Quốc hội khóa 13 miễn nhiệm các chức danh chủ chốt có vi hiến, trái luật?

Nguyễn Mạnh Hùng (Danlambao) - Kỳ họp 11 Quốc hội khóa 13 diễn ra từ 20/3 đến 12/4/2016 đã gây bất bình trong dư luận về việc miễn nhiệm các chức danh chủ chốt thuộc cơ quan dân cử. Việc làm này có vi hiến và trái luật hay không đang là đề tài được nhiều người quan tâm, đã có nhiều bài viết phản đối việc làm này. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin đưa ra một số luận điểm được quy định trong Luật hiến pháp Việt Nam để làm sáng tỏ thêm những quan hệ cơ bản về tổ chức quyền lực nhà nước, về quyền và nghĩa vụ của Quốc hội hầu rộng đường dư luận.

Theo hiến định, Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng Nhân dân (HĐND) và thông qua các cơ quan khác của nhà nước. Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân, do nhân dân lập ra để phục vụ nhân dân và chỉ tuân thủ theo ý chí của nhân dân. Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri và chịu trách nhiệm trước cử tri chứ không phải với đcs. Luật tổ chức Quốc hội quy định: Các chức danh chủ chốt được bầu trong số các đại biểu Quốc hội. Sau khi được bầu, các chức danh chủ chốt chỉ phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. Như vậy, các chức danh chủ chốt chỉ cần hội đủ điều kiện là đại biểu Quốc hội, trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp chứ không cần phải là đảng viên đảng cộng sản, không cần phải trung thành với đảng cộng sản Việt Nam (đcsVN). Tóm lại, Quốc hội là cơ quan do nhân dân lập ra, giao quyền quản lý đất nước, quản lý xã hội, mọi cá nhân, tổ chức phải tuân thủ các quyết định của Quốc hội. Nói cách khác, theo hiến định thì Quốc hội là công cụ phục vụ quyền lợi của nhân dân.

Đảng cộng sản Việt Nam có thẩm quyền lãnh đạo Quốc hội không?

Điều 4 Hiến pháp quy định: Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đảng cộng sản Việt Nam phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của đảng và đảng viên đcs Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia định nghĩa: Lãnh đạo là quá trình tìm kiếm sự tham gia tự nguyện của cấp dưới, gây ảnh hưởng và dẫn dắt hành vi của cá nhân hay một nhóm người nhằm hướng tới mục tiêu của tổ chức. Theo định nghĩa này, đcsVN chỉ có thẩm quyền lãnh đạo hơn 4 triệu đảng viên trong tổ chức đảng của họ, không có thẩm quyền lãnh đạo gần 90 triệu người ngoài đảng. Xét về mục tiêu: mục tiêu của đcsVN cũng mâu thuẫn với mục tiêu của nhân dân. Như vậy đcsVN không thể là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội được. Về nguyên tắc, bất cứ chủ thể nào muốn được chính danh đại biểu cho chủ thể khác thì phải được chủ thể đó chấp nhận. Cũng vậy, đcsVN muốn được chính danh lãnh đạo nhân dân phải được nhân dân chấp nhận thông qua bầu cử hoặc trưng cầu ý dân. 

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là hiện nay hầu hết đại biểu Quốc hội là đảng viên đcs. Xét về hình thức thì đại biểu Quốc hội là đại diện cho nhân dân, xét về nội dung thì họ là đảng viên đcs phải chấp hành chỉ đạo trong đảng của họ. Nếu một người vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là đảng viên của một đảng chính trị thì cần phải có sự phân biệt rạch ròi. Trong tư cách đại biểu Quốc hội phải đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên hết. Trong tư cách đảng viên của một đảng chính trị thì có thể chấp hành những chỉ đạo trong công việc nội bộ đảng của họ, nhưng không được xâm hại tới quyền lợi quốc gia dân tộc. Do có sự mập mờ, mâu thuẫn và chồng chéo đã gây ra sự ngộ nhận Quốc hội do đcs lập ra. Vì có sự ngộ nhận nên chính các vị đại biểu Quốc hội cũng không nhận biết được chủ thể nào lập ra Quốc hội, đã biến Quốc hội từ công cụ phục vụ ý chí của nhân dân thành công cụ phục vụ ý chí của đcs. 

Theo quy định tại khoản 1 điều 8, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì: “Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội”. Theo đó, không có quy định nào yêu cầu đại biểu Quốc hội phải là đảng viên đcs. Ngoài ra, tỷ lệ đại biểu đại diện của các tổ chức trong Quốc hội phải bảo đảm tỷ lệ hợp lý của các tầng lớp nhân dân. Nếu thực hiện đúng quy định này, với hơn 60 triệu cử tri ngoài đảng sẽ có đại đa số đại biểu trong Quốc hội.

Khoản 2 điều 70 Hiến pháp quy định: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội. Tại điều 4 quy định: Các tổ chức của đảng và đảng viên đcs Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều đó có nghĩa là mọi hoạt động của đcsVN phải chịu sự giám sát của Quốc hội, của nhân dân. Nếu các đại biểu Quốc hội đặt quyền lợi quốc gia dân tộc dưới quyền lợi đảng của họ thì họ không hoàn thành trách nhiệm nhân dân giao cho, không xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, vi phạm Luật hiến pháp, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước nhân dân.

Quốc hội khóa 13 miễn nhiệm và bầu mới các chức danh chủ chốt có vi phạm Luật hiến pháp?

Theo luật định, ngày 22/5/2016 bầu cử Quốc hội, tháng 7/2016 Quốc hội mới khóa 14 sẽ họp phiên đầu tiên bầu ra Ủy ban Thường vụ, Chủ tịch Quốc hội và các chức danh chủ chốt. Điều này cũng phù hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa 13 diễn ra từ 20/3 đến 12/4/2016, Quốc hội khóa 13 đã miễn nhiệm và bầu mới các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu đã gây ra sự bất bình trong nhân dân. 

Như trên đã dẫn chiếu, Quốc hội là cơ quan do nhân dân lập ra để phục vụ nhân dân và phải chịu sự giám sát của nhân dân. Để thể chế hóa quyền lực của Quốc hội, đồng thời để ngăn chặn sự lạm quyền, nhân dân chỉ trao cho Quốc hội một phần quyền lực. Ngoài ra, nhân dân còn trao quyền cho một số cơ quan khác như quyền hành pháp và quyền tư pháp độc lập với nhau để giám sát lẫn nhau. Đặc biệt, nhân dân giữ lại quyền quyết định mọi vấn đề hệ trọng liên quan tới vận mệnh quốc gia như quyền phúc quyết Hiến pháp, quyền trưng cầu ý dân và quyền giải tán Quốc hội. Theo đó, việc Quốc hội miễn nhiệm 37 và bầu mới 57 vị trí chủ chốt, đặc biệt 3 chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ là vấn đề hệ trọng liên quan tới vận mệnh quốc gia phải được sự chuẩn thuận của nhân dân. Để minh định việc miễn nhiệm và bầu mới này có vi phạm Luật hiến pháp, chúng ta cần phải xem xét việc miễn nhiệm và bầu mới có phải là ý chí của nhân dân hay không?

Điều 8, điều 9, điều 11 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: Quốc hội bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh trong bộ máy nhà nước. Điều 2 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quy định: Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Theo quy định này thì công tác cán bộ từ bộ máy nhà nước đến địa phương là do Quốc hội bầu ra, chỉ cần là đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND chứ không cần phải là đảng viên đcs. Hay nói cách khác, công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải là thẩm quyền của đcsVN.

Tuy nhiên trả lời phóng viên AP, Tổng thư ký kiêm Phát ngôn của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Công tác cán bộ là của Đảng, văn bản chính thức là Trung ương trình ra, giới thiệu ra Quốc hội thì lúc đó mới có danh sách chính thức”. Tại buổi họp báo ngày 18/3/2016, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết lý do kiện toàn nhân sự lãnh đạo nhà nước sớm mà không để sang kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá 14 vì nhiều vị trí chủ chốt không tái cử Ban chấp hành Trung ương, trong khi đến tháng 7/2016 Quốc hội khoá 14 mới họp. Trả lời trong họp báo bế mạc kỳ họp 11, Quốc hội khóa 13 sáng 12/4 ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: do yêu cầu công tác nhân sự sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, Quốc hội đã tiến hành xem xét miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước. Trước đó, ngày 4/1 Tổng Bí thư đcs Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã không ít lần khẳng định đảng ta là đảng cầm quyền, đảng đã phân công tôi làm Thủ tướng. Với nhận thức này, chính bản thân những người được nhân dân trao quyền quản lý đất nước cũng đã lẫn lộn, không phân biệt được ai đã trao quyền cho mình, thậm chí còn cho rằng không tái cử Ban chấp hành Trung ương thì không được làm cán bộ chủ chốt. Hoặc họ đã đánh lận con đen, cho rằng đcs có quyền lãnh đạo Quốc hội và công tác cán bộ là công tác của đảng. Do đó, họ đã miễn nhiệm và bầu mới các chức danh chủ chốt theo ý chí của đcs chứ không phải ý chí của nhân dân. Từ nhận thức này của những người được xem là đại diện của dân, dư luận đặt câu hỏi: Quốc hội là công cụ phục vụ quyền lợi nhân dân hay công cụ phục vụ quyền lợi của đcs? 

Theo hiến định, các chức danh chủ chốt của nhà nước phải là đại biểu Quốc hội, các chức danh chủ chốt ở địa phương phải là đại biểu HĐND. Ngoài ra không có điều khoản nào quy định các chức danh chủ chốt của nhà nước và địa phương phải là đảng viên đcsVN. Điều này một lần nữa minh định họ đã lạm quyền đại diện nhân dân để biến Quốc hội từ công cụ phục vụ nhân dân thành công cụ của đcs, là việc làm vi phạm Luật hiến pháp, phản bội sự tín nhiệm của nhân dân.

Kết luận: 

Sức mạnh nhân dân là quyền lực tuyệt đối, mọi cá nhân, mọi thể chế độc tài đi ngược lại ý chí, nguyện vọng của nhân dân đều phải bị trừng trị. Đó là quy luật tất yếu mà thực tiễn lịch sử nhân loại đã chứng minh. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu; một số nước khu vực Bắc Phi, Trung Đông trong cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả Rập” và đặc biệt là cuộc cách mạng dân chủ, tự do tại Miến Điện năm 2015 là những bài học minh chứng về sức mạnh của nhân dân. Qua bài viết này, người viết mong muốn cử tri nhận thức được: theo luật định thì đại biểu Quốc hội không cần phải là đảng viên đcs. Từ đó sẽ ý thức đúng đắn quyền công dân của mình để lựa chọn người đại diện cho nhân dân trong cuộc bầu cử ngày 22/5/2016 sắp tới, lập ra một Quốc hội phục vụ nhân dân. Khi và chỉ khi đó Quốc hội mới thật sự là “của dân, do dân và vì dân”.

Viết tại Sài Gòn ngày 19/04/2016

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.