Vì sao Võ Kim Cự lại được trọng dụng?
Lê Anh Hùng | VOA| 14.9.2017
Võ Kim Cự là một trong những tội đồ đứng đằng sau thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung năm 2016.
Dưới áp lực của dư luận, ngày 21/4/2017 nhân vật đầy tai tiếng và nhơ nhuốc này đã bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức xoá bỏ tư cách ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015 (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định), trước khi buộc phải xin thôi nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết cho thôi nhiệm vụ ĐBQH khóa 14 vào ngày 15/5/2017) rồi bị Thủ tướng Chính phủ xoá tư cách nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 vào ngày 16/8/2017.
Với những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng mà báo chí đã phanh phui, những tưởng việc ông Võ Kim Cự bị cách nốt chức vụ Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chỉ còn là vấn đề thủ tục, bởi đầu tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Nội vụ xem xét cách chức Chủ tịch Liên minh HTX của ông ta. Ấy vậy nhưng, ông ta không những không phải rời khỏi chiếc ghế quan trọng kia mà, đùng một cái, ngày 7/9 vừa qua, một loạt cơ quan truyền thông chính thống của Việt Nam còn loan tin là ông ta đã trở thành Phó ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Kinh tế Tập thể và Hợp tác xã (!).
Với những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng mà báo chí đã phanh phui, những tưởng việc ông Võ Kim Cự bị cách nốt chức vụ Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chỉ còn là vấn đề thủ tục, bởi đầu tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Nội vụ xem xét cách chức Chủ tịch Liên minh HTX của ông ta. Ấy vậy nhưng, ông ta không những không phải rời khỏi chiếc ghế quan trọng kia mà, đùng một cái, ngày 7/9 vừa qua, một loạt cơ quan truyền thông chính thống của Việt Nam còn loan tin là ông ta đã trở thành Phó ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Kinh tế Tập thể và Hợp tác xã (!).
…đến phản ứng của Hà Nội trước cuộc tập trận của Trung Quốc
Ngày 1/9, báo Thanh Niên đưa tin “Trung Quốc tập trận rầm rộ ở Biển Đông”. Bài báo cho biết, website của Cục Hải sự Trung Quốc thông báo nước này tiến hành cuộc diễn tập quân sự từ ngày 29/8 đến 4/9 trên một vùng biển rộng tới 11.000km2 mà một phần nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thậm chí chỉ cách Đà Nẵng 75 hải lý. Ngoài ra, Trung Quốc còn thông báo tiến hành 3 cuộc tập trận bắn đạn thật từ ngày 31/8 đến 2/9 tại các khu vực nằm gần các đảo Phú Lâm, Quang Hòa và Hoàng Sa tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trước một sự kiện leo thang quân sự chưa từng có và gây chấn động dư luận như vậy, nhưng mãi đến ngày 5/9, tức sau khi Trung Quốc đã chấm dứt cuộc tập trận được một ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc. Phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam có mấy điểm đáng chú ý sau: (i) Lên tiếng muộn màng bằng một bản thông cáo báo chí, chứ không phải thông qua một cuộc họp báo chính thức (tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được thể hiện qua một bản thông cáo báo chí gửi đến các cơ quan truyền thông); và (ii) Mức độ phản ứng yếu ớt khác thường trước một sự kiện đặc biệt nghiêm trọng (chủ quyền quốc gia bị xâm phạm).
Theo thông lệ quốc tế, các phản ứng ngoại giao mà Việt Nam đưa ra luôn dựa trên cấp độ: lấy làm tiếc (như phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trước phát biểu ngày 2/8/2017 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh); quan ngại; phản đối; triệu đại sứ đến để trao công hàm phản đối, v.v. Việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam rõ ràng là đặc biệt nghiêm trọng; vậy nhưng phản ứng của Hà Nội lại chỉ dừng lại ở việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng “phản đối”, và thậm chí chỉ “mạnh mẽ phản đối”, chứ không phải “cực lực phản đối”.
Trước đó, trong thời gian Trung Quốc tập trận trên Vịnh Bắc Bộ (từ 1/8 - 23/8) thì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam im lặng. Khi Trung Quốc đang tập trận ở vùng biển Hoàng Sa và ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (cách bờ biển Đà Nẵng 75 hải lý) từ ngày 29/8 - 4/9 thì ngày 31/8, bà Thu Hằng bày tỏ thái độ “quan ngại” trước việc Trung Quốc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ! Và một ngày sau khi Trung Quốc tập trận xong ở Hoàng Sa và ngoài khơi Đà Nẵng, bà Thu Hằng mới mạnh dạn lên tiếng “mạnh mẽ phản đối”! Thậm chí, trong chương trình thời sự VTV 19h ngày 5/9, tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ được phát ở phút thứ 35, tức là gần cuối chương trình.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN chỉ được phát sóng ở phút thứ 35
chương trình thời sự VTV 19h ngày 5/9. Ảnh: Lê Anh Hùng
chương trình thời sự VTV 19h ngày 5/9. Ảnh: Lê Anh Hùng
Xin dẫn ra đây một vài ví dụ để cho thấy phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam hiện nay là khác xa so với trước kia:
1) Ngày 27/6/2012, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện ĐSQ Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mở thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Trước đó một ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam “cực lực phản đối” và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên.
2) Ngày 3/12/2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu Đại sứ Trung Quốc đến để trao công hàm phản đối việc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ ngày 30/11/2012.
3) Sau khi Trung Quốc đưa dàn khoan HD981 vào trong vùng biển Việt Nam ngày 1/5/2014, Việt Nam đã liên tục đối thoại, giao thiệp với Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm phản đối Trung Quốc. Và trong cuộc họp báo ngày 15/5/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam cực lực phản đốiviệc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”
4) Chiều 16/6/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam “cực lực phản đối” việc Trung Quốc xây dựng trái phép ở Gạc Ma.
Và sự trỗi dậy của “thế và lực” Trung Quốc tại Việt Nam
Hai diễn biến khác thường trên đây có điểm gì chung?
Xin thưa, chúng cùng chia sẻ những điểm chung sau. Thứ nhất, chúng đều là những sự vụ mà TBT Nguyễn Phú Trọng là người có tiếng nói cuối cùng. Thứ hai, chúng thể hiện ảnh hưởng không thể chối cãi của “thế và lực” Trung Quốc tại Việt Nam (Formosa Hà Tĩnh tiếp tục là đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường “made in China” lơ lửng trên đầu dân tộc, mà ông Nguyễn Phú Trọng chính là người phải chịu trách nhiệm cao nhất). Và thứ ba, chúng diễn ra sau thời điểm Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, thủ lĩnh nhóm chống Tàu trong bộ máy kể từ khi Trương Tấn Sang quy thuận Bắc Kinh giữa năm 2013, biến mất đầy bí ẩn từ ngày 25/7/2017 trước khi “tái xuất” vào ngày 28/8/2017.
Và bộ dạng nhợt nhạt, mất hết phong độ và nhuệ khí của ông Trần Đại Quang khi “tái xuất” trước công chúng báo hiệu điều gì nếu không phải là một tương lai đầy u ám cho Việt Nam, khi phe nhóm đại diện cho “lợi ích Tàu” do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu không còn đối thủ nào đáng kể trên chính trường?
- Lê Anh Hùng
- Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.
Nguồn: VOA
Post a Comment