Động não định hướng, tư duy của một bầy lừa
Người lang thang (Danlambao) - ...Tư duy độc lập và suy nghĩ theo định hướng là 2 việc khác nhau. Suy nghĩ và lập luận của những người trí thức làm việc cho các chế độ toàn trị chỉ quanh quẩn theo lối mòn của một chủ thuyết và được chỉ đạo theo chủ trương chính sách của nhà cầm quyền. Đó là động não định hướng của bầy lừa. Động não tìm cách bao che cho chế độ và lừa gạt quần chúng bằng sự bịp bợm hay để đe dọa khủng bố. Đó là những kẻ nô bộc hèn hạ, những phường giá áo túi cơm thích chơi trò chơi chữ nghĩa, ngụy tín, lưu manh, lập loè những kiến thức nhai lại, kiểu bò sữa gặm cỏ cháy, theo cách nói của nhà văn Duyên Anh, và tự cho mình thuộc tầng lớp tinh hoa trong xã hội. Não trạng bầy đàn cùng cách xử dụng ngôn từ và văn pháp rập khuôn làm tê liệt óc sáng tạo, tinh thần khai phóng có thể tìm thấy đầy rẫy trong các văn bản, tài liệu học tập và những cuộc hội thảo. Chúng là mẫu số chung của một xã hội nô lệ. Các bài nghiên cứu, bình luận là những tờ tuyên truyền ở cấp độ cao hơn. Chúng được hỗ trợ bằng các phương tiện truyền thông của chính phủ để có chính danh...
*
Tôi tư duy nên tôi hiện hữu (Je pense donc je suis). Câu nói nổi tiếng của René Descartes khẳng định sự nghi ngờ trong tư duy là phương pháp để tìm kiếm sự thật.
René Descartes sinh năm 1596 tại Pháp và mất tại Stockholm, Thụy Điển năm 1650. Ông là một triết gia, nhà toán học và thường được xem như người đặt nền tảng cho nền triết học Tây Phương và toán học hiện đại.
Về mặt tâm lý, câu nói của ông thúc đẩy tri thức độc lập cần phải có trong sự khao khát tìm hiểu sự thật của những ai yêu quí tự do trong tư duy và không khiếp sợ trước bạo quyền. Giá trị nhân phẩm là phải dám thoát khỏi lối mòn của chủ nghĩa, dám phê bình và nếu cần sẽ phá đổ. Chủ thuyết thường chỉ có giá trị tương đối và bị lợi dụng nhất thời. Lịch sử đã chứng minh là người ta chỉ cần lừa gạt một thiểu số rồi dùng chúng để cai trị đa số, bằng cách vận dụng lý luận để diễn giải và bảo vệ - bằng vũ lực nếu cần - một chủ thuyết đã được dùng làm nền tảng tổ chức cơ cấu xã hội, dù nó đã lỗi thời, để duy trì chế độ.
Chúng ta thường nghe thấy cuộc chiến tranh lạnh trong lịch sử thế giới là cuộc đối đầu giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Thực chất đây chỉ là cuộc đối đầu giữa 2 hệ thống xã hội bởi lẽ xã hội Tây phương không bị cai trị theo một ý thức hệ như xã hội cộng sản. Ý nghĩa quan trọng nhất sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ là chủ nghĩa cộng sản Liên Sô với ý thức hệ và cơ cấu tổ chức xã hội đã bị biến mất. Chỉ qua một đêm, cuộc chiến tranh lạnh với những nghi kỵ, hận thù, giết chóc đã nhường chỗ cho sự tự do, cởi mở và dân chủ. Xã hội Tây phương, với khả năng vận hành tự do, đã tự chuyển hóa, cải biến theo thời gian bằng những đóng góp tích cực đến từ những tư tưởng độc lập và dấn thân của những người trí thức. Sự khác biệt về ý thức hệ, văn hóa và tâm lý dân tộc đã dẫn đến cuộc chiến tranh lạnh và cũng chính văn hóa phương Tây, một quyền lực mềm, đã góp phần vào việc làm sụp đổ chế độ Sô Viết.
Thượng tầng xã hội thường được đại diện bởi giới khoa bảng như học giả, chuyên gia, nhà báo, bác sĩ, luật sư v.v… Khoa bảng (academy) là một nghề nghiệp. Họ có rất nhiều kiến thức nhưng thường chỉ tập trung vào công việc chuyên môn và thụ động trước những vấn đề xã hội. Trí thức (intellectual) là một vai trò xã hội. Trí thức có thể là những nhà khoa bảng hay những người có học vấn trung bình chịu tìm tòi học hỏi thêm, trang bị cho mình một căn bản lý luận có thể thuyết phục người khác bằng cách tổng hợp kiến thức rồi sáng tạo ra tri thức (knowledge) riêng của mình. Nhưng tư cách trí thức chỉ có khi người ta quan tâm, thao thức đến những vấn đề xã hội và chính trị, đặt câu hỏi và tìm câu trả lời, không chấp nhận sự áp đặt chỉ đạo tư tưởng, sẵn sàng dấn thân, phản kháng để bảo vệ lập trường, quan điểm của mình với tấm lòng lương thiện và tư duy nhân bản. Các yếu tố này quyết định phẩm giá và giá trị tư tưởng của người trí thức. Trí thức là người của tư duy độc lập và hành động.
Tự do ngôn luận là nền tảng của một xã hội pháp trị ổn định và tự do. Điều 19 trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc ghi rõ:
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm quyền không bị gây khó khăn vì quan điểm của mình và quyền tìm kiếm, thu nhập và phổ biến tin tức và tư tưởng bằng mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới quốc gia.
Tuyên Ngôn này là kim chỉ nam cho những cuộc phản kháng khi sự lừa dối và bạo lực lên ngôi. Trí thức là những người rất nhạy cảm với các biến động chính trị và xã hội. Họ luôn thao thức, hoài nghi, truy tìm sự thật và dấn thân hành động khi cần. Chính vì vậy họ luôn là đối tượng bị theo dõi và thanh toán.
Tư duy độc lập và suy nghĩ theo định hướng là 2 việc khác nhau. Suy nghĩ và lập luận của những người trí thức làm việc cho các chế độ toàn trị chỉ quanh quẩn theo lối mòn của một chủ thuyết và được chỉ đạo theo chủ trương chính sách của nhà cầm quyền. Đó là động não định hướng của bầy lừa. Động não tìm cách bao che cho chế độ và lừa gạt quần chúng bằng sự bịp bợm hay để đe dọa khủng bố. Đó là những kẻ nô bộc hèn hạ, những phường giá áo túi cơm thích chơi trò chơi chữ nghĩa, ngụy tín, lưu manh, lập loè những kiến thức nhai lại, kiểu bò sữa gặm cỏ cháy, theo cách nói của nhà văn Duyên Anh, và tự cho mình thuộc tầng lớp tinh hoa trong xã hội. Não trạng bầy đàn cùng cách xử dụng ngôn từ và văn pháp rập khuôn làm tê liệt óc sáng tạo, tinh thần khai phóng có thể tìm thấy đầy rẫy trong các văn bản, tài liệu học tập và những cuộc hội thảo. Chúng là mẫu số chung của một xã hội nô lệ. Các bài nghiên cứu, bình luận là những tờ tuyên truyền ở cấp độ cao hơn. Chúng được hỗ trợ bằng các phương tiện truyền thông của chính phủ để có chính danh. Bộ máy tuyên truyền của Đức Quốc Xã dưới sự điều hành của Joseph Goebbels, Bộ Trưởng Tuyên Truyền, đã cho thấy sức mạnh khủng khiếp của truyền thông như thế nào khi đã lôi kéo cả dân tộc Đức lao vào cuộc Thế Chiến Thứ 2, tàn sát hơn 6 triệu người Do Thái và vẫn còn ảnh hưởng đến ngày hôm nay qua chủ nghĩa Tân Phát Xít (Neofascism). Nếu nói dối đủ lớn và cứ tiếp tục lập đi lập lại lời dối trá của mình, quần chúng rồi sẽ tin vào lời nói dối đó. Phương pháp này được nhiều chế độ chuyên chế áp dụng trong lịch sử.
Trí thức nói chung dùng ngòi bút như vũ khí để truyền đạt tư tưởng. Họ rất giỏi trong lý luận và cách xử dụng ngôn từ. Tác động của các bài viết có thể làm thay đổi cục diện chính trị hay xã hội. Trong chiến tranh Việt Nam, ngòi bút và phim ảnh của các nhà báo, phóng viên chiến trường đã tác động tâm lý và sự suy nghĩ quần chúng trong nước Mỹ và khắp thế giới đến mức đã làm sụp đổ chính sách của Hoa Kỳ và nền độc lập dân chủ non trẻ của miền Nam Việt Nam. Trong các cuộc chiến tranh trên thế giới, từ 2 cuộc thế chiến 1&2 đến các cuộc chiến tranh như ở Triều Tiên, ở Falkland giữa Liên Hiệp Anh và Argentina, ở Grenada dưới thời Ronald Reagan và hiện nay ở Iraq và Afganistan, miền Nam VN là nơi đầu tiên và duy nhất đội quân nhà báo, phóng viên được mời gọi tự do tác nghiệp (cái quyền mà cộng sản Hà Nội không bao giờ cho phép trong thực tế) và được giúp đỡ, ưu đãi mọi mặt (tấm thẻ nhà báo có giá trị tương đương với lon đại úy trong quân đội). Không một người tháp tùng hay một người giám sát nào can thiệp vào công việc của họ. Tự do thông tin và báo chí hầu như không bị động chạm tới. Sự trung thực, tính khách quan, lương tâm chức nghiệp sau này đã nhiều lần được đưa lên bàn mổ để đánh giá lại bởi chính những người đã đem theo bút mực, máy đánh chữ, máy chụp ảnh quay phim, đi theo những người lính trong cuộc chiến này. Ở đây cũng cần phải nêu thêm sự vỡ mộng của những trí thức thiên tả ở Phương Tây như Jean Paul Sartre, Henri Miller, Bertolt brecht, Jean Bruller, Bertrand Russell... hay cô đào điện ảnh Jane Fonda.
Gần đây, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội VN vừa tái bản bộ Lịch Sử Việt Nam gồm 15 tập. Lần đầu tiên sau 42 năm, những người viết sử đã thừa nhận một chính thể có tên là Việt Nam Cộng Hòa. Thực chất đây chỉ là cách đánh tráo từ ngữ để tỏ vẻ khách quan. Chính quyền bị gọi là của ngụy quyền miền Nam vẫn được nhắc đến như một đối cực của miền Bắc đầy chính nghĩa. Núp dưới chiêu bài chống Mỹ cứu nước, với sự hỗ trợ của khối cộng sản, miền Bắc đã tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Trong những đất nước bị chia đôi như Việt Nam, Hàn Quốc, Đức, sự hiện hữu của các thực thể chính trị độc lập, được quốc tế công nhận, không thể chối bỏ. Vì vậy, trường hợp ở VN, giải phóng là một cuộc xâm lược, cưỡng chiếm. Kẻ chiến thắng đã chụp lên đầu những người chiến bại và những người phải rời bỏ quê hương chạy trốn cộng sản bằng những tội danh như ngụy quân, ngụy quyền, phản động, phản quốc… Và rồi ngày nay những tội danh này lại được thay thế bằng những cái tên mạ vàng giả như việt kiều yêu nước, khúc ruột ngàn dặm... Thêm một chiêu lừa đảo có tên là hòa hợp hòa giải. Bao giờ tâm lý ngạo mạn của kẻ nắm quyền lực còn đặt tổ quốc và dân tộc nằm dưới lá cờ đảng và không chấp nhận hoài nghi, phê phán là động cơ của tiến bộ, khai phóng sáng tạo, xây dựng thì tình cảm quốc gia vẫn không dẫn được người Việt đến gần nhau.
Giáo sư Tương Lai, trong một cuộc phỏng vấn, đã trả lời đài VOA như sau:
Người ta cho Hồ Chí Minh là có tội rất nặng và thậm chí HCM không phải là HCM đâu mà là Hồ Tập Cương... Tôi biết tất cả những thứ đó. Nhưng về lịch sử thì cần phải có một nhận thớc cho đúng đắn và vào lúc này không thể phủ nhận vai trò của HCM được và tôi thì kiên định cái quan điểm đó.
Không ai phủ nhận vai trò của HCM trong một giai đoạn lịch sử VN hiện đại. Cũng không ai phủ nhận vai trò của Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc. Điều quan trọng là vai trò của họ đã dẫn đến những thảm họa gì cho dân tộc. Lịch sử là chuyện kể những gì đã qua. Tiếng nói phản biện, đối lập của những người đương thời, tường thuật của các nhân chứng sống rất cần thiết để đo lường mức độ trung thực của các sự kiện và đúng đắn trong nhận thức. Phán xét của các đời sau sẽ dựa trên những sự thật này. Hãy tưởng tượng đến những trang sách lịch sử trong các thế kỷ sắp tới chỉ chứa đựng những tài liệu dối trá một chiều và hậu quả nguy hại của nó. Giáo sư Tương Lai chọn ngày 2/9/2017 để ra tuyên bố từ bỏ đảng. Chủ đích để chơi nổi hay dù bằng bất cứ kiểu tự biện hộ nào khác, khi đi đến quyết định này, ông cũng đã chậm hơn thế hệ con cháu 20 năm, nếu chưa muốn kể đến những người thuộc thế hệ của ông đã thức tỉnh trước đó. Từ cuối những năm 1990, một thế hệ mới, rất trẻ tuổi, không cần nhân danh chủ nghĩa, đảng phái, lãnh tụ hay vụ lợi cá nhân đã chấp nhận bị bắt bớ tù đày khi lên tiếng vạch trần những góc tối của lịch sử, những giả dối, sai lầm của nhà cầm quyền. Họ đơn giản chỉ là lương tâm dân tộc. Lương tâm này quá trong sáng và quá xa xỉ đối với các thế hệ trước, trong đó có ông và rất nhiều trí thức cộng sản khác. Có phải ông đã tính toán rất cẩn thận bằng cách nấp dưới bóng một con bài chủ: con bài HCM mà đảng cầm quyền không dám đụng tới vì sợ mất chính danh. Hình ảnh cha già dân tộc được sử dụng như lá bùa để tự vệ. Cả ông và bọn cầm quyền đều ôm chặt lá bùa máu vì hiểu nhau hơn ai hết. Hình như suốt 87 năm, máu và nước mắt của dân tộc vẫn chưa đủ để thỏa mãn những hoang tưởng điên cuồng. Tiếp tục ngụy tín hay vì âm mưu nào đó, bằng cách giương cao lá bùa máu, đảng Lao Động HCM, là hèn hạ và lường gạt vô trách nhiệm. Thế hệ mới đang dạy lại cho ông và những trí thức cộng sản những bài học làm người đã bị quên từ lâu. Đó là lương tâm, liêm sỉ và trách nhiệm. Không ai cấm ông giáo sư kiên định cái quan điểm của mình. Nhưng ở đây cần một sân chơi sòng phẳng. Cách mạng hay cơn mê sảng vì mơ mộng chủ nghĩa xã hội? Công hay tội? Chính nghĩa hay liên minh với quỷ? Đạo đức hay bất lương? Yêu nước hay bán nước? Tự chủ hay chư hầu? Lịch sử rất công bình nếu không bị lừa bịp. Tiếc rằng người cộng sản không quen sự công bình. Họ dành độc quyền tô vẽ, diễn giải lịch sử vì biết sự thật quý giá đến mức "lúc nào nó cũng phải được một đội vệ sĩ của dối trá canh giữ" (Winston Churchill). Có bao giờ bạn nghiệm ra là mình đang phải sống chung trong một đất nước với một lũ trí thức mặt thớt, mắt mù mộng du trong bóng tối tương lai.
14.11.2017
Post a Comment