Liên hiệp cầm quyền Bảo thủ - Xã hội bị thảm bại trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Đức
Vũ Ngọc Yên (Danlambao) - Cộng hòa liên bang Đức (CHLBĐ) với 83 triệu dân là một quốc gia pháp trị-tam quyền phân lập, có thể chế dân chủ nghị viện đảm bảo dân quyền và nhân quyền. Bầu cử được thực hiện trên mọi bình diện từ địa phương tới trung ương, tạo cơ hội cho công dân tham gia sinh hoạt chính trị của quốc gia. Quốc hội liên bang Đức được bầu theo thông lệ 4 năm, nghị viện Âu châu 5 năm, nghị viện tiểu bang và thị xã thường 5 năm. Quốc hôi bầu ra chính quyền. Chính quyền liên bang hiện tại là một liên hiệp bảo thủ-xã hội của hai chính đảng lớn Liên minh dân chủ/ xã hội (CDU/CSU) và đảng dân chủ xã hội (SPD).
Ngày 24.09.2017 khoảng 61,5 triệu cử tri (31,7 triệu nam, 29,8 triệu nữ) được kêu gọi đi bầu tân quốc hội liên bang khóa 19 với nhiệm kỳ 4 năm. Ngoài 5 chính đảng đang có đại biểu trong quốc hội hiên tại: Liên minh Dân chủ/ Xã hội Thiên Chúa giáo (CDU/CSU), Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), Liên minh 90/Đảng Xanh (Bündnis90/Die Grünen), Đảng Tả (Die Linke) còn có thêm nhiều đảng, đoàn thể ghi danh tranh cử như Đảng Dân chủ Tự do (FDP), Chọn lựa cho Đức (AFD), Đảng Dân chủ Quốc gia Đức (NPD), Đảng Dân chủ-Sinh thái (ÖDP)…
Cơ quan điều hành bầu cử liên bang cho biết chính thức có 42 chính đảng, đoàn thể và 4828 ứng cử viên tranh cử vào quốc hội. Đây là những con số cao nhất cho thấy nền dân chủ ở Đức rất sống động và hấp dẫn.
Trọng tâm chương trình tranh cử của các chính đảng
Hai chính đảng lớn có khả năng tranh chức Thủ tướng là Liên minh CDU/CSU và đảng SPD. Liên minh CDU/CSU tranh cử với thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel (63 tuổi). Ứng cử viên Thủ tướng cạnh tranh của Đảng SPD là Martin Schulz (61 tuổi), đương kim chủ tịch đảng và nguyên chủ tịch Nghị viện Âu châu.
Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel
Dù lập trường chính trị của các chính sách phục vụ đất nước khác biệt, nhưng các chính đảng dân chủ đều cùng theo đuổi những giá trị: Tự do, Công lý, Liên đới và Nhân quyền. Trong các cuộc vận động bầu cử các chính đảng dân chủ cạnh tranh nhau với những chương trình kinh tế, an ninh, xã hội, môi sinh, tị nạn và Âu châu thay vì đưa ra những khẩu hiệu mỵ dân kích động bài ngoại hay chống người ti nạn nhập cư.
Trong chương trình tranh cử cho cuộc bầu cử Tân Quốc hội 2017, Liên Minh CDU/CSU chủ trương tăng cường an ninh, quốc phòng, đẩy mạnh đối tác với các quốc gia Âu châu, đầu tư công nghiệp phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp, trợ cấp gia đình, bảo vệ môi sinh.. Đảng SPD chú trọng chính sách công bình xã hội, chống cắt giảm tài trợ trong lãnh vực dân sinh, tăng đầu tư giáo dục, giảm thuế, tài trợ hội nhập xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế thuận lợi cho hòa bình trên thế giới. Đảng Xanh hỗ trợ, bảo vệ môi sinh, khí hậu, bảo đảm tự do, việc làm, bình đẳng nam nữ, hôn nhân cho tất cả. Đảng Tả (Linke) chống gia tăng vũ trang và tham gia tranh chấp quân sự ở nước ngoài, phủ nhận Liên minh quân sự NATO, ngăn chận các vụ tư hữu hóa trong lãnh vực điện, nước, y tế, tăng tiền hưu trí lên ít nhất 1050€/tháng và lương tối thiểu 12€/giờ. Đảng FDP đã bị thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội 2013 nay trở lại tranh cử với thành phần lãnh đạo mới với chủ trương tăng cường đối tác với Mỹ và Liên hiệp Âu châu (EU), bảo đảm dân quyền và nhân quyền, xúc tiến ban hành luật quy định nhập cư. Đảng FDP đã bị mất tín nhiệm trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2013 vì những đường lối phục vụ các nhóm lợi ích kinh tế. Đảng AFD, một đảng mỵ dân đòi thực hiện trưng cầu dân ý, giới hạn quyền lực của các chính đảng, ngăn chận nạn vận động hành lang, giới hạn tị nạn, cắt giảm các chương trình cứu trợ hội nhập xã hội, gia tăng biện pháp chống ngoại kiều phạm pháp và trục xuất người ti nạn về nguyên quán. Đảng này được nhiều cử tri vùng Đông Đức hỗ trợ…
Ứng viên Thủ tướng Martin Schulz của đảng SPD
Kết quả bầu Quốc hội mới
Số cử tri bỏ phiếu bầu Quốc hội năm 2013 tăng lên 75,9%.
Theo kết quả tạm thời qua ước tính của hai đài truyền hình ARD và ZDF hai đảng câm quyền của Liên hiệp Bảo thủ và Xã hội bị thảm bại trong cuộc bầu cử Quốc hội 2017.
So với năm 2013, Liên minh CDU/ CSU bị mất phiếu nhiều nhất, từ 41,5% giảm xuống 32.8% Chính đảng lớn SPD cũng không kém phần thảm bại, từ 25,7 xuống 20,7%. Đảng AFP từ 4,8 tăng lên 13%, Đảng FDP từ 4,3 lên 10,4%, Đảng Xanh từ 7,2 tăng lên 9,1%, Đảng Tả từ 8,2 tăng lên 9%.
Dự vào kết quả số phiếu thứ hai, số ghế trong Quốc hội được phân chia:
Liên minh CDU/CSU 239, Đảng SPD 150, Đảng AFD 94, Đảng FDP 77, Đảng Xanh 65 và Đảng Tả 66. Các đảng tham dự tranh cử còn lại không đạt được quy định tối thiểu 5% phiếu thứ hai nên không được chia ghế.
Vì không có đảng nào chiếm được đa số tuyệt đối để tự thành lập chính quyền, do đó các đảng phải tìm cách liên hiệp với nhau để có đa số trong quốc hội. Nhiều phương án liên hiệp đã được thảo luận như Liên hiệp CDU/CSU với SPD hoặc Liên hiệp CDU/CSU với FDP và Đảng Xanh.
Hệ thống bầu cử tại Đức
Bầu cử tự do, chứ không phải bầu theo kiểu "đảng cử dân bầu“ như ở các chế độ độc đảng, là đặc điểm cốt lõi của nền dân chủ đa đảng. Theo luật bầu cử liên bang, mọi công dân từ 18 tuổi đều được quyền bầu cử và ứng cử. Ngoài các chính đảng và đoàn thể đề cử ứng viên, các công dân cũng có quyền ứng cử với tư cách cá nhân. Cá nhân tự ứng cử không phải thông qua một phiên họp cử tri hay hội nghị hiệp thương của đảng, đoàn, mặt trận nào cả. Ứng cử viên có thể ghi danh tranh cử ở mọi nơi sau khi đã thu thập ít nhất 200 chữ ký cử tri của đơn vị bầu cử nơi cá nhân ra tranh cử.
Tại Đức có trăm đảng, tổ chức chính trị và hàng chục ngàn đoàn thể xã hội dân sự. Chính đảng và đoàn thể giữ vị thế trung gian giữa xã hội và chính quyền, góp phần mở rông dân chủ, phát triển kinh tế xã hội và nâng cao dân trí. Quyền lập hội, lập chính đảng được tôn trọng. Vai trò chính đảng và đối lập được hiến định. Các chính đảng, công đoàn và tổ chức xã hội dân sự tự do hoạt động mà không sợ bị trấn áp, tù đầy vì những cáo buộc nghịch lý, trơ trẻn như "âm mưu chống tổ quốc, chống đảng cầm quyền và lật đổ chế độ nhân dân..."
Cho cuộc bầu cử Quốc hội liên bang, Cộng hòa Liên bang Đức áp dụng một hệ thống bầu cử kết hợp bầu theo đa số và bầu theo tỷ lệ gọi là bầu đại biểu theo tỉ lệ (personalisierte Verhältniswahl). Mục đích của hệ thống này là bảo đảm chế độ dân chủ đa đảng, giới hạn ưu quyền của các chính đảng lớn cũng như bảo vệ các đảng nhỏ có cơ hội phát triển.
Cử tri có hai phiếu bầu. Phiếu thứ nhất dùng bầu một ứng viên trực tiếp (Direktmandat) của đơn vị bầu cử. Ứng cử viên trực tiếp là người được một đảng đề cử hoặc một cá nhân tự ứng cử. Phiếu thứ hai dùng bầu một đảng có danh sách ứng viên tiểu bang (Landesliste). Số đại biểu tiểu bang trong Quốc hội sẽ tùy thuộc dân số tiểu bang. Phiếu thứ hai đóng vai trò quan trọng cho sự phân chia ghế đại biểu trong Quốc hội và chỉ có những chính đảng hoặc đạt ít nhất 5% số phiếu thứ hai hay có 3 ứng viên của đảng thắng cử ở ba đơn vị bầu cử mới được tham dự vào việc phân chia số đại biểu. Quy định này được áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng quá nhiều đảng nhỏ vào quốc hội, gây xáo trộn chính trị cũng như khó khăn cho sự thành lập chính quyền. Thời Cộng hòa Weimar (1919-1923) đã có 17 đảng hiện diện trong Quốc hội mà nhiều đảng chỉ có vài dân biểu.
Luật bầu cử liên bang quy định Quốc hội Đức có 598 ghế và được chia hai. Nửa tổng số dân biểu (299) được bầu trực tiếp (Direktmandat) theo nguyên tắc đa số tương đối ở 299 đơn vị bầu cử trên toàn quốc. Mỗi đơn vị bầu cử bầu một ứng cử viên có số phiếu nhiều nhất để đại diện trong Quốc hội. Một nửa còn lại (299) dựa trên tổng số phiếu thứ hai bầu có giá trị được phân chia cho các đảng theo tỉ lệ tương đối.
Trong một tiểu bang (Đức có 16 tiểu bang) một đảng thắng đa số hay hầu hết ghế trực tiếp (Direktmandate) có thể chỉ nhận được rất ít đại biểu qua danh sách tiểu bang. Trong khi các đảng cạnh tranh lại nhận được nhiều ghế tương ứng theo tỷ số phiếu hai dù không đạt được một ghế trực tiếp. Thí dụ trường hợp tiểu bang Baden-Württemberg, trong cuộc bầu cử quốc hội 2013, Liên hiệp CDU đạt 45,7% phiếu và đoạt toàn bộ số đại biểu trực tiếp ở 38 đơn vị bầu cử trong tiểu bang, nhưng chỉ nhận thêm 5 ghế qua danh sách đảng, trong khi Đảng Xanh nhận được 11% lại được đề cử 10 đại biểu vào Quốc hội dù không đạt được một đại biểu trực tiếp.
Trong trường hợp một chính đảng nhờ phiếu thứ nhất có nhiều ứng viên thắng cử ở các đơn vị bầu cử trong tiểu bang vượt hơn số được tính theo tỉ lệ phiếu thứ hai, thì số đại biểu dôi ra (Überhangmandate) phải được thừa nhận. Số ghế dôi ra làm số ghế trong Quốc hội thay đổi và qua đó các đảng khác sẽ nhận thêm một số đại biểu cân bằng (Ausgleichsmandaten) tương ứng để không bị thiệt thòi. Vì vậy tổng số ghế trong Quốc hội sau kết quả kiểm phiếu có thể nới rộng. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 18 trước đây từ số 598 đã phải tăng lên 631 vì có 33 đại biểu dôi ra. Các chuyên gia chính trị ước đoán tổng số ghế quốc hội 2017 khóa 19 có thể sẽ nới rộng tới 700.
Merkel sẽ tiếp tục cầm quyền?
Sau kết quả bầu cử Thủ tướng Angela Merkel đã lên tiếng nhìn nhận Liên minh Bảo thủ CDU/CSU đã không đạt kết quả như mong muốn, nhưng bà khẳng định quyền lập chính quyền vì Liên minh vẫn duy trì vị thế của một chính đảng mạnh nhất trong Quốc hội mới. Nếu trong những tuần kế tiếp Liên minh Bảo thủ tìm được hậu thuẫn của các chính đảng khác để lập nội các liên hiệp thì Merkel cầm quyền từ năm 2005 có thể tiếp tục với nhiệm kỳ thứ tư. Và bà có lẽ sẽ đi vào lịch sử nước Đức ngang hàng với những Thủ tướng tiền nhiệm cầm quyền lâu năm như Konrad Adenauer (12 năm) Helmut Kohl (16 năm) và Otto von Bismarck (19 năm).
25.09.2017
Post a Comment