Cựu phó TBT báo Sài Gòn Giải Phóng: Cộng sản không thể sửa đổi mà phải thay thế tận gốc rễ
CTV Danlambao - Đó là lời khẳng định của ông Kha Lương Ngãi - cựu phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng sau hơn 43 năm phục vụ cho chế độ cộng sản.
“Lạc đường”
Phát biểu trước 40 nhà hoạt động nhân buổi lễ kỷ niệm Ngày quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn hôm 26/6/2016 tại Sài Gòn, vị cựu đảng viên 70 tuổi này bộc bạch:
“Tôi là một trong những người đã đi theo cộng sản, mặc dù chưa phải là lãnh tụ hay lãnh đạo gì, nhưng vẫn thấy rằng cái chế độ, cái đảng, cái nhà nước này đã gây ra biết bao nhiêu đau khổ và tội lỗi cho nhân dân”.
Theo ông, chỉ bằng mắt thường cũng có thể thấy được cảnh đời đau khổ của người dân Việt Nam kể từ sau ngày 30/4/1975.
“Khi theo cộng sản, tôi đã nghĩ rằng mình đi theo một cái lý tưởng tốt đẹp. Nhưng dần dần, đến sau ngày 30/4/1975, đầu tiên mình ngạc nhiên hỏi” “Ủa, sao thế?””.
“Dần dần, qua phong trào đấu tranh của nhân dân, mình càng ngộ ra là đã đi lạc đường”, ông chia sẻ.
Theo đảng năm 15 tuổi
Ông Kha Lương Ngãi năm nay 70 tuổi, từng giữ chức phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng bộ TP.HCM
Năm 15 tuổi, ông theo cộng sản “hoạt động cách mạng” và trở thành đảng viên năm 21 tuổi.
Trong quá khứ, ông là người yêu lý tưởng cộng sản đến mức “chân thành khờ dại”. Theo lời kể, khi thành trì cộng sản Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, ông đã khóc đến mức “nước mắt đầm đìa”.
Năm 2004, khi đã bước sang tuổi 58, ông chính thức tuyên bố bỏ đảng với lý do mất niềm tin vào đảng cộng sản – điều mà sau này ông thừa nhận là “đoạn tuyệt tình yêu khờ dại”.
Hiện nay, ông là thành viên của câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng – một tổ chức dân sự tại Sài Gòn quy tụ nhiều nhân sỹ và các đảng viên cộng sản phản tỉnh.
Phải thay đổi tận gốc rễ
Phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm hôm 26/6/2016, bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của bác sỹ Nguyễn Đan Quế đưa ra trước đó, ông Kha Lương Ngãi cho rằng chế độ cộng sản không thể sửa, mà phải thay đổi tận gốc rễ.
Nói về quá khứ cộng sản của mình, ông chia sẻ: “Tôi tự thấy mình đã góp phần vào tội lỗi, và tôi cũng tự thấy mình phải góp phần để có sự thay đổi từ căn bản”.
“Vì vậy mà tôi tham gia chuyện này, chuyện kia để góp phần thúc đẩy, làm sao để thay đổi cái chế độ, cái đảng, cái nhà nước này tận gốc rễ”.
Theo ông, tinh thần đoàn kết đấu tranh trong thời gian vừa qua, như: chống Trung Quốc xâm lược, đòi tự do dân chủ… là một điều tất yếu và cũng là một đòi hỏi chính đáng. “Chúng ta phải đòi mới có, phải đấu tranh mới có”.
Sau cùng, ông nhấn mạnh chủ trương đấu tranh ôn hoà và bất bạo động. Tuy sử dụng sách lược mềm dẻo, ôn hoà nhưng vẫn phải thể hiện lập trường kiên quyết
“Chúng ta đấu tranh tới cùng, phải thay đổi căn bản tận gốc rễ”, ông khẳng định.
Post a Comment