Chế Định Bảo Hiến Trong Hiến Pháp Việt Nam

BẢO HIẾN TRONG HIẾN PHÁP VIỆT NAM

Từ khi có bản Hiến pháp đầu tiên 1946, đến nay Việt Nam đã có tất cả 7 bản Hiến pháp. Trong đó có 2 bản Hiến pháp của chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tồn tại từ 1946-1976 gồm Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. 2 bản Hiến pháp của chính thể Việt Nam Cộng Hòa tồn tại từ 1955-1975 là Hiến pháp 1956 và Hiến pháp 1967. Và 3 bản Hiến pháp của Chính thể Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là Hiến pháp 1980, 1992 và 2013. Lần sửa đổi gần đây nhất là bản Hiến pháp 2013 được quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013. Hiến pháp 2013 được chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Lệnh công bố ngày 09 tháng 12 năm 2013. Tuy nhiên dù đã có 7 bản Hiến pháp nhưng Việt Nam chỉ có 2 bản Hiến pháp có quy định về cơ quan bảo Hiến là Hiến pháp 1956 và Hiến pháp 1967. Còn lại các bản Hiến pháp khác lẫn bản Hiến pháp 2013 vẫn chưa có chế định riêng về cơ quan bảo hiến trong Hiến pháp, thay vào đó là các quy định mang tính giám sát giữa các nhánh quyền lực trong lĩnh vực ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đó còn là việc khẳng định vị trí tối thượng của Hiến pháp, khẳng định hiệu lực pháp lý tối cao của Hiến pháp. Quy định nghiêm ngặt trình tự và yêu cầu sửa đổi Hiến pháp. Như vậy Hiện tại trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam chưa có một chế định nào về cơ quan bảo Hiến.

Trong Hiến pháp 1946, quy định bảo hiến chưa nhiều, chỉ có 3 điều, nằm ở các Điều thứ 21, 32 và 70. Sỡ dĩ ít như vậy là do hoàn cảnh lập hiến, và là bản Hiến pháp đầu tiên nên không thể không tránh khỏi các thiếu sót. Quy định bảo hiến trong Hiến pháp 1946 như sau:
        Điều thứ 21: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp vầ những quan hệ đến vận mệnh quốc gia theo Điều thứ 32 và 70”
        Điều thứ 32: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Các thức phúc quyết sẽ do luật định.”
        Điều thứ 70: “Sửa đôi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”
Vấn đề bảo hiến trong Hiến pháp 1946 chính là vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp ghi nhận một cơ chế sửa đổi để bảo vệ Hiến pháp không bị xâm phạm, thay đổi tùy tiện. Ở đây việc sửa đổi Hiến pháp có thủ tục bắt buộc là đưa ra “toàn dân phúc quyết”. Đây là một trong đặc điểm thể hiện tính dân chủ của Hiến pháp 1946, và là một trong những biện pháp nhằm mục đích bảo hiến, bảo vệ ý nguyện của nhân dân.
Tại Hiến pháp 1956, có riêng một hiến định về cơ quan bảo hiến, đó là Viện Bảo Hiến được quy định tại Thiên thứ Tám, từ điều 85 đến điều 88. Theo đó Viện Bảo Hiến có quyền ra các phán quyết về tính hợp Hiến của các đạo Luật và các quy tắc hành chính do Quốc hội thông qua. Theo đoạn 2 điều 87 thì “Phán quyết của Viện Bảo hiến có hiệu lực đình chỉ sự thi hành các điều khoản bất hợp hiến kể từ ngày phán quyết ấy được đăng trong Công báo

Bảo hiến trong Hiến pháp 1959: Mặc dù Hiến pháp 1946 có các quy định mang tính bảo hiến nhưng chưa khẳng định được hiệu lực pháp lý của Hiến pháp. Đến khi Hiến pháp 1959 được ban hành, dù mang nhiều các quy định mang tính bảo hiến song cũng chưa khẳng định được điều này. Tuy nhiên trong Hiến pháp 1959 đã gián tiếp thừa nhận tính tối cao của Hiến pháp thể hiện qua các Điều 51, 73, 105 và 112. Cụ thể:
Tại điều 51, Hiến pháp quy định về quyền hạn của Quốc hội, điều này chính là việc Hiến pháp đã gián tiếp thể hiện tính tối cao của mình đối với cơ quan quyền lực tối cao của bộ máy nhà nước.
Điều 112: “Chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tan thành”
Điều 73: “Hội đồng Chính phủ căn cứ vào Hiến pháp, Pháp luật và Pháp lệnh mà quy định những biện pháp hành chính, ban bố những Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những Nghị định, Nghị quyết và Chỉ thị ấy”
Điều 105: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kiểm sat việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân”
Bảo hiến trong Hiến pháp 1967 được trao cho Tối cao Pháp viện, được lấy theo mô hình của Hiến pháp Mỹ. Tại điều 81 Hiến pháp 1967 quy định rằng: “Tối Cao Pháp Viện có thẩm quyền giải thích Hiến Pháp, phán quyết về tánh cách hợp hiến hay bất hợp hiến của các đạo luật, sắc luật; tánh cách hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh, nghị định và quyết định hành chánh.”
Bảo hiến trong Hiến pháp 1980: Kế thừa những gì đã quy định trong Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 tiếp tục có những quy định nhằm mục đích bảo hiến, và bao gồm các quy định tại các Điều 4, 82, 83, 98, 100 và 115. Các Điều này đều quy định giới hạn quyền lực của các cơ quan nhà nước, quy định các cơ quan nhà nước phải thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật, hình thành nhiều chủ thể cùng giám sát lẫn nhau, để đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp. Tuy nhiên trong Hiến pháp 1980 vẫn còn những điểm chưa hợp lý không đảm bảo được cho các quy định mang tính bảo hiến được đặt ra. Vì trong Hiến pháp có quy định Quốc hội có quyền định ra cho mình hay cho những cơ quan khác khi cần thiết. Đây chính là một khuyết điểm lớn của Hiến pháp này vì đã không trung thành với tính chất tối cao của Hiến pháp.

Sang đến Hiến pháp 1992, các quy định về bảo hiến có tính tiến bộ hơn các quy định ở Hiến pháp 1980. Những quy định đó nằm tại các Điều 4, 74, 83, 84, 91, 94, 95, 103, 112, 126, 137, 146 và 147. Đây đều là các quy định giới hạn quyền lực của các cơ quan nhà nước, tạo ra mỗi quan hệ rang buộc giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước. Đồng thời bảo vệ công dân khi khiếu nại tố cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm trái Hiến pháp và pháp luật. Tại điều 147 quy định về điều kiện, trình tự để có thể sửa đổi Hiến pháp.
Sau khi Hiến pháp 2013 ra đời, Việt Nam vẫn chưa có một cơ quan bảo hiến nào, mà các quy định bảo hiến vẫn tiếp tục được quy định trong Hiến pháp. Theo Hiến pháp 2013, các quy định đó nằm tại các Điều: 4, 69, 70, 74, 88, 96, 102, 119 và 120. Các quy định này cũng giống như ở Hiến pháp 1992, đều quy định giới hạn quyền lực của các cơ quan nhà nước từ cao tới thấp. Các cơ quan này giám sát lẫn nhau. Điều 4 quy định về các tổ chức Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Quyền lập pháp được trao cho cả Quốc hội. Mặc dù Hiến pháp 2013 có nhiều điểm mới về quyền con người, nâng giá trị con người lên, và đặt chương quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên chương II so với Hiến pháp 1992. Tuy nhiên các quy định mang tính bảo hiến vẫn giống như Hiến pháp 1992, và không có quy định về cơ quan bảo hiến trong Hiến pháp.

 Anh Họ Nguyễn

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.