Tại sao có hiện tượng thay đổi khí hậu? - Thiên nhiên & môi trường
Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Bài viết do suy nghĩ về hai cơn bão vừa thổi qua tiển bang Texas và Florida vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua. Những lý giải về hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu như: hiệu ứng khí nhà kính, hiện tượng El Nĩno và La Nina, lỗ thủng ở từng Ozone ngày càng lớn, lượng khí carbonic CO2 do con người phóng thích ra ngoài không khí vượt mức 400 mg/m3 v.v… có làm thỏa mãn và trấn an được con người hay không? Người viết nghĩ là không! Với suy nghĩ đượm thêm một “chút” Phật giáo, người viết rốt ráo rằng con người rồi cuối cùng cũng phải trả lại thiên nhiên cho thiên nhiên. Và trong một chừng mực nào đó, sự “climate change”... chỉ là sự vận chuyển tuần hoàn của Trời Đất qua hai chu kỳ: Nóng và Lạnh. Và phải chăng, chúng ta ĐANG bước vào buổi BÌNH MINH của chu kỳ NÓNG?
Tiến bộ khoa học cùng với việc phát minh nhiều công nghệ mới trong thời gian gần đây đã cho ra đời nhiều ứng dụng hầu thỏa mãn nhu cầu mà con người cần đến hay nghĩ đến. Con người ngày càng say mê trong những khám phá mới, tìm thêm nhu cầu mới dù cần thiết hay không cần thiết cho cuộc sống. Cuộc chạy đua do chính con người đặt ra có vẽ như không có điểm đến! Và hơn nữa, cuộc đua nầy càng kích thích thêm tham vọng ngự trị của con người, càng tăng thêm ngã vọng đến một mức độ khó kềm chế được trong cuộc chinh phục thiên nhiên.
Với khả năng khoa học hiện có, con người hầu như làm chủ thiên nhiên trong việc chế tạo các sản phẩm mới để phục vụ cho nhu cầu của nhân loại. Đôi khi những nhu cầu đó hoàn toàn không cần thiết. Con người ngày càng sử dụng nhiều hóa chất khác nhau để kiến tạo ra những sản phẩm tổng hợp theo ý muốn hay theo nhu cầu và dĩ nhiên trong quá trình tổng hợp hay phản ứng đã sinh ra một số sản phẩm phụ không cần thiết. Chính những chất sau này trở thành những vấn nạn cho đời sống con người do đó con người bị bắt buộc phải giải quyết hay thanh lọc...
Như vậy, vấn đề Sinh (sản xuất ra sản phẩm mới) và Diệt (xử lý các sản phẩm phụ, không cần thiết hay độc hại) là một hiện tượng tuần hoàn, xoay dần liên tục trong đời sống con người. Con người cố khai triển trí thông minh để cố tạo ra nhu cầu mới thì cần phải nặn óc nhiều hơn để thanh toán các phế phẩm độc hại. Và nếu nói theo tinh thần Phật giáo, con người càng chạy theo cái ngã của mình thì phải gánh thêm nghiệp càng nặng.
Trái đất và Thiên nhiên
Vạn vật đã tự sắp xếp theo một thứ tự nào đó của thiên nhiên. Từ ngàn năm trước nếu nhìn lại, khi khoa học chưa phát triển nhiều và con người có một hiểu biết rất hạn chế, thiên nhiên vẫn ưu đãi và tạo dựng ra một đời sống tương đối an lành; số mầm bệnh không nhiều so với hiện tại, và sự xuất hiện những mầm bệnh mới, nhất là những loại ung thư xuất hiện trong vài chục năm trở lại đây. Đó là sản phẩm của các hóa chất độc hại xâm nhập vào cơ thể con người tạo ra những biến đổi gen không kiểm soát được. Đó cũng chính là sản phẩm của con người qua khoa học!
Con người đã lạm dụng khoa học và với niềm tự tôn mặc cảm họ tin rằng sẽ chiến thắng được thiên nhiên, kiểm soát thiên nhiên, và luôn cố gắng thỏa mãn lòng kiêu hãnh của mình. Tuy nhiên, cuối cùng thiên nhiên đáp lại rằng, hãy còn quá nhiều ẩn số mà con người chưa thể giải đáp được! Thiên nhiên đã vận hành tuần hoàn, có chu kỳ thời tiết mưa, nắng, bão, lụt... cho từng khu vực trước kia; mà hôm nay con người đã làm đảo lộn các chu kỳ trên một cách không kiểm soát nổi.
Hiện tượng hạn hán, bão lụt xảy ra thường xuyên hơn không theo một chu kỳ tuần hoàn nào có thể tiên liệu như trước kia cách đây vài thập niên. Bầu khí quyển tiếp tục nóng dần mặc dầu chỉ tăng 10 độ C trong hàng trăm năm nhưng cũng đủ tạo nên những hiện tượng rạn nứt và nóng chảy của các lớp băng ở Nam Cực. Năm 1997, ở Ross Ice Shelf Nam Cực, một tảng băng có kích thước 100 x 30 dậm, bị rạn nứt từ 25 năm trước, đã tách rời khỏi Nam Cực, tiến về hướng xích đạo và bị tan rã trên đường di chuyển. Hiện tại một tảng băng khác có kích thước tương tự ở vùng Ronne Ice Shelf đang tách rời và tiến về hướng Xích Đạo.
El Nĩno là hiện tượng nước biển bị hâm nóng xảy ra theo chu kỳ tự nhiên vào khoảng tám đến mười năm vào các thập niên trước; mà nay chu kỳ trên đã bị thu ngắn lại và không có những dấu hiệu báo trước rõ ràng như trước kia nữa. Năm 1998 hiện tượng nầy đã gây ngập lụt cho Hoa Kỳ và hạn hán cùng bão lụt ở Việt Nam. Và sau đó hiện tượng La Niña tiếp theo làm đảo lộn thời tiết ở miền Đông Hoa Kỳ, làm cho quá nóng ở mùa đông và giá lạnh theo sau đó cộng thêm nhiều cơn lụt lội và gió lốc bất thần ở miền Trung Tây Hoa Kỳ. Gần đây nhất, cuối tháng 8 và tháng 9, 2017, cơn bão Harvey tàn phá Texa, Irma tàn phá Florida và còn tiếp theo nhiều cơn bão đang hoành hành ở vùng biển Trung Mỹ châu. Như vậy, chúng ta giải thích làm sao đây?
Hãy nghe Tổ chức LHQ về Khí tượng Thế giới - The UN World Meteorological Organization (WMO) nói về Niño và La Niña có những biến động về nhiệt độ đáng kể ở vùng nước nhiệt đới nóng của vùng nhiệt đới Thái Bình Dương: El Niño làm gia tăng nhiệt độ và La Niña làm giảm nhiệt độ trung bình của nước biển ở vùng này.
Những thay đổi về nhiệt độ này liên quan chặt chẽ với các biến động khí hậu chính trên khắp thế giới, đặc biệt ở Châu Mỹ La tinh, Australia và Đông Á, có thể kéo dài cả năm hoặc hơn nữa. Cả El Niño và La Niña đều có khả năng phá vỡ các mô hình thời tiết bình thường và ảnh hưởng rộng rãi đến khí hậu ở nhiều nơi trên thế giới.
Tóm lại con người càng thách thức thiên nhiên càng phải gánh thêm nhiều hậu quả không thể lường trước được.
2. Khủng hoảng môi sinh
Tiến sĩ James Lovelock đã từng đưa ra quan niệm “quả đất là một sinh vật đơn thuần”. Từ quan niệm trên, ông đưa ra giả thuyết “Trái đất là một hệ thống tự điều chỉnh gồm sinh vật, đất đá, đại dương, và khí quyển bao gồm như một hệ thống tiến triển, luôn luôn cố gắng điều hòa những điều kiện sống thích hợp cho đời sống trên quả đất”. Nhưng có lẽ, ngày hôm nay đã đến lúc trái đất của chúng ta không còn tự điều tiết nữa để có thể ứng hợp với sự “khai thác” quá độ của con người.
Do đó, dù thiên nhiên hay môi trường sống của con người tự nó đã được sắp xếp theo một hợp lý nào đó mà con người chưa đủ khả năng để lý giải thì làm sao có khả năng để hàng phục thiên nhiên được. Thiết nghĩ, càng vận dụng khả năng của mình để thách đố thiên nhiên, con người càng đi vào ngõ cụt, không lối ra. Và hôm nay, con người càng gần đến chỗ bế tắc hơn nữa khi tìm cách giải quyết những vấn nạn môi sinh trên thế giới do chính con người tạo ra: - không khí bị ô nhiễm đến mức báo động, - nguồn nước sinh hoạt bắt đầu cạn kiệt về lượng cũng không còn trong lành về phẩm như trước kia nữa.
Con người bị bao vây từ trên vùng trời, dưới đất và ngay cả trong lòng đất, nguồn nước ngầm đã bị ô nhiễm cũng như mức độ ô nhiễm ở các đại dương tăng nhanh làm nguồn lương thực như cá tôm bị nhiễm độc và số lượng sinh vật bị tuyệt chủng tăng dần... Ngay cả trong lòng dại dương, các hóa chất độc hại như PCBs, DDT thoát ra từ các nhà máy sản xuất từ hơn 50 năm trước, theo dòng nước và trầm tích ở dưới biển sâu như ở vùng Palos Verdes Shelf nằm ngoài khơi Long Beach, CA.
Trước áp lực bị thiên nhiên bao vây từ mọi phía, con người cố gắng tìm cách giải quyết các sản phẩm độc hại cho chính mình tạo ra! Và cứ thế vòng lẩn quẩn trên tiếp tục xoay tròn: Tạo và Hủy. Con người càng cố gắng thanh lọc ô nhiễm thì chính trong quá trình thanh lọc đó lại sinh sản ra một số ô nhiễm mới.
3. Phương cách giải quyết “duy lý”
Theo quan niệm hiện tại, con người đang dùng các phương pháp sau đây để thanh lọc môi trường: phương pháp hóa học, sinh hóa học, cơ học, vật lý, thẩm thấu.
Phương pháp hóa học dựa theo nguyên tắc dùng một hay nhiều hóa chất tác dụng lên chất độc cần giải quyết để biến chất ấy thành một chất không độc hại hay đem độ độc hại xuống đến mức chấp nhận được (?) (threshold limit). Vấn đề được đặt ra là con người ngày càng khó thích ứng với định mức đã định trước kia và sau cùng, cần phải thanh lọc lại những chất phế thải đã được thanh lọc trước kia để đem định mức độc hại xuống thấp hơn. Sẽ không thể nào có được một định mức cố định và trường cửu cho một chất độc hại nào cả!
Vấn đề là sự thích ứng của con người trước một sản phẩm độc hại đó cũng thay đổi theo thời gian và tùy thuộc vào sự khám phá liên tục của khoa học về ảnh hưởng của chất độc vào cơ thể con người. Tóm lại chu kỳ thanh lọc nầy rất tốn kém về tài chánh cũng như về nhân lực và thời gian.
Tương tự, phương pháp sinh hóa học cũng cho ra những sản phẩm phụ được định mức không độc hại hôm nay nhưng có thể sẽ trở thành những chất độc hại ngày mai.
Các phương pháp thanh lọc khác đều để lại những phụ phế phẩm hoặc cần phải có những phương pháp thanh lọc đặc biệt như phương pháp ước lượng bão hòa hóa (stabilization treatment evaluation) đặt căn bản trên ciment và vôi sống (CaO) để biến các chất được thanh lọc thành một khối cứng được lưu trữ trong các bãi chứa đặc biệt. Đây là phương cách xử lý một số kim loại độc hại như: Arsenic, Selenium, Chì, Thủy ngân v.v... và một số hợp chất hữu cơ có nồng độ thấp có tên gọi là “Macro-encapsulation”.
Đối với hợp chất hữu cơ có hàm lượng cao, pesticide, herbicide, insecticide, dioxin, PCBs v.v... phương pháp đốt ở nhiệt độ cao khoảng 4.000oC (incineration) được dùng đến để tiêu hủy các phần tử nầy. Một vài tiểu bang đã cấm dung phương pháp nầy vì làm ô nhiễm không khí.
Trái lại chất độc phóng xạ được nhốt kín trong các thùng phuy có thành dầy và được chôn kín trong các hầm béton ở Nevada và New Mexico... đối với Hoa Kỳ. Còn ở Nga thì đem các thùng phuy trên để dưới lòng đáy biển Bắc Hải.
Ba loại xử lý căn bản kể trên: bão hòa hóa chất độc hại, đốt ở nhiệt độ cao hay nhốt kín trong các thùng phuy... đều không đưa đến một giải pháp thỏa đáng nào cả, trái lại càng làm tăng thêm nhiều hệ lụy tiếp theo cho con người. Các chất được bão hòa cần phải được xử lý lại để đem định mức xuống thấp hơn. Các lò đốt ở nhiệt độ cao là một trong những nguyên nhân của nguồn chì (lead) trong không khí chứ không hoàn toàn do động cơ xe thải ra, và gây ra một số ảnh hưởng nhà kính lên bầu khí quyển (greenhouse effect).
Các khoa học gia đã chứng minh rằng biện pháp thiêu đốt ảnh hưởng nhiều đến lớp ozone trên tầng khí quyển: cứ mỗi 5 tấn chất rắn được thiêu hủy, có khoảng 1 tấn tro sẽ được thải vào bầu khí quyển và các chất mang mầm mống bịnh ung thư như dioxin, PCBs... có trong chất phế thải được thiêu đốt sẽ đi vào không khí.... California là một trong nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ đã không còn cung cấp giấy phép xây cất thêm lò đốt từ năm 1990. Còn đối với các thùng phuy chứa phóng xạ, người ta đã tìm thấy nước biển vùng Bắc Hải có mức phóng xạ cao hơn bình thường và một số phóng xạ đã được ghi nhận từ các hầm chứa ở Nevada.
Tóm lại các quan niệm hiện tại đang được áp dụng để thanh lọc các chất phế thải kỹ nghệ đều có tính cách tạm thời, giai đoạn và quá tốn kém nhưng không đem lại hiệu quả như con người mong muốn.
4. Hướng giải quyết mới
Đi tìm một phương hướng khác để giải quyết vấn đề ô nhiễm hiện nay quả là một nan đề cho bất cứ nhà khoa học nào có lương tâm và có một tầm nhìn đúng đắn về dự phóng tương lai. Dùng khoa học hay kỹ thuật thuần túy để giải quyết ô nhiễm môi trường đã gặp những bế tắc kể trên.
Từ ngàn xưa Phật Thích Ca đã gợi ý là dùng thiên nhiên để giải quyết và điều chỉnh những vấn nạn của thiên nhiên (do con người gây ra!) trong khi rao giảng đạo Từ Bi của Ngài. Ngài đã nhắc nhở rằng mọi sinh vật kể cả cây cỏ đều có một đời sống riêng góp phần vào sự hài hòa của thiên nhiên và nếu hủy diệt một mầm sinh vật nào đó, có thể làm đảo lộn sự hài hòa ấy. Do đó nguyên lý dùng thiên nhiên để giải quyết các vấn nạn của thiên nhiên là một suy nghiệm căn bản cho mọi phương pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong hiện tại và tương lai.
Trong chiều hướng đó các nhà khoa học đã tìm về thiên nhiên để suy nghiệm và giải lý từ các chu kỳ tuần hoàn của cây cỏ để đưa ra các phương pháp thích nghi cho việc xử lý ô nhiễm môi trường. Nguyên lý sinh-diệt của Phật giáo có thể được đem ra áp dụng ở trường hợp này để mang lại sự cân bằng cho hai nhu cầu phát triển và cải thiện môi sinh. Vì vậy, trong thiên niên kỷ thứ ba này, nhiệm vụ chính yếu của các nhà khoa học trên thế giới là:
- Phải tập trung trí tuệ để bảo vệ và tái tạo sự tuần hoàn nguyên thủy của thiên nhiên;
- Nghiên cứu những công nghệ sạch để thay thế các nguồn năng lượng đang sử dụng hiện tại.
- Truy tìm các giải pháp thiên nhiên để giải quyết vấn nạn ô nhiễm trên thế giới.
Trong thiên niên kỷ thứ ba nầy, con người có hai nhu cầu chính yếu: nhu cầu phát triển và sản xuất sản phẩm để sinh tồn và nhu cầu giải quyết các phụ phế phẩm để làm sạch môi trường do nhu cầu phát triển tạo ra.
Một thí dụ đơn giản về sự liên quan giữa hai nhu cầu trên là trường hợp ô nhiễm nitrate (một mầm bệnh có thể gây ra hội chứng blue baby syndrome cho trẻ em dưới sáu tháng và có thể làm chết người) trong nguồn nước sinh hoạt. Vì cần tạo ra nhiều sản phẩm về lương thực (lúa gạo, gia súc...) con người cố gắng tăng năng suất bằng cách bón nhiều phân, xịt thêm nhiều loại thuốc sát trùng (cho lúa gạo, cây trồng), tập trung chăn nuôi (cho gia súc)... do đó nguồn nitrate thải hồi từ phân bón, từ phân gia súc thấm vào lòng đất và đi vào mạch nước ngầm, nguồn nước sinh hoạt chính của con người. Tại Orange County, California Hoa Kỳ, và ở những vùng có tập trung chăn nuôi và canh tác ở những xứ đã phát triển đều có độ nitrate trong nguồn nước cao hơn định mức chấp nhận gấp nhiều lần hơn.
Nhiều phương pháp vật lý, hóa học, sinh hóa học đã được đem ra thử nghiệm và áp dụng nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề vì quá tốn kém về nhân lực và tài lực.
Sau cùng các khoa học gia đã khám phá ra một loại bèo có tên chung là duckweed, loại cỏ giống như cây sậy có rễ chùm, có tính tăng trưởng rất nhanh trong một thời gian ngắn nếu được trồng trên nguồn nước chứa nitrate. Và chính khám phá nầy là câu giải đáp tối ưu cho bài toán nitrate. Hiện tại đã có một nhà máy sản xuất cây giống duckweed ở Mễ Tây Cơ, có diện tích hàng trăm mẫu và phương pháp nầy đã được sử dụng rộng rãi ở các tiểu bang miền Nam Hoa kỳ trong việc xử lý nitrate trong nguồn nước. Gần đây nhất, trước vấn nạn ô nhiễm arsenic trong nguồn nước ở Việt NAm, cây rau Rán có tên khoa học Ptearis Plitata, cũng như cây bèo và rễ cây lục bình (Water Hyacinth)... cũng được dùng để thanh lọc arsenic trong nước.
5. Làm sạch bầu khí quyển
Trong tiến trình sản xuất năng lượng cho nhu cầu của con người trên thế giới, thán khí hay carbon dioxide (CO2) đã được thải hồi vào không khí do việc thiêu đốt than, dầu khí, khói xe, nhà máy v.v... Thán khí là một thành tố quan trọng nhất trong việc gây ra sự hâm nóng toàn cầu. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (USEPA) và Bộ Năng lượng (DOE), kể từ khi cách mạng kỹ nghệ toàn cầu bắt đầu khoảng 200 năm trước đây thì lượng thán khí trong bầu khí quyển tăng từ 280 mg/m3 lên 370 mg/m3.
Vào tháng 6, 2015, Nha Khí tượng Hoa Kỳ ở Hawaii đã đo đạt mức thán khí đã tăng lên 400 mg/m3 và dự báo là sẽ có nhiều biến đổi khí hậu trong tương lai. Do đó, nhu cầu thiết yếu hiện tại là phải tìm một phương cách tối ưu để giảm thiểu lượng thán khí này. Từ đó, Hội nghị Thượng đỉnh Paris COP21 ra đời vào tháng 11, 2015, với lời hứa của 193 thành viên là “cố gắng” giảm thiểu sự gia tăng nhiệt độ bầu khí quyển khoảng 1, 50C cho đến năm 2100!
Nguyên tắc căn bản được các nhà khoa học lưu ý đến hiện nay là làm cách nào “nhốt” thán khí lại và chuyển hóa khí này thành than và nước.
Nhiều phương pháp đang được thí nghiệm như sau:
- Thán khí sẽ được bơm vào phía dưới các lớp đất đá nằm sâu trong lòng đất, hoặc bơm vào các rừng rậm để cho cây cỏ hấp thụ và biến cải thành oxy và carbon.
- Thán khí từ các nhà máy sẽ được hóa lỏng và bơm thẳng vào lòng biển sâu độ 1000 mét xuyên qua hệ thống có chứa chất sắt để tạo ra nguồn “phân bón” cho các loài phytoplankton như phiêu, tảo và vi khuẩn sống trong nước biển có khả năng đồng hóa diệp lục tố như cây cỏ trong không khí. Các sinh vật này sẽ hấp thụ thán khí và phóng thích dưỡng khí (oxy) vào nước biển. Phương pháp này đã được đem áp dụng ở vài nơi khi Nghị định thư Kyoto ra đời năm 1997 qua cam kết tự nguyện của các quốc gia phát triển trên thế giới là giảm thiểu mức thải hồi thán khí và lấy định mức thải hồi của năm 1990 làm tiêu chuẩn. Theo TS Peter Brewer, khoa học gia ở Monterey Bay Aquarium & Research Institute, hiện tại có khoảng 20 triệu tấn thán khí “đi vào” biển hàng ngày, di chuyển và trộn lẫn với nước biển ở dưới sâu tạo thành những luồng nước có nồng độ thán khí thật cao. Luồng nước này di chuyển và hòa tan theo thời gian để cuối cùng biến mất trong lòng đại dương. Từ khái niệm đó, vào cuối thập niên 90, các hãng dầu của Na Uy đã bơm thẳng thán khí vào lòng biển để khỏi phải trả tiền thuế do việc thải hồi vào không khí theo quy định của nước nầy.
- Các phương pháp vi sinh cũng được khoa học gia ở đại học MIT và Harvard nghiên cứu đến qua việc dùng vi khuẩn Prochlorococcus. Vi khuẩn này hiện diện trong nước biển và có nhiệm vụ hấp thụ và biến thán khí thành than. Mục đích của cuộc nghiên cứu là làm cách nào để tăng lượng vi khuẩn trong nước biển nhanh chóng để làm tăng thêm tiến trình biến đổi trên.
6. Biến cải đất và làm sạch nguồn nước
Cho đến nay, phương pháp thông dụng nhất để biến cải các vùng đất đã bị ô nhiễm là đất sẽ được đào xới lên và đem đi chôn ở một nơi khác. Việc làm này chính là việc di chuyển “ô nhiễm” từ một điểm A đến điểm B, chứ không phải là một phương pháp giải quyết ô nhiễm. Do đó, từ hơn một thập niên trở lại đây, việc nghiên cứu các vi khuẩn có khả năng hấp thụ các chất hữu cơ và kim loại độc hại phế thải trong kỹ nghệ là mục tiêu cấp bách của các khoa học gia trên thế giới.
Năm 1994, Terry Hazen đã dùng kỹ thuật thổi mạnh vi khuẩn trộn lẫn với các khí (bio-sparging) vào lòng đất sâu dưới đáy sông Savannath, South Carolina vì nơi đây đã bị ô nhiễm trichloroethylene (TCE); một dung môi căn bản dùng trong việc rửa dầu mỡ bám vào máy móc. Vi khuẩn sử dụng có tên là Methylo-sinus-trichosporium được trộn lẫn với khí methane có công dụng biến cải TCE thành thán khí. Chỉ trong vòng 2 năm, phương pháp sinh thoái hóa nầy (bio-degradation) đã làm sạch lòng sông kể trên. Thêm nữa, các phương pháp vi sinh kích thích (bio-stimulation) dùng loại vi khuẩn thích hợp cho từng loại hóa chất làm ô nhiễm như chromium (trong kỹ nghệ hạch nhân để chống lại sự hao mòn), PCBs (trong kỹ nghệ điện và bán dẫn).
Song hành với những phương pháp vi sinh, phương pháp dùng thiên nhiên để giải quyết ô nhiễm được đặc biệt lưu ý trong vòng 10 năm trở lại đây. Các khoa học gia trên thế giới đã nghiên cứu trên 350 chủng loại thực vật có khả năng hấp thụ các kim loại và nguyên tố độc hại như arsenic, cadmium, selenium, và các hợp chất hữu cơ chứa chlor, nguyên nhân của các mầm bịnh ung thư.
Cây hướng dương có khả năng hấp thụ phóng xạ trong nước và đất đã được dùng để biến cải vùng đất ô nhiễm sau tai nạn ở nhà máy nguyên tử ở Chernobyl, Ukraine. Một loại cỏ ở vùng Alpine có khả năng hấp thụ kẽm trong đất. Một loài bèo duckweed hấp thụ nitrate. Cây mù tạt (mustard) thuộc họ Thlaspi goesingense có khả năng hóa giải nickel. Lena Q. Ma thuộc đại học Florida đã thành công trong việc dùng cây dương xỉ Pteris Vittata để hấp thụ arsenic trong đất. Người viết cũng đã thí nghiệm với cây dương xỉ thuộc họ Nephrolepis Obliterata bằng cách bơm lượng arsenic vào trong đất (thí nghiệm vào năm 2008 tại CA). Sau một tuần lễ phân tích lượng arsenic còn lại trong đất và lượng hóa chất này trong lá cây thì thấy kết quả rất khích lệ. Cây dương xỉ thuộc họ Rán nầy đã mọc dọc theo sông rạch miền Nam Việt Nam và đã được người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long dùng làm rau ghém trộn lẫn các rau khác.
Các hợp chất hữu cơ, nguyên nhân của nhiều bịnh ung thư như trichloroethylene, 1, 1, 1-trichloroethane (TCE), carbon tetrachloride... là dung môi căn bản được dùng trong hầu hết các kỹ nghệ hóa chất. Qua thời gian, các chất nầy thấm vào lòng đất và đi vào mạch nước ngầm.
Cây bạch dương (poplar), một loại cây thẳng đứng rễ ăn thật sâu vào lòng đất, được dùng để hấp thụ các hóa chất trên. Gordon, giáo sư tại Seattle đã chứng minh rằng 95% chất TCE ô nhiễm trong nguồn nước đã được hấp thụ để cho ra carbon dioxide (CO2) và các muối chlorides... Và với phương pháp nầy, phí tổn chỉ bằng 1/3 so với phương pháp bơm và khử (pump-and-treat method) và còn bảo vệ được môi trường vì không tạo ra ô nhiễm mới do phế phẩm của việc xử lý.
Gordon cũng đã thành công trong việc áp dụng cây khuynh diệp (eucalyptus) và cây liễu (willow) để hấp thụ các hợp chất hữu cơ chứa chlore (Cl2) và brome (Br), hai thành tố của mầm bịnh ung thư. Đối với các chất mang mầm mống ung thư cao như pesticide, dioxin, PCBs... thay vì dùng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao như đã nói trên, các khoa học gia đang thu thập thêm nhiều kết quả khả quan ban đầu trong việc áp dụng phương pháp suy thoái sinh học (bio-degradation) để thanh lọc. Và với phương pháp nầy bầu không khí sẽ được bảo vệ trong lành.
Sau hết, các loài hải sinh vật nhuyễn thể như ốc, hến, hào trong biển cả cũng được chiếu cố đến và là một trợ thủ đắc lực trong việc làm sạch nguồn nước biển được ví như là những máy lọc thiên nhiên (nature’s filter). Trong gần 20 năm, National Oceanic & Atmosphere Administration đã quan sát những vùng bị ô nhiễm dọc theo bờ biển Hoa kỳ và đã chứng minh được rằng từ năm 1986 trở đi, ở vùng Palos Verdes, California (vùng bị ô nhiễm DDT nặng từ năm 1973), lượng DDT và PCBs trong cá đã giảm dần theo thời gian do sự hấp thụ các hóa chất trên của các loài nhuyễn thể.
Các thí dụ đan cử trên đây nói lên một đường hướng mới và đúng đắn trong việc dùng thiên nhiên để bảo vệ thiên nhiên và xử lý môi trường. Và sự chuyển hướng này ngày càng có tính thuyết phục cao. Một khi đã được bảo vệ đúng đắn và hài hòa trong chu kỳ tuần hoàn của vạn vật, thiên nhiên sẽ mang lại nguồn cây xanh trên hành tinh của chúng ta, bầu khí quyển sẽ được tái tạo lại, trong lành hơn và tươi mát như trong giai đoạn nguyên thủy. Và với sự chuyển hướng nầy, con người hy vọng sẽ tìm lại được cuộc sống trong lành đã mất do chính mình tạo ra.
7. Thay lời kết
Tiến trình làm sạch thiên nhiên và trả lại thiên nhiên những nguồn nước trong lành, bầu khí quyển tươi mát, bảo vệ những cánh rừng nơi trú ngụ của các thú vật sắp bị tuyệt chủng, bớt phí phạm những nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới nhất là nguồn nước sạch, hạn chế bớt như cầu ăn uống thừa thãi... là bổn phận và trách nhiệm của mọi người trên trái đất nầy.
Đã tự nhận là một sinh vật thượng đẳng, con người không thể từ chối bổn phận trên được.
Việt Nam từ khi mở cửa để phát triển từ năm 1986 trở đi, tình trạng môi trường ngày càng tệ hại. Tương tự như ở Trung Cộng, có thể nói rằng mức độ tiếp nhận ô nhiễm do con người tạo ra ở Việt Nam đã đến mức tới hạn (threshold limit) rồi. Có nhiều chỉ dấu đã báo động về mức tới hạn tối đa trong hiện tại. Đó là, hệ thống sông ngòi từ Bắc chí Nam đã và đang biến thành những dòng sông chết, hệ lụy tất yếu của sự phát triển bừa bãi và không cân bằng với việc bảo vệ môi trường.
Một khi thiên nhiên không còn khả năng tự điều tiết để tái tạo hay làm sạch môi trường thì hệ quả về sự suy thoái môi trường ở Việt Nam sẽ khốc liệt hơn và con người sẽ không còn đủ khả năng để điều chỉnh hay cứu chữa nữa. Và chính sự khuất tất trên của những người quản lý đất nước hiện tại đã là một trọng tội đối với những thế hệ tiếp nối.
Mỗi người trong chúng ta, nếu ý thức được điều đó, cần phải biết gìn giữ và bảo vệ môi trường sống chung quanh mình. Đó là một phương cách an toàn và nhân bản nhất trong thiên niên kỷ thứ ba này. Và hơn nữa, có làm được như thế, chúng ta đã trả lại một phần nào món nợ mà chúng ta đã vay mượn trước của các thế hệ sau do việc làm suy thoái môi trường trái đất và phí phạm tài nguyên trong quá trình phát triển kỹ nghệ để phục vụ con người.
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPS)
27.09.2017
Post a Comment