10 điều cấm sinh viên - mấy điều tha cho đảng?
Phạm Trần (Danlambao) - Vào ngày 5 tháng 4 năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam đã công bố 10 Điều cấm sinh viên không được làm trong nhà trường và ngoài xã hội. Nếu vi phạm, họ sẽ bị phạt qua 4 giai đoạn từ “Khiển trách” đến “Cảnh cáo”, qua mức nặng hơn là “Đình chỉ học tập có thời hạn” , sau cùng là “Buộc thôi học”.
Nếu những điều cấm cản này chỉ tập trung vào đạo đức, công dân giáo dục, thuần phong mỹ tục và việc học hành của sinh viên thì không sao. Nhưng khi Bộ GD&ĐT đem các quyền con người của công dân được Hiến pháp công nhận vào cuộc trắc nghiệm lòng trung thành với đảng, nhà nước để xâm phạm quyền tự do tư tưởng thì Bộ này là tay sai của Ban Tuyên giáo và là cánh tay nối dài của Bộ Công an.
Chi tiết 10 Điều cấm sinh viên được viết trong Thông tư số 10/2016/TT, về “Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo Đại học hệ Chính quy”, công bố ngày 05 tháng 04 năm 2016.
(Đại học hệ Chính quy được đào tạo tập trung dành cho các thí sinh đạt kết quả tốt nhất ở các kỳ thi tuyển sinh chính thức hằng năm của các trường đại học trên toàn quốc).
Trước hết, sinh viên phải: "Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ trường đại học và các quy chế, nội quy của cơ sở giáo dục đại học.” và “Tham gia hoạt động trong tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam v.v…”
Nội dung cấm
Trong số 10 Điều cấm, những điều quan trọng gồm:
1). Tổ chức hoặc tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật; tham gia tệ nạn xã hội. gây rối an ninh, trật tự an toàn trong cơ sở giáo dục đại học hoặc ngoài xã hội.
Việc quyết định để cấu thành tội phạm khi tham gia “tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện” không thuộc quyền Bộ GD&ĐT nên khi Bộ này tự ý quyết đoán “trái pháp luật” đối với hành động của sinh viên là giẫm lên Bộ Tư pháp.
Hơn nữa quyền biểu tình đã được Hiến pháp quy định tại Điều 25: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định."
Chỉ tiếc rằng Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam chưa cho phép Dự Luật biểu tình của Bộ Công an được trình ra Quốc hội vì sợ đảng lâm nguy nên đã tìm mọi cách trì hoãn. Vì vậy khi chưa có luật thì Bộ Giáo dục không thể quy trách sinh viên đã làm trái luật.
Hơn nữa nhóm chữ "gây rối an ninh, trật tự an toàn” đã được lực lượng Công an sử dụng tối đa để đàn áp người dân đi khiếu kiện đòi công bằng hay tham gia các cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lược trong mấy năm qua. Khi Bộ GD&ĐT lạm dụng nhóm chữ này để chống sinh viên cả trong nhà trường và ngoài xã hội là Bộ này đã “Công an hóa học đường” để ngăn cấm không cho sinh viên tham gia chống Trung Quốc khi cần thiết.
2). Sản xuất, buôn bán, vận chuyển, phát tán, tàng trữ, sử dụng hoặc lôi kéo người khác sử dụng vũ khí, chất nổ. các chất ma túy, các loại dược phẩm, hóa chất cấm sử dụng; các tài liệu, ấn phẩm, thông tin phản động, đồi trụy và các tài liệu cấm khác theo quy định của Nhà nước; tổ chức, tham gia, truyền bá các hoạt động mê tín dị đoan, các hoạt động tôn giáo trong cơ sở giáo dục đại học và các hành vi vi phạm đạo đức khác.
Đã có ai trong Bộ GD&ĐT định nghĩa được nội dung thế nào là “phản động” chưa, hay phải nhờ đến Ban Tuyên giáo của đảng chỉ đường vẽ lối? Nếu chỉ sợ bóng sợ gió, nhìn gà tưởng cáo để quy chụp quyền được thông tin của dân thì ngành giáo dục đã biến thành Ban an ninh Chính trị nội bộ đảng hay Tổng cục Chính trị Quân đội.
3). Thành lập. tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị trái pháp luật; tổ chức, tham gia các hoạt động tập thể mang danh nghĩa cơ sở giáo dục đại học khi chưa được Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học cho phép.
Một lần nữa, “mang tính chất chính trị” là như thế nào? Điều mơ hồ và võ đoán tùy tiện này đã vi phạm khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013, theo đó: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
Vì vậy, nếu chưa làm sáng tỏ được thế nào là “mang tính chất chính trị” thì mọi quyết định liên quan đến hoạt động của sinh viên đều vi Hiến.
4. Đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, “xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet.”
Thêm lần nữa, nhóm chữ “xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet” đã bị Bộ GD&ĐT lạm dụng, tự chế ra để ngăn chặn và kìm kẹp tư tưởng của sinh viên.
Khi nêu ra lý do “xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước…” là Bộ GD&ĐT muốn kiểm soát chặt chẽ sinh viên và không để họ lọt ra ngoài vòng cương tỏa của đảng.
Nhưng hành động như thế nào thì một sinh viên bị coi là xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước…? Từ xưa đến nay, Công an đã bắt giam nhiều người bị cáo buộc “xâm phạm an ninh quốc gia” mà không cần có bằng chứng để buộc tội họ.
Ngoài ra sinh viên cũng không được “Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật khác” là quyết định mơ hồ, không căn cứ vào bất cứ Luật lệ nào.
Hình phạt
Vậy nếu sinh viên vi phạm những cấm cản vô lý của Bộ GD&ĐT thì hình phạt sẽ thế nào?
Theo Quy định mới thì tùy theo số lần, tính chất và mức độ nghiêm trọng, các hình phạt được xếp qua 4 giai đoạn:
a) Khiển trách: áp dụng đối với sinh viên có hành vi vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ;
b) Cảnh cáo: áp dụng đối với sinh viên đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng hành vi vi phạm có tính chất thường xuyên hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng mức độ tương đối nghiêm trọng;
Nhưng thế nào là “tương đối nghiêm trọng” và căn cứ vào đâu, luật lệ nào để xác định “tương đối” hay “không tương đối”?
Tiếp theo còn có 2 hình phạt:
c) Đình chỉ học tập có thời hạn: áp dụng đối với những sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; sinh viên vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào quy chế đào tạo để quyết định thời hạn đình chỉ học tập theo các mức: đình chỉ một học kỳ, đình chỉ một năm học hoặc đình chỉ theo thời gian sinh viên bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
d) Buộc thôi học: áp dụng đối với sinh viên đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến cơ sở giáo dục đại học và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù giam.
Quy định mới đã gặp phản ứng dữ dội của sinh viên.
Báo An Ninh Thủ đô viết ngày 19/04/2016: "Ngay lập tức, phản ứng đầu tiên của không ít bạn trẻ thắc mắc vì sao lại phải đưa ra một quy định chẳng khác nào kiểm soát, can thiệp quyền tự do phát ngôn của sinh viên? Nhiều sinh viên hiểu đơn giản là trên trang Facebook của mình, việc tự do viết bình luận, chia sẻ thông tin, hình ảnh mình thích hoặc không thích là điều mà nhà trường, thậm chí bố mẹ cũng không có quyền ngăn cấm.”
Một sinh viên Đại Học Kiến trúc chia sẻ với tờ báo này: "Nếu như nói trực tiếp không ai nghe thì chúng em còn có mạng xã hội để giãi bày suy nghĩ cá nhân của mình. Bây giờ lại cấm không được nói trái chiều thì chẳng nhẽ trước hành động không đúng vẫn chỉ được nói xuôi chiều, chỉ khen, không chê?”.
Tuy nhiên những biện pháp trừng phạt sinh viên đã được áp dụng từ năm 2007 mà không đem lại kết qủa. Báo An ninh Thủ đô viết tiết: "Việc hạ hạnh kiểm, buộc thôi học có thời hạn, yêu cầu chuyển trường… đã từng được các trường phổ thông, đại học áp dụng khi phát hiện sinh viên, học sinh, thậm chí là phụ huynh “nói xấu” nhà trường. Điều này vẫn gây ra những phản ứng trái chiều, bên ủng hộ, bên cho là thiếu cơ sở xử lý.”
19 điều cấm đảng viên
Vì vậy, nếu Sinh viên chỉ bị cấm làm 10 Điều mà chưa biết có làm nổi hay không thì mọi người cũng đừng quên từ năm 2011, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng “lên ngôi” Tổng Bí thư đảng khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương đã công bố 19 Điều cấm đảng viên không được làm.
Đến nay, 5 năm sau, một số đông đảng viên, kể cả cấp Lãnh đạo vẫn trơ ra như đá và coi trời bằng vung mặc cho Tham nhũng tiếp tục sống vinh quang và êm ấm để sinh sôi nẩy nở trong rất nhiều tầng lớp cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã thành gỗ mục cho sâu mối mọt ẩn náu.
Tình trạng trên bảo dưới không nghe, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng, chạy chỗ làm ngồi mát ăn bát vàng, lao động tiền nhiều không lấm tay cho đến nói nhiều làm ít hay đánh trống bỏ dùi đã thành một nếp sống mới trong hệ thống cầm quyền từ Lập pháp sang Hành pháp và Tư pháp.
Thậm chí tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ đảng cũng đã thăng hoa. Các “nhóm lợi ích” đã được tổ chức theo mô hình băng đảng để rút ruột ngân sách, dự án kinh tế, xây dựng và móc túi dân.
Có người ở cấp cao chỉ nhăm nhe bỏ đảng chạy lấy người cho cả con cái, dòng họ khi có dịp. Tình trạng gửi con ra nước ngoải du học để chuyển tài sản không còn là chuyện làm kín hay hiếm hoi trong thời đại ngày nay.
Tất cả những thứ “trăm hoa đua nở” này đã diễn ra giữa ban ngày nhưng nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ mạng sống ngư dân và chủ quyền đang bị Trung Quốc hung hăng toan chiếm từ đất liền ra Biển Đông lại ít thấy nhà nước quan tâm bằng hành động.
Vậy Quy định số 47-QĐ/TW về “những điều đảng viên không được làm” đã nói gì ?
Hãy đọc cho đỡ nhớ 19 Điều đảng cấm:
1 - Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.
2 - Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố…
3 - Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định…
4 - Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ. Đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý…
5 - Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên… Tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo.
6 - Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự.
7 - Đảng viên tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội khi chưa được tổ chức Đảng có thẩm quyền cho phép.
8 - Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ… Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác. Có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định…
9 - Làm trái quy định trong những việc: quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước; huy động vốn và cho vay vốn tín dụng; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án…
10 - Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định…
11 - Chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các văn bản trái quy định. Tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi.
12 - Đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định. Đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái quy định.
13 - Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực; kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định…
14 - Tổ chức du lịch, tặng quà, giải trí để lợi dụng người có trách nhiệm dẫn đến việc ban hành quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp mà mình tham gia.
15 - Dùng công quỹ để thăm viếng, tiếp khách, tặng quà, xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị…
16 - Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước hoặc ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
17 - Tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; cho vay trái quy định của pháp luật; sử dụng các chất ma túy; uống rượu, bia đến mức bê tha và các tệ nạn xã hội khác…
18 - Mê tín, hoạt động mê tín. Lập đền, miếu, nơi thờ tự của các tôn giáo trái phép; ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp…
19 - Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, Tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi.
Kê khai tài sản làm gì?
Đó là những điều đảng cấm đảng viên, nhưng tại sao Tham nhũng cứ thi đua vui chơi tung tăng trước nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 5 năm qua?
Hỏi cho vui vậy thôi chứ ông Trọng cũng đã có lần nhức nhối nói: "Sốt ruột, bức xúc lắm, không phải bây giờ mà mấy năm trước Đảng đã gọi đây là quốc nạn, giặc nội xâm, quyền lực lớn mà không kiểm soát dễ sinh hư hỏng, tham nhũng… Lãng phí cũng ghê gớm, có khi còn hơn tham nhũng, về thời gian, công sức, tiền bạc..."
Ông Trọng tâm sự đảng “phải chống nhiều thứ như lợi ích nhóm, cục bộ, suy thoái và cả tham nhũng nhỏ. "Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu". (ViệtNamNet, 27/09/2013)
Bằng chứng Tham nhũng đang cười vào mũi đảng còn được chứng minh qua trò “kê khai tài sản” của các cấp Lãnh đạo, 8 năm sau có lệnh phải làm.
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ tuyên bố ngày 16/12/2015: “Kê khai tài sản đang là hình thức”
Báo trong nước viết: "Thống kê mới nhất của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về kê khai tài sản từ năm 2007 đến 2014 cho biết đã có trên 5,55 triệu lượt kê khai, xác minh được 2.632 trường hợp...
Theo TTCP, nếu năm 2007, chỉ có hơn 313.000 người kê khai thì đến năm 2012, con số này là 642.000 người, năm 2014 tăng lên 1.019.956 người.
Tuy nhiên, số người sau kê khai bị phát hiện vi phạm, bị xử lý kỷ luật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, từ năm 2007-2014, chỉ có... 18 cán bộ bị xử lý kỷ luật vì kê khai không trung thực. Trong đó, năm 2009 kỷ luật 3 người, năm 2010 cao nhất với 9 người, còn lại năm 2013 và 2014 mỗi năm 3 người.”
Ông Đạt, thừa nhận: “Giờ phát hiện đâu xử lý tới đó thôi chứ theo đúng thực tế và dư luận thì người ta nói hình thức cũng là có cơ sở. Kê khai đối tượng thì nhiều nhưng phát hiện kê khai không trung thực và xử lý vi phạm thì lại rất ít. Phát hiện đã ít rồi, lại phải căn cứ vào cơ chế, quy định pháp luật mới xử lý được”.
Theo người đứng đầu Cục Chống tham nhũng, nguyên nhân ít phát hiện và xử lý kê khai không trung thực là do kê khai tài sản, thu nhập dựa trên nguyên lý tự kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu không chịu kê khai, kê khai không trung thực thì đều có hình thức xử lý song quan trọng là có phát hiện được không. “Bây giờ, kê khai này cũng đang là hình thức, người ta cũng đang giấu các thứ cho nên khó phát hiện lắm!”
Lý do kê khai đã thành hình thức vì có ai kiểm tra khai báo đâu! Thậm chí khai xong, giao cho Thủ trưởng cất vào hộc tủ, không ai thèm coi mà dân thì chỉ biết há miệng chờ sung rụng đâu dám đụng tới.
Ngay việc các ứng cử viên Quốc hội và Hội đồng Nhân dân sắp bầu vào ngày 22/05/2016 cũng đã phải khai tài sản mà có người nào trong Hội đồng Bầu cử Trung ương dám ngó tới xem thật, sai ra sao đâu?
Cử tri thì tất nhiên không được phép thắc mắc.
Như vậy, khi các đảng viên là bậc cha chú của sinh viên mà còn ma mãnh, che chở cho nhau đến thế thì có hy vọng gì Bộ GD&ĐT sẽ thành công với 10 điều cấm kỵ kia ?
Bởi vì nếu cấp lãnh đạo trong đảng, những kẻ có chức, có quyền và Đại biểu Quốc hội mà còn được tha trào cho nhau thì dân phải tiếp tục bị bóp cổ là điều đương nhiên. -/-
(04/016)
Post a Comment