Ngư dân bám biển, Việt cộng bám ngư dân
Đại Nghĩa (Danlambao) - Nhóm phóng viên RFA tường trình từ Việt Nam về tình hình ngư dân đánh bắt hải sản ở đảo Lý Sơn, một ngư dân tên Sơn cho biết sở dĩ trong nước giá hải sản lên cao là do “Hải sản khan hiếm vì mất ngư trường” đánh bắt truyền thống từ lâu đời nay.
“Ông Sơn khẳng định rằng trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, mọi tàu đánh cá không bị hoặc chưa bị đâm chìm chỉ nằm trong các trường hợp đánh lén lút hoặc đã mua phiếu thông hành để đánh bắt từ phía TQ. Những tàu nào đánh bắt mà không mua phiếu thông hành của TQ thì chắc chắn sẽ bị họ đâm chìm tàu nếu họ gặp. Có một vấn đề mà ông Sơn cảm thấy nực cười là những tàu của ngư dân TQ đều được trang bị vũ khí và họ hành xử giống cướp biển với ngư dân Việt Nam, có rất nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam bị loại tàu này đâm phá, cướp bóc trên biển Đông”. (Boxitvn online ngày 22-10-2015)
Trung cộng thường xuyên cho tàu đánh phá và cướp ngư cụ cũng như chúng cố tình đi vào vùng giăng lưới của ngư dân Việt Nam gây thiệt hại đáng kể, một ngư dân Đà Nẵng cho biết:
“...phát hiện một đoàn tàu cá khoảng 200 chiếc có ghi chữ tượng hình hành nghề giã cào, tàu sơn màu xanh, ca bin màu vàng và trắng chạy theo hướng từ Bắc vào Nam... Sau khi hàng trăm chiếc tàu này đi khỏi, anh Đức cho kéo lưới lên thì phát hiện có 40 tấm bị đứt, đã rơi xuống biển, 10 bị rách, thiệt hại khoảng 300 triệu đồng”. (Motthegioi online ngày 17-11-2015)
Trước đây trước thông tin tàu ngư dân Việt Nam bị tàu Trung cộng đâm chìm hoặc có hành động cướp bóc, đánh đập ngư dân Việt Nam thì cho đấy là “tàu lạ”, nhưng ngày nay không còn lạ gì nữa nên nói thẳng đấy là tàu của TC. Trước tin chủ tàu cá ĐN 90370 trình báo bị tàu treo cờ TC uy hiếp thì:
“Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng thành phố phối hợp với sở NNPTNT báo cáo sự việc tàu cá ĐN 90370 TS (chủ tàu Đào Ngọc Bé) của Đà Nẵng bị tàu treo cờ TQ gây thiệt hại vừa qua cho Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng Việt Nam và Bộ NNPTNT để đề nghị các bộ, ngành Trung ương có biện pháp, giải pháp hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia”. (LaoDong online ngày 4-12-2015)
Việc bảo vệ anh ninh biển đảo, bảo vệ ngư dân đánh bắt trên ngư trường của mình, nhà cầm quyền Việt cộng chỉ “bám” vào “Ngư dân Lý Sơn ‘bị TQ đánh, vẫn bám biển” .
“Ngư dân Lý Sơn quan trọng cho an ninh quốc gia đến mức họ được miễn nghĩa vụ quân sự. Công việc của họ là tiếp tục ra khơi, đối diện de dọa của TQ đối với lãnh thổ Việt Nam. Ngày càng nhiều vụ đụng độ với tuần duyên và hải quân TQ”. (BBC online ngày 11-1-2016)
Ngư dân chỉ được Việt cộng “hỗ trợ” để đem sinh mạng và tiền của ra bám biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia, còn bộ đội, cảnh sát tuần duyên thường ngày đàn áp dân thì chỉ biết lo việc “bám ngư dân”!
Trong lúc Trung cộng cho dân quân đem súng theo tàu đánh cá ra biển thì nhà cầm quyền Việt cộng chỉ nghĩ ra chống cự một cách thụ động là cho ngư dân vay tiền để làm tàu vỏ sắt để cho Tàu cộng đụng không chìm. Nhưng còn hải tặc Trung cộng có võ trang phá lưới, lên tàu cướp hải sản, cướp ngư cụ, bắt, đánh đập ngư dân đòi tiền chuộc thì sao, ai bảo vệ họ đây? Ngư dân sẽ còn khổ đến bao giờ? Than ơi, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chỉ tuyên bố sau khi tàu cá Việt Nam bị đâm trong vụ giàn khoan Hải Dương 981:
“Chúng tôi sẽ có những biện pháp để bảo vệ ngư dân, tiếp tục hỗ trợ bám biển, vừa để sản xuất vừa tham gia bảo vệ chủ quyền”. (VNExpress online ngày 17-5-2014)
“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hứa là sẽ tài trợ cho ngư dân để xây tàu chắc chắn hơn để có thể tự vệ tốt hơn”. (VOA online ngày 15-6-2015)
Cấp chỉ huy bộ đội như tướng Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh thì ra lệnh cho bộ đội “bám Tàu cộng” không được nổ súng dù bị quân Tàu cộng tấn công đánh chiếm biển đảo. 64 chiến sĩ hy sinh trong việc bảo vệ Gạc Ma năm 1988 cho đến nay nhà cầm quyền CSVN chưa một lần chính thức làm lễ truy điệu mà còn cho côn đồ ngăn cản phá quấy những ai làm lễ truy điệu. Ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết cho biết lúc ấy:
“Ngài Bộ trưởng Quốc phòng hồi ấy là ngài Lê Đức Anh đã ra cái lệnh như vậy mà anh Lê Mã Lương đã tường thuật trong hội thảo tưởng niệm Gạc Ma của chính Trung tâm Minh triết tổ chức ở Khách sạn Công đoàn năm ngoái, thì bây giờ ta phải công khai cái này.
Một Bộ trưởng Quốc phòng thấy giặc nó xâm lấn bờ cõi của mình mà ra lệnh không được chống lại, đứng im như thế cuốn cờ lên người mình để cho nó nã súng nó bắn!”
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một nhà ngoại giao kỳ cựu, am hiểu sâu sắc vấn đề Trung cộng đánh giá quyết định không nổ súng của Bộ trưởng QP Lê Đức Anh:
“Tôi cho rằng lúc bấy giờ ông Lê Đức Anh được đưa lên làm Bộ trưởng QP mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc. Ra lệnh không được bắn lại để cho TQ nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì tôi cho đó là một hành động phản động, phản quốc”. (RFA online ngày 12-3-2015)
Tên tướng hèn như thế mà sau này lại được đảng CSVN bầu làm Chủ tịch nước. Thật là bất hạnh cho dân tộc Việt Nam! Không có nhục nào hơn!
Tiếp theo bộ trưởng QP Lê Đức Anh còn có tên Bộ trưởng QP Phùng Quang Thanh cũng không kém tên tiền nhiệm, cũng đã từng phát ngôn những câu xanh rờn, làm cho Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang phải “Buồn và lo vì có một bộ trưởng quốc phòng quá dớ dẩn”, ông ghi lại lời của nhà báo Vũ Đông Hà nhận xét:
“Phùng Quang Thanh chính thức hùa theo Bắc Kinh để xem những vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông không còn là của Việt Nam nữa mà là khu vực chung của các quốc gia cùng khai thác... Phùng Quang Thanh đã trở thành người phát ngôn Việt Nam tích cực nhất cho chủ trương tằm ăn dâu của Bắc Kinh”. (DanChimViet online ngày 24-10-2014)
Nhà văn Đại tá QĐND Phạm Đình Trọng nhận xét ông Bộ trưởng Quốc phòng “bám Tàu cộng” này như sau:
“Là Bộ trưởng quốc phòng được hưởng lương bổng, đãi ngộ hậu hỉ của dân, được ơn mưa móc sâu dày của nước để đánh giặc giữ nước nhưng ông Phùng Quang Thanh dửng dưng trước việc biển đảo của tổ tiên, của lịch sử Việt Nam bị TQ đánh chiếm, bình thản chấp nhận sự mất mát đó, coi kẻ cướp biển cướp đảo, bắn giết đồng đội, bắn giết người dân Việt Nam là bạn”. (DanChimViet online ngày 24-10-2014)
Lại thêm thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Quốc hội đã lý giải với cử tri Đà Nẵng lý do tại sao chúng ta phải “thúc thủ giữ hòa bình”. Sau những năm chấm dứt chiến tranh, đảng cộng sản lòi ra những tên tướng bạc nhược, chưa đánh mà đã đầu hàng giặc.
“Chủ trương của chúng ta là giữ vững hòa bình để phát triển kinh tế, kiên trì giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế...
Khi xảy ra chiến tranh thì bên nào mạnh hơn bên ấy thắng…Ra ngoài biển là phải có tàu chiến, phải có tên lửa, phải có không quân. Làm sao chiến tranh nhân dân được. Ở trên biển khó lắm. Cho nên chủ trương của chúng ta như thế. Ta phải hiểu như thế, để bà con cũng hiểu cho các đồng chí lãnh đạo. Chứ không phải lúc này chúng ta hô hào đánh nhau. Đánh nhau thì làm sao ổn định làm ăn mà có khi chúng ta đánh thắng rồi lại bị phủ đầu”. (Motthegioi online ngày 30-6-2015)
Nhà cầm quyền Việt cộng đã đáp ứng sự yêu cầu của tên tướng Huỳnh Ngọc Sơn bằng cách “Việt Nam sắm tàu lớn, máy bay cho cảnh sát biển” và cả tàu ngầm mua của Nga, ấy thế mà vì tinh thần chiến đấu bị thui chột và thêm nỗi tham nhũng cho nên Trung cộng ngày càng lấn lướt. Từ lâu Trung cộng chỉ đưa tàu lạ, nay đến “máy bay lạ” diễn binh trên bầu trời Sài Gòn những mấy chục lần. Việt cộng chỉ la làng, phản đối bằng mồm.
“Trả lời VietNamNet, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển, trung tướng Phạm Đức Linh cho hay, đầu năm 2012, Việt Nam sẽ trang bị thêm các tàu lớn, có thể đi biển dài ngày và máy bay cho lực lượng cảnh sát biển”. (Vietnamnet online ngày 7-7-2011)
Đầu năm 2012 trang bị thêm tàu lớn, nhưng đầu năm 2016, ngày 3 tháng 1 ngư dân báo cáo bị tàu Trung cộng phá hoại thì mãi đến 6 giờ rưởi chiều ngày hôm sau, 4 tháng 1 tàu Cảnh sát biển Việt Nam mới có mặt.
“10 tàu cá TQ đánh bắt trái phép trên vùng biển Cồn Cỏ, Quảng Trị đã bao vây và phá hoại ngư cụ của 4 tàu cá Việt Nam đang đánh bắt tại đó…một tàu cá TQ đã hung hăng thả neo rồi kéo rê ngang qua vùng biển mà ngư dân Quảng Trị thả lưới, 9 chiếc tàu còn lại chạy xung quanh chiếc tàu đó để sẵn sàng trợ giúp. Hậu quả, 12 cheo lưới của ngư dân Quảng Trị (tổng giá trị gần 100 triệu) bị hư hỏng hoàn toàn”. (NguoiLaoDong online ngày 11-1-2016)
Tướng Sơn thì đòi phải có máy bay, tàu chiến, tên lửa mới chống giặc, còn không có thì “giữ hòa bình”, nhưng không biết Trung cộng có chịu để cho hòa bình và yên ổn làm ăn hay không đây? Việt Nam cũng đã mua tàu ngầm, máy bay nhưng “Quảng Trị: Tuần tra biển khống, ‘rút ruột’ Nhà nước hàng tỉ đồng”.
“Kết quả xác minh của Bộ tư lệnh Biên phòng tại BĐBP tỉnh Quảng Trị mới đây đã xác nhận trong năm 2013-2014 đã có 11 kế hoạch tuần tra giám sát nghề cá trên biển được lập khống với tổng số tiền đã được quyết toán gần 1,9 tỉ đồng... Tuy nhiên, một cán bộ công tác trên các tàu được quyết toán khống này khẳng định rằng trên thực tế số lượng tàu tuần tra được quyết toán khống còn lớn hơn nhiều”. (LaoDong online ngày 6-7-2015)
“Bộ đội lo giữ hòa bình” thì không còn ai giữ biển đảo, vì thế cho nên “Ngư dân Lý Sơn treo lưới bỏ nghề vì TQ”. Một ngư dân tên Thiện, từng bị TC bắt giam trên đảo Hải Nam bỏ nghề về làm du lịch, chia sẻ với RFA như sau:
“Theo ông Thiện, hiện nay, vùng biển có thể đánh bắt được đối với ngư dân đánh bắt xa bờ hầu như không còn nữa. Những ngư trường truyền thống của Việt Nam dọc theo các đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã bị TQ cấm đánh bắt. Việc ra ngư trường cũ để đánh bắt còn đáng sợ hơn việc đùa giỡn với tử thần.
Mặc dù chính phủ khuyến khích ngư dân ra biển đánh bắt, giữ ngư trường truyền thống và cho ngư dân vay với lãi suất thấp để nâng công suất tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhưng chẳng mấy ai mặn mà với việc này, trừ khi đã thành con nợ, phải lao như thiêu thân”. (RFA online ngày 21-9-2015)
Ông Đặng Xương Hùng, một nhà ngoại giao lâu năm thấy được dã tâm độc ác của nhà cầm quyền cộng sản nên ông đã bỏ đi tỵ nạn tại Thụy Sĩ, đồng thời vạch mặt cái trò “đem con bỏ chợ, sống bám ngư dân” của CSVN như sau:
“Trong chiến tranh thì người CSVN rất thí quân; tức để chiến thắng thì thí quân rất nhiều. Ví dụ như ở Quảng Trị và vấn đề thí quân đó đang xảy ra với ngư dân Việt Nam. Tức sử dụng ngư dân để nói lên rằng Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là của Việt Nam. Tuyên bố đó ra với bên ngoài để giành được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, còn ngư dân thì cứ thiệt thòi không được bảo vệ từ phía quân đội Việt Nam”. (RFA online ngày 14-10-2015)
13.01.2-16
Post a Comment