Thế nào là "dư luận trên mạng"?

Trần Việt Bắc (Danlambao) - Tôi là một độc giả lâu đời của BBC, VOA, RFA. Sau này với sự bùng nổ mạng xã hội thông tin, tôi đọc nhiều các trang mạng lề dân khác. Nhiều năm trước, tôi vẫn xem những trang như BBC là truyền thông chuyên nghiệp vì đó là của chính phủ Anh và người làm việc có lãnh lương. Tuy nhiên, dàn dà tôi đã không còn tin vào tính chuyên nghiệp của trang BBC tiếng Việt.

Thể hiện mới nhất về tính không chuyên nghiệp là bài viết: Dư luận trên mạng về Đại hội Đảng 12.

Bài này không ghi tên tác giả nên ta có thể xem nó là bài của ban biên tập hay chủ biên của BBC Tiếng Việt. 

Chỉ với nhan đề không thôi đã nói lên sự thiếu chuyên nghiệp của BBC Tiếng Việt. Chưa vào nội dung người đọc sẽ tưởng đây là một bài viết trong đó thu thập nhiều ý kiến, nhiều thành phần xã hội, ở nhiều địa bàn khác nhau về đại hội đảng CSVN thứ 12. Đặc biệt là một "dư luận" như thế thì sẽ có nhiều chiều ý kiến khác nhau đến từ đa số những "quần chúng" Việt Nam.

Dư luận trên mạng - vốn là một không gian bao la, không biên giới, với nhiều thành phần từ những người hoạt động nhân quyền, dân chủ đến giới trí thức hoặc sinh viên học sinh... đã được cào bằng bởi BBC tiếng Việt qua:
1. Nhà báo Tâm Chánh
2. Nhà báo Huy Đức;
3. Nguyễn Giang, 
4. Facebooker Anh Gấu Phạm
5. Carl Thayer

Trong 5 người này, trước hết phải vất ông Nguyễn Giang sang một bên khi ông là Phó Tổng biên tập vùng châu Á, BBC World Service. Ông ta không nên tự xếp mình vào "dư luận trên mạng" cho một bài báo trên trang truyền thông mà ông là Phó Tổng biên tập trong vùng.

Nhà báo Huy Đức là người có những bài viết đứng về phía Nguyễn Phú Trọng, thể hiện rõ nhất là bài Bộ Tứ

Anh Gấu Phạm là một người viết trên Facebook từ Hoa Kỳ. Trong khi chuyện ai lãnh đạo Việt Nam, liên quan trực tiếp đến tương lai, vận mạng của hơn 90 triệu người dân Việt, trong khi cả nước có hàng ngàn blogger, facebooker thì BBC không tìm được 1 người nào xứng đáng để "cấu thành" dư luận trên mạng về chuyện của đất nước Việt Nam sẽ bị ai cai trị? Ông này cũng là thông dịch viên cho Nguyễn Phú Trọng trong lần gặp Obama tại Hoa Kỳ.

Ông Tâm Chánh, từng là bồi bút của đảng trong vai trò Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị và Trưởng ban Chính trị.

Sau cùng là ông Carl Thayer. Ông là một chuyên gia người ngoại quốc. Người ta trân trọng ý kiến của một chuyên gia, nhất là một người ngoại quốc nên có cái nhìn có thể khách quan, độc lập. Chọn ông ta là một điều tốt nhưng nếu xếp ông vào trong cái gọi là "dư luận trên mạng" thì không phù hợp với vai trò chuyên gia của ông.

Cả 5 người này, mỗi người có những ý kiến khác nhau, gián tiếp hay trực tiếp ủng hộ, phản đối ai trong thành phần lãnh đạo đảng cộng sản không thành vấn đề nếu chúng ta quý trọng đa nguyên và tự do ngôn luận và tin rằng mỗi độc giả có đủ trình độ và sự sáng suốt để phán xét. 

Nhưng chọn lọc vài người và sắp xếp để từ đó toàn bài báo có sự nghiên lệch về một phe phái đang đấu đá trong nội bộ đảng - là một hành vi thiếu chuyên nghiệp. Tệ hơn là thiếu đạo đức truyền thông. Xấu nữa thì đó là một hành động ma mãnh.

Sau cùng, việc chọn 5 người này để rồi giật tít Dư luận trên mạng về Đại hội Đảng 12 là một hành động mà cá nhân tôi cho là chỉ có thể xảy ra ở một tờ báo lá cải. Hay có một liên tưởng khác  - đó chỉ là một kiểu bắt chước tuyên giáo đảng vơ một vài ông bà cuồng đảng cuồng Hồ nào đó để... "lấy ý kiến của nhân dân Hà Nội..."


No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.