Đằng trước và đằng sau

Cảnh sát SWAT Daryl Hudeck bế mẹ con chị Catherine Phạm sau khi cứu gia đình họ từ ngôi nhà bị ngập nước 
Photo Credit: David Phillip - AP
Trần Hoài Thư (Danlambao) - Một tấm hình gây xúc động lớn trong trận bão lụt Harvey vừa qua là tấm hình chụp một cảnh sát viên đặc nhiệm SWAT bế hai mẹ con người Việt Nam giữa biển nước lụt mênh mông. Đặc biệt là hình ảnh đứa bé ngủ ngon lành trên lòng mẹ.

Chuyện này được ký giả Hương Giang (AP) tường thuật qua bài “Bão Harvey: Hình SWAT bế mẹ con phụ nữ gốc Việt đầy sức mạnh” được đăng tải rộng rãi trên Internet.

Chúng tôi xin trích lại một đoạn trong bài báo:

“Tấm hình bé Aiden Phạm 13 tháng tuổi ngủ ngon lành trên ngực mẹ, và hai mẹ con được một cảnh sát đặc nhiệm SWAT bế khỏi vùng nước lụt mênh mông đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây xúc động mạnh.

… Tấm hình được ký giả hình ảnh kỳ cựu của AP ghi lại đã trở thành biểu tượng của bão Harvey, lột tả được mức độ thảm khốc của cơn bão đang tàn phá tiểu bang Texas cũng như những nỗ lực cứu hộ không mệt mỏi.

“Tôi đang để mắt và khi trông thấy một thành viên đội SWAT bế cô ấy, và rồi tôi nhìn thấy đứa bé, không thể tin vào mắt mình, đứa nhỏ nằm yên lành trên ngực mẹ, không hề khóc”, nhiếp ảnh gia David Phillip nhớ lại khoảnh khắc vào chiều Chủ Nhật khi ống kính “chộp” được hình ảnh đầy sức mạnh. “Trông rất dịu dàng, rất đặc biệt”. (Hương Giang)

Đấy là tấm hình mà người nhiếp ảnh viên chụp trước mặt người cảnh sát và hai mẹ con. Cũng có tấm hình được chụp đằng sau lưng. Như tấm hình dưới đây:


Ta thấy gì ở tấm ảnh? Một đám trẻ chạy theo người lính. Anh là hướng đạo. Anh là người dẫn đường. Anh vừa chạy, bước chân chạy song song với nạn nhân, như luôn luôn đề phòng cô bé bị ngã qụy. Và anh luôn luôn quay mặt về cô bé như nói:

“Gắng chịu đựng cơn đau, em bé. Anh ở bên em, đừng sợ.”

Tấm hình không ghi âm thanh, nhưng nhìn tấm hình, ta có thể thấy trái tim của người lính đập như thế nào.

Cuối cùng, anh gởi đứa bé cho đám phóng viên. Người lo chụp hình lia lịa như Nick Út, người thì lo chăm sóc, hay cố xin phương tiện cứu thương, như tấm hình dưới đây:


Trong hình ta thấy cảnh người phóng viên da trắng đang lo chăm sóc cho con bé, bên cạnh là người lính đã mang nó thoát vùng bom đạn. Người phóng viên da trắng đã quên bổn phận nghề nghiệp của của anh ta. Nếu anh bỏ mặc con bé, chỉ lo chụp, lo bấm, lo ghi nhận hình ảnh, thì tiếng tăm anh có thể lẫy lừng như tiếng tăm của Nick Ut cũng nên. Nhưng anh không màng. Lúc này là lúc cứu sống một mạng người. Là tạm thời rửa vết thương hay tìm cách làm thoa dịu cơn đau phỏng của nó. Chỉ có Nick Út là chụp. Là bấm lia lịa trước những cảnh tượng có một không hai trong cuộc đời làm phóng viên nhiếp ảnh của ông. Ông phải lợi dụng cơ hội ngàn vàng.

Còn người lính miền Nam đưa Kim Phúc đến bến bờ an toàn đã làm xong nhiệm vụ của anh, và anh trở lại đơn vị. Tiểu đội dàn hàng ngang đàng sau để bảo vệ đám trẻ, cũng vậy. Để tiếp tục cuộc hành quân. Chúng ta không biết số phận của người lính ấy ra sao? Có thể sau đó anh nằm xuống. Hay cũng có thể bị thương tật. Hay có thể may mắn vô sự. Để rồi sau đó, anh mới hay biết được đứa bé gái mà anh bảo vệ, đã làm cả thế giới phải kinh hoàng. Và Nick Út - người nhiếp ảnh viên chụp tấm hình - được giải thưởng Pulitzer - giải thưởng cao quý nhất về bộ môn nhiếp ảnh.

Anh không hề thắc mắc bận tâm.

Trong bài báo, tác giả Hương Giang tiên đoán trong tương lai, khi đứa bé khôn lớn:

“Một ngày nào đó, chắc chắn chị Catherine Phạm sẽ kể cho con nghe về cơn bão, nước lụt tràn vào nhà, hai mẹ con được cảnh sát Houston đưa thuyền ứng cứu, cũng như cảnh sát Daryl Hudeck đã đưa họ đi an toàn như thế nào. Trong hình, Cảnh Sát Đặc Nhiệm Daryl Hudeck đội mũ bóng chày, khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi, đang bế hai mẹ con chị Catherine Phạm ra khỏi khu vực nước ngập ngang đầu gối gần xa lộ 610, phía Tây Nam Houston.”

Ở đây, sự biết ơn không phải dành cho người chụp tấm hình mà ở đôi cánh tay đã bế hai mẹ con chị Phạm Catherine ấy

Tuy nhiên, vẫn có người mà quay 180 độ về sự biết ơn.

Đó là bà Kim Phúc – nguyên là đứa bé gái bị phỏng nặng trên lưng, trần truồng, thất thanh kêu gào, trước mặt ống kính của NICK UT. Bà không hề nhắc một tiếng một lời đến với những người đã cứu mang bà ra khỏi vùng lửa đạn, tìm chỗ chữa trị cho bà.

Bà chỉ nhắc đến công lao to lớn của người nhiếp ảnh viên NICK UT, xem ông là ân nhân, không hơn không kém. 

*

Chúng tôi nghĩ viên cảnh sát đặc nhiệm trong bức ảnh chắc sẽ không bao giờ bận tâm về hai chữ biết ơn ấy. Và những người lính giúp cứu cô bé Napal girl cũng vậy.

Họ làm vì nhiệm vụ của họ. Họ làm vì một tiếng nói thầm kín luôn luôn réo gọi trái tim họ. Đó là tiếng nói của Chúa, Phật. của “nhân chi sơ tính bản thiện”, của lương tâm, tình người.

Người lính trong hình gặp may. Bởi anh đã tìm đúng chỗ để chữa trị con bé nạn nhân là Kim Phúc. Nhưng cũng có những người lính khác không gặp may. Trong cuộc chiến tranh vừa qua, đã có biết bao nạn nhân như Kim Phúc mà không ai biết:

...Thiếu úy Tân vừa gọi, em bé lại đây. Đừng sợ, vừa bước tới. Con bé chạy lùi, vấp phải gốc cây bưởi, té quị. Hai bàn tay nhỏ nhắn, úp vào mặt, chỉ còn lộ một đôi mắt đầy khiếp đảm và ràn rụa lệ. Nước mắt chảy dài trên gò má con bé. Nó đứng dậy và Tân thấy được bả vai con bé đẫm máu. Giọng con bé trở nên nghẹn ngào.

- Mẹ con chết nằm ngoài kia. Các ông tha cho con.

- Không, các anh không làm hại em đâu. Các anh không giết mẹ em đâu. Lại đây anh băng vết thương cho, em bé.

- Con sợ.

- Này, máu chảy ra nhiều. Anh cầm máu cho.

- Con sợ. Mẹ con chết rồi.

Rồi con bé khóc ngất. Mẹ ơi, mẹ ơi. Mẹ bỏ con.

Những người lính lúc trước hung dữ bao nhiêu, giờ đây như những con chiên buồn bã bấy nhiêu. Tiếng khóc nức nở vang lên như từng nhát dao xối xả vào con tim mỗi người, từng nỗi đau đớn tuyệt đỉnh. Một cơn gió thổi qua, mang theo hơi nóng và hơi khói đến với mọi người. Hướng, người lính truyền tin bỗng nhiên nhỏ lệ. Hắn cúi đầu xuống và đôi vai run lên. Hắn quên lửng những lời đối thoại, hỏi han, lệch lạc trong máy. Hắn quay lại nhìn Thiếu úy Tân:

- Nó bị thương. Chắc bị trúng đạn pháo kích, ông.

Tân bỏ khẩu súng xuống đất, gọi:

- Em bé lại đây. Anh băng vết thương cho. Bọn anh đến cứu em mà. Lại đây, em bé.

Nhưng con bé không lại. Nó bước từng bước khập khễnh, dễ chừng như muốn chạy. Nó đến bên thi thể một người đàn bà, nằm trên miệng hầm, sau ngôi nhà bếp. Nó úp mặt vào thi thể của mẹ nó, rồi gào lên: mẹ, mẹ. 

(trích từ Bên kia cầu của trần Hoài Thư đăng trên tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân đội số 100 năm 1970)

*

Lòng từ tâm của người lính miền Nam cũng được tìm thấy trong truyện ngắn Sông Sương Mù của Lữ Quỳnh. (1)

Truyện viết về một đứa bé gái tên là Phượng. Mỗi ngày nó phải ra bến sông để giặt quần áo cho các em. Dòng sông sương mù trắng ngần:

...Dòng sông yên tĩnh trắng ngần sương mù nhìn xa như một dải lụa. Những giọt sương còn rơi tóc tách thật nhỏ và êm đềm từ những ngọn lá cao xuống các tàu lá thấp. Bé Phượng bước xuống bến sông đặt nắm áo quần dơ trên một tảng đá, rồi khom mình đưa tay khoát nước. Nước lạnh quá làm nó rụt tay về, nhưng rồi lại nhúng xuống, lần này sâu hơn và nó mỉm cười nhìn theo sóng nước phía sau bàn tay di động...

Một ngày nó gặp một người đàn ông lạ. Ông ta đợi đò, và trong lúc chờ đợi, ông đốt thuốc. Nhưng hộp quẹt đã hết diêm. Bây giờ ông mới tìm đến con bé:

- Bác cần một que diêm.

(...)

Ngày hôm sau, con bé lại ra bến sông. Nó không quên mang theo hộp diêm cho người đàn ông lạ. “Trời vẫn như mọi hôm, đầy sương mù và dòng sông vẫn là dải lụa trắng bát ngát”.

Con bé buồn vì không thấy người đàn ông đã hỏi nó xin que diêm. “Trong sự yên tĩnh đang có của buổi sớm, bỗng con bé nghe tiếng đạn réo qua đầu rồi tiếp theo những tiếng nổ dữ dội chung quanh. Bé Phượng nằm ngay xuống một kẽ đá, cố thu mình thật nhỏ. Tảng đá còn ướt đẫm sương. Hơi lạnh từ đất tỏa lên thấm qua lớp vải áo làm nó run cầm cập.”

Sau khi tiếng súng thôi nổ, bây giờ mới xuất hiện người đàn ông thứ hai. Ông này là lính miền Nam. Ông nói:

- Thôi đừng giặt nữa cháu à...

Con bé hớt hải quay lại. Người lính bước xuống những bậc cấp bằng đá. Nó nhận ra người lính có vẻ quen thuộc, hình như là bạn của cha. Người lính nói:

- Giặt chiếu làm gì sớm thế ?

Con bé ngửa mặt lên nhìn người đàn ông:

- Mẹ cháu bảo nhà chỉ còn một chiếc mà tụi em đái dầm...

Người lính cười buồn:

- Thôi vứt chiếu đi, theo chú về nhà...

Con bé tần ngần mở to mắt nhìn người lính:

- Mẹ cháu dặn...

Người lính quay mặt đi:

- Chú biết rồi, nhưng bây giờ không cần thiết nữa.

Con bé hớt hải và nước mắt nó bắt đầu chảy nhanh xuống má.

- Nhưng còn các em cháu...

Người lính nói chậm rãi:

- Cháu dại quá. Cháu nhớ loạt đạn pháo kích vừa rồi chứ? Thôi về nhà chú đi...

Bé Phượng ngồi thụp xuống đưa hai bàn tay bưng mặt khóc thét lên. Trong khi người lính kéo thấp mũ lưỡi trai xuống và khịt khịt mũi.

Một buổi chiều người lính dẫn bé Phượng đi dọc theo bờ sông. Con bé tung tăng như một chú sóc nhỏ. Tóc nó bay rối trong gió. Thỉnh thoảng nó ngồi thụp xuống một bãi cỏ để chờ người lính lừng khừng đi tới. Nó bắt đầu nguôi quên thật, tâm hồn trẻ thơ có khác. Lúc hai người đến một khúc quanh của dòng sông, người lính dừng lại. Anh lấy thuốc lá gắn lên môi, rồi cho tay vào túi quần lấy hộp quẹt. Hộp quẹt chỉ còn một que diêm. Người lính đưa que diêm và hộp quẹt trống ra trước mặt bé Phượng, ý chừng cho nó cùng hồi hộp vì chỉ còn một que diêm cuối cùng. Anh thu đốm lửa giữa hai bàn tay xòe ra, nhưng đốm lửa đã tắt khi sắp kê vào đầu điếu thuốc. Người lính không có vẻ bực mình ném vỏ diêm xuống cỏ, lấy điếu thuốc ra khỏi môi rồi buông thõng hai tay nhìn con bé mỉm cười.

Con bé cười trả người lính, đoạn chạy đến đám cỏ nhặt chiếc vỏ hộp quẹt mân mê trong lòng bàn tay. Nó nghĩ sao chú này giống bác ấy thế. Tự nhiên nó cảm thấy lòng lâng lâng buồn.

Hai người, một già một bé đi bên nhau, không nói với nhau một tiếng. Bỗng họ dừng lại khi thấy đám đông trước mặt. Bây giờ con bé mới hỏi:

- Cái gì thế chú?

Người lính nghĩ ngợi một lúc, rồi nói:

- Hình như xác địch ấy mà, hắn bị bắn chết đêm qua...

Bé Phượng tần ngần một chút rồi không tránh được tò mò, nó kéo tay người lính chen vào đám đông. Bỗng con bé dừng hẳn lại. Nó vừa nhìn thấy chiếc mũ lưỡi trai bằng nỉ xám, rồi chỉ trong một giây sau thảng thốt nhận ra xác chết là người đàn ông, kẻ lạ mặt mà nó đã gặp một lần trên bến sông. Nó bỏ đám đông nắm tay người lính kéo đi. Nó buồn bã, lấy làm tiếc là lần trước không có sẵn hộp diêm cho bác ấy mồi điếu thuốc.

Đấy, trái tim của người lính miền Nam là thế đó. Từ những trái bom napalm thả xuống Trảng Bàng, đến những quả đạn pháo rót vào làng, vào nhà dân, gây nên bao thảm cảnh xuống thường dân vô tội, đặc biệt là trẻ con, thì người lính đã có mặt. Có mặt để dẫn đám trẻ, như trong tấm hình Napal girl. Có mặt để mang đứa bé gái về cô nhi viện như trong truyện của Trần Hoài Thư. Có mặt để mang bé Phượng về nhà mình, tìm cách làm cho con bé quên đi những thảm kịch đến với gia đình nó hôm qua.

Trong Sông Sương Mù, tác giã đã vẽ nên ba nhân vật, ba mẫu người khác nhau. Một là người lính ở bên kia sông, tức là VC. Hai là người lính bên này sông là quốc gia. Và một đứa bé gái tâm hồn còn non nớt, chưa đủ trí khôn để đặt câu hỏi về chiến tranh. Ba nhân vật đều xuất hiện tong lớp sương mù, có nghĩa là hình ảnh và hành động của họ cũng lờ mờ ở suốt cả truyện. Nhưng ở đoạn cuối, sông sương mù đã biến thành sông máu, và sự thật phô diễn dưới ánh mặt trời. Xác người đàn ông phơi thây trên giòng sông vì bị giết khi ông ta tìm cách qua sông để đánh đồn hay để hướng dẫn pháo của phe ông rót vào khu vực. Ông không có chút gì cảm tính, nhân hậu, lòng thiện trừ sự lợi dụng – lợi dụng ngay cả con bé – khi hỏi quẹt diêm. Và kết quả, là căn nhà của bé Phượng bị trúng pháo, hai đứa em nó bị chết thảm.

Chỉ có nhân vật người lính miền Nam thì khác biệt.

Ông ta mang từ tâm vô lượng đến với con bé bất hạnh. Ông đã mang nó về nhà ông trong lúc mẽ nó ở xa chưa về kịp. Ông đã giúp cho con bé nhìn lại giòng sông sương mù mà nó ưa thích:

Mỗi buổi chiều người lính thường dẫn con bé ra sông chơi, nhưng nó có vẻ thích đến đó vào buổi sáng hơn. Buổi sáng thì người lính dậy muộn, hơn nữa cũng không mấy khi anh được ở nhà ban đêm. Bé Phượng sau ngày hai em chết không có dịp để nhìn sông sương mù, không còn dịp để nhớ lại hình ảnh kẻ lạ mà nó gặp buổi sáng nào trên bến nước.

(1) trích từ Sông Sương Mù, Tập truyện (NXB Ý Thức, Sài Gòn 1973)


No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.