Tương tác, cộng sinh: con đường sống của dân tộc
Thục Quyên (Danlambao) - Từ năm 1975, tim và óc tôi không lấy Tết tây hay Tết ta, hay lúc cây cỏ đâm chồi nẩy mộc tại nơi mình sống để làm mốc thời gian, mà cứ đếm thêm một năm, mỗi lần ngày 30/04 lại đến.
Cá nhân tôi tuy biết hiện nay tình trạng đất nước về mọi mặt, môi sinh, kinh tế, chính trị, ngày càng kiệt quệ, độc lập cũng chỉ vẽ trên giấy, nhưng thấy vừa le lói một niềm vui, một niềm hy vọng, vì sự xuất hiện đang rõ nét của một đám đông thuộc nhiều thành phần xã hội đang nhìn và đi về cùng một hướng, và nhất là ăn khớp với nhau trong hành động.
Đám đông đó đã đủ mạnh để sự hiện hữu của họ được ghi nhận rõ ràng, với một sức tăng trưởng có vẻ không theo cấp số cộng mà theo cấp số nhân.
Những vùng hào quang trong sa mạc ban đêm.
Khoảng hơn 35 năm trước, khi sống ở Iran, tôi có dịp di chuyển nhiều và có những buổi chiều tà xe còn đang chạy trong sa mạc, thì bóng tối ập xuống. Rất nhanh và đáng sợ. Sa mạc Iran phần lớn là sa mạc đá nên không lấp lánh như sa mạc cát của nhà văn Pháp Saint Exupéry, mà đầy bóng đen đe dọa. Người tài xế dù thuộc đường tới đâu cũng yên bụng khi thấy rất xa, lần lượt có những điểm sáng lập loè đom đóm xuất hiện. Với người không kinh nghiệm như tôi thì những điểm sáng ở rất xa nhau, không thành một khối, có thể mang thêm rối lọan cho người đang tìm đường. Người tài xế Iran bập bẹ chút tiếng Anh trấn an tôi: look only one light! (nhìn một ngọn sáng thôi). Lẽ dĩ nhiên tôi không hiểu gì hết nhưng cũng chẳng có cách gì khác là ngồi yên, quan sát.
Những điểm sáng từ từ biến thành những chùm sáng và một lúc nào đó thì tất cả những chùm sáng đã đủ lớn để thâu nhỏ những khoảng cách và cùng tạo một vệt sáng trong bóng đen của đêm tối. Trong mênh mông của tăm tối, có hiểu biết, bình tĩnh và kiên trì đi theo một ngọn sáng đã đưa chúng tôi tới vùng tụ của những làng mạc hẻo lánh.
Bước nhỏ đầu tiên là bước quyết định
Việt Nam 41 năm vừa qua là khoảng thời gian uất hận-tuyệt vọng của đại đa số người dân miền Nam, và là khoảng thời gian đại đa số người miền Bắc trải qua mừng vui-hy vọng, để tới tỉnh giấc-thất vọng- uất ức, và cuối cùng lại cũng là tuyệt vọng.
Thế là ngày nay từ Bắc chí Nam cùng tuyệt vọng, vì xương máu đã hy sinh ngút ngàn mà dân tộc từ thực dân đã chỉ đi tới cộng sản, trong khi cái đích Tự do Độc lập vẫn chỉ là ảo tưởng vì lãnh thổ đã rõ ràng bị cắt xén. Người Việt không còn quyền quyết định trong một số vùng đã bị những nhà cầm quyền cộng sản nối tiếp sang nhượng cho nước ngoài, mà phần lớn là cho giặc ngoại xâm Trung Hoa. Đảng Cộng sản Việt Nam đã quên mối họa truyền kiếp, bán rẻ mồ mả tổ tiên, chỉ vì mặc cái áo giấy "Cộng sản" nên phản bội Tổ quốc để đi với "Ma Trung cộng"!
Cái khổ là hình như người dân Bắc, Nam, cùng tuyệt vọng nhưng vẫn không thể thống nhất, dù là chỉ trong sự tuyệt vọng. Nhiều người tin rằng không có sự đồng nhất, muôn người như một, thì không thể thay đổi tình trạng khốn cùng ngày nay, và kết luận khởi điểm phải là "Hòa hợp, Hòa giải dân tộc". Trên mảnh đất phì nhiêu của nghi ngờ và thù hận, những chữ "Hòa hợp Hòa giải" lại tức tốc mọc thành bom đạn để người ta dùng đánh phá nhau, trong khi nhà cầm quyền CS thì vẫn trò ma quái cũ, lợi dụng tình hình, dùng những chữ này để du kích, bắn sẻ những người chống Cộng, đồng thời giả nhân giả nghĩa đánh lừa quốc tế.
Trong mênh mông của tăm tối Việt, trong cái vũng lầy cả dân tộc chìm đắm tưởng như không lối thoát, may mắn thay xuất hiện những người đã có nhận định mới, cương quyết vì sự sống còn của dân tộc cần gác dĩ vãng qua một bên, gạt bỏ mọi sợ hãi, mọi lý luận rườm rà, để hành động tức khắc, bắt tay làm những việc nhỏ nhất có thể làm ngay tại nơi mình sinh sống. Bước đầu tiên dù nhỏ tới đâu mà vững vàng, bao giờ cũng là bước quan trọng nhất.
Bắt nguồn từ sự hiểu biết.
Tuy xuất hiện tự phát, lẻ tẻ, nhưng họ có những nét chung: đó là sự hiểu biết và lòng kiên trì.
Hiểu biết rằng Nhân quyền là những quyền tự nhiên của con người, không thể bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ thể chế nào. Nhất quyết sống những quyền tự nhiên của con người là một hình thức của sự tự trọng.
Hiểu biết rằng làm những điều để bảo vệ Nhân quyền trước hết là cho mình. Sau đó mới là cho gia đình, bạn bè, chòm xóm của mình, và cả cho chính những kẻ đang xâm phạm Quyền Con Người. Vì bảo vệ Nhân quyền trước hết là vấn đề đạo đức và tư cách của chính mình.
Hiểu biết rằng "Không ai có thể trao cho ta tự do. Ta phải tự mình nuôi dưỡng nó. Đó là một công việc hàng ngày" (1)
Hiểu biết rằng mọi chế độ độc tài đàn áp khủng khiếp tới đâu cũng đều dựa trên 2 yếu tố: Kẻ đàn áp và người bị đàn áp. Kẻ đàn áp càng thắng thế khi người bị đàn áp càng yếu kém. Yếu kém về kiến thức, yếu kém về kỹ năng. Do đó cứ chuyển đổi sự yếu kém của bản thân mình là sẽ phá vỡ được thành trì của kẻ đàn áp. Vì mọi chuyển đổi, dù nhỏ tới đâu, cũng mạnh hơn tình trạng tê liệt, bế tắc, chịu trận; và mỗi chuyển đổi nhỏ đều làm cho tương quan "đàn áp và bị đàn áp" bị lay chuyển cho tới khi bật ra khỏi thế đứng cũ.
Tương tác, cộng sinh.
Như những đốm sáng lẻ loi vững dần trong đêm tối, ý chí và hành động kiên trì của họ toát ra những làn sóng hoàn toàn độc lập với nhau nhưng vì có cùng tần số hoặc tần số rất gần nhau nên hiện tượng giao thoa ảnh hưởng đã xảy ra. Sự thật hiển nhiên mà chính quốc tế đã ghi nhận là đã có sự tương tác giữa những người và những nhóm hoạt động trong mọi tầng lớp xã hội Việt Nam, tuy khác nhau nhưng đều có vai trò chính đáng, quan trọng: đó là nét chính trong văn hóa Dân chủ. Tuyệt vời hơn nữa là cũng đã có rất nhiều những hoạt động nhịp nhàng giữa người trong và ngoài nước, dù họ chưa hề một lần gặp nhau và sống cách xa nhau ngàn dậm.
Bốn mươi mốt năm dân tộc chao đảo, nhưng bài toán tìm con đường thoát cho Việt Nam đã có giải đáp: Không phải là một siêu nhân, một tổ chức, hay một đảng phái. Không phải là lay hoay gào thét những ý niệm trật trúng, lỗi phải, trả thù, tha thứ, hòa giải...
Mà là mỗi người dân ý thức gia tăng kiến thức và kỹ năng của mình để bắt tay vào hành động. Ngay hôm nay, và tại nơi mình sống.
(1) Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Post a Comment