Ai đứng sau âm mưu cướp nhà ông bà Trịnh Văn Bô?
Lê Anh Hùng | VOA| 13.11.2017
Ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ là cặp vợ chồng doanh nhân nổi tiếng Việt Nam từ thời nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà còn chưa ra đời.
Từ “Bộ trưởng Tài chính” của Việt Minh…
Trước năm 1945, nhờ tài năng kinh doanh buôn bán, cặp vợ chồng này đã tích luỹ được một khối tài sản lớn bậc nhất đất Hà thành. Dù vậy, tinh thần yêu nước và lòng nhân ái của họ thì thậm chí còn lớn hơn cả khối tài sản mà thiên hạ ít ai bì kịp đó.
Gia đình ông bà từng ủng hộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ 5.147 lượng vàng, trong đó có 1.000 lượng vàng được đặc phái viên của Hồ Chí Minh là Nguyễn Lương Bằng đem đi hối lộ cho 3 viên tướng Tàu là Hà Ứng Khâm (500 lượng), Lư Hán (300 lượng), Tiêu Văn (200 lượng) chỉ để mong quân đội Việt Nam khỏi đụng độ với quân đội Tưởng Giới Thạch. Điều này càng đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh ngân khố quốc gia gần như rỗng tuếch thời bấy giờ.
Ngoài ra, họ còn hiến tặng ngôi nhà 48 Hàng Ngang cho chính quyền cộng sản để làm “bảo tàng cách mạng”, bởi đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số lãnh đạo Việt Minh khác tá túc từ ngày 24/8 (ngay khi từ Việt Bắc về Hà Nội) cho đến ngày 27/9/1945 và là nơi ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ngoài ra, họ còn hiến tặng ngôi nhà 48 Hàng Ngang cho chính quyền cộng sản để làm “bảo tàng cách mạng”, bởi đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số lãnh đạo Việt Minh khác tá túc từ ngày 24/8 (ngay khi từ Việt Bắc về Hà Nội) cho đến ngày 27/9/1945 và là nơi ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập.
Đóng góp của ông bà Trịnh Văn Bô cho chính phủ Hồ Chí Minh lớn đến mức người Pháp từng nói bà Trịnh Văn Bô là “Bộ trưởng Tài chính của Việt Minh”.
…đến vị thế một “dân oan”
Như báo chí nhà nước đã đưa tin, khi trở về từ vùng tản cư năm 1954, ông bà Trịnh Văn Bô đã sửa lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu định để ở thì Thiếu tướng, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái (về sau là Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng) ngỏ lời muốn mượn ngôi nhà trong hai năm (1954-1956) để tiện cho ông làm việc, bởi nó nằm gần cơ quan Bộ, với cam kết bằng văn bản là sau 2 năm, khi nước nhà thống nhất, sẽ trả lại cho gia đình ông bà.
Đại tá Bùi Tín, một người thân quen với gia đình, cho biết là đến năm 1957-1958, ông bà Trịnh Văn Bô đã ngỏ ý “xin lại” ngôi nhà cũ của mình nhưng ông Hoàng Văn Thái cũng như Bộ Quốc phòng không trả lời, dù đã quá thời hạn cho mượn.
Năm 1975, khi Nam - Bắc thống nhất, ông bà đệ đơn chính thức xin lại ngôi nhà nhưng lá đơn của ông bà một lần nữa rơi tõm vào im lặng, mặc dù lúc này ông bà đã con đàn cháu đống và phải sống chen chúc trong ngôi nhà số 24 Nguyễn Gia Thiều.
Năm 1978, gia đình ông Hoàng Văn Thái được cấp nhà riêng ở khu Liễu Giai, nhưng họ vẫn không chịu trả nhà 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô.
Tiếp theo đó là một quá trình vận động ròng rã hàng chục năm nữa của ông bà. Theo báo Thanh Niên, hàng chục chữ ký của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ qua các thời kỳ đều ủng hộ hai cụ nhưng vẫn vô hiệu.
Và phải đến ngày 9/9/1994, bà Trịnh Văn Bô mới có quyết định của Thủ tướng “tặng” ngôi biệt thự 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô do “có công lao to lớn đối với đất nước trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”, trong khi lẽ ra là phải trả lại nhà cho ông bà.
Tuy nhiên, không hiểu sao quyết định “tặng nhà” do Thủ tướng Võ Văn Kiệt uỷ quyền cho PTT Thường trực Phan Văn Khải ký lại bị tạm dừng vào tháng 3/1995, và đến nay vẫn chưa được thi hành.
Cuối cùng, khi đã bị dồn đến chân tường và không còn cách nào khác, gia đình bà Trịnh Văn Bộ quyết định phải làm liều. Tối 9/10/2003, tận dụng cơ hội khi những kẻ chiếm giữ nhà đi vắng, con cháu bà Trịnh Văn Bô đã cõng bà đột nhập vào ngôi nhà, kèm theo một can xăng đầy để liều sống chết với bọn cướp nhà.
Ông Trịnh Văn Bô mất năm 1988, mang theo nỗi uất hận là bị những kẻ mà gia đình ông từng cưu mang và ủng hộ gần như cả gia sản cướp trắng tài sản đáng kể nhất còn lại.
Còn bà Trịnh Văn Bô, mặc dù phải liều chết mới lấy lại được ngôi nhà thân yêu của mình, nhưng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5/11 vừa qua, vẫn chưa được chính quyền cấp sổ đỏ.
Và trách nhiệm của ông Võ Nguyên Giáp
Ông bà Trịnh Văn Bô cho ông Hoàng Văn Thái mượn nhà trên thực tế là cho Bộ Quốc phòng mượn, vì ông Thái mượn với tư cách Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, chứ không phải với tư cách cá nhân. (Đại tá Bùi Tín thì cho biết là Bộ Quốc phòng yêu cầu mượn tạm ngôi nhà.)
Thời điểm năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái là nhân vật cao cấp thứ hai trong Bộ Quốc phòng, chỉ sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và ngôi nhà 34 Hoàng Diệu lại nằm ngay cạnh nhà 30 Hoàng Diệu của Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ (dãy phố không có số nhà 32). Thế nên ông Giáp càng biết rõ cấp dưới của mình đang ở nhà ai.
Nếu là người đạo đức và trách nhiệm, tuân thủ nguyên tắc quân đội không được cướp đoạt của dân, khi quá thời hạn cho mượn mà ông Hoàng Văn Thái vẫn không chịu trả nhà cho ông bà Trịnh Văn Bô, lẽ ra ông Bộ trưởng Quốc phòng phải yêu cầu cấp dưới của mình thực hiện đúng cam kết.
Tuy nhiên, điều đó đã không xẩy ra trong năm 1956, khi thời hạn ông bà Trịnh Văn Bô cho Bộ Quốc phòng mượn nhà đã hết; không xẩy ra trong hai năm 1957 và 1958, khi ông bà đề nghị ông Hoàng Văn Thái và Bộ Quốc phòng trả lại nhà; không xẩy ra khi ông bà chính thức gửi đơn thư đòi nhà đến một loạt cơ quan ban ngành sau năm 1975; không xẩy ra khi ông Thái đã được cấp nhà mới ở khu Liễu Giai năm 1978.
Rời khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng năm 1980, ông Võ Nguyên Giáp vẫn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho đến tận năm 1986, nên ông vẫn phải chịu trách nhiệm trong việc trả lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu cho khổ chủ.
Sau khi về hưu năm 1986, trách nhiệm của ông Võ Nguyên Giáp đối với ông bà Trịnh Văn Bô còn nằm ở chỗ: Võ Điện Biên, con trai cả của ông, cùng vợ là con gái đầu của ông Hoàng Văn Thái lại sinh sống trong ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, ngay kế bên ngôi biệt thự rộng hàng ngàn m2 của ông cựu Bộ trưởng Quốc phòng.
Bút tích Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đám tang ông Trịnh Văn Bô.
Trong số con cái của hai vị đại tướng, người thành đạt nhất là ông Trương Gia Bình (con rể ông Võ Nguyên Giáp) thì cũng mãi sau này mới trở thành Chủ tịch HĐQT FPT, tức là họ không thể đủ sức cưỡng lại một loạt lãnh đạo của chế độ.
Sau khi Đại tướng Hoàng Văn Thái mất năm 1986, thế lực chống lại việc trả ngôi nhà 34 Hoàng Diệu cho khổ chủ quyết liệt đến mức TBT Đỗ Mười phải than thở với bà Trịnh Văn Bô: “Hay là chị Bô còn chôn vàng ở biệt thự 34 Hoàng Diệu? Nếu có chuyện này thật thì tôi xin đứng ra bảo lãnh để chị đến đào rồi mang đi toàn bộ... Chị hãy tin tôi và thương tôi với!”
Trong khi đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phải thốt lên với nhiều người rằng việc ông đồng ý để chính phủ ký quyết định “trả” nhà nói trên còn khó hơn gấp nhiều lần ông ký cho ra đời một dự án kinh tế vài trăm triệu dollar.
Thế lực chống đối thậm chí còn khiến quyết định nửa vời của chính phủ nói trên bị “tạm dừng thi hành” vào tháng 5/1995, sau khi ra đời được 8 tháng.
Thế lực đó là ai?
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.
Post a Comment