Thời của Mõ Làng và những kiêu binh

Đỗ Trường (Danlambao) - ...nói đến diễn, mà diễn này là tính từ, chứ không phải là động từ nhé. Bảo đảm trình độ bác Ba Dũng thua cụ Tổng Trọng rất xa. Cụ khóc, cụ cười, cụ nhăn lúc nào cũng y khớp, hòa tan vào hoàn cảnh, tâm trạng con người xung quanh. Từ khi chưa nhận chức, hay đang đương nhiệm, kể cả lúc lung lay tưởng như sắp phải về cho vợ mớm cơm, thay tã, miệng cụ lúc nào cũng: Vì dân, thương dân, và không tham quyền cố vị. Ấy thế mà, có bọn nó chơi đểu cụ. Bọn này, không phải phản động nước ngoài, hay diễn biến diễn beo gì, mà là đồng chí của cụ. Thế mới đau chứ! Nó bảo: Vì dân, nhưng thực ra vì cụ thì có. U80 rồi, cụ vẫn ôm chặt chiếc bánh quyền lực, nào có khác bé Chã, cu Tũn. Tuy đã ứ hự, no xôi chán chè, nhưng thà bóp nát, đạp đổ chứ nó chẳng chịu chia phần cho ai. Các cụ nhà ta xưa nay nói cấm có sai: Một già một trẻ bằng nhau... 

*

Truyện ngắn "Ngã Ba Cuộc Đời" tôi viết cách nay đã gần ba mươi năm. Dựa trên câu chuyện có thật về một sinh viên khoa ngữ văn Đại học tổng hợp Hà Nội và một thanh niên sống bằng nghề làm thuê, ở đợ ven Sông Hậu Giang. Họ là hai anh bộ đội chung một đơn vị, cùng tiếp quản, chứng kiến giờ phút hấp hối của Sài Gòn. Chiến tranh kết thúc, người sinh viên ở lại với giảng đường Đại học Sài Gòn. Và anh bạn chuyên nghề ở đợ, dũng cảm (đỡ đòn) cưới cô bồ, khi còn trong rừng của chính ủy sư đoàn làm vợ, do vậy được theo chân đồng chí chính ủy chuyển về Ban tuyên huấn thành ủy. Tốt nghiệp đại học, anh cựu sinh viên được phân về làm báo. Lúc này, anh bạn ở đợ tuy học vấn mới qua lớp xóa nạn mù chữ, nhưng được theo dõi mảng tư tưởng báo chí của thành phố. Từ đây, mâu thuẫn và sự đấu tranh giữa hai người bạn xảy ra. Truyện ngắn của tôi, mới chỉ dừng lại ở đó.

Nhưng sau này được biết, cuộc chiến đấu ấy vẫn tiếp diễn, và anh cựu sinh viên đã thất bại, bị đẩy ra học lớp báo chí tuyên truyền (cùng khóa với nhà văn Phạm Thành Bà Đầm Xòe, nhà báo Nguyễn Đình Ấm...) ngoài Hà Nội: Cho khuất mắt, như lời của các đồng chí tuyên huấn lúc đó.

Có lẽ, đã rút ra bài học, hay trong cái rủi có cái may, được làm việc gần Đảng, gần Trung ương, đồng chí cựu sinh viên sau đó trèo cao, đổi tánh, trở nên mưu mô tàn bạo gấp nhiều lần so với đồng chí gốc gác làm thuê ở đợ, đang trèo đầu cỡi cổ ở Sài Gòn.

Nhắc lại câu chuyện cũ rích trên với ông bạn, chủ võ đường ở trung tâm thành phố Leipzig. Bởi, sáng nay hắn đi đâu đó, rồi tạt vào nhà kể:

- Thằng Tuấn Tú con rể tay Trung tướng Tư lệnh cảnh sát cơ động, xuất thân từ mõ làng (MC) đài truyền hình, chui vào ngành công an. Từ cấp úy có mấy năm đã lên tá, rồi một phát hắn phọt thẳng lên Phó ban tư tưởng Trung ương đoàn.

Tôi bảo, những chuyện tương tự như vậy, đã xảy ra từ đời tám hoánh nào rồi. Nhưng hắn cự lại, biết là thế, nhưng thời gian này, trắng trợn và bỉ ổi hơn rất nhiều. Thấy tôi im lặng, hắn phàn nàn như thay cho lời giải thích:

- Cảnh sát cơ động là cánh tay phải của Đảng, được nuông chiều đã trở thành kiêu binh, thậm chí âm binh. Có lẽ, đặt Tuấn Tú vào vị trí đó là sự chia chác, hay phần thưởng dành cho ông trùm kiêu binh trước Đại hội Đảng chăng? Cái đau đớn và khốn nạn nhất, từ nay khối báo chí trực thuộc Trung ương đoàn buộc phải viết và nghe theo tiếng gõ nhịp của tay mõ làng Tuấn Tú này…

Nhắc đến sự chia phần, lại quả bằng quyền lực, làm tôi nhớ đến cậu tôi gần như cả cuộc đời gắn với Trung ương đoàn. Mười lăm tuổi, ông đã theo Việt Minh hoạt động trong bóng tối. Bị Pháp bắt vào tù ra tội suốt dọc cái tuổi mười sáu, đôi mươi. Mẹ tôi là người chăm nuôi, dù ông bị giam ở bất cứ nhà tù nào, kể lại: Có những lần ông bị treo, đánh, người như một con cóc khô, nhưng vẫn kiên trung không chịu khai báo và hồi đầu. Hòa bình, ông được đào tạo rất cơ bản về đoàn đội ở trong nước, cũng như ở các nước đàn anh Nga, Tàu. Phấn đấu thật lực, gần tuổi về hưu cũng lên được trưởng ban, và ban bí thư. Ấy vậy, khi ông bác trong họ được điều về làm Bí thư thứ nhất trung ương đoàn, ông (cậu tôi) xin chuyển sang Liên hiệp xã thủ công nghiệp trung ương. Nơi ông bạn tù Nguyễn Nguyên Sinh cựu phó chủ tịch tỉnh Hà Nam Ninh, vừa từ Cam phu chia về làm bộ trưởng. Thấy vậy, mẹ tôi hỏi: Đang ngon lành sao cậu lại chuyển? Ông bảo: Anh em làm chung sợ mang tiếng.

Thời gian sau, Liên hiệp xã cần hai người có khả năng viết lách, đàn ca sáo nhị vào làm ở Ban tuyên truyền. Lúc đó, đột nhiên tôi bỏ việc và đang bơ vơ, làm mẹ tôi lo lắng, nên bảo: Hay cậu cho thằng Trường (tôi) vào làm, đúng với sở trường của nó. Ông cậu không chịu, dứt khoát chỉ cho nhận bạn tôi là Dương Hoài Nam (em ruột nhà văn Dương Thu Hương) vừa tốt nghiệp Đại học văn hóa, và một thày giáo từ Thanh Hóa.

Năm vừa rồi, tôi gặp lại cậu tôi ở cái tuổi gần cửu tuần. Tuy đã yếu, đi lại khó khăn, nhưng ông còn minh mẫn lắm. Trong lúc chuyện trò, tôi thấy tư tưởng và suy nghĩ của ông đã hoàn toàn khác. Ông nói với cái giọng rất buồn: Chế độ xã hội, cũng như ngôi nhà ấy, khi đào móng, đổ trần không đúng kỹ thuật, càng chữa càng hỏng. Cách duy nhất đập bỏ, dựng nhà mới thôi. 

Thật vậy! Dường như, mấy năm gần đây, mối quan hệ gắn với quyền lợi của giới mõ làng và những lũ kiêu binh càng trở nên chặt chẽ hơn. Cũng theo ông bạn võ sư này, ngoài nữ sáu ngón Kiều Trinh chuyên giảng đạo đức văn hóa, Đài truyền hình Việt Nam còn thường xuyên xuất hiện hai mõ với cái giọng lại cái, Đại tá công an Hồng Thanh Quang và đạo diễn Lê Hoàng. Với từng bước công an hóa chính quyền như hiện nay, thì ông đại tá thơ phú vào dạng làng nhàng Hồng Thanh Quang lên truyền hình để lên gân lên cốt cũng là điều dễ hiểu. Còn ông Lê Hoàng một chuyên gia nước ốc, với hình ảnh, nhân cách vô văn hóa, dùng sách kê chân ghế để ngồi đàm luận văn hóa cùng ứ hậu dân tộc Triệu Thị Hà, quả thật không thể hiểu. (Dù đã phát sóng, hay còn trong hậu trường)

Thật vậy, với một xã hội "lạnh tanh máu cá" như hiện nay, Việt Nam nên bỏ đào tạo một số khoa, một số trường đại học, mà trước nhất ngành báo chí, truyền hình và luật pháp. Bởi, các nhà báo, truyền hình chỉ là những tiếng mõ rêu rao, tuyên truyền lừa bịp, dối trá một cách trơ trẽn dưới phách nhịp độc diễn của Đảng. Chính nó là một trong rất nhiều cái cối xay tiền thuế của dân. Và với hiện trạng kiêu binh ngồi xổm trên luật, thì luật sư chỉ là đồ trang sức cho tòa án thể chế, hoặc là nạn nhân nằm trong những cái bẫy luật của chế độ.

Tất nhiên, khi đóng cửa các trường đại học trên, sẽ dư ra thời gian, công sức, và tiền thuế của dân cũng kha khá. Khoản này, nên tổng động viên dành riêng cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo. May ra sợ bội thực, các đồng chí đỡ gặm vào tiền xây cầu đường, trường học của các cháu học sinh đói rách nông thôn miền núi.

Có lẽ, không có gì buồn hơn, khi quân đội cũng tụ thành những đám kiêu binh, hè nhau cưỡng chế, đánh dân, chỉ vì miếng mồi đất đai. Vâng, đắng cay và thương thay cho những nông dân quanh năm úp mặt xuống đất, chổng mông lên giời, lại bị chính những đứa mình nuôi dưỡng bóp cổ, ức hiếp.

Trong bữa nhậu đầu năm mới vừa rồi, ông bạn quê Vĩnh Phúc khật khừ kể, một lần về thăm quê được chứng kiến cảnh cưỡng chế ruộng đất. Bộ đội đánh dân, và dân vác dao nghênh chiến… vậy là máu đổ. Không biết đúng sai thế nào, nhưng nhìn thấy phát kinh.

Là cựu quân nhân chống giặc Tàu, hắn cảm thấy xấu hổ và lẩm bẩm: Quân đội được nhân dân nuôi dưỡng nhiệm vụ là bảo vệ Tổ Quốc, làm quái gì có quyền, và trách nhiệm tham gia cưỡng chế thu hồi, dù ruộng đất đó của bất kỳ ai, kể cả đất quốc phòng. Nếu dân sai đã có cơ quan hành chính địa phương. Khi quân đội, công an dính vào đầu tư, buôn bán đất đai sẽ trở thành ông trời con, với những kiêu binh và lãnh địa riêng, chắc chắn chế độ, xã hội đến ngày mạn vận.

Tuy nhiên, có một điều rất ư tréo ngoe, tuy dân è cổ nuôi, nhưng bộ đội, công an lại thuộc về Đảng. Đảng cho công an, quân đội quyền lực. Quyền lực là một thứ thuốc phiện, ma túy tổng hợp. Khi lên cơn, người nuôi trái ý, không đủ sức lực, tiền tài phục dưỡng, con nghiện đè dân bóp cổ là lẽ đương nhiên. Do vậy, muốn thoát ra khỏi cái thòng lọng ấy, người dân chỉ còn cách triệt tiêu kẻ cung cấp thuốc phiện, ma túy.

Có lẽ, quyền lực (cái thứ thuốc phiện hạng nặng này), gắn liền với cơm áo gạo tiền, nên khi còn làm việc cấm thấy bác nào há mồm. Thế mà, khi về hưu, hoặc sắp hết chức quyền, bác nào bác nấy đều lắm mồm, nhiều tiếng cả. Bác cứng vía thì mạnh mồm cao giọng chửi, bác nào yếu bóng vía hơn cứ thì thà thì thụp như buôn bạc giả ấy. Năm ngoái, được hai tuần ở Hà Nội, tôi được gặp lại khá nhiều bạn bè cũ. Có một số là công an và quân đội, đều thượng tá, đại tá ở cái tuổi 55 buộc phải về hưu. Trong bàn nhậu, chỗ đông người, chẳng úp mở gì, mấy thằng này chửi chính sách, chế độ cứ oang oang. Mà chẳng cứ mấy ông cán bộ trung cao cấp hết đát, hay mấy bác tép riu, tầm cỡ Tổng bí, Thủ Tướng đến các ông Bộ trưởng về vườn, hoặc sắp về vườn đều đổi giọng cả. Gần đây nhất, có thể thấy mấy chục năm từ Bộ phó, Thống Đốc rồi ngự trên chiếc ghế Thủ Tướng, bác Ba Dũng toàn đi mây về gió với Boxit, Vinashin... và ngó ra mấy cái nhà Bank, ngân hàng ở những tận Hoa Kỳ, Thụy Sỹ... Có khi chó nào bác nhòm xuống gầm giường bệnh viện, đếm bao nhiêu bệnh nhân chui ở trong đó. Hay ngó tới nghệ thuật đu dây của các cháu để qua sông tới trường học đâu. Thế mà đánh đùng một phát, thấy cái đích về ôm đít vợ sắp tới gần, bác Ba Dũng thốt ra câu, làm lòng người thấy rung rinh: Nhìn người dân đi khám bệnh thấy thương quá.

Đấy cũng là một dạng diễn. Nhưng nói đến diễn, mà diễn này là tính từ, chứ không phải là động từ nhé. Bảo đảm trình độ bác Ba Dũng thua cụ Tổng Trọng (Nguyễn Phú Trọng) rất xa. Cụ khóc, cụ cười, cụ nhăn lúc nào cũng y khớp, hòa tan vào hoàn cảnh, tâm trạng con người xung quanh. Từ khi chưa nhận chức, hay đang đương nhiệm, kể cả lúc lung lay tưởng như sắp phải về cho vợ mớm cơm, thay tã, miệng cụ lúc nào cũng: Vì dân, thương dân, và không tham quyền cố vị. Ấy thế mà, có bọn nó chơi đểu cụ. Bọn này, không phải phản động nước ngoài, hay diễn biến diễn beo gì, mà là đồng chí của cụ. Thế mới đau chứ! Nó bảo: Vì dân, nhưng thực ra vì cụ thì có. U80 rồi, cụ vẫn ôm chặt chiếc bánh quyền lực, nào có khác bé Chã, cu Tũn. Tuy đã ứ hự, no xôi chán chè, nhưng thà bóp nát, đạp đổ chứ nó chẳng chịu chia phần cho ai. Các cụ nhà ta xưa nay nói cấm có sai: Một già một trẻ bằng nhau. 

Sau này, có lẽ phải đề nghị, đến lượt, các bác có diễn xin diễn kheo khéo một chút. Cứ mãi như thế này, ngượng chết đi được. 

Có lẽ, chưa khi nào xã hội, tình người thối nát, lưu manh hóa như hiện nay. Sự xâu xé ấy, không chỉ ở ngoài xã hội, mà nó còn là căn bệnh ung thư di căn sống còn ở ngay cấp cao nhất của Đảng. Đây chẳng phải thằng phản động nào phao tin, nói nhảm, nói xấu, mà chính đồng chí Nhị Lê Phó Ban Biên Tập Tạp Chí Cộng Sản, cơ quan nghiên cứu, phát ngôn của Đảng đã mổ xẻ. Và theo Nhị Lê không ít cán bộ, Đảng viên, tức là rất nhiều cán bộ Đảng viên cắp trộm, mua quan bán chức…thậm chí chém giết lẫn nhau để tranh giành quyền lực. Để làm được những việc đó chắc hẳn phải là Đảng viên cao cấp, quyền hành nghiêng ngả. Và cũng theo Nhị Lê, thành phần này: Không còn là con người. Vậy chúng đã trở thành con gì? Hay một thứ quái thai của thời đại. Nó đông nhung nhúc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài như vậy, cụ Mác có đội mồ sống dậy cũng chẳng cứu được… 

Và để kết thúc bài viết, ghi lại những câu chuyện lộn xộn đầu năm, chúng ta nên đọc lại đoạn trích trong bài "Nhận Diện Và Đột Phá Những Nguy Cơ Trong Đảng Hiện Nay" của Phó Ban Biên Tập Tạp chí Cộng Sản Nhị Lê:

"Điều đáng lo ngại là, họ nhân danh Đảng, nhân danh tổ chức để làm những việc đồi bại, táng tận lương tâm: tham nhũng, ăn cắp của công, bòn rút của cải của Nhà nước, của nhân dân, mua quan bán chức, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy tội... Tình trạng “phai Đảng”, “nhạt Đảng”,... đang lan nhiễm trong không ít cán bộ, đảng viên. Họ đối xử với nhau “lạnh tanh máu cá”, thậm chí chà xéo cả lên tình người, tình đồng chí để giành đoạt cho mình quyền lực, lợi lộc cá nhân và cho phường hội. Một số người không còn cả liêm sỉ, mà nói như người xưa: Không có liêm sỉ thì không thành người được nữa!"

Đức Quốc 19-1-2016

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.