Chống Tham Nhũng Như Thế Nào Cho Hiệu Quả?

THAM NHŨNG – KHÔNG PHẢI KHÔNG CÓ CÁCH TRIỆT TIÊU
Tham nhũng không chỉ là quốc nạn của Việt Nam mà của chung mọi quốc gia mọi chế độ. Tham nhũng là khối u ác tính làm suy kiệt quốc gia và làm lung lay thể chế. Không phải không có cách triệt thoái tham nhũng, căn bản là phụ thuộc vào ý chí của nhà cầm quyền đương nhiệm. Một chính quyền tham nhũng thì chỉ mạnh miệng trong việc trấn an Nhân dân. Một chính quyền có trách nhiệm thì sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn sự mở rộng và phát triển của khối u các tính tham nhũng đó.

Việt Nam trong những năm gần đây, tuy rất mạnh mẽ tuyên bố ngăn chặn tham nhũng nhưng không đạt được hiệu quả tốt nhưng kì vọng của Nhân dân. Nguyên nhân do đâu? Phải chăng quant ham quá đông, hay sự thờ ơ vô trách nhiệm của chính quyền?
Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế Transparency International – TI, chỉ số CPI của Việt Nam như sau:
Năm
Thang điểm 1-10
(<5 mức độ tham nhũng cao)
Thứ hạng
2001
2.6
75/91
2002
2.4
85/102
2003
2.4
100/133
2004
2.6
102/145
2005
2.6
107/158
2006
2.6
111/163
2007
2.6
123/179
2008
2.7
121/180
2009
2.7
120/180
2010
2.7
116/178
2011
2.9
112/182
Năm
Thang điểm 0-100
(<50 mức độ tham nhũng cao)
Thứ hạng
2012
31
123/176
2013
31
116/176
2014
31
119/175
       
Từ số liệu này chúng ta có thể thấy mức độ tham nhũng tại Việt Nam rất cao. Điều này ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia.
Đối với cơ quan phòng chống tham nhũng hiện tại của Việt Nam được tổ chức rất phức tạp và hoạt động không hiệu quả. Đứng đầu là Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương thuộc Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chính phủ có Thanh tra Chính phủ do Tổng Thanh tra chính phủ đứng đầu. Hầu như tất cả các Bộ ngành, UBND các cấp đều có cơ quan phòng chống tham nhũng.
Sở dĩ phòng chống tham nhũng ở Việt Nam không đạt hiệu quả cao là bởi các nguyên nhân sau:
Thứ nhất là luật pháp yếu kém tạo nhiều lỗ hổng cho tham nhũng có cơ hội phát triển.
Thứ hai là người tham gia tố cáo tham nhũng không những không được bảo vệ mà bản thân các quan tham có cơ hội che dấu hành vi phạm tội của mình.
Thứ ba là cơ quan phòng chống tham nhũng không có tính độc lập, không có các đặc quyền chống tham nhũng riêng biệt. Cơ cấu tổ chức của cơ quan này không phù hợp cho việc triệt thoái tham nhũng. Và trên hết không thể chống tham nhũng khi mà cơ quan phòng chống tham nhũng có tham nhũng.
Thứ tư là hệ thống cơ cấu bộ máy Nhà nước cồng kềnh, quản lý yếu kém. Chậm đổi mới, và đặc biệt còn tồn tại hình thức “con quan lại làm quan”.
Thứ năm là các biện pháp giám sát và thẩm tra về báo cáo tài sản của công chức không được thực hiện một cách minh bạch.

Chính những nguyên nhân này mà việc chống tham nhũng của Việt Nam thực hiện nhưng không đạt hiệu quả. Bởi vậy, để thực hiện tốt việc chống tham nhũng cần phải làm các vấn đề sau đây:
Một là, dẹp bỏ mọi cơ quan phòng chống tham nhũng hiện nay. Tổ chức lại một cơ quan chống tham nhũng có cơ cấu tổ chức khác biệt. Cơ quan này phải có tính độc lập, không chịu sự chi phối từ lãnh đạo Đảng trong công việc phòng chống tham nhũng. Cơ quan chống tham nhũng này phải được hưởng các đặc quyền về chống tham nhũng riêng biệt. Có quyền truy tố các đối tượng tham nhũng kể cả Chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Nước hay cả Thủ tướng chính phủ. Có quyền soạn thảo quy phạm hành vi đạo đức của công chức. Giám sát và thẩm tra khai báo tài sản công khai và bí mật của các công chức. Thẩm xét lý lịch những quan chức được bổ nhiệm. Công chức thuộc cơ quan chống tham nhũng này được hưởng một mức lương tương đương với những người đứng đầu Quốc gia, đồng thời những công chức này chỉ duy nhất báo cáo trực tiếp cho người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng này.
Hai là pháp luật cần phải dẹp bỏ các  lỗ hổng tạo môi trường cho tham nhũng hoạt động. Cần phải đưa vào Hiến pháp quy định “Tham nhũng là quốc nạn, Quốc gia có nhiệm vụ triệt tiêu tham nhũng”. Loại bỏ các thủ tục hành chính phiền hà gây nhũng nhiễu. Đối với các quy phạm xử phạt hành chính, phải được quy định một mức xử phạt cụ thể, không được quy định trong một khoảng mức xử phạt như hiện nay. Điều này có nghĩa là phải có một con số cụ thể về quy định mức xử phạt. Ví dụ như đối với tội giết người Điều 93 trong bộ Luật hình sự 1999 được sửa đổi bổ sung quy định đối với khoản 1 phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Thay vào đó thì nên quy định một mức khung hình phạt cụ thể cho từng trường hợp vi phạm. Điều này có thể ngăn chặn dược chuyện “chạy án”đang diễn ra như hiện nay. Hay như các lỗi vi phạm trong Điều 6 khoản 1 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt 60 đến 80 ngàn vnđ. Thay vào đó cần phải quy định một mức xử phạt cố định hoặc là 60 ngàn vnđ hoặc là 80 ngàn vnđ.
Ba là bãi bỏ cơ chế “con quan lại làm quan” mỗi một công chức hiển nhiên được có một suất “thừa kế thế tục” cho con cháu trong bộ máy Nhà nước. Cải cách tinh giảm bộ máy Nhà nước. Thực hiện sách lược “công chức ít, hiệu quả chi trả lương cao” thay vì việc công chức đông, trì trệ, sách nhiễu chi trả lương thấp. Học hỏi theo Lý Quang Diệu – Cha đẻ của Sin-ga-po hiện đại thì những công chức thuộc hàng bộ trưởng trở lên phải được chi trả một khoản thù lao rất cao ngang bằng với khoản thương của những người đứng đầu các doanh nghiệp tư nhân làm ăn phát đạt xứng đáng với công sức trí tuệ họ bỏ ra phục vụ công việc và tránh tình trạng lương thấp khiến những cá nhân này thực hiện các công việc “tay trái” bòn rút ngân sách quốc gia.
Bốn là mức án cho tội phạm tham nhũng chỉ có hai mức. Hoặc là cưỡng bức lao động phục vụ xã hội gấp đôi khoảng thời gian đương nhiệm, và cấm vĩnh viễn không được tham giao vào bộ máy Nhà nước. Hoặc là tử hình. Đối với những công chức bị tố cáo tham nhũng sẽ bị cách chức và tước bỏ mọi quyền lợi ngay sau khi bị tố cáo, đồng thời phong tỏa mọi tài sản của công chức đó. Phải bảo vệ những người tố cáo tham nhũng để tránh họ bị trả thù.
Năm là thường niên phải giám sát việc khai báo tài sản của Công chức, yêu cầu giải thích rõ các nguồn tài sản không rõ nguồn gốc của các công chức. Công chức nào bị phát hiện có nguồn tài sản không rõ nguồn gốc sẽ bị cắt chức chờ điều tra làm rõ.
Tham nhũng có thể bị loại bỏ hay không phụ thuộc vào ý chí của nhà cầm quyền đương nhiệm. Một chính quyền bao biện quan tham thì chỉ mạnh miệng chống tham nhũng. Một chính quyền trách nhiệm thì người đứng đầu tham nhũng cũng phải xử lý nghiêm. Lịch sử đã chứng minh rằng Quốc gia suy yếu bởi phần lớn là do gian thần gây nên. Vậy nên triệt tiêu tham nhũng trước hết phải thực hiện từ trên xuống dưới, không thể chỉ đánh trống bỏ dùi như hiện nay được.
Anh Họ Nguyễn

06/2016

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.