Suy nghĩ bên Quảng trường Anh hùng ở Budapest

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Bên kia chỗ tôi đứng là Quảng trường Anh Hùng (Heroes' Square) nổi tiếng của Hungary, nơi chứng kiến nhiều biến cố trọng đại của lịch sử quốc gia này. Cách đây ba năm, tôi có dịp đến đó và nhớ lại những gì đã đọc về đất nước đầy thay đổi, nhất là cuộc cách mạng năm 1956.

Hôm nay ngồi nhớ lại, cũng vào tuần lễ này, 61 năm trước, từ ngày 4 đến ngày 10 tháng 11, 1956, hàng trăm xe tăng T-54 và nhiều sư đoàn Liên Xô tấn công vào Hungary để tiêu diệt cuộc cách mạng vì tự do dân chủ của nhân dân Hung.

Máu của hàng ngàn người dân Hung vũ trang bằng súng đạn thô sơ đã nhuộm thắm đường phố thủ đô Budapest. Imre Nagy, người vừa lên làm thủ tướng và tuyên bố thành lập chính phủ đa đảng, bị bắt và hai năm sau bị xử bắn.

János Kádár, một lãnh tụ CS Hung thân Liên Xô lên nắm quyền và tái lập chế độ CS mãi cho đến năm 1989. Cuộc chiến không cân sức giữa nghĩa binh Hung và 17 sư đoàn thiện chiến Liên Xô dẫn đến kết quả cuộc khởi nghĩa bị dập tắt bằng máu. Điều đáng nói, ngoại trừ một số rất ít sĩ quan thân Liên Xô, đa số các đơn vị quân đội Hung đều đứng về phía chính phủ cách mạng. Theo nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, không có đơn vị nào của quân đội Hung đã đàn áp chính nhân dân họ. Họ bị quân Liên Xô bao vây và giải giới. Lực lượng không quân của Hung cũng bị vô hiệu hóa sớm.

Trước và trong khi Liên Xô tấn công Hungary, chính phủ Imre Nagy đã liên tục cầu cứu Liên Hiệp Quốc và các chính phủ tự do can thiệp. Ngoại trừ các hoạt động có tính cách tình báo chiến thuật, các bản tin qua đài phát thanh Châu Âu Tự Do, tuyên cáo đòi hỏi Liên Xô rút quân, các nước Mỹ, Anh, Pháp và Châu Âu dân chủ không có một phản ứng nào cụ thể.

TT Eisenhower, theo tài liệu trong Văn khố Quốc Gia (National Security Archive Electronic Briefing Book), không muốn đẩy thế giới vào một chiến tranh có khả năng nguyên tử toàn cầu chỉ vì biến cố tại Hungary.

Số người Hungary bị quân Liên Xô giết ước lượng khoảng 2,500 người và 20,000 người khác bị thương. Khoảng một nửa số người bị thương là thanh niên dưới 30 tuổi và hơn một nửa số người bị giết là công nhân. Nhiều ngàn người đã bị chế độ CS do Liên Xô dựng lên bắt giam và trong số đó 229 người bị xử bắn.

Quảng trường Anh Hùng, ngoài các lễ nghi CS, đã im vắng suốt 31 năm cho đến tháng Chín, 1987, Diễn Đàn Dân Chủ Hugary (Hungarian Democratic Forum) được thành lập.

Diễn đàn trở thành đầu tàu của nhiều cuộc biểu tình nhằm áp lực nhà cầm quyền CS thực thi các quyền tự do căn bản, trong đó quyền ứng cử và bầu cử là những quyền ưu tiên. Trước sức mạnh của dân, János Kádár, người nắm trọn quyền hành suốt 31 năm phải từ chức và được thay thế bởi những lãnh tụ CS có đầu óc cải tiến.

Cũng tại Quảng trường Anh Hùng, ngày 16 tháng Sáu, 1989, lễ cải táng Imre Nagy, người bị János Kádár xử bắn 31 năm trước đã được tổ chức một cách trang trọng với sự tham dự của hàng trăm ngàn người dân Hung. Theo báo chí quốc tế, lễ tưởng niệm cũng là ngày đánh dấu sự sụp đổ không thể nào tránh khỏi của chế độ CS tại Hungary.

Ngày 6 tháng Bảy sau đó, một đạo luật do quốc hội có khuynh hướng cải cách được ban hành để phục hồi danh dự cho Imre Nagy. Đặc biệt hơn, đó cũng là ngày János Kádár, người đã phản bội lời hứa bảo vệ an toàn nếu Imre Nagy đầu hàng, qua đời vì bịnh ung thư.

Lịch sử cho thấy, dù trong một điều kiện vô cùng khó khăn, tinh thần tranh đấu của người dân Hungary không chết, không tàn rụi trong cô đơn và không ngồi đó chờ đợi bàn tay Anh, Mỹ.

Ngọn lửa tự do vẫn cháy âm ỉ trong lòng người dân Hung để rồi 31 năm sau bộc phát thành cuộc cách mạng dân chủ đầu tiên của Đông Âu.

Để nhắc nhở các thế hệ sau về bài học đầy cay đắng, chính phủ Hungary thay vì phá hủy các tượng đài CS, đã tập trung các “Bác Hồ”, “Nguyễn Thị Minh Khai”, “Lê Hồng Phong”, “Phan Đăng Lưu”, “Võ Thị Sáu” v.v... của nước họ vào một công viên gọi là Memento Park.

Như Bộ trưởng Giáo Dục Hungary Zoltán Pokorni phát biểu khi giới thiệu công viên này: “Tôi thấy đây là một kế hoạch đầy hứa hẹn để giữ ký ức lịch sử còn sống và tăng cường ý thức của công dân về trách nhiệm và cam kết để giữ gìn nền dân chủ… Công viên sẽ được sinh viên học sinh, những em không có kinh nghiệm và ký ức riêng tư, thăm viếng thường xuyên, nhờ đó có cái nhìn sâu xa và ấn tượng của một thời đại được biểu hiện trong công viên.”

Người dân Hungary không đợi ông tổng thống Mỹ nào đến để khuyên họ phải biết yêu nước, phải biết đấu tranh. Họ viết lịch sử bằng máu xương của chính họ và dạy cho các thế hệ sau giá trị của sự hy sinh.

Người dân Hungary không đợi một Bill Clinton đến Budapest như ông đã đến Hà Nội ngày 17 tháng 11, 2000 để nhắc nhở “Tương lai của các bạn nên nằm trong đôi bàn tay của mình, đôi bàn tay của nhân dân Việt Nam.”

Họ không chờ một Barack Obama đến để chỉ cho thấy “Vận mệnh Việt Nam nằm trong tay người Việt” hay TT Donald Trump đến để kết luận giùm “Cuối cùng, đừng bao giờ quên rằng thế giới có nhiều nơi, nhiều ước mơ, và nhiều con đường. Nhưng trên khắp thế giới, không có nơi nào như nhà mình.”

Các tổng thống Mỹ mỗi vị có một lối diễn đạt khác nhau nhưng cùng một ý và ý đó cũng chẳng phải là mới lạ mà đã có từ ngàn xưa: “Con người phải biết đứng trên đôi chân của mình.”

Câu nói của người xưa mà các tổng thống Mỹ nhắc lại cũng không chỉ nhắm vào đảng CS mà cho tất cả người Việt biết thao thức vì đất nước.

Như các nhà sử học đã chứng minh sau khi phong trào CS thế giới sụp đổ, sức mạnh để lay chuyển chế độ độc tài không bắt đầu từ tinh thần tự nguyện của các lãnh tụ độc tài mà bắt đầu từ sức mạnh của người dân. János Kádár của Hungary, Gustáv Husák của Tiệp, Erich Honecker của Đông Đức, Zhivkov của Bulgaria và cả Mikhail Gorbachev của Liên Xô đều phải tránh sang bên nếu không muốn bị cày nát dưới bánh xe lịch sử.

(Để tưởng nhớ nạn nhân cuộc Cách Mạng Hungary 1956).

14.11.2017

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.