Ôi, "cái lưỡi không xương..."!
Nguyễn Dư (Danlambao - Không hiểu sao miệng lưỡi mấy ông cộng sản, từ những ông cấp cao cho tới mấy ông cấp thấp, ăn nói hình như có vấn đề. Nó là chuyện dài nhiều tập, mà tập nào tập nấy đều dầy cộm. Hiếm có, và hình như chưa thấy ông nào diễn thuyết suôn sẻ, lưu loát, nói và giữ đúng lời. Chúng ta thấy từ ông Hùng, Dũng, Sang, Trọng; nhất là ông Dũng ăn nói lắp bắp, lặp đi lặp lại bằng những ngôn từ quen thuộc, nói và làm không thống nhất nhau. Qua thông điệp đầu năm trước đây, đề cao về dân chủ, nhưng ông Dũng đã ký ban hành hàng loạt những quy định hoàn toàn phản dân chủ; làm cho người ta có thể nhận ra con người của ông liền: là một người không có liêm sỉ, dốt nát, nhà quê, không có trình độ học vấn; đọc thông điệp nói về dân chủ do người khác viết sẵn nhưng không hiểu đích thực như thế nào mới là dân chủ.
Cách nay có khoảng gần chục năm, ông Lê Doãn Hợp bộ trưởng bộ bốn tê (thông tin truyền thông) "tiến sĩ hệ cử tuyển (ngành kinh tế chính trị) cao cấp về lý luận chính trị", tuyên bố một câu "để đời", bị lãnh đạn te tua, âm vang cho đến tận ngày hôm nay vẫn còn. Ông nói đại khái: cho tự do báo chí nhưng phải đi theo lề phải, nó là luật, giống như luật giao thông. Ông quên rằng báo chí, ngôn luận thuộc về hệ tư tưởng, mà tư tưởng thì phải là đa chiều. Tư tưởng, dứt khoát không thể chỉ có hai chiều được! Hay là ông muốn ví như luật giao thông ở Việt Nam: thử đi ra ngã tư, ngã năm, ngã sáu, ngã bảy ở Sài Gòn mà coi, ở đó giao thông cũng... đa chiều (!)
Cái kiểu nói của ông: một là phe ta (lề phải); hai là phe địch (lề trái). Ông thật là mâu thuẫn, phải nằm ép trong khuôn khổ lề phải và lề trái như luật giao thông ông ví thì làm sao gọi là tự do! Hay có thể là ý ông nói: muốn chaỵ lạng lách tự do sao thì chạy, nhưng phải chạy một bên (đúng chiều). Cái kiểu "tự do" của ông và cũng là "tự do" của đảng ông, luật của các ông thì chỉ có mình ông và đảng ông hiểu, suy nghĩ, đề ra, muốn mọi người phải chấp hành.
Ở trên là mâu thuẫn từ đời trước, đời ông Lê Doãn Hợp là bộ trưởng; còn đến đời ông Nguyễn Bắc Son, bộ trưởng thời nay, mâu thuẫn cũng được lập lại không kém.
Ông Son nói: "theo hiến pháp năm 2013, mọi công dân có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do tiếp cận và cung cấp thông tin... nhưng mọi tự do đó dẫn đến ảnh hưởng tới lợi ích có hại, xâm phạm tới quyền tự do của người khác thì phải bị xử lý nghiêm".
Ông lấy ví dụ: "Nữ sinh mười lăm tuổi ở Đồng Nai tự tử do không chịu nổi áp lực dư luận khi bị bạn trai tung một đoạn phim sex của cô lên mạng". Trường hợp này là xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự người khác, có bằng chứng cụ thể, tội trạng có thể cân, đong, đo đếm bằng luật pháp, cần phải nghiêm trị. Đúng! Nhưng không phải vì những chuyện xâm phạm đến nhân phẩm người khác, lấy cái cớ đó rồi đánh đồng mọi người trong toàn xã hội đều xấu để mà cấm đoán, ngăn chặn quyền tự do thông tin, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tiếp cận thông tin; thế thì còn gì là tôn trọng hiến pháp. Chính ông là một người không chính trực, đánh tráo, đánh đồng sự việc. Đây là một cớ, dễ lập lờ, đánh lận, lừa đảo theo cái kiểu tráo bài ba lá. Ông Son cần phân biệt rõ ràng từng trường hợp, không phải mọi chuyện nào cũng bỏ chung cùng một rọ.
Tự do thông tin, tự do tiếp cận thông tin, tự do ngôn luận, bản chất mỗi câu chữ nó là như thế, rõ ràng, trắng đen là như thế thì phải được thực thi đúng theo hiến pháp như thế. Còn người nào nói, phổ biến thông tin ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự người khác, bị luật pháp sờ gáy thì đó lại là chuyện khác, không phải vì chuyện nọ mà xọ sang chuyện kia, để rồi tước đi cái quyền của chín chục triệu người dân Việt Nam mà hiến pháp đã minh định.
Theo như ông Son nói, xin hỏi: ảnh hưởng tới lợi ích có hại, xâm phạm tới quyền tự do của người khác là gồm những thứ gì? Nếu người ta nói: ông Lê Khả Phiêu, Ông Trần Văn Truyền, ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Tấn Dũng... cả đám đảng viên các ông từ trung ương cho tới địa phương đều tham nhũng thì có bị kết tội là làm ảnh hưởng tới lợi ích có hại, xâm phạm đến quyền tự do của người khác không? Nếu cần, người ta có thể trưng ra bằng chứng tham nhũng của các ông cho ông Son coi.
"Dùng Facebook để nói xấu đảng, nhà nước cần phải nghiêm trị". Ông Son nói câu này nhưng ông không đưa ra cụ thể mức độ tổn hại của vụ việc nói xấu đảng, nhà nước của ông là như thế nào để phải bị nghiêm trị. Ông và đảng của ông ma mãnh rồi kết tội để nghiêm trị. Thật là khó chấp nhận!
Ở một đoạn khác: ông bộ trưởng thảo luận, định cho ra đời "luật an toàn thông tin". Không biết có phải cái dự luật này còn gọi là luật "lấy thúng úp voi", đúng không ông Son? Thông tin thì làm sao mà an toàn cho được hả... trời! Các ông họp hành, bàn tán chỉ tạo ra "công ăn" cho các ông; còn "việc làm" thì chả có lợi ích gì cho cho dân cho nước, mà chỉ có lợi cho toàn đảng và toàn... cái quân như các ông mà thôi.
Còn đây, ông Trương Minh Tuấn thứ trưởng bộ bốn tê, ngôn rằng: "Chúng ta không ngăn chặn mạng xã hội, đảm bảo tự do báo chí và tự do internet ở Việt Nam là quan điểm nhất quán của đảng, nhà nước Việt Nam (nghe sao mà nó... đã cái lỗ tai quá chời!). (Nhưng sao lại còn) Tuy nhiên đối với những trang thông tin xấu, độc, xuyên tạc và có tính chất vu cáo để chia rẽ nội bộ thì chúng ta dùng nhiều biện pháp đấu tranh, trong đó kể cả biện pháp kỹ thuật nếu cần thiết".
Ông Tuấn ơi, cái đoạn này ông nói như thế chỉ vì đảng của các ông không có đủ khả năng ngăn cấm được nữa rồi, cho nên ông mới ngôn như thế; chứ nếu các ông mà có khả năng tuyệt đối thì người dân cũng sẽ... tới số luôn!
Và tôi xin nói với ông Tuấn thế này: báo chí đảng các ông chỉ có thể phản biện, phản bác trên phương tiện truyền thông bằng ngôn luận, thì mới gọi là tự do; chứ còn dùng biện pháp đấu tranh hay kỹ thuật gì gì đó của các ông là phản dân chủ, đi ngược lại tuyên ngôn về quyền con người của nhân loại và hiến pháp hiện hành của Việt Nam đấy. Nó không phải là quyền tự do báo chí như ông tưởng đâu ông ạ!
Ông Tuấn có nghe và hiểu rõ tôi đang nói cái gì không hả ông?
13.01.2016
Post a Comment