Tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa

Buổi tưởng niệm 74 tử sĩ VNCH sáng 19/1 tại Hà Nội. Ảnh Facebook Hà Vân

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Một vài năm trở lại đây, báo chí “lề đảng” đã bắt đầu nói về trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Hôm 17/1/2016, nhà cầm quyền đã cho khởi công xây dựng một khu tưởng niệm mang tên “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhằm vinh danh những quân nhân VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo này 42 năm về trước.

Nhìn những biểu hiện “bề nổi” như thế, hẳn không ít người có thể nghĩ rằng nhà nước này đã thực sự biết công nhận, biết tri ân những đóng góp, hy sinh xương máu của những người con hy sinh vì Tổ Quốc, bất kể từng thuộc chiến tuyến nào. Và rằng người cộng sản thực sự muốn hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Nhưng trên thực tế, bất cứ công dân Việt Nam nào lên tiếng động chạm đến Trung cộng, bày tỏ sự xót xa cho một phần đất mẹ bị chia lìa đều đã, và sẽ còn bị nhốt tù, bị đánh đập, bị đàn áp và trù dập.

Khi người dân tự tổ chức các buổi tưởng niệm để tri ân những anh hùng đã hy sinh vì Tổ Quốc đều gặp phải sự cấm đoán, đánh đập, thậm chí ngăn cản bằng mọi cách từ phía nhà cầm quyền. Không chỉ ngăn cản buổi tưởng niệm 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa mà ngay cả những buổi tưởng niệm các liệt sĩ Việt Nam cộng sản cũng gặp sự đối xử tương tự. Tức là cứ dính đến “chống Tầu xâm lược” đều phải bị ngăn cản và đàn áp thẳng tay.

Từ ngày 15 đến ngày 19/1/2015, tại một số nơi người dân đã tự tổ chức các cuộc tưởng niệm 74 anh hùng Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân trên vùng biển Hoàng Sa 42 năm về trước. Blog Phạm Thanh Nghiên xin được nhường lời cho những người trong cuộc. Họ là một số trong những người đã tổ chức, tham gia ba cuộc tưởng niệm ở ba địa điểm khác nhau từ Vũng Tầu, Lăng Cô đến Hà Nội. Họ sẽ kể với chúng ta về những gì họ đã trải qua và đối mặt. Để thấy được rằng những tượng đài, những lời lẽ trau chuốt trên báo lề đảng có thực sự mang ý nghĩa tri ân, có thực tâm muốn hàn gắn quá khứ để hướng tới những điều tốt đẹp?

Buổi tưởng niệm tại Vũng Tầu qua lời kể của các Blogger Nguyễn Trí Dũng, Đỗ Đức Hợp, và Tran Nguyen.

“Từ tờ mờ sáng (4h) ngày 17 tháng 1 năm 2015 chúng tôi đã có mặt và cùng nhau khởi hành về phía thành phố Vũng Tàu. Theo sau đoàn là các xe máy của những kẻ lạ mặt đuổi bám. Những kẻ đó dừng lại ở đường cao tốc. 

Tưởng niệm 74 anh hùng tử sĩ Hoàng Sa tại Vũng Tàu.(Nguồn: CLBNBTD)

Lúc 5 giờ 40 phút tại cửa ngõ bắt đầu vào thành phố Vũng Tàu, xe chúng tôi đã bị 1 đoàn hơn 20 công an giao thông và cảnh sát cơ động chặn lại để đòi chụp ảnh danh sách hành khách đi trên xe. Một viên cảnh sát giao thông còn ngang nhiên dùng xe mô-tô chắn ngang đầu xe khách. Sau đó chừng10 phút, họ bắt buộc cho xe tiếp tục di chuyển, tất nhiên là với rất nhiều kẻ lạ mặc thường phục thay phiên nhau bám theo sau xe chúng tôi.

Khoảng 7 giờ sáng, tại chân tượng đài Tổ Quốc Ghi Công (TP Vũng Tàu) dù một lần nữa xe khách bị chặn và sách nhiễu với lý do “đi sai làn đường”, cô bác anh chị trong đoàn vẫn đồng lòng đưa vòng hoa đi bộ lên đỉnh của đài tưởng niệm. Tại đỉnh của đài, một số nhân viên cây xanh mặc đồ rằn ri dàn hàng ngang ngăn cản, không cho chúng tôi mang hoa lên đài với lý do “đang bảo trì sửa chữa”, dù bên trên đài có khách tham quan cũng như nhiều dân phòng, an ninh. Sau một hồi đấu tranh họ buộc lòng phải tránh đường cho các anh chị em cùng cô bác mang hoa vào lễ đài. Như tiếc nuối cho việc đã cho chúng tôi mang hoa vào lễ đài, một số dân phòng đã chờ lúc mọi người đang mặc niệm để xông tới toan cướp đi vòng hoa nhưng bất thành. Ngay sau khi thắp nhang tưởng niệm xong, vòng hoa ngay lập tức bị các nhân viên công quyền này mang đi mất.

8 giờ sáng Xe chúng tôi tiếp tục tiến ra Bãi Dứa chìm vào giữa hai hàng các loại xe công vụ và công an, dân phòng chờ đợi. Một số anh em tách đoàn để mang vòng hoa và thức ăn đến đã bị chặn cướp ngay trên đường. Một số bông hoa trong lúc bị cướp còn rơi vãi lại cũng bị họ tìm cách cướp một lần nữa khi chúng tôi mang đến cổng vào của Bãi Dứa.

Đầu giờ chiều cùng ngày, chúng tôi tổ chức buổi tưởng niệm ngay bãi biển với băng rôn, khẩu hiệu ghi nhớ công ơn 74 anh hùng vị quốc vong thân. Chúng tôi hát vang những ca khúc đấu tranh quen thuộc. Băng rôn ngay lập tức bị những người quản lý bờ biển xông vào sâu xé, cướp giật. Khi mọi người cùng nhau hát bài “Việt Nam tôi đâu?” và “Anh là ai?”, thì tất cả những tên công an, quản lý bờ biển, dân phòng đồng loạt quay mặt đi không dám nhìn thẳng vào chúng tôi.

Khoảng 15 giờ cùng ngày, chúng tôi rời Vũng Tầu để trở về Sài Gòn. Có lẽ, phải tới hàng trăm kẻ lạ mặt được huy động bám theo sau.

Chúng tôi tổ chức buổi Lễ tưởng niệm này không gì khác chính hơn là để tỏ bày lòng biết ơn với những hy sinh của các anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ Tổ Quốc 42 năm về trước. Đó cũng là những trăn trở của những người con còn yêu đất mẹ, và đau đớn về một Việt Nam từ lâu đã không còn toàn vẹn chủ quyền”. Blogger Nguyễn Trí Dũng.

“Các hành động giám sát thì nhất cử nhất động của từng thành viên đoàn Sài Gòn đều được “chăm sóc” kỹ càng của ít nhất từ 2 đến 4 người lạ mặt. Ví dụ như việc tôi đi vệ sinh lần đầu tiên có tới 4 người âm thầm vào chung. Xin lỗi nếu có điều gì đó thiếu tế nhị trong lời kể của tôi. Nhưng tôi nghĩ cũng cần tường thuật một cách xác thực để bạn đọc hình dung được. Không biết họ có nhu cầu tự thân như tôi không, nhưng có 3 trong số 4 người giả vờ đứng bên bồn cầu. Một người còn lại đi vào từng buồng vệ sinh để... kiểm tra. Tôi không biết anh ta tìm cái gì trong các buồng vệ sinh như thế. Một lúc sau tôi lại có nhu cầu đi vệ sinh lần hai thì có ba người đứng đợi ở ngoài vì họ không vào được. Vì tôi đóng cửa. Tất nhiên rồi, đi vệ sinh ai lại không đóng cửa. Sau khi tôi vệ sinh xong, bước ra ngoài thì họ xông thẳng vào để kiểm tra từ cuộn giấy vệ sinh đến thùng đựng rác (dù vẫn còn rất nặng mùi). Một người kiểm tra, một người chuẩn bị điện thoại, một người quan sát.” Blogger Đỗ Đức Hợp.

“Ngày 17/1/2016, tôi có tham gia buổi Lễ Tưởng niệm 75 tử sĩ tử trận tại Hoàng Sa 1974. Tôi cùng các anh chị em đấu tranh Sài Gòn và một số anh em ở Vũng Tàu làm lễ tưởng niệm. Tôi muốn có một buổi tưởng niệm các tử sĩ thật long trọng vì các anh đã hy sinh cho đất nước VN để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó để bày tỏ sự ghi nhớ công ơn của các anh hùng, cho dù chỉ là một nén hương thôi. Nhưng cũng khó làm được. Trong khi trên các báo đài vẫn nói Hoàng Sa, Trường Sa là của VN. Vậy mà khi chúng tôi muốn tri ân các tử sĩ thì lại ngăn cấm không cho làm...

Tôi biết chúng tôi không thể tổ chức lễ tưởng niệm theo ý muốn ban đầu của mình được, chúng tôi thay đổi ý định là quay lên tượng đài liệt sĩ để làm lễ trên đó. An ninh, côn đồ bám theo rất đông. Lúc thắp nhang, trong đầu tôi suy nghĩ mình cứ lịch sự đưa nhang cho họ để họ cùng mình thắp nghĩ thế nên tôi đến bên họ mời họ cầm nhang cũng thắp với mình. Lúc đầu họ ngoảnh mặt đi không dám nhìn thẳng vào mặt tôi, cũng không dám nhận nén nhang tôi đưa. Nhưng tôi vẫn kiên trì mời và giải thích rằng đây là việc nên làm để tri ân những người đã hy sinh vì dân tộc. Cuối cùng cũng có mấy em cầm nhưng với thái độ ngượng ngùng, miễn cưỡng.

Tôi làm như vậy muốn các em hiểu những gì các em đang làm là sai cho dù chỉ là thừa hành lệnh trê”. Facebooker Tran Nguyen

Buổi tưởng niệm tại Lăng Cô, Huế qua tường thuật của Blogger Paulus Thanh Hoàng:

Tại Lăng Cô (nguồn hình: FB Thanh Hoàng)

“Vào khoảng 11 giờ, chủ nhật 17/1/1974, chúng tôi gồm có tôi Nguyễn Đức Quốc (Blogger Paulus Thanh Hoàng), Huỳnh Vạn Hạnh và một bạn trẻ đang học Trung học, đến bãi biển quê tôi ở Lăng Cô thắp hương và đặt Vòng hoa tưởng niệm 74 tử sĩ đã hy sinh tại Hoàng Sa ngày 19/1/1974. Vì ở khu vực trung miền trung chúng tôi rất ít người dấn thân nên chỉ tôi và bạn Huỳnh Vạn Hạnh làm công việc thắp hương và đặt Vòng hoa trên biển, hướng về Hoàng Sa mà cầu nguyện cho linh hồn 74 tử sĩ đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ đất nước với lòng tưởng nhớ và ghi ơn các anh. Chúng tôi đã cầu nguyện bằng nghi thức tôn giáo của mình.

Vì chúng tôi quá ít người, lại không thông báo công khai trên truyền thông và chúng tôi tưởng niệm trong âm thầm. Có lẽ vì thế nên công an không biết để ngăn cản hoặc phá phách. Nhưng cho dù chỉ có mấy anh em, nhưng chúng tôi vẫn muốn bày tỏ tấm lòng biết ơn đến các anh hùng đã vị quốc vong thân. Và cũng là để nhớ đến nỗi đau của Dân tộc”.

Trước thực trạng lãnh thổ, lãnh hải của đất nước đang bị ngoại bang xâm lấn và chiếm đoạt. Trong khi chế độ cầm quyền hiện nay không hề có một phản ứng xứng đáng nào nên tôi có thể gọi là chế độ hèn nhát nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước tới nay. Khi tưởng niệm 74 tử sĩ đã hy sinh tại đảo Hoàng Sa tôi nhận thấy mình cần phải đóng góp nhiều hơn nữa cho việc bảo vệ lãnh thổ đất nước. Mặc dù Hoàng Sa bị Trung Cộng chiếm đóng nhưng sự hy sinh của các anh đã đánh động lương tâm của những người Việt còn lương tri. Tôi yêu mến và ghi ơn tỉnh thần của 74 tử sĩ đã hy sinh tại Hoàng Sa. Blogger Thanh Hoàng.

Buổi tưởng niệm của các bạn trẻ tại bãi giữa Sông Hồng, Hà Nội qua chia sẻ của Blogger Lý Quang Sơn.

“Chúng tôi tổ chức buổi tưởng niệm ngày 15/1, tại bãi giữa sông Hồng, Hà Nội. Có khoảng 10 người tham gia.

Chúng tôi làm các nghi lễ tưởng niệm và thắp hương, thả vòng hoa một cách trang trọng.

Có 1 vài người dân ở đó tò mò ra xem. Có người còn chụp hình ghi lại khoảnh khắc chúng tôi tưởng niệm. Họ hỏi han về việc chúng tôi làm. Và chúng tôi chia sẻ với họ về những gì diễn ra 42 năm về trước. Họ cũng biết việc Hoàng Sa cũng đã bị mất bởi tay Trung cộng. Một điều được an ủi nữa là có người còn nhắc đến anh hùng Ngụy Văn Thà. Blogger Lý Quang Sơn.

Tại bãi giữa Sông Hồng, Hà Nội (Nguồn hình Lý Quang Sơn)

Khi được hỏi về việc báo chí “lề đảng” gần đây có đưa tin, ca ngợi sự hy sinh của các chiến sĩ VNCH và xây dựng khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”, những người tham gia tưởng niệm đã nói:

Lý Quang Sơn: "Đó là dấu hiệu đáng mừng cho 1 sự mở đầu của hòa giải dân tộc.

Việt Nam vẫn chưa kiện Trung Quốc mà chỉ mới trao công hàm phản đối, như thế thôi thì chưa đủ. Điều đó chưa đủ mạnh, chưa chứng tỏ được điều gì.

“Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.”

Tôi nghĩ phải xem thực tâm của CS đến đâu đã, chứ mới chỉ là xây dựng mộtđài tưởng niệm mà đã vội mừng, đã vội tin thì không được.”

Paulus Thanh Hoàng: Tôi thấy việc đặt viên đá đầu tiên xây dựng tượng đài nghĩa sĩ để ghi ơn 74 người lính VNCH, thêm nữa là việc đưa tin của truyền thông lề đảng không thể khẳng định sự thực tâm của người cộng sản. Tôi nghi ngờ việc xây dựng tượng đài nghĩa sĩ Hoàng Sa. Theo tôi nếu họ thực sự xây dựng tượng đài để ghi ơn 74 tử sĩ đã ngã xuống tại Hoàng Sa, họ cần phải tôn trọng sự thật với danh hiệu của các anh được đồng bào miền nam phong tặng là Tử sĩ VNCH chứ không phải xây dựng với nội dung xây dựng tượng đài nghĩa sĩ mà họ đã loan tin.

Hành Nhân: Theo tôi, việc báo chí chính thống đã dám đưa tin về hải chiến HS trong vài năm gần đây chính là nỗ lực rất đáng khen của cánh anh chị em làng báo (vốn chịu rất nhiều áp lực và kiểm duyệt của Nhà nước). Bên cạnh đó, trước sức mạnh của truyền thông mạng xã hội và đỏi hỏi của người dân, chính quyền cũng không thể bưng bít nổi sự thật lịch sử. Vì thế nên mới có sự cởi mở đôi chút đối với những vấn đề "nhạy cảm" này so với trước đây. Việc xây dựng tượng đài Nghĩa sĩ HS để ghi nhớ công ơn 74 chiến sĩ VNCH đã ngã xuống vì bảo vệ Tổ Quốc, biển đảo đáng lẽ ra nên làm và phải làm từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, "món nợ" ân tình đối với các nghĩa sĩ, tử sĩ VNCH giờ đây mới được nhớ đến.

Ngoài ra, để những hy sinh xương máu ấy không đổ ra vô ích, chính quyền hiện thời cần phải có những chính sách chăm lo cho con em, thân nhân của những tử sĩ, nghĩa sĩ VNCH, nhằm xóa đi những phân biệt đối xử giữa hai chế độ, để vươn tới sự hòa hợp hòa giải dân tộc. Đặc biệt, cần phải nêu cao tinh thần dân tộc, chống hiểm họa xâm lăng, bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc mà một trong những cách cụ thể nhất là kiện Trung cộng ra Tòa án quốc tế.

Và họ cũng phải tôn trọng, khuyến khích việc người dân khắp nơi tổ chức tưởng niệm, nhớ ơn những người lính VNCH đã ngã xuống vì biển đảo Tổ quốc chứ không phải đi ngăn chặn, hăm dọa, phá rối... Lời nói phải đi đôi với việc làm! Chính những hành động thực tế sẽ nói lên tất cả. Người dân sẽ biết và cảm được chính quyền này có thực lòng tri ân hay không, hay chỉ là để xoa dịu, diễn tuồng, và có những mưu đồ tính toán phía sau...

Khi bài viết này được gõ đến những con chữ cuối cùng thì ở Hà Nội cũng vừa kết thúc buổi tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa. Có khoảng hơn 80 người yêu nước, nhà hoạt động nhân quyền đã tập trung tại tượng đài Lý Thái Tổ để tổ chức buổi tưởng niệm một cách rất trang trọng và thành kính. Được biết, lần tổ chức này đã không bị đàn áp, phá phách như nhiều lần trước đó.

Tại Hà Nội sáng 19/1 (nguồn hình: Mai Thanh)

Trong khi đó, cuộc tưởng niệm tại Sài Gòn đã không thể diễn ra suôn sẻ như dự định. Nhiều người bị chặn tại nhà, một số người bị bắt trên đường. Một lực lượng đông đảo gồm khoảng 50 công nhân(?) môi trường đô thị tiến hành việc quét dọn và xả nước liên tục tại khu tượng đài Trần Hưng Đạo, nơi tổ chức buổi tưởng niệm. Những kẻ lạ mặt xông vào cướp vòng hoa và gây hấn những người tham gia tưởng niệm.

Tại Sài Gòn (Nguồn hình: Nga Thi Bich Nguyen)

Xin mượn câu nói của nhạc sĩ Tô Hải để kết thúc bài viết này:

“Ôi! anh Ngụy văn Thà và đồng đội của anh hãy yên nghỉ nơi biển cả quê hương... Tấm gương hy sinh vì Tổ Quốc của các anh sẽ sống mãi trong tim của triệu triệu người con VN chứ không cần đến lũ người mà không có trái tim người”.

19/1/2015

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.