩ rằng họ hết lòng vì tương lai của tiểu-nhược quốc Việt-nam.

 

          Tóm lại, việc hy-vọng vào các phái-đoàn giám-sát Quốc-Tế để tránh sự gian-lận của VC trong ‘’cuộc bầu cử mệnh danh là tự-do’’ chỉ là giấc mơ của kẻ mộng-du nhưng vẫn tưởng mình là những người khôn-ngoan, sâu-sắc và chỉ khi va chạm với thực-tế mới biết rằng mình là kẻ ngây-thơ, dại ngốc đã góp phần vào việc tạo uy thế và chính danh cho kẻ thù là CSVN. Tai họa của  việc ngủ mơ và thiển-cận đó, toàn dân VN và con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu, còn các  ‘’chính-trị-gia lỗi-lạc’’ từ hải-ngoại về, nếu không được chút phần lợi danh thì cũng chăng có gì phải lo âu, phiền-phức. Họ sẽ trở về Pháp, về Mỹ, về Úc để mặc cho bần-dân với trăm ngàn họa-kiếp.

 

 

IV.   Viễn-tượng của Quốc-Hội  ‘’Quốc-Cộng’’ tại VN:

 

          Một giả thuyết khác được đặt ra là: Nếu do một hoàn cảnh đặc biệt hoặc một phép lạ xẩy ra khiến phe Quốc-gia đạt được 60% ghế trong Quốc-Hội Quốc-Cộng tương lai, chúng ta vẫn lâm vào một tình-trạng  khó-khăn và phức-tạp là dù chiếm đa-số, nhưng chúng ta vẫn thiếu đồng nhất. Thực-trạng sẽ là phe Quốc-gia sẽ chia ra làm ba, bốn khối khác nhau vì không ai chịu ai, ai cũng muốn đứng độc-lập hoặc thâu tóm các khuynh-hướng khác. Đảng Đại-Việt không chịu đứng với VNQD đảng, phe ông Thiệu không chịu hợp-tác với dân-biểu của cánh Hoàng-Cơ-Minh… Trong khi đó, VC bị rơi vào tình-trạng thiểu-số nên sẽ kết-hợp chặt chẽ với nhau vì sợ rằng họ sẽ gặp tai-họa nếu Quốc-Hội Lập-Hiến biểu-qưyết đặt CS sản ra ngoải vòng pháp-luật như dụ số 10 trong thời Đệ-Nhất Cộng-Hoa trước đây. Kết quả sẽ là: Dù chiếm 60%  ghế dân-biểu trong Quốc-Hội, nhưng phe Quốc-gia lại chia ra làm nhiều khối, mỗi khối từ 10 đến 20% phiếu nên vẫn không thể mạnh hơn 40% phiếu chung của phe VC.  Trong Hiến-pháp, nếu người ta quy-định rằng phe nào chiếm nhiều phiếu hơn sẽ đứng ra lập Nội-Các như tại Pháp hiện nay thì rất có thể dù chỉ có  40% ghế trong Quốc-Hội, VC cũng có số phiếu cao hơn mỗi khối của phe Quốc-gia và họ sẽ lãnh-đạo Chính-phủ tương-lai. Việc chia rẽ, hiềm-khích giữa khối người QG với nhau rất có thể đương nhiên sẽ xẩy ra vì từ nhiều năm qua, chúng ta thấy rõ-ràng trong hàng ngũ đấu-tranh có nhiều kẻ bênh vực VC và mạ-lỵ hàng ngũ Quốc-gia và các chế-độ tại Miền Nam hơn cả đả-kích CSVN. Hơn nữa, trong hoàn-cành hỗn-độn ấy, CS sẽ tìm mọi cách áp-lực, đe-dọa, mua chuộc và đào sâu hố ngăn cách giữa các khối dân-biểu QG vì sợ rằng sự đồng-nhất của phe đa-số này sẽ mang đến tai-họa làm triệt-tiêu tiếng nói của VC và tiêu-diệt đảng CSVN. Hiện nay, một số tổ-chức mệnh-danh là đấu-tranh chống Cộng, nhưng lại nhất quyết đòi duy-trì đảng CS tại VN và đả-kích thậm-tệ những người muốn đặt đảng này ra ngoài vòng pháp-luật. Vì theo họ, nếu không chấp nhận đảng CSVN  tức là độc-tài, độc đảng và thiếu dân-chủ. Những người có lập-trường trên, khi được CS móc nối, rất có thể,  sẽ thuộc khuynh-hướng thiên-tả trong Quốc-Hội ngày mai.

 

           Dĩ nhiên, trên thực-tế, khi đồng-ý bầu-cử với các thành phần QG khi họ không bị dồn vào thế bắt buộc phải chấp nhận như thế thì CS đã dự-trù chắc-chắn rằng họ sẽ đè bẹp chúng ta, nên giả-thuyết là phe QG được 60% số ghế chỉ để chứng tỏ rằng: Trong trường hợp nào, chúng ta cũng chỉ thấy bất-lợi trong cuộc bầu-cử nói trên. Do đó, đòi hỏi CS tổ-chức bầu-cử là một yêu-sách nguy-hiểm cho hàng ngũ Quốc-gia vì sau cuộc tuyển-cử trên, chúng ta không còn có thể viện-dẫn bất cứ lý-do gì để chống đối. Bởi lẽ ta đã chấp nhận cuộc chạy đua và các thể-lệ của cuộc chạy đua đó. Nếu chúng ta phủ nhận kết qủa của cuộc đầu phiếu, thế-giới và nhất là CS sẽ rêu-rao rằng chúng ta cố-chấp và chỉ vừa ý khi chúng ta toàn thắng, dù trên thực-tế, ai cũng hiểu là CS ăn gian đòn phép. Do đó, đòi VC tổ-chức bầu-cử trong hoàn-cảnh hiện nay là dâng cho CS cơ-hội để họ dùng thủ-đoạn gian-lận và đòn-phép hầu thắng chúng ta một cách danh-chính ngôn-luận; đồng thời cũng là dịp để CS khoá miệng chúng ta và cả thế-giới về việc chỉ-trích chế-độ độc-tài và chuyên-chính của họ.

 

 

V.   Thực-lực của các Đảng-Phái Quốc-Gia

 

Các đảng phái QG đã bị CS triệt-tiêu gần nửa thế-kỷ qua  từ Bắc vĩ-tuyến 17 trở lên biên-giới Trung-Hoa và tại Miền Nam, sau 1975, thành-viên của các chính-đảng sau nhiều năm bị tù đầy, cấm đoán đã ngưng hoạt-động hoặc rút vào bóng tối nên thực-lực của hàng-ngũ này coi như không đáng kể và dĩ-nhiên, không thể so-sánh với hơn hai triệu đảng viên CS và hệ-thống cầm-quyền của VC hiện nay. Trong tình-trạng ấy, nếu cuộc Tổng-Tuyển-Cử xẩy ra, phe QG sẽ lấy ai làm ứng-cử-viên và nhất là làm cổ-động-viên tại Miền Bắc VN? Tại Miền Nam, dù còn lại môt số ít đảng-viên cũ của các đảng-phái QG, nhưng với sự đe-dọa và canh-chừng của CS, ai sẽ dám đứng ra ứng-cử và vận-động cho các đại-diện phe QG mà không sợ bị CS trả thù và thanh-toán trong tương-lai, nhất là sau khi phe QG bị thất-cử. Dù có một số ít người chấp-nhận hy-sinh để làm công việc ấy, nhưng sự chênh-lệch về hậu-thuẫn và phương-tiện giữa ta và CS như vậy, liệu chúng ta có hy-vọng thắng được CS hay không? Điểm qua những yếu-tố trên, người ta thấy rằng phe QG sẽ chỉ có được vài ba đại-biểu Quốc-hội nếu CS thấy đó là điều cần-thiết để ngụy-trang cho chế-độ của họ mà thôi! Trường-hợp đó hầu như chắc-chắn sẽ xẩy ra. Chúng ta có lợi gì hay chỉ vô-tình hoặc hữu-ý  làm công-cụ để đánh bóng chế-độ dân-chủ giả-hiệu và chiêu bài bầu-cử tự-do của CS! Vài dân-biểu QG ấy, sẽ làm được gì để xoay chuyển tình-thế hay cũng sẽ bị hăm-dọa, mua chuộc để ngồi làm bình-phong cho kẻ thù?  Cộng-Sản VN sẽ có thêm những con bài để che đậy dã-tâm hầu củng-cố và duy-trì chế-độ bất-nhân của chúng.

 

  VI.  Kết-Luận

      Những người không đủ khả-năng ước-tính và sự tiên-liệu cần-thiết  hoặc không thật-tâm nghĩ đến vận-mệnh của Đất Nước nên tìm những lãnh-vực khác để mưu-sinh bởi sự sai lầm trong sinh-hoạt chính-trị sẽ đưa đến những tai-họa vô cùng cho cả Dân-Tộc và đắc tội với Tổ-Quốc. Người không làm được gì trong cơn quốc-biến chỉ đáng-trách, những kẻ làm phương-hại  đến sự thịnh-suy và hưng-vong của toàn-dân sẽ bị Lịch-sử và Lương-Tri con người lên án. Tương-lai và Sự Sống Còn của Dân-tộc không thể là một canh bài cho những người vụng-về, ngây-thơ và ngủ mơ thử-thách!

 

        Việc đánh giá đúng những ưu, khuyết-điểm của địch cũng như của ta đòi-hỏi một tinh-thần vô tư, sáng-suốt và một trình-độ nhận-thức đứng-đắn để từ đó, dựa vào những kinh-nghiệm Lịch-sử Đông Tây để phác-họa những kế-hoạch và phương-thức giải-quyết khôn-ngoan và hữu-hiệu nhất trong chương-trình hoạt-động của mình hoặc của tổ-chức. Không làm được những công việc ấy, người ta phải tự hiểu rằng mình không đủ tầm-vóc để đảm-đương những vấn-đề lớn hơn trong lãnh-vực trọng-đại của cả một Quốc-Gia và đương đầu với những khó-khăn, phức-tạp vô-cùng của Đất Nước.-

  THẾ- HUY

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.