Thống nhất bằng vũ lực sẽ không có thống nhất
K’tem (Danlambao) - Một cuộc chém giết để thâu tóm quyền lực để mang lại giàu có cho một thiểu số người sẽ là mối hận thù nơi đa số người. Và trong mối hận thù đó người dân vẫn hoài niệm và luyến tiếc cho cái gì đã mất dưới bạo lực. Không riêng gì những người đấu tranh cho giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền bị cầm tù, người dân miền Nam vẫn âm thầm nuôi dưỡng một thể chế Cộng Hòa trong tâm tưởng. Chính vì vậy đảng CSVN vẫn luôn sợ VNCH, không phải VNCH đã mất từ ngày 30 tháng Tư năm 1975, mà VNCH trong lòng dân chúng mà họ đã từng sống, từng biết.
*
Cụ Tam nguyên Yên Đỗ ngày xưa nhìn cảnh thực dân Pháp tổ chức lễ 14 tháng 7 bằng mấy câu chua chát:
“Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải
Thằng bé lom khom ghé hát chèo
...”
Không lâu nữa, cuối tháng Tư này, đảng và nhà nước CSVN sẽ tổ chức “ăn mừng” ngày 30 tháng Tư năm 1975. Năm nào cũng vậy, CSVN ra sức rình rang tổ chức ăn mừng ngày đoàn quân lượm thượm theo sau xích xe tăng nghiến lòng đường Sài Gòn cũng như đã nghiến qua các nẻo đường miền Nam phía dưới vĩ tuyến 17. Ngày này khắp phố phường cũng cờ kéo cũng đèn treo. Và những tên quan - áo mão một nơi người một nẻo sau mấy chục năm chưa che lấp hết nét tối tăm, rừng rú - cũng tênh nghếch, nghênh ngang ngồi trên lễ đài nhìn xuống mảnh đất mà chúng đã chiếm đóng. Và dưới kia hàng hàng lớp lớp người dân lom khom trong cuộc mưu sinh.
Chưa hết, không chỉ như điều cụ Yên Đỗ chua chát diễn tả. Ngày này cũng là dịp đảng CSVN mở hết công xuất báo đài ca ngợi những trận đánh mà dân chết nhiều hơn bộ đội, cùng những minh họa cuộc chém giết trần trụi nhất. Đồng thời, họ cũng thóa mạ VNCH, một thực thể quốc gia mà nhiều nước trên thế giới bang giao và công nhận. Quốc gia ấy đã hình thành một sắc thái dân miền Nam, có văn hóa, có nếp sống khác biệt.
Năm nào cũng vậy, những ca ngợi lố bịch, lời thóa mạ trơ trẻn cùng âm thanh tiếng xích xe tăng do Nga Tàu sản xuất đay nghiến lòng người dân miền Nam.
Càng ca ngợi đảng mình, càng thóa mạ miền Nam, thì người dân càng chán ngán chính quyền, chán ngán những điều người CS làm. Càng ngày càng có nhiều cuộc chống đối. Những bản án dành cho những người bất đồng chính kiến chống lại chính sách của đảng và nhà nước trước sự xâm lấn của TC, tranh đấu cho tự do, cho quyền con người đều có yếu tố gắn bó với giá trị của VNCH. Hình ảnh VNCH dần dần sống lại trong lòng mọi người kể cả những người theo đảng CS và những người hấp thụ nền giáo dục của đảng.
Một Lê Hiếu Đằng, người thuộc thế hệ sinh viên miền Nam đấu tranh rồi theo MTGPMN cuối đời phản tỉnh, nhắc về một VNCH nhân bản, tôn trọng con người qua việc cho phép ông ta trong lúc cầm tù vẫn được đi thi.
Một Đặng Chí Hùng, thanh niên trưởng thành tại miền Bắc được nuôi dưỡng và giáo dục dưới chế độ CS, đã tự tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu cuộc chiến tranh Nam-Bắc, tìm hiểu VNCH để hình thành những bản cáo trạng “Những sự thật cần phải biết”.
Một Nguyễn Đình Ngọc, người thành đạt dưới chế độ VNXHCN, có người Bà được phong danh hiệu Mẹ chiến sĩ, người cha, nhiều tuổi đảng, có công với “cách mạng” đã không ngần ngại viết lên “Tôi biết ơn Việt Nam Cộng Hòa”.
Một Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, kêu gọi chống TC và phát tán truyền đơn cùng với cờ VNCH.
Một Nguyễn Mai Trung Tuấn hô to “Việt Nam Cộng Hòa muôn năm”. Một Mai Thị Kim Hương với lời kết án chế độ CS “Ngày xưa sống dưới chế độ VNCH còn có đất, có nhà, có cơm ăn, có áo mặc. Bây giờ sống dưới chế độ CS không có nhà để ở” trước đám CA trong cuộc chống lại cưỡng chế đất của gia đình tại Thạnh Hóa, Long An.
Một Nguyễn Viết Dũng, người sinh viên giỏi của Đại Học Bách Khoa Hà nội, đã mang trên người những biểu tượng VNCH, quân lực VNCH và công khai kêu gọi đấu tranh cho quyền công dân.
Karl Marx từng nói: “Con người làm nên lịch sử, nhưng họ không biết cái lịch sử mà họ làm nên” (Men make their own history, but they don’t know the history that they make). Câu này không biết đúng trong trường hợp nào nhưng đối với CSVN, câu này hoàn toàn đúng. Cái gọi là “Kinh tế thị trường” hôm nay là thành quả đối nghịch lịch sử của ý thức hệ CS sau khi làm cuộc cách mạng vô sản gây dựng CNXH và xua quân chiếm trọn miền Nam. Nó lại càng đúng khi đồ đệ của Marx, Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, thổ lộ “đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Và đúng hơn hết là họ không biết trước được rằng sau 41 năm người dân cả nước đã phủ nhận họ.
Phát huy những gì thuộc về VNCH chính là phủ nhận giá trị “thống nhất đất nước” mà đảng và nhà nước CS Bắc Việt tiến hành trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam.
Thống nhất (nhập lại thành một từ một cuộc phân chia) chỉ có giá trị trong một cộng đồng dân tộc một khi:
- Thống nhất không được tiến hành bằng việc dùng bạo lực.
- Tiến trình thống nhất phải có một cơ chế chung để định đoạt sự phân bổ tài nguyên và bồi hoàn thiệt hại tài sản mất đi trong cộng đồng dân chúng sau cuộc thống nhất.
- Thống nhất phải đặt trọng tâm vào việc định hình thể chế chính trị mà đa số công dân chấp nhận.
Cuộc thống nhất xảy ra từ ngày 30 tháng Tư năm 1975 hoàn toàn không có những tính chất ấy. Đối với người miền Nam, đó là cuộc xâm chiếm lãnh thổ, thâu tóm tài nguyên và áp đặt thể chế chính trị.
CS Bắc Việt đã tiến hành cuộc xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực.
CS Bắc Việt đơn phương khởi động chiến tranh bằng việc ra lệnh những cán bộ CS cốt cán được cài lại miền Nam sau Hiệp Định Genève làm cuộc nổi dậy và sau đó đem quân miền Bắc xâm nhập, tấn công quân đội miền Nam theo Nghị quyết thống nhất đất nước 13-5-1959 mà đảng CS của chế độ Bắc Việt lập ra.
Lý do cho rằng TT Ngô Đình Diệm của miền Nam không chịu tiến hành cuộc Tổng tuyển cử ghi trong Hiệp định đình chiến Genève chỉ là cái cớ không chính đáng mà họ dựa vào. Trong suốt tiến trình diễn tiến Hiệp định này phía chính phủ QGVN (miền Nam) không có ký vào văn kiện nào. Do vậy phía VNCH sau này không bị ràng buộc. Hơn nữa thực hiện Tổng tuyển cử chỉ là gợi ý phụ đề trong Tuyên bố chung sau các điều khoản trong Hiệp định. Phía CS Bắc Việt không có tư cách kêu gọi Tổng tuyển cử trong khi người dân hai phía chưa hoàn toàn được tự do để bày tỏ ý nguyện định đoạt số phận đất nước như theo bản Tuyên bố chung.
Lời tuyên bố được nhiều người nhắc đến của Lê Duẩn “ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, cho Trung quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em” là một xác quyết cho cuộc xâm lăng miền Nam bằng vũ lực, mặc dù tại miền Nam chưa có quân đội Mỹ. Với một ý đồ như vậy, giả dụ cuộc tổng tuyển cử được TT Ngô Đình Diệm tiến hành và phía CS Bắc Việt thua cuộc thì họ cũng sẽ rút vào rừng và tiến hành cuộc chiến tranh như thường, bởi vì Liên Xô và TC chưa đạt được mục đích.
Thống nhất để thâu đạt tài nguyên.
Biến có 30-04-1975 còn để lại dấu ấn đậm nét khó phai mờ qua việc trưng thu tài sản và triệt tiêu mọi hoạt động mưu sinh của mọi tầng lớp nhân dân miền Nam. Đến nay dấu ấn ấy biến thành lòng thù hận và được nhắc nhở, truyền lại cho con cháu trong mọi gia đình. Những việc làm thất nhân tâm đó là:
- Trả thù các quân nhân VNCH bằng cách tập trung cải tạo thực chất là cầm tù và cưỡng bách lao động khổ sai.
- Đuổi việc các công chức làm việc cho chế độ VNCH và chỉ lưu dung những người có lý lịch dính dáng với phía CS.
- Tiến hành đổi tiền để cào bằng tài sản của người dân.
- Đánh tư sản mại bản, cải tạo công thương nghiệp nhằm tịch thu tài sản, cơ sở kinh doanh, sản xuất.
- Giải tán và quốc doanh hóa các xí nghiệp và đưa cán bộ vào điều hành như một cách trả công.
- Bắt dân chúng thành thị đi kinh tế mới và giản dân về nông thôn.
- Chiếm hữu nhà cửa và làm áp lực để mượn nhà của dân thành thị làm công sở và nhà ở cho cán bộ.
- Kiểm soát gắt gao và cấm lưu hành để thâu tóm nguồn thực phẩm và hàng hóa.
- Xung công các phương tiện canh tác nông nghiệp và bắt nông dân vào hợp tác xã.
Chính sách công xã này đã làm đảo lộn đời sống từ lâu nay của nhân dân miền Nam và gây nên nạn đói. Trong xã hội công xã này các bộ phận chánh quyền từ cấp địa phương nhỏ nhất cho đến trung ương đều được phân bố cho đảng viên, cho thành phấn có công như là cách trả công. Nguồn hàng hóa thực phẩm do dân chúng làm ra được thâu tóm và phân phối theo cấp, ưu tiên cho những thành phần này. Đảng CS và guồng máy công nghiệp quốc doanh, nông nghiệp hợp tác xã do đảng thiết lập không tạo ra sản vật. Dân chúng mưu sinh trong hoàn cảnh không có phương tiện và cơ hội.
Thống nhất để áp đặt hệ thống chính trị.
Cuộc chiến tranh tiến đánh miền Nam để làm cuộc thống nhất không có yếu tố người dân trong đó. Người dân hai miền không ủy nhiệm CS Bắc Việt và công cụ của nó là MTGPMN để tiến hành cuộc chiến. CSVN là một tập hợp có vũ trang, được hỗ trợ tối đa từ phe CS, tự động gây chiến và bắt dân chúng hai miền làm công cụ. Người dân, ai không nghe theo thì bị trừng phạt. Trong suốt cuộc chiến người dân miền Nam luôn là đối tượng của trừng phạt và khủng bố. Ai trong vùng CS hoạt động sẽ bị trừng phạt nếu không tham gia làm bộ đội. Ai trong vùng VNCH thì bị khủng bố.
Sau khi chiến thắng và chiếm trọn miền Nam, CS Bắc Việt giải tán công cụ MTGPMN của chúng áp đặt chế độ CS lên toàn miền Nam mà không theo ước nguyện của dân chúng. Và đảng CSVN tự phong cho mình vai trò lãnh đạo và cắt đặt cán bộ đảng viên lên vị trí cầm quyền.
Và trong vị trí lãnh đạo và cầm quyền này, đảng CSVN mở ngõ cho tầng lớp cán bộ, đảng viên từ miền Bắc vào chiếm hữu đất đai canh tác, chiếm hữu cơ hội làm ăn và cơ sở tạo ra tiện ích ở miền Nam. Việc đó không khác nào một cuộc thực dân. Thực dân Pháp đến VN xây dựng và tạo ra cái chưa có, còn thực dân mới CS này đến miền Nam bằng cách đuổi ra và lấy cái đã có. Chưa kể một tội nặng hơn là sau khi thâu tóm giang sang vào một mối, đảng CS đã cùng với TC đặt lại biên giới, vùng biển hậu quả là đất đai, vùng biển mà tiền nhân để lại được nhượng cho TC. Và tệ hại hơn, đảng CSVN cũng để mất các đảo mà VNCH giữ gìn trước đây vào tay TC. Đảng CSVN xác nhập lãnh thổ miền Nam đồng thời cắt lãnh thổ dâng cho TC. Nếu VNCH còn nguyên trạng, chắc chắn TC không bao giờ đặt chân được vào Biển đông.
Bao nhiêu thành tích đó, người dân gọi đảng CSVN là bọn cướp nước và bán nước quả không sai.
Kết luận
Nếu đảng CSVN thực tâm yêu dân và và yêu tổ quốc, thì sau khi làm chủ nửa phần đất nước từ vĩ tuyến 17 trở ra từ tháng 07 năm 1954, họ phải ra sức xây dựng phần đất mà họ có theo ý thức hệ CS mà họ theo đuổi để biến vùng đất ấy trở nên giàu mạnh theo ước muốn của họ và để yên cho vùng đất phương Nam của QGVN, sau là VNCH phát triển theo thể chế Tự do mà người dân miền Nam theo đuổi. Sự phát triển của hai miền là thước đo cho tính ưu việt của thế chế chính trị mà chính phủ hai miền theo đuổi để người dân hai miền lượng định nhằm tiến hành cuộc thống nhất theo ý chí của mình trong hòa bình và thiết lập thể chế chính trị theo ước muốn của đa số dân chúng.
Người dân VN và miền Nam không có được cái cơ hội đó. Ngày nay dưới sự lãnh đạo và cầm quyền của đảng CSVN, Việt Nam trở thành một đất nước phụ thuộc và ức chế bởi TC, một đất nước khánh tận niềm tin, văn hóa xuống cấp. Ngược lại, đất nước Việt Nam cũng là nơi màu mỡ để TC tìm lợi ích, để bọn lãnh đạo đảng CSVN cùng đám cán bộ nhà nước năm hết mọi nguồn lợi và làm giàu.
Một cuộc chém giết để thâu tóm quyền lực để mang lại giàu có cho một thiểu số người sẽ là mối hận thù nơi đa số người. Và trong mối hận thù đó người dân vẫn hoài niệm và luyến tiếc cho cái gì đã mất dưới bạo lực. Không riêng gì những người đấu tranh cho giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền bị cầm tù, người dân miền Nam vẫn âm thầm nuôi dưỡng một thể chế Cộng Hòa trong tâm tưởng. Chính vì vậy đảng CSVN vẫn luôn sợ VNCH, không phải VNCH đã mất từ ngày 30 tháng Tư năm 1975, mà VNCH trong lòng dân chúng mà họ đã từng sống, từng biết.
22/04/2016
Post a Comment